Bài Viết

Năng lực Quán Thế Âm

Trích trong sách “Sen nở trời phương ngoại” của Sư Ông Làng Mai

Nhìn vào Bồ Tát Quán Thế Âm (Avalokiteshvara Bodhisattva) chúng ta thấy Bồ Tát Thường Bất Khinh, chúng ta cũng thấy Bồ Tát Dược Vương, tại vì con đường của tín nghĩa, của ân tình, của sự chung thủy cũng có mặt ở đây. Bồ Tát Quán Thế Âm đã lập nguyện là khi nào có người nhớ nghĩ tới Bồ Tát và niệm danh hiệu của Ngài, thì Ngài sẽ có mặt ngay trong giờ phút đó. Điều này có tính cách chung thủy, ân tình. Any time you need me, I will be there – Bất cứ khi nào con cần, ta sẽ có đó cho con, đó là tiếng nói của Bồ Tát Quán Thế Âm. Những lúc anh cần đến tôi, tôi sẽ có mặt ở bên anh, nhất là lúc anh lâm vào tình trạng khó khăn, tuyệt vọng.
Quán Thế Âm có nghĩa là lắng nghe những âm thanh của cuộc đời. Chữ Quán ở đây có nghĩa là để ý tới, nhìn sâu, nhìn kỹ để có thể hiểu.  Hiểu là cái bản chất làm ra sự thương yêu, có hiểu được mới thương. Nói đến Bồ Tát Quán Thế Âm, là ta nói tới sự thương yêu, Nam mô Đức Bồ Tát đại bi Quán Thế Âm. Nếu Bồ Tát Văn Thù tượng trưng cho sự hiểu biết lớn, nếu Bồ Tát Phổ Hiền tượng trưng cho hành động lớn, thì Bồ Tát Quán Thế Âm tượng trưng cho sự thương yêu lớn, cho đại từ, đại bi.

Khi được nghe danh xưng Bồ Tát Quán Thế Âm thì Bồ Tát Vô Tận Ý (Aksaya-mati Bodhisattva) lấy làm xúc cảm liền lập tức.  Tên nghe hay quá, Quán thế Âm, lắng nghe tiếng kêu thương của cuộc đời.  Danh từ Quán Thế Âm tác động vào trái tim của Bồ Tát Vô Tận Ý, nên Bồ Tát đứng dậy, chắp tay hướng về Bụt hỏi:  Bạch đức Thế Tôn, vì lý do gì mà vị Bồ Tát kia có tên là Quán Thế Âm (Avalokiteshvara). Định nghĩa của Bụt rất rõ. Bụt nói: Tại vì những người khổ đau khi nghe tới danh xưng ấy mà thấy hoan hỉ và lập lại, thì Bồ Tát lập tức tìm tới để giải thoát cho người kia ra khỏi cái trạng huống khổ đau trong giờ phút đó.

Chúng ta đã biết rằng kinh Pháp Hoa có tính cách đại chúng,  nhưng giáo nghĩa cũng rất thâm sâu. Nói như vậy có nghĩa là những câu kinh Pháp Hoa có thể hiểu theo tính cách đại chúng, nhưng cũng có thể hiểu được theo tính cách triết học sâu sắc. Ví dụ với câu:  Nếu có người trì niệm danh hiệu Quán Thế Âm thì người đó dù đi vào trong lửa cháy, lửa cũng không làm người đó cháy, tại vì uy lực của Bồ Tát rất lớn lao. Đứng về phương diện bình dân mà nói, niệm danh hiệu đức Quán Thế Âm thì khỏi bị tai nạn về lửa, nhưng đứng về phương diện thực tập từ bi mà nói, khi mình có lòng thương ở trong trái tim thì lửa hận thù không cháy lên được, và mình không thấy nóng. Bồ Tát Thích Quảng Đức khi ngồi xuống giữa ngã ba Phan đình Phùng, tưới dầu xăng lên người, quẹt lên que diêm, và Ngài đã ngồi yên trong lửa đỏ!  Đối với một người khác, chỉ cần phỏng một chút xíu ở tay là đã la trời la đất, nhưng ở đây lửa cháy toàn thân thể, Ngài vẫn ngồi rất yên, rất thẳng. Nếu không có lòng thương, làm sao ngồi yên và thẳng được như vậy? Cái biển lửa đó, đối với Bồ Tát, giống như một ao sen, rất là trong mát. Có lòng thương thì tất cả mọi thứ đều trở thành tươi mát. Điều này có thể thấy được trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Nếu có tình thương đối với người kia, thì dù có cực nhọc, chúng ta cũng không thấy cực nhọc, trái lại chúng ta lại tìm thấy niềm vui.  Trời rất lạnh và đêm rất khuya, nhưng nếu có một người bạn, một em bé đang bị thương ở bên ngoài, mà bị buộc ngồi ở trong nhà ấm, chúng ta sẽ thấy rất đau khổ. Ngược lại, tuy trời lạnh cắt da, nhưng nhờ có tình thương, nên khi đi ra cứu giúp cho người đau khổ đó, ta cảm thấy sung sướng nhẹ nhàng hơn nhiều. Đi vào lửa mà lửa không cháy được có nghĩa là như vậy.

Thầy Quảng Đức là một người tôi rất quen thân, vì ngày xưa tôi đã từng ở chung với thầy trong chùa Long Vĩnh. Chùa Long Vĩnh có một bộ báo Nam Phong do Phạm Quỳnh làm chủ bút, trong đó có nhiều bài nói về nguồn gốc của Phật giáo. Thầy Long Vĩnh phải đi hành đạo nhiều nơi. Ngày xưa thầy đã từng làm Kiểm tăng ở vùng Khánh Hòa, và sau đó chúng tôi gặp lại nhau tại miền Nam. Hồi đó tôi làm chủ bút tờ báo Liên Hoa. Có những đêm tôi ngồi làm việc khuya, tự nhiên thấy sau gáy hơi âm ấm, thì ra thầy đi vào rất nhẹ bước, và để tỏ tình thương, thầy đặt lên gáy tôi một chiếc hôn nhè nhẹ, rất dễ thương. Có nhiều khi chùa hết gạo, và vì các anh em ở trong chùa ít người biết cách làm trụ trì, cho nên nhiều khi tăng chúng đói. Thầy đi làm Phật sự về là anh em được no đủ lại, cho nên mỗi lần thấy thầy về thì ai cũng mừng. Đó là thầy Quảng Đức. Hồi tự thiêu, thầy có để lại một số bài thơ, và ngôn từ của thầy không chứa đựng một chút bực bội hay căm thù nào cả. Tự hiến mình cho lửa đỏ để mong Tổng thống Ngô Đình Diệm và chính phủ bừng tỉnh, để đừng đàn áp Phật giáo nữa. Chết, nhưng chết rất nhẹ nhàng, chết mà chết bằng thi ca. Ngồi ở ngã tư Phan Đình Phùng, thầy đã ngồi rất thẳng, báo chí đã chụp hình, quay phim và chỉ bốn, năm tiếng đồng hồ sau là hình ảnh thầy ngồi trong lửa đỏ đã được phổ biến khắp cùng trên thế giới, làm cho thế giới chấn động. Cố nhiên khi có niềm thương ở trong lòng rồi thì ngọn lửa đó không còn nóng nữa.  Có đức Quán Thế Âm trong lòng là mình có sự che chở.

Nếu bị nước lớn làm cho trôi thì xưng danh hiệu Bồ Tát này, liền được chỗ cạn. Tất cả những câu ở trong Kinh Phổ Môn đều phải được hiểu theo tinh thần đó. Khi mình nghĩ tới Bồ Tát Quán Thế Âm và mình gọi tên của Ngài, thì tự nhiên cái chất liệu của từ bi, của thương yêu lập tức có mặt với mình, và có chất liệu đó rồi thì mình bớt khổ liền lập tức. Chừng nào mình còn có chất liệu thương yêu ấy ở trong lòng, thì chừng đó mình sẽ còn không đau khổ.  Đây là điều mà mình có thể chứng thực được.

Chúng ta biết rằng trong giáo lý của đạo Bụt, thương yêu được làm bằng một chất liệu gọi là hiểu biết. Khi hiểu biết thì không có sân hận oán thù. Người kia sở dĩ như vậy là tại vì lý do này, lý do kia. Người kia đã khổ, đã không có cơ hội để học, để hỏi là vì những điều kiện gia đình, điều kiện cha mẹ, điều kiện xã hội đã từng gây nội kết, cho nên người đó mới nói như vậy, làm như vậy. Khi có hiểu biết rồi thì mình sẽ không khổ và không gây thêm đau khổ cho người đó. Khi trong lòng có tình thương là ta có hiểu biết, và lúc đó ta sẽ hoặc ít khổ hoặc không khổ.

Ví dụ mình đang ở trong ngục thất hay trong trại học tập cải tạo. Mình có thể có hận thù rất lớn đối với những người giam cầm mình. Đồng thời có một người khác cũng cùng hoàn cảnh với mình, nhưng người đó có vẻ thanh thản, người đó có khả năng thở hít khí trời, ngồi thiền, và có khả năng mỉm cười với người cai ngục. Người đó có đức Quán Thế Âm ở trong lòng. Người đó hiểu được rằng, người cai tù đối xử với mình một cách tệ hại như vậy là vì ông ta là nạn nhân của sự giáo dục và tuyên truyền mà ông ta đã tiếp nhận, và ông ta đã thấy mình như một kẻ thù. Cái nguyên nhân đưa tới vô minh và hận thù đó, mình phải trông thấy, và khi thấy được rằng ông ta là nạn nhân của bao nhiêu sự tuyên truyền, lường gạt và ngu dốt đó, thì mình sẽ thương hại ông ta thay vì thù ghét ông ta. Như vậy hai người cùng ở trong một hoàn cảnh của trại học tập cải tạo, mà một người nuôi hận thù còn một người nuôi tình thương. Kết quả là người nuôi hận thù sẽ đau khổ hơn người nuôi tình thương gấp bội. Người nuôi tình thương có hy vọng một ngày nào đó sẽ cảm hóa được người cai ngục, một ngày nào đó sẽ có thể nói được một câu, hay nhìn được một cái nhìn có thể chuyển hóa được người cai ngục. Người nuôi hận thù thì không bao giờ có cơ hội làm được chuyện đó, và trong lòng thì luôn luôn đau khổ. Thành ra nếu mình hiểu nghĩa chữ thương đúng như trong tinh thần của đạo Bụt thì mình biết rằng, hễ có thương thì có hiểu, mà có hiểu thì có thể tha thứ được. Có những đứa bé vì dại khờ, đã nói với cha mẹ những câu giống như là bất hiếu, nhưng cha mẹ vẫn không giận vì thấy chúng còn nhỏ quá. Tất cả chúng ta trong thời thơ ấu, không ai tránh được sự dại dột đó. Mỗi khi giận, ta thường nói những câu thiếu tình, thiếu nghĩa với cha mẹ, nhưng cha mẹ chúng ta luôn luôn tha thứ, là tại chúng ta còn nhỏ dại quá.

Như trong câu chuyện phim The Yearling, em bé thương con nai, nhưng khi con nai lớn lên, phá hoại hết mùa màng thì cha mẹ em buộc em phải bắn chết con nai ấy. Em không bắn và rốt cuộc thì mùa màng bị phá hoại nhiều lần. Vì vậy mà bà mẹ buộc lòng phải tự tay cầm súng bắn chết con nai. Cảm động nhất là đoạn bà biết con trai mình sẽ rất đau khổ, nhưng bà biết nếu mình không bắn chết con nai thì cả nhà sẽ đói. Trồng bắp hai ba mùa mà con nai, vì bản tính loài vật, đã phá hết. Khi biết con nai của mình đã chết, em bé khóc, nổi giận lên và em đã nói một câu như không có một chút tình nghĩa nào hết với mẹ:  I wish you were dead! Theo em thì ba mẹ em đã làm em khổ, ba mẹ đã giết đối tượng thương yêu của em nên em không thể nào hiểu, không thể nào còn thương ba mẹ được nữa.  Nhưng cha mẹ em không buồn giận vì biết con mình đang đau khổ đến cùng cực. Nông trại của ông bà rất xa xóm làng nên ở đây em không có bạn, con nai là người bạn duy nhất mà em đã nuôi từ hồi nhỏ, cho nên giết con nai là làm cho em mất hết đối tượng tình thương, làm cho trái tim của em rớm máu. Như vậy người kia có thể làm những điều dại dột, người kia có thể làm khổ mình bằng ngôn ngữ, hành động hay tư tưởng, nhưng nếu mình hiểu được thì mình sẽ không đau khổ, mình sẽ có khả năng tha thứ. Và người có hiểu biết thì có thương yêu, nghĩa là có đức Quán Thế Âm trong lòng. Mà khi đã có Ngài ở trong lòng rồi thì thế nào cũng cảm thấy nhẹ nhàng, ít khổ đau, tại vì đức Quán Âm là chất liệu cam lộ của tình thương, của sự mát mẻ thanh lương.

Đọc thêm về năng lực Quán Thế Âm