Bài Viết

Ông già Noel

Ngày lễ Giáng Sinh, trẻ con rất thích ông già Noel. Vấn đề đặt ra là ‘ông già Noel có thật hay không?’ Nhu yếu của cuộc sống bắt buộc phải có ông già Noel. Nếu không có ông già Noel, chắc chắn cũng sẽ có một ông già khác. Đây không phải là vấn đề tôn giáo mà là văn hóa. Trong văn hóa Tây phương, nếu không có ông già Noel thì sẽ thiếu vắng rất nhiều. Vì vậy cho nên có ông già Noel hay không có ông già Noel như một nhân vật lịch sử không phải là vấn đề then chốt.

Khái niệm của trẻ em về ông già Noel rất dễ thương, rất ngây thơ: ‘Ông già Noel thường mặc áo đỏ, đội nón đỏ có cái chuôi dài, đi đôi hia cao cổ (tại vì đi trên tuyết), và một bộ râu dài bạc phơ. Phương tiện chuyển vận của ông không phải là xe taxi, mà là một chiếc xe trượt tuyết có những con nai kéo. Khi tới nhà mình, ông không vào bằng cánh cửa chính (tại vì cửa đã được đóng vào giờ ấy), mà chui từ trên ống khói xuống, và ông chui rất hay, thành thử ra áo quần của ông không bị dính lọ nghẹ. Ông không bị đốt nóng, dù lúc đó củi vẫn còn cháy. Ở chỗ bếp lửa đêm hôm ấy, bọn trẻ con đã treo những chiếc vớ của chúng trước khi đi ngủ. Chúng tin rằng vào nửa đêm ông già Noel sẽ tới và sẽ bỏ vào vớ những món quà chúng thích.’ Chúng thật sự tin như vậy. Nếu chúng ta lấy mất niềm tin đó của bọn trẻ con, thì tội nghiệp chúng quá. Nếu một đứa bé bốn tuổi, năm tuổi nghe nói ông già Noel không có thật thì nó sẽ buồn biết mấy.

 

 

Vì vậy, chắc chắn phải có ông già Noel cho bọn trẻ con. Ông già Noel nghe được ước vọng của bọn trẻ con. Bọn trẻ con muốn cái gì ông cũng biết và ông cho ngay cái đó. Ước vọng của bọn trẻ con là một cái gì có thật. Những người nghe và hiểu được cái ước vọng đó cũng là những người có thật. Đó là những ông già Noel đích thực. Ông già Noel đích thực không cần phải có râu dài màu trắng, không cần phải mặc áo đỏ, không cần phải đi hia đỏ. Nếu chúng ta kẹt vào tướng của ông già Noel, thì chúng ta không thấy được ông già Noel. Vậy thì có ông già Noel, hay không có ông già Noel? Đó không phải là vấn đề. Chúng ta phải nhìn ông già Noel bằng con mắt vô tướng. Nếu trong quá khứ ta đã từng có một quan niệm về ông già Noel, thì quan niệm đó có thể là quan niệm ngây thơ của một em bé. Một mai ta bừng tỉnh, ta mỉm cười, biết rằng mình đã vượt thoát ý niệm ngây thơ về ông già Noel. Vượt thoát rồi, nhưng ta vẫn duy trì hình ảnh ông già Noel cho thế hệ tương lai.

Bụt cũng vậy, Chúa cũng vậy, đều là những ông già Noel cả. Nhưng nếu ta cho rằng những hình ảnh đó là những sản phẩm hoàn toàn của tưởng tượng thì cũng không đúng. Tại vì ông già Noel cần thiết cho cuộc đời. Bụt, Chúa, các vị Bồ-tát cần thiết cho cuộc đời. Tuy vậy, nếu ta muốn lớn lên, không phải về mặt tuổi tác mà về đời sống tâm linh, ta muốn tiếp xúc được với sự thật thì ta phải có khả năng buông bỏ những ý niệm, những hình ảnh trẻ thơ của ta. Ta từng có quan niệm về Bụt, về Chúa, và ta đã sống với quan niệm đó từ thời ấu thơ. Khi được học hỏi, thực tập, từ từ ta có khả năng buông bỏ những quan niệm trẻ thơ ấy về Bụt và về Chúa.

Thầy Thanh Văn hồi còn năm, sáu tuổi, có ý nghĩ rằng Bụt rất ưa ăn chuối, tại vì ai tới chùa cũng cúng chuối. Bụt đợi cho đến khi chùa vắng lặng hoàn toàn, mới đưa cánh tay ra bẻ một trái chuối mà ăn. Đến khi thầy lớn lên thì cái thấy đó về Bụt không còn nữa, nó được thay thế bằng những cái thấy khác. Vì vậy, ta phải buông bỏ những cái tướng để sự thật có thể hiển bày ra được. Nếu chúng ta không buông bỏ cái tướng ông già Noel, thì làm sao ta thấy được ước mơ của bọn trẻ con và lòng thương yêu của những bậc cha mẹ? Ông già Noel có mặt trong những em bé, và có mặt trong những người cha, những người mẹ. Ông già Noel là một phẩm vật sáng tạo của tâm thức. Là sáng tạo phẩm thì nó phải có thật chứ sao không có thật được? Sáng tạo phẩm đó được nhận thức qua một hình thái trong văn hóa do con người vẽ ra. Người ta vẽ ra hình Bụt, người ta vẽ ra hình Chúa, người ta vẽ ra hình Bồ-tát, người ta vẽ ra hình ông già Noel.

 

 

Nhưng rốt cuộc ta cũng phải lớn lên trong đời sống tâm linh của ta. Ta phải phá tan những hình ảnh mà con người đã vẽ ra để có thể tiếp xúc với sự thật. Không phải Bụt không có, Chúa không có, tình yêu không có, bác ái không có. Đó là những thực tại, nhưng không phải là những đối tượng mong cầu đang có mặt ở ngoài ta. Nó không phải là cái gì khác (the other, l’autre), nó không phải là một thực thể độc lập có ngoài tâm thức ta, ngoài con người ta, ngoài sự sống của ta. Khi thấy được như vậy, thì ta không còn tìm cầu, không còn theo đuổi nữa. Ta không đánh mất bản thân của ta, không lâm vào cái mặc cảm ta là con số không. Lưỡi gươm trí tuệ là lưỡi gươm có thể chặt đứt được tất cả những khái niệm đó, những ảo ảnh đó, những tướng trạng đó, những hình thức đó.

 

(Trích tác phẩm Người Vô Sự)