Bài Viết

Câu linh chú cho lá thư hoà giải

(Trích trong sách “Thiền sư và em bé năm tuổi” của Sư Ông Làng Mai)

Ở Làng Mai có ba câu linh chú để thực tập khi ta khổ đau vì một ai đó. Chúng ta có thể viết xuống, cất vào ví của mình để nhắc nhở ta thực tập. Câu thứ nhất là: “Em yêu, tôi đang giận. Tôi đang khổ đau và tôi muốn em biết điều này”. Bằng lời nói ái ngữ, ta cho người kia biết sự thật là ta đang khổ đau, ta đang giận người ấy. Có thể ta tự cao tự đại, tự cho mình là đúng. Và khi một người khác tới hỏi ta có ổn không, ta có giận không, có thể ta nói: “Tôi à, tôi mà giận à? Tôi không giận gì cả, không khổ đau gì hết”. Điều này là đi ngược lại với sự thực tập. Thay vì nói như vậy, ta nói rằng: “Em yêu, tôi giận lắm, thật sự rất giận. Tôi khổ đau và muốn em biết điều này”. Nếu muốn ta có thể nói tiếp: “Tôi không hiểu tại sao em lại nói những điều như thế, em lại làm những điều như thế đối với tôi. Tôi rất đau khổ”. Đó là nội dung của câu thần chú thứ nhất.

Câu thần chú thứ hai: “Tôi sẽ cố gắng hết sức”. Điều này có nghĩa là tôi đang thực tập. Tôi biết là mỗi khi tôi giận, tôi không nên nói và làm gì cả mà chỉ trở về với hơi thở, thực tập ôm ấp cơn giận bằng chánh niệm, và nhìn sâu vào nó để thấy rõ gốc rễ sâu xa của nó. Tôi đang cố gắng hết sức. Ta chỉ cho người kia thấy được ta là một hành giả, ta biết cách xử lý cơn giận của ta. Điều này tạo thêm niềm tin và sự kính trọng trong lòng người ấy. Đây cũng là một lời mời gián tiếp, mời người kia cùng thực tập và tự hỏi: “Mình đã làm gì, nói gì khiến người kia đau khổ như vậy?”. Chừng đó là đã bắt đầu thực tập rồi. Câu thần chú thứ hai là mời người kia nhìn sâu để xem thử là người kia đã nói và làm như vậy có chính đáng hay không.

Câu thần chú thứ ba là: “Xin em hãy giúp đỡ tôi”. Bởi vì một mình tôi, tôi không thể chuyển hóa nổi nỗi khổ đau và cơn giận này. Nếu có khả năng viết ra câu thần chú thứ ba này thì ta đã bớt khổ đi rồi. Khi đã trở thành bạn đồng hành với nhau trên con đường thực tập, ta phải chia sẻ với nhau cả niềm hạnh phúc lẫn nỗi khổ đau. “Bây giờ tôi khổ đau và tôi muốn chia sẻ nỗi khổ đau này với anh và tôi muốn anh giúp tôi.” Nếu ta có khả năng viết xuống câu này nghĩa là ta đã vượt qua được sự tự ái của ta.

 

 

Thông thường khi bị tổn thương quá nặng, ta muốn trở về phòng, khóc một mình và từ chối sự giúp đỡ của người khác. Chúng ta tự ái. Chúng ta muốn trừng phạt người kia, bằng cách cho người ấy biết không có người ấy ta vẫn có thể sống bình thường. Vì vậy ba câu này là những hướng dẫn giúp ta thực tập. Thay vì từ chối sự giúp đỡ, ta nói: “Em yêu, anh rất giận em. Anh đang khổ đau. Anh muốn em biết điều này. Anh đang làm hay nhất có thể để xử lý nỗi khổ đau của mình. Xin em giúp đỡ anh”. Ta có thể viết những câu này xuống trên những tấm giấy nhỏ cỡ tấm ‘name card’ và cất vào ví. Khi năng lượng giận dữ xuất hiện, ta biết ta nên làm gì. Ta có thể lấy nó ra đọc. Trong giây phút này Bụt sẽ có mặt với ta. Ta biết rõ những gì nên làm và những gì không nên làm. Nhiều người đã thực tập điều này và chuyển hóa được mối quan hệ của mình, giữa cha và con trai, mẹ và con gái hay giữa những cặp vợ chồng với nhau. Thực tập hơi thở chánh niệm và đi thiền hành giúp ta làm lắng dịu thân tâm rất lớn. Chúng ta cố gắng hết sức mình để giải quyết tình trạng. Đừng phản ứng, đừng để cho cơn giận và bạo động gây thêm khổ đau nữa.

Lá thư hòa giải

Ba câu linh chú này là nền tảng căn bản của một lá thư hòa giải. Viết thư là một sự thực tập rất quan trọng. Cho dù ta có thiện chí lớn bao nhiêu đi nữa nhưng nếu sự thực tập của ta không đủ vững chãi, chúng ta cũng có thể bực bội cáu gắt khi nói chuyện và rồi ta sẽ phản ứng thiếu khéo léo. Điều đó sẽ đánh mất cơ hội hòa giải. Vì vậy đôi khi để an toàn và dễ dàng hơn ta nên viết thư. Trong thư ta cũng có thể nói thật hoàn toàn. Chúng ta có thể cho người kia biết những điều mà người kia đã làm khiến cho ta khổ đau và tổn thương. Chúng ta có thể viết tất cả những điều ta cảm nhận trong lòng.

Trong khi viết thư, sự thực tập của chúng ta là làm lắng dịu những cảm xúc và sử dụng ngôn ngữ hòa ái, thương yêu. Chúng ta cố gắng thiết lập một cuộc đối thoại. Chúng ta có thể viết: “Anh ơi, có thể em là nạn nhân của tri giác sai lầm, và những gì em viết ra đây có thể không phản ánh đúng sự thật. Tuy nhiên, đây là cái thấy của em, là điều em thật sự cảm nhận trong trái tim mình. Nếu tri giác em sai lầm thì xin anh hãy giúp em lấy đi cái tri giác sai lầm này ra khỏi em. Nếu những gì em viết không đúng sự thật thì xin anh hãy cùng em nhìn lại để làm rõ vấn đề này hơn và phá tan những hiểu lầm trong nhau”. Khi viết thư chúng ta phải sử dụng ái ngữ. Nếu có một câu nào đó chưa đủ khéo léo, ta có thể làm mới lại và viết lại câu khác dễ thương hơn.

Trong lá thư, chúng ta phải chứng minh là ta có khả năng hiểu được nỗi khổ đau của người kia. “Anh thương mến, em biết là anh đang đau khổ. Và em biết là anh không hoàn toàn chịu trách nhiệm về nỗi khổ đau của anh”. Khi thực tâp nhìn sâu, ta có thể khám phá ra gốc rễ và nguyên nhân nỗi khổ đau của người kia. Chúng ta có thể nói cho người kia nghe tất cả những gì ta thấy. Chúng ta cũng có thể nói cho người kia biết nỗi khổ của ta, và cho người kia biết là ta hiểu được vì sao người kia lại hành xử, nói năng như vậy.

Chúng ta có thể để dành một, hai, ba tuần để hoàn tất lá thư bởi vì đây là một lá thư rất quan trọng.

 

 

Lá thư này rất thiết thực cho hạnh phúc của chúng ta. Khoảng thời gian ta dành để viết lá thư này thậm chí còn quan trọng hơn là khoảng thời gian một, hai năm ta dùng để viết luận án tiến sĩ. Luận án của ta không quan trọng bằng lá thư. Viết thư như thế là cách hay nhất ta có thể làm để phá tan những chướng ngại trong ta và tái lập được truyền thông. Chúng ta là bác sĩ, là nhà tâm lý trị liệu giỏi nhất cho người thương của ta, bởi vì ta hiểu người đó nhất.

Chúng ta không làm điều này một mình. Chúng ta có những người anh, người chị đã từng thực tập có thể soi sáng và giúp ta viết lá thư này. Người mà ta cần, có mặt ngay tại đây trong tăng thân của chúng ta. Khi viết một cuốn sách, ta thường gởi bản thảo cho bạn bè hoặc cho những nhà chuyên môn nhờ họ đọc và góp ý giúp. Những người bạn đồng hành trong sự thực tập của ta là những chuyên gia, bởi vì họ biết thực tập lắng nghe bằng tâm từ bi, biết quán chiếu vấn đề sâu sắc và biết nói năng bằng lời ái ngữ. Vì vậy ta đưa thư nhờ sư chị sư anh đọc giúp, và xin sư chị sư anh nói cho ta biết là ngôn ngữ ta sử dụng có đủ hòa ái, bình an, trầm tĩnh chưa, tuệ giác của ta đã đủ sâu chưa. Sau đó ta đưa lá thư này cho một người sư anh sư chị khác. Chúng ta cứ tiếp tục làm như vậy cho đến khi ta thấy lá thư có khả năng mang đến sự chuyển hóa trong người kia và giúp người kia trị liệu.

Chúng ta phải đầu tư thời gian, năng lượng và tình thương yêu vào những lá thư như thế. Không ai lại từ chối giúp đỡ ta trong nỗ lực quan trọng này. Tái lập truyền thông với người ta thương yêu và quan tâm chăm sóc là điều rất quan trọng. Người đó có thể là cha ta, mẹ ta, con gái, con trai ta hay là người bạn hôn phối của ta. Người đó cũng có thể là người ngồi cạnh ta. Chúng ta có thể bắt đầu liền ngay bây giờ. Chúng ta có thể bắt đầu viết thư hôm nay. Chúng ta sẽ khám phá ra rằng chỉ cần một cây viết và một tờ giấy thôi là chúng ta có thể làm thay đổi mối quan hệ của chúng ta.

Trong khi ngồi thiền, đi thiền, làm vườn, dọn dẹp hay nấu ăn ta không nghĩ về lá thư. Tuy nhiên tất cả những gì ta làm đều liên quan đến lá thư. Thời gian ta ngồi xuống viết thư chỉ là thời gian ta trải lòng mình ra lên tờ giấy. Chúng ta viết thư khi ta tưới rau, đi thiền hành, nấu cơm cho đại chúng. Tất cả những thực tập này giúp cho ta vững chãi hơn, bình an hơn. Chánh niệm và chánh định mà ta chế tác qua những công việc hằng ngày giúp cho hạt giống của sự hiểu biết, thương yêu trong ta lớn lên. Nếu lá thư của ta được viết ra từ nguồn năng lượng chánh niệm mà ta chế tác trong ngày thì đó là một lá thư quá tuyệt vời. Cho dù những lúc ta không nghĩ về lá thư thì lá thư cũng đang được viết từ trong chiều sâu tâm thức của ta.

Chúng ta không thể chỉ ngồi viết thư thôi. Chúng ta cũng cần phải làm những thứ khác nữa. Chúng ta uống trà, nấu ăn, giặt áo, tưới rau. Thời gian ta làm những công việc này vô cùng quan trọng. Chúng ta phải làm cho đàng hoàng. Chúng ta phải để một trăm phần trăm con người mình vào việc nấu ăn, tưới cây hay rửa chén. Chúng ta thưởng thức tất cả những gì ta đang làm và làm một cách sâu sắc. Điều này rất quan trọng cho lá thư của ta và cho bất cứ điều gì ta muốn thực hiện.

Giải thoát, giác ngộ không tách rời việc rửa chén hay trồng rau. Học cách sống sâu sắc trong mỗi giây phút của đời sống hằng ngày bằng năng lượng chánh niệm và chánh định là sự thực tập của chúng ta. Những ý niệm và những sáng tạo cho tác phẩm nghệ thuật của ta diễn ra ngay nơi mỗi giây phút của đời sống hằng ngày. Lúc ta bắt đầu viết nhạc hay làm thơ chỉ là thời gian ta sinh nó ra. Giống như là thời gian ta sinh con vậy. Đứa bé đã có trong ta rồi trước khi ta sinh ra. Nếu trong ta không có ý niệm gì thì cho dù ta có ngồi vào bàn từ giờ này sang giờ khác, ta cũng không viết được gì, không có gì để cho ra cả. Tuệ giác, lòng từ bi và khả năng viết thư khiến cho trái tim người kia xúc động là hoa trái của sự thực tập. Chúng ta phải tận dụng từng phút giây của đời sống hằng ngày để cho tuệ giác và từ bi đơm hoa.

 

 

Chính năng lượng chánh niệm trong ta cho phép ta viết một lá thư rất thực, đầy tình thương yêu và có khả năng hòa giải với người kia. Một lá thư chân thành đầy tình thương yêu được làm bằng tuệ giác, hiểu biết và từ bi. Nếu không thì đó không phải là một lá thư đầy tình thương yêu. Một lá thư chân thành đầy tình thương yêu phải có khả năng mang lại sự chuyển hóa trong người kia và trên thế giới. Nhưng trước khi mang lại sự chuyển hóa cho người kia chúng ta phải chuyển hóa trong tự thân mình. Có những lá thư mà ta có thể để ra cả đời để viết.