Thiền và nghệ thuật buông thư

 

(Phỏng vấn đặc biệt với Thiền sư Thích Nhất Hạnh)

Marianne Schnall

(Đăng trên The Huffington Post của Mỹ, ngày 21.05.2010)

Trong bài phỏng vấn dưới đây, Thiền sư Thích Nhất Hạnh chia sẻ những tuệ giác, những lời khuyên quý báu về việc làm thế nào sử dụng thời gian nghỉ để nuôi dưỡng thân tâm (Thầy nói “loài người chúng ta đã đánh mất thói quen nghỉ ngơi và thư giãn thật sự”), làm thế nào một Thượng nghị sĩ bận rộn của Quốc hội Mỹ có thể sử dụng thiền hành trên đường đi đến phòng nghị sự để giảm căng thẳng và làm đầu óc trở nên sáng suốt. Thầy cũng chia sẻ những lo ngại về ảnh hưởng của khoa học công nghệ lên xã hội và niềm tin vào sức mạnh của thiền tập trong việc tạo nên một xã hội bình an.

Marianne Schnall (MS): Xin Thầy chia sẻ về những kết quả mà sự buông thư và thiền tập mang lại trong cuộc sống hàng ngày của Thầy?

Thầy: Thiền tập có sức mạnh trị liệu rất lớn, như các nghiên cứu khoa học hiện đại đã cho thấy. Sự thực tập hơi thở ý thức, thiền tọa, thiền hành giúp giải tỏa những căng thẳng trong thân và trong tâm. Khi ta cho chính mình một cơ hội để buông bỏ tất cả những căng thẳng, khả năng tự trị liệu của cơ thể sẽ bắt đầu làm việc. Các con thú trong rừng đều biết điều này. Khi chúng bị thương, bệnh hoặc quá mệt, chúng biết phải làm gì. Chúng tìm một nơi yên tĩnh, nằm xuống để nghỉ ngơi. Chúng không đi tìm thức ăn hoặc đuổi theo những con thú khác, chúng chỉ nghỉ ngơi thôi. Sau vài ngày nằm yên để nghỉ ngơi, chúng được chữa lành và hoạt động bình thường trở lại.

Loài người chúng ta đã đánh mất tuệ giác của sự nghỉ ngơi và thư giãn thật sự. Chúng ta lo lắng quá nhiều. Chúng ta không cho phép cơ thể mình tự chữa lành, và cũng không cho phép tâm ta được chữa lành. Thiền tập có thể giúp ta ôm ấp những lo lắng, sợ hãi, giận hờn và điều này rất trị liệu. Ta để cho khả năng tự trị liệu trong ta được hoạt động một cách tự nhiên.

Thư giãn hoàn toàn chính là bí quyết để có an lạc trong khi ngồi thiền. Tôi ngồi với một cái lưng thật thẳng nhưng không gồng cứng, và tôi thư giãn tất cả các bắp thịt trong cơ thể. Thở vào, tôi đem tất cả sự chú ý đến một bộ phận nào đó trong cơ thể; thở ra tôi mỉm cười biết ơn và gửi tình thương đến bộ phận đó. Thí dụ như tôi thở vào và hướng sự chú tâm đến khuôn mặt. Trên mặt tôi có khoảng 300 bắp thịt và khi nào tôi lo lắng, giận dữ hoặc sợ hãi, 300 bắp thịt đó siết lại, và bất cứ ai nhìn thấy tôi cũng có thể thấy tôi đang căng thẳng. Nhưng nếu trong khi thở vào, tôi có thể ý thức đến khuôn mặt của mình, và thở ra tôi có thể mỉm cười với khuôn mặt của mình, thì ngay lập tức sự căng thẳng sẽ tan biến. Điều đó gần như là một phép lạ. Chỉ trong một vài hơi thở, ta có thể cảm nhận được sự bình an, hạnh phúc và thư giãn trên khuôn mặt. Mặt ta trở nên nhẹ nhàng, tươi mát, giống như một bông hoa. Khuôn mặt ai cũng đều là một đóa hoa.

“Thở vào tôi ý thức về gương mặt tôi, thở ra tôi mỉm cười với gương mặt tôi”, ta có thể thực tập như vậy trong vòng ba đến bốn hơi thở. Sau đó, ta hướng sự chú tâm đến các bắp thịt trên hai vai, bởi vì các bắp thịt trên hai vai chúng ta thường hay bị căng thẳng. “Thở vào, tôi ý thức về các bắp thịt trên hai vai; thở ra, tôi thư giãn và mỉm cười với hai vai tôi”. Cứ như thế ta dần dần di chuyển đến khắp các vùng trên cơ thể, và chỉ sau một vài phút ta có thể làm cho cơ thể trở lại bình thường với trạng thái nhẹ nhàng, thư giãn.

Đây là điều mà ai cũng có thể làm được trong một vài phút đầu tiên sau khi ngồi xuống, không nhất thiết là chỉ ngồi trong thiền đường mà thôi. Bất cứ ngồi ở chỗ nào, ta cũng có thể ngồi thật đẹp, như là ta đang ngồi thiền vậy, ngồi đâu ta cũng có thể cảm thấy vững chãi, thảnh thơi. Ngồi xuống để ăn cơm hay làm việc văn phòng, ta nên ngồi thẳng và buông thư. Hãy ngồi như Bụt ngồi.

Tôi biết có một vài Nghị sĩ ở Quốc hội Mỹ thực tập thiền hành ở Capital Hill. Một vị nói với tôi là khi đi đến phòng bỏ phiếu để thông qua một dự luật, ông ấy luôn thực tập thiền hành, hoàn toàn dừng lại mọi suy nghĩ. Văn phòng của ông rất bận rộn, mỗi ngày ông phải trả lời rất nhiều câu hỏi, giải quyết bao nhiêu việc khác nhau. Vì vậy thời gian duy nhất trong ngày mà ông có thể thật sự dừng mọi suy nghĩ để nghỉ ngơi là khi ông rời văn phòng để đến phòng bỏ phiếu thông qua dự luật. Ông để tất cả tâm ý vào hơi thở và vào bước chân, hoàn toàn không suy nghĩ gì hết. Và ông nói điều đó thực sự giúp ông có thể sống còn trong cuộc sống bận rộn tối mắt tối mũi của một Nghị sĩ.

Chúng ta phải học lại nghệ thuật nghỉ ngơi và buông thư, điều này rất quan trọng. Nó không những giúp ngăn ngừa rất nhiều các bệnh tật phát sinh từ chứng căng thẳng và lo lắng mãn tính mà còn làm cho đầu óc sáng sủa, tập trung, từ đó tìm ra các phương cách sáng tạo để giải quyết vấn đề. Nếu như ta có thể buông bỏ tập khí luôn chạy về tương lai, biết dừng lại để thư giãn và trở về với chính mình, chúng ta sẽ thành công hơn trong bất cứ phương diện nào mà ta muốn. Và chúng ta sẽ có thêm niềm vui sống.

MS: Có những người cho rằng thời gian thư giãn của họ chính là lúc sử dụng những thiết bị điện tử, thí dụ như máy vi tính, ti-vi hoặc tweeting. Thầy nghĩ thiền tập giúp được gì trong trường hợp này, thưa Thầy?

Thầy: Câu hỏi này làm tôi nhớ đến một điều mà tôi quan sát thấy nơi những người đi nghỉ mát. Mục đích của việc đi nghỉ mát là có thời giờ để nghỉ ngơi. Nhưng có rất nhiều người không biết cách nghỉ ngơi, dù là họ đang được đi nghỉ mát. Khi trở về, họ còn mệt mỏi hơn trước khi đi. Vậy là sao?

Thư giãn là yếu tố vô cùng thiết yếu để làm nên sức khỏe về thể chất, tinh thần, tình cảm cũng như các mối quan hệ của chúng ta. Vì nó quá quan trọng như thế nên tôi rất mong các bạn thực sự quan sát kỹ chính mình trước và sau khi tham gia vào một hoạt động giải trí hay thư giãn nào, để thấy sau khi tham gia mình thực sự có khỏe nhẹ hơn trước khi tham gia hay không. Rồi sau đó các bạn có thể thử thực tập ngồi thiền, đi thiền hành và thiền buông thư để xem các bạn cảm thấy thế nào sau khi thực tập.

MS: Rất nhiều khi ta cảm thấy là cơ thể đang thư giãn, nhưng đầu óc thì lại rất bận rộn. Làm thế nào để có ý thức về khuynh hướng này và ngăn chặn không cho tâm bận rộn lấn át mình?

Thầy: Ý thức về hoạt động của tâm ý chính là chìa khóa. Tất cả đều bắt đầu từ tâm. Tại các trung tâm tu học của Làng Mai, chúng tôi đều thực tập là khi nghe tiếng chuông thì ta ngưng nói năng, suy nghĩ, và ngưng cái tâm tán loạn. Ta trở về với hơi thở, ngay bây giờ và ở đây, tiếp xúc với những gì đang xảy ra trong thân và trong tâm ta. Ta thật sự sống và thật sự có mặt trong giây phút này, ta không phải là một người máy chạy quanh một cách vô thức. Ta sẽ biết mình nên làm gì và không nên làm gì trong giây phút ấy. Thí dụ như ta sắp ăn một cái gì đó không lành, tiếng chuông sẽ cho ta một cơ hội để dừng và nhìn lại. Nếu ta đang chìm đắm trong những suy nghĩ về một ai đó khiến ta bực bội thì ta có thể dừng lại, ý thức về cảm xúc bực bội đó, nhìn sâu vào hoàn cảnh, ta có thể tìm ra một cách hiệu quả hơn để thoát khỏi tình trạng đó.

MS: Người ta thường nói là họ quá bận rộn nên không có thời gian để thư giãn. Vậy Thầy có cách nào đơn giản để họ có thể áp dụng trong cuộc sống bận rộn như thế không?

Thầy: Chúng ta đâu cần phải lên kế hoạch đi đến một trung tâm tu học mới có thể thưởng thức được lợi ích của việc dừng lại khi nghe chuông. Ta có thể sử dụng nhiều cái rất bình thường trong đời sống hàng ngày làm chuông chánh niệm để quay về với chính mình, trong giây phút hiện tại. Chẳng hạn như tiếng chuông điện thoại. Rất nhiều đệ tử của tôi dừng lại thở vào, thở ra ba hơi trong chánh niệm trước khi trả lời điện thoại. Làm như thế, họ có thể thật sự có mặt cho chính họ và cho người gọi. Hoặc khi đang lái xe, đèn đỏ có thể trở thành một người bạn tuyệt vời của ta, nhắc ta dừng lại, thư giãn, buông bỏ thói quen suy nghĩ tiêu cực và cảm thấy lòng mình rỗng rang hơn. Bỏ ra năm phút để chơi đùa với trẻ con hoặc các con thú, đi bộ để ngắm mây trời, cây cỏ, thưởng thức hơi thở, những điều này giúp ta buông bỏ được căng thẳng và trở nên nhẹ nhàng, tươi mát. Hãy nhận diện tiếng chuông chánh niệm yêu thích của mình, và để cho tiếng chuông đó thường xuyên nhắc chúng ta thưởng thức sự sống.

Tôi vừa viết xong một quyển sách nhỏ, hiện đang được biên tập, nói về đề tài này. Dự định sẽ đặt tựa đề bằng tiếng Anh là Peace Is Every Breath: Daily Practices for Our Busy Lives (Bình an trong từng hơi thở: Những thực tập hằng ngày cho người bận rộn), và sẽ được xuất bản vào năm 2011.

MS: Xin Thầy chia sẻ cái thấy của Thầy về vấn đề trẻ em đang bị lệ thuộc vào các thiết bị điện tử?

Thầy: Có nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh ảnh hưởng tiêu cực của vấn đề này. Tôi thấy một trong những ảnh hưởng xấu nhất của tình trạng phụ thuộc vào thiết bị điện tử – coi đó như một nơi nương tựa chủ yếu để giải trí và vui thú – là cuối cùng người ta không thấy hạnh phúc hơn, mà ngược lại. Thiết bị điện tử có thể là một công cụ có ích nếu được sử dụng trong chánh niệm. Nhưng thường thường người ta sử dụng phương tiện truyền thông và trò chơi điện tử để khỏi phải đối diện với những cảm xúc không dễ chịu như lo lắng, trầm cảm, giận dữ, cô đơn, buồn chán, v.v… Chúng ta muốn khỏa lấp khổ đau và cảm giác trống rỗng trong lòng.

Khi ta có thói quen chạy trốn những gì đang thực sự diễn ra trong tâm, trong những mối quan hệ của ta thì cuối cùng ta sẽ càng trở nên lạc lõng hơn, buồn chán hơn. Có nhiều chương trình ti-vi, âm nhạc và trò chơi điện tử rất độc hại, tưới tẩm những hạt giống của sự tham đắm, sợ hãi và bạo động trong ta.

Đúng vậy, cuộc sống và những mối quan hệ đôi khi khá là thử thách. Nhưng nếu chúng ta quen phụ thuộc vào các thiết bị điện tử (cũng giống như các chất gây nghiện, hay ăn uống không chánh niệm) để rồi tê liệt trước những gì đang diễn ra, thì vấn đề của ta càng trở nên dai dẳng và trầm trọng hơn.

Nói như vậy không có nghĩa là ta cứ ngồi đó rồi suy nghĩ miên man, nhai đi nhai lại vấn đề ta đang có. Cả hai xu hướng đó đều không đúng. Thiền tập – ngồi yên, làm lắng dịu những lăng xăng của thân và tâm, thưởng thức cảm giác là mình đang còn sống qua hơi thở vào ra – là phương pháp hữu hiệu nhất để làm cho tâm ta sáng tỏ và thấy được lối ra cho vấn đề mà ta đang bị mắc kẹt.

MS: Thưa Thầy, nếu một số đông người thật sự bỏ thì giờ ra để thiền tập và thư giãn thì sẽ tác động đến xã hội như thế nào?

Thầy: Có một điều dễ dàng nhận thấy là có quá nhiều bạo động, đói nghèo và khổ đau xung quanh ta; nhưng ta nghĩ rằng ta quá nhỏ bé và bất lực để giúp thay đổi tình trạng. Có thể chính trong gia đình ta cũng có khó khăn; có thể một thành viên trong gia đình đang rất đau khổ, tuyệt vọng và người ấy lâm vào tình trạng nghiện ngập hoặc phạm tội. Ta tự nhủ rằng ta không biết phải làm sao để giúp người kia, trong khi đó ta còn có một cuộc sống bận rộn của riêng mình.

Nhưng chính xác là ta bận cái gì? Đối với rất nhiều người trong chúng ta, đó là bận làm việc để kiếm tiền trả cho cái bằng cấp, chiếc xe mới, cái nhà to hơn, hay một chuyến nghỉ mát kỳ thú. Khi ta dành thời gian để thư giãn và thiền tập, tắt đi những âm thanh ồn ào, không ngớt của các quảng cáo trên các thiết bị điện tử, ta sẽ nhận ra rằng thực ra để có hạnh phúc, ta cần rất ít.

Ta đã có sẵn rất nhiều điều kiện để có hạnh phúc mà không cần tốn một đồng nào hết. Thí dụ như đôi mắt. Đôi mắt của chúng ta thật là mầu nhiệm, là hai viên ngọc quý. Ta chỉ cần mở mắt ra là thấy được trời xanh, mây trắng, những đóa hoa xinh đẹp, thấy gương mặt của những người thương. Hoặc đôi tai của ta: Bất cứ khi nào ta thích, ta đều có thể nghe được âm thanh của bản nhạc gây cho ta cảm hứng, của tiếng chim, dòng suối, hoặc tiếng thông reo. Tất cả những cái đó đều là những mầu nhiệm của sự sống, có sẵn cho ta bất cứ lúc nào. Ta chỉ cần mở mắt, ta chỉ cần lắng tai thôi. Thân thể ta vẫn còn khỏe mạnh, đôi chân ta vẫn còn cứng cáp. Và tất cả những mầu nhiệm đó nằm trong chính thân thể của ta.

Chúng ta có thấy mãn nguyện trong những niềm vui không tốn kém này và sống đơn giản hơn để có thì giờ thật sự lắng nghe những người mà ta gần gũi, hoặc viết thư cho một vị đại biểu quốc hội hay không? Khi ta tỉnh thức, khi ta ý thức hơn về những gì đang xảy ra, và thấy rõ mình thật sự cần phải làm gì (và không nên làm gì), thì cuộc sống của cá nhân ta và toàn xã hội sẽ dễ dàng có những thay đổi lớn. Thật tình thì tôi không biết có cách nào khác để đem đến sự thay đổi ấy ngoài cách này.

Khi thân tâm được thư giãn, người ta sẽ có khuynh hướng bớt nói năng, hành xử một cách bạo động. Khi ấy người ta sẽ có thể chạm đến rất nhiều tuệ giác và nguồn năng lượng dồi dào mà lâu lắm rồi ta chưa chạm đến, từ hồi thơ ấu đến giờ. Trong suốt tiến trình lịch sử, con người – cả nam lẫn nữ – đã đạt được những thành quả có thể nói là không thể tưởng tượng được. Sự thật là, những thay đổi chúng ta có thể làm nên cho chính bản thân và cho xã hội qua sự thực tập chánh niệm là không có giới hạn. Ta chỉ cần bắt đầu thôi, bắt đầu nơi chúng ta đang có mặt, ngay bây giờ, ở đây.

MS: Làm thế nào để có sự cân bằng giữa việc dấn thân vào cuộc đời và nuôi dưỡng đời sống nội tâm của mình?

Thầy: Chúng ta cần xem lại ý niệm cho rằng thư giãn và thiền tập sẽ lấy bớt thời gian, không cho ta thực hiện được những mục tiêu khác, thí dụ như là có một nghề nghiệp hay một mối quan hệ thành công. Thực ra khi ta dành thời gian để thiền tập thì ta sẽ đạt được nhiều thành công ở các lĩnh vực khác trong cuộc sống. Điều này có vẻ hơi mâu thuẫn nhưng đó là kinh nghiệm của chính tôi và các đệ tử của tôi.

Thí dụ trong công việc, một sáng kiến hay có thể đem đến sự khác biệt lớn trong kết quả công việc, dù công việc của bạn là bán máy hút bụi hay lập hồ sơ cho một vụ kiện, ngoài ra nó còn giúp giảm thiểu những hao tổn về sức khỏe cũng như các hao hụt khác về nguồn lực. Trong các mối quan hệ trong gia đình hay ở sở làm, sự hiện diện của một người nhẹ nhàng, thư thái giúp ta tránh không nói những lời nóng nảy khó nghe khi ta đang giận.

Những mối quan hệ giống như một khu rừng: Phải rất lâu ta mới có thể tạo dựng được niềm tin nơi người khác, nhưng một câu nói hay một nhận xét thiếu suy nghĩ sẽ giống như bật một que diêm làm cháy rụi tất cả. Những ai đã từng thiền tập có thể thấy rất rõ ràng là thiền tập và thư giãn là những cách hữu hiệu nhất để nâng cao khả năng tư duy sáng tạo, làm những chọn lựa thông minh, đem lại thành công và viên mãn trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống.

Nguồn: https://www.huffpost.com/entry/beliefs-buddhism-exclusiv_b_577541