Lá thư Làng Mai 04 – 1984

Tải về bản PDF

Lá thư thứ tư
Ngày 15/9/1984
Chơn Lễ Lê Nguyên Thiều viết.

Suốt tuần qua, Làng Hồng được hưởng không biết là bao nhiêu đám mưa dầm. Cỏ cây hả hê. Bây giờ mới vào giữa thu. Rừng vẫn còn nhiều màu xanh. Trời chưa lạnh lắm. Rất mong quý vị và các cháu vẫn được mạnh khỏe. Từ khi rời Làng, các cháu chắc đã đi học đều đặn và quý vị chắc cũng đã trở lại với những công việc thường nhật trong niềm an lạc, phấn khởi. Mọi người ở Làng Hồng đều cầu mong như vậy.

Sau khi Làng đóng cửa khóa mùa Hạ, chúng tôi cũng được nghỉ ngơi đôi ngày. Mọi người trong Làng đều mạnh khỏe. Vào cuối tháng tám, bé Tâm bị bệnh trái rạ, sau đó là Tý và Miêu. Nay các cháu đã đi học lại sau thời gian nghỉ bệnh tám ngày. Tại xóm Thượng, một số các thiền sinh đã xin lưu lại để tu học thêm. Do đó cho nên đến nay, Thầy mới trở về Sơn Cốc. Tại xóm Thượng, thược dược của anh Lễ trồng vẫn tiếp tục đơm hoa. Măng trúc ở Phật đường Trúc Lâm và thiền đườngYên Tử đã mọc nhiều thêm và cây hồ đào đã bắt đầu cho trái trên thảm cỏ xanh. Bên cạnh cây hoa trinh nữ mà anh Tydeman và cô Melkonian đã trồng sau ngày thọ giới Tiếp Hiện, chúng tôi đã dựng một căn nhà mặt trời để trồng rau trong mùa đông. Việc trồng trọt tại xóm Hạ trở lại bình thường. Đậu nành và bắp sắp được gặt, chỉ còn chờ trời nắng ráo. Với sự góp sức của chú Nhàn và chú Đôn (mới nhập tịch Làng mùa hè năm nay). Chúng tôi đã dựng lại dãy nhà mặt trời trên nền mới và vừa trồng vào đó nào cải bẹ xanh, nào cải bẹ dúng, nào cải tần xại. Chúng tôi đã thu hoạch khổ qua, cà pháo, ớt, rau muống và vài thứ rau khác. Những dàn khổ qua thẳng đứng trong nhà mặt trời đã phát triển tươi tốt như những bức tường xanh và cho rất nhiều trái.

Bây giờ tôi xin viết báo cáo sơ lược về sinh hoạt của Làng trong mùa Hạ vừa qua để các bạn nào năm nay không về được có vài ý niệm và hình ảnh.

Sinh hoạt của Làng năm nay có thay đổi và phong phú hơn năm ngoái. Những buổi chấp tác thường lệ từ 10 giờ đến 12 giờ trưa đã được tổ chức. Dân làng đã thực tập làm cỏ ở trước thiền đường Nến Hồng, trước Tham Vấn Đường, dọn đá chung quanh thiền đường Yên tử hay làm việc trong vườn rau xóm Hạ. Những trái khổ qua nặng chĩu trong nhà mặt trời hay những lối đi quang đãng hơn ở chung quanh các thiền đường hai xóm là kết quả những giờ chấp tác trong mùa Hạ. Dạo quanh các thiền đường thấy lối đi sạch cỏ, hoa nở đủ màu sởn sơ, tôi nhớ các anh Toàn, anh Lễ, anh Khoảng, anh Phong. Nhìn các trái khổ qua mạnh khỏe đu đưa trên giàn tôi lại nhớ anh Truy, anh Tiền, anh Thế, cô Annie, anh Robert từ Hòa Lan sang và nhất là nhớ anh Gắt từ Anh Quốc. Tuy nhiên, tôi còn nghĩ rằng “nước sông trong hơn, cây cỏ xanh thêm” tại Làng Hồng hay tại địa phương của quý vị đó hôm nay không phải chỉ nhờ vào lao tác mà chính nhờ vào niềm an lạc, thoải mái và sự tỉnh thức mà quý vị đã thể hiện tại Làng Hồng hay trong đời sống ngay trong lúc tôi viết thư này.

Trước giờ chấp tác, những cuộc thiền hành tập thể từ 9 giờ sáng được diễn ra ở cả hai xóm. Trẻ em cũng được khuyến khích đi chung với người lớn một đoạn đường. Thường thường thì các em thích đi suốt cả thiền lộ. Chúng tôi đã dọn hai thiền lộ dài cho hai nơi và một thiền lộ ngắn băng qua vườn đào, ngang qua quán cây sồi ở xóm Hạ để cho người mới tới thực tập thiền hành. Cảnh những đoàn người thong thả đặt từng bước chân an tịnh theo nhịp thở điều hòa trên đường làng còn đọng sương trong ánh nắng mai hay trong làng sương mỏng bất chợt đã góp phần tạo nên vẻ đẹp và sinh khí của Làng. Chúng tôi tin rằng những bước chân trong tỉnh thức như “chiếc ấn quốc vương” ấy sẽ phả hơi thanh lương mà “tán tác ân ba” trên các nẻo công viên, bờ sông, dưới tàu hầm hay trên các trạm xe buýt ở khắp các thành phố  nơi các bạn cư trú. Nơi nào cũng là Làng Hồng của quý vị.

Năm nay, ngoài phật đường Trúc Lâm (thiền đường cũ xóm Thượng), xóm này còn có thêm thiền đường Yên Tử, bốn phòng tắm gương sen và bốn phòng vệ sinh. Xóm Hạ đã sửa xong dãy nhà sấy thuốc cũ thành cư xá Đồi Mận với mười bốn phòng ở, một phòng ăn, sáu phòng tắm, chín phòng vệ sinh và tráng nền xi măng nhà Phượng Vĩ ở cư xá Tùng Bút. Đó là thành quả đóng góp tài chánh và công sức của dân Làng Hồng từ khắp nơi, xin báo cáo để các bạn mừng. Ngoài ra tôi xin kể thêm một mẫu mận mà phần lớn do thiếu nhi Việt Nam ở khắp nơi để dành tiền quà bánh hàng ngày góp lại và gửi về nhờ chúng tôi trồng trong mùa đông 1983  để giúp các em kém may mắn hơn ở quê nhà. Như vậy là chương trình giúp các em bé đói đã có được thêm hai mẫu mận. Nhờ có thêm phòng ốc, hai xóm đã có thể có tạm đủ chỗ ở, có thể tổ chức thiền tọa, thiền trà tại chỗ và “đỡ ngặt” hơn nhiều trong giờ tẩy tịnh buổi sáng.

Mùa Hạ vừa rồi, có 232 người về tu học, từ các tỉnh trên đất Pháp, Thụy Sĩ, Anh Quốc, Hoa Kỳ, Gia Nã Đại, Hạ Uy Di và đông nhất là từ Hòa Lan đến cùng tu học với chúng ta. Họ hòa mình rất hay vào nếp sống Việt Nam và đã chứng tỏ tu học rất chuyên cần, nghiêm mật. Có những buổi pháp đàm, tụng giới và thiền trà tổ chức bằng ngoại ngữ dành riêng cho họ để tránh trở ngại chung cho đa số. Các mục sinh hoạt hướng về tâm linh và dân tộc của Làng năm nay cũng tương tợ như năm ngoái duy có thêm giờ chấp tác và giờ thiền hành chung. Trẻ em có mặt ở cả hai xóm, vẫn rất hoạt động, ngoan ngoãn và đầy hiểu biết như năm nào. Có một số các em lúc mới về Làng không nói được tiếng Việt nhưng sau một thời gian chơi chung với bạn, đã hết cảm thấy lạc lõng và bắt đầu nói tiếng Việt Nam. Phụ huynh các em đã biên thư cho chúng tôi biết rằng sau khi rời Làng, các em đã cố gắng học thêm tiếng Việt và ta. Các em cũng tỏ ra ngoan ngoãn, thuần hậu hơn và bắt đầu cố gắng thực hiện ngay những gì mà các em đã làm, đã thấy hay đã hứa ngay khi còn ở tại Làng. Có một khuyết điểm là năm nay có khi phần sinh họat của người lớn đã lấn sang giờ văn nghệ thiếu nhi hay sinh hoạt thiếu nhi, mặc dù các thầy giáo và các cô giáo đã gia tăng sự săn sóc và dạy riêng tiếng Việt cùng văn hóa Việt cho các em.

Trong mùa hè qua, làng Hồng chúng ta có tổ chức thêm ba buổi sinh hoạt đặc biệt. Đó là lễ cúng Gia Tiên, lễ Bông Hồng Cài Áo và Hòa Tấu Nhạc Cổ Truyền. Lễ cúng Gia Tiên được cử hành tại nhà Phượng Vĩ một cách trang nghiêm, kính cẩn để nhắc nhở mọi người nhớ đến tổ tiên, cội nguồn và bổn phận thừa tiếp sự nghiệp của cha ông. Ngay sau khi cúng giỗ, dân làng hai xóm đã quây quần dùng cơm chung trong gian nhà có bàn thờ tổ tiên để chứng tỏ rằng “con cháu ở đâu thì ông bà ở đó”. Lễ Bông Hồng Cài Áo được cử hành tại thiền đường Nến Hồng xóm Hạ. Nghi lễ rất đơn giản mà rung động tận tâm can. Người lớn cũng như trẻ em đều không cầm nổi nước mắt. Biết bao là hình ảnh tha hương, cố quốc, mồ mả ông bà cha mẹ, biết bao niềm thương diệu vợi, ngọt ngào mà bao la tự thuở nào…

“Sân lai cách mấy nắng mưa
Có khi gốc tử đã vừa người ôm…”

Buổi Hòa Tấu Nhạc Cổ Truyền được tổ chức ngay trong thiền đường xóm Hạ. Dân chúng địa phương được mời tham dự khá đông. Khai mạc buổi hòa tấu này không phải là những lời lẽ long trọng hay náo nhiệt mà là năm phút tĩnh tâm và quán niệm trên tọa cụ trong tư thế ngồi thiền. Thế rồi những nét nhạc khoan thai mà thánh thót dìu dặt và hài hòa ngân lên giữa thiền đường trang nghiêm, lặng lẽ. Dân làng và người ngoại quốc địa phương đã được nếm cái khí vị trầm hùng, tĩnh mặc của truyền thống Việt Nam và cả của phương Đông. Người nghe và người tấu nhạc thấy lòng mình giao cảm trong niềm tôn trọng chung, cùng lắng đọng và an lạc để cùng vươn tới cái hạo nhiên của đất trời, bao dung mà bất động, tự tại và vô cùng.

Phần thuyết trình và hội thảo năm nay được tăng thành nhiều buổi hơn, khá hào hùng và bổ ích cho giới trẻ. Có đề tài đã gây chấn động đến cả một tuần lễ.

Người lớn đã “lấn” sang giờ văn nghệ thiếu nhi với bộ phim công tác xã hội của Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội (ở Việt Nam trước 1975). Thành công nhất là một bộ hình chiếu trên 200 bức về phong cảnh, di tích và sinh hoạt Việt Nam trước và sau 1975, do cô Diễm Thanh và các bạn cô phụ trách.

Các buổi pháp thoại, pháp đàm đã luôn luôn đi sát với sự tu tập và với những vấn đề của tập thể người Việt hôm nay. Những bài thi kệ ngắn soạn theo tinh thần Tỳ Ni Nhật Dụng của thiền môn đã giúp cho chúng ta thường xuyên giữ sự tỉnh thức và tìm thấy an lạc ngay trong đời sống hàng ngày. Theo tôi, đó là điểm đặc biệt của phần pháp thoại trong mùa hè này. Tôi mong những bài kệ ấy sẽ được sớm chú giải và ấn hành.

Nhìn chung, điều đáng nói nhất là mọi người trong chúng ta đã cùng cảm nhận được cái không khí tin yêu giữa dân làng quy tụ từ nhiều xứ trong cái bối cảnh những tập thể người Việt hôm nay, cùng cảm thấy thoải mái và an lạc trong thời gian chung sống.

Cuối cùng, có những vấn đề mà tôi tưởng không nên bỏ qua. Điều thứ nhất là trong tuần lễ cuối tháng bảy đến đầu tháng tám, số người về Làng dồn dập (có ghi tên cũng như không ghi tên) đã khiến cho nhịp sinh hoạt dồn dập theo! Từ đầu tháng tư cho đến cuối tháng năm hàng năm, nếu quý vị (cũ cũng như mới) sớm gửi thư ghi tên (xin đừng dùng điện thoại) số người trong gia đình và thời gian về Làng, chúng tôi sẽ chính thức “ấn định” lịch trình ngay bằng thư riêng, thì lưu lượng đến và đi sẽ có thể được điều hòa. Chúng tôi, vì hiệu quả của sự tu tập chung, xin được phép từ chối những trường hợp dùng điện thoại hay tự ý đến mà không có thư ghi tên trước. Sổ Tay Của Người Về Làng có thể được tu chỉnh. Qúy vị kỳ cựu cũng cần tìm xem lại. Qúy vị mới, ghi tên về Làng lần đầu tiên, xin vui lòng cho biết tên người giới thiệu và xin tìm đọc trước các quyển chỉ nam cần thiết về thiền như Thiền Hành Yếu Chỉ, Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức, Trái Tim Mặt Trời (đều do nhà Lá Bối xuất bản) và cuốn Sổ Tay Của Người Về Làng trước khi về.

Điều thứ nhì là “nắm lấy hơi thở để thực hiện chánh niệm” nhiều hơn trong khi cắt gọt thức ăn, nấu bếp và rửa bát rất là cần thiết và quan trọng không kém gì khi thiền tọa, thiền hành. Nhà bếp hay bất kỳ nơi nào cũng phải là thiền đường của chúng ta. Điều thứ ba là mùa hè năm nay, tuy có nhiều phòng ốc hơn năm ngoái, nhưng những căn phòng ở cư xá đồi mận vách gạch chưa được tô, trần nhà chưa có, vì vậy những ngày mưa lạnh có quá nhiều gió luồn khiến nhiều vị bị sổ mũi và nhức đầu khá đông. Chúng tôi rất mong có đủ phương tiện để mùa đông năm nay làm lại trần nhà, xây thêm gạch lên sát trần để chặn gió, và sửa chữa lại một vài mái ngói đã hư hỏng. Thật ra các dãy nhà đồ sộ mà chúng ta đang sử dụng, xưa kia vốn là nhà chứa rơm, nhà của bò hay của cừu nên mái ngói nào cũng có khá nhiều chỗ dột. Công việc cần có sự tiếp tay của quý vị và dân làng để có đủ phương tiện mua thêm gỗ và thêm ngói.

Chúng tôi luôn luôn hoan hỷ đón nhận những đóng góp ý kiến của quý vị để liên tục sửa đổi và xây dựng thêm cho Làng. Qúy báu hơn hết là những lá thư của quý vị cho biết – trong thân tình –  về những chăm bón thường nhật của quý vị cho tuổi thơ, cho không khí gia đình và cho niềm an lạc. Tương lai dân tộc và giống nòi nằm trong tay của quý vị và tùy thuộc vào đời sống hàng ngày của quý vị.

Thân chúc quý vị thân tình và an lạc.

LỄ CÚNG GIA TIÊN TẠI LÀNG HỒNG
Trương Thị Diễm Thanh viết.

Vào mùa xuân năm nay, trong mấy ngày họp về nuôi dưỡng và phát triển văn hóa Việt cho các em thiếu nhi ở hải ngoại, các anh chị có đề nghị nên tổ chức một buổi lễ cúng gia tiên trong mùa hè khi Làng mở cửa. Cúng gia tiên để tỏ lòng nhớ ơn ông bà cha mẹ, để nhớ về cội nguồn và nhất là để cho các anh chị và các em thiếu nhi có dịp học hỏi thêm về ý nghĩa và cách thức cúng giỗ sao cho phù hợp với truyền thống và với thời đại. Anh Thư, thầy giáo làng than rằng xa quê hương đã lâu, mỗi khi đến ngày giỗ của một người thân trong gia đình,  anh chỉ biết thắp một nén hương để tưởng nhớ đến người đã khuất. Làm thế nhưng anh vẫn cảm thấy thiếu thiếu một cái gì, vẫn thấy như vậy là chưa đủ ấm cúng. Không những anh Thư mà các anh chị trẻ khác cũng cảm thấy như vậy.

Thế rồi, vào giữa tháng bảy khi Làng mở cửa, các anh chị họp nhau lại ấn định một buổi nói chuyện về ý nghĩa của lễ Gia Tiên. Cả bọn bèn “bầu” anh Minh làm chủ tọa buổi hội thảo và chị Tri Thủy làm thuyết trình viên. Cuộc đàm luận hôm ấy hào hứng lắm, nhờ vào sự đóng góp kinh nghiệm rất thực tế và sống động của các anh chị từ Hòa Lan sang, bổ túc vào phần tra cứu rất đầy đủ của chị Tri Thủy. Lễ cúng gia tiên được định vào ngày 4 tháng 8 năm 1984.

Tuần sau đó, ngoài các sinh hoạt thường nhật của Làng, các anh chị phân chia nhau mỗi người một việc để lo sửa soạn cho buổi lễ. Nói là mọi người một việc chứ thật ra chỉ có anh Chí Tâm, anh Truy, anh Tuyền và anh Thế cặm cụi làm. Các anh này nào gỗ, nào bào, nào sơn đỏ dưới gốc cây đề râm mát trên xóm Thượng, rồi cưa gỗ đóng long khám, bài vị, chân quả tử, vân vân… Em Đức vẽ rồng và loay hoay cưa theo nét mực vẽ thật chăm chú. Các em quây quần chung quanh hỏi han, có nhiều chú tuy mê thả diều nhưng lâu lâu cũng chạy lại thăm nom xem bàn thờ đã được đóng đến đâu. Những tên “bảy nghề” như chúng tôi thì nhìn các anh làm việc, thấy lòng ấm áp nhẹ nhàng… Nhưng chúng tôi cũng chỉ được bảy nghề có lúc ấy thôi. Hai hôm trước ngày cúng, mọi người phải giúp các anh bài trí bàn thờ cho sẵn sàng. Sư Ông thì cho chữ câu đối và hoành phi. Chú Cả và chú Lễ bàn nhau, sắp đặt nghi thức và diễn tiến của buổi lễ. Hai chú tương đắc lắm!

Về phần cỗ bàn thì mới thật là nhộn nhịp. Vì là hiệp kỵ nên người con cháu nào cũng muốn góp phần mình vào buổi lễ để tỏ lòng thương nhớ đến ông bà. Tuy vậy, không ai nghĩ đến việc phải tốn kém quá đáng, vì mọi người đều nhớ đến đồng bào ở quê nhà đang đói khổ thiếu thốn. Do đó, các thức để dọn cỗ vừa giản dị mà vừa gói gém được những nét đặc thù của văn hóa Việt và làm cho mọi người từ già tới trẻ đều nhớ đến quê hương. Hôm đó thím Muồi đã cung cấp cho nhà bếp cư xá Đồi Mận rất nhiều trái khổ qua và cải bắp. Tối đến, tôi thấy bác Diệu Nhạn cặm cụi dồn đậu phụ vào từng trái khổ qua rồi cột lại. Bác làm chậm rãi và nâng niu từng trái khi bỏ vào nồi hấp. Tôi thấy mà thương! Chị Đài đổ rau câu sơn thủy. Các dì ở xóm Thượng cũng thức khuya và dậy sớm để gói chả giò, làm bánh lá, gói bánh ít nhân dừa và nhân đậu. Không khí xôn xao của cả hai xóm thật giống không khí đình đám hội hè tại quê nhà. Ấm cúng nhất phải kể là nhà bếp của cư xá Hồng Dòn (nhà chú Cả và chú Dũng). Không phải vì ở đó có bếp lửa nấu bánh chưng và bánh tét đâu các bạn ạ! Vì bếp lửa chỉ được nhóm lên vào giữa khuya. Trước đó chú Cả và chú Dũng dạy mọi người gói bánh chưng. Phải gói sao cho vuông vức, thẳng góc và thật đẹp. Thím Muồi và Tý lo tẻ dây cột bánh. Chú Đăng Vĩnh Thanh và Bích Thủy phụ trách gói bánh tét. Chú Thanh và Bích Thủy gói khéo lắm, bánh thật chắc và đều. Ngoài các thợ chánh, còn có các thợ phụ cắt dây, dọn dẹp và góp chuyện một cách rộn ràng. Thím Muồi, quê ở miền Nam trù phú, mãi than nhớ đến các bữa giỗ ở dưới quê.

Đêm ấy, chú Cả và anh Vinh thay phiên nhau thêm củi và canh bánh. Sáng hôm sau, trời lành lạnh. Sau giờ thiền tọa, chúng tôi tự nhủ nên gắng giữ cho tâm nhẹ nhàng để có thể ý thức hơn về ý nghĩa và sự có mặt của tất cả mọi người trong buổi lễ cúng ông bà hôm nay.

Các em nhỏ thay áo dài trước nhất. Ngay các bé trai như Tý, Miêu, bé Tâm, Sâm cũng mặt áo dài nữa đó các bạn. Các em đi chơi quanh quẩn ở đâu thì lâu lâu cũng chạy vào tình nguyện mang các đĩa thức ăn từ hai cư xá Hồng Dòn và Đồi Mận qua nhà Phượng Vĩ, nơi làm lễ, hay giúp một tay khiêng ghế hoặc đi theo các anh chị hỏi chuyện lăng xăng. Chú Trọng chở thím Muồi đi chợ sớm để mua ngũ quả.

Không khí càng lúc càng rộn ràng, thật là giống như không khí đình đám ở quê nhà. Các cô mặc áo dài đủ màu sắc đã đành, nhiều anh cũng có áo dài xanh rất đẹp. Con trai mặc áo dài trông vẫn trẻ trung và nhanh nhẹn như thường. Ai cũng nói các anh, anh nào mặc áo dài cũng đẹp hơn mặc âu phục. Chú Cả có áo dài đẹp nhất. Thật là tươm tất và trang nghiêm, xứng đáng là một vị Hương Cả.

Vào lúc 11 giờ, cỗ bàn đã được bày xong. Sư Ông gọi các em lại và giảng cho các em nghe về ý nghĩa buổi lễ và cách thức lễ lạy để cúng gia tiên. Sư Ông nói ông bà cha mẹ có mặt ngay trong hình hài ta. Vì thế khi chúng ta tưởng nhớ đến ông bà là chúng ta vừa nhớ đến nguồn cội vừa nhớ đến bổn phận của chúng ta trong hiện tại và tương lai. Sư Ông nói con cháu ở đâu thì ông bà ở đó, và nhất định hôm nay quý vị đang có mặt tại Làng Hồng. Các em cũng như các bác các cô chú nghe xong thấy tâm hồn xao xuyến và cảm động. Nhìn lại bàn tay và khuôn mặt của mình, ai cũng thấy một cách sâu sắc sự có mặt của các thế hệ đi trước.

Sau một hồi chuông, mọi người đến tề tựu trước bàn thờ. Hương trầm thơm trộn lẫn với mùi cây cỏ theo làn gió từ ngoài vườn đưa vào làm không khí vừa im lặng trang nghiêm vừa thanh thoát dễ chịu.

Với sự phụ tá của chú Lễ, chú Cả bắt đầu dâng hương. Sau khi hương đã được cắm vào lư, chú Cả lạy xuống một lạy rồi nhẹ nhàng quỳ xuống chiếu, trang trọng khấn vái. Chú khấn như sau:

“chúng con và các cháu, giòng giống Lạc Việt cư trú tại Âu Châu và Mỹ Châu, quy tụ tại Làng Hồng, tỉnh Lot et Garronne, Pháp Quốc, chọn hôm nay, ngày tư tháng tám năm dương lịch 1984, kính cẩn thỉnh cầu các bậc tiên tổ, các bậc ông bà cha mẹ quá cố về ngự trên bàn thờ tổ tiên, chứng giám cho lòng thành của chúng con, những người con cháu xa quê, lòng luôn tưởng nhớ vọng về quê cha đất tổ.

Chim có tổ người có tông, chúng con không bao giờ quên ơn khai sáng. Uống nước nhớ nguồn, chúng con biết tổ tiên nòi giống đang đặt bao nhiêu kỳ vọng nơi chúng con. Chúng con xin nguyện tiếp nối sự nghiệp của cha ông, gắng sức chăm lo, cùng nhau xây đắp lại quê hương, xây đắp lại tình đồng bào ruột thịt.

Hôm nay tổ tiên ông bà của mỗi chúng con đều có mặt trên bàn thờ, chúng con kính cẩn dâng hương, dâng hoa, dâng trà, dâng quả. Chúng con biết con cháu ở đâu thì ông bà ở đó. Lòng thành lễ mọn, xin tổ tiên ông bà chứng giám cho chúng con, tấc lòng hiếu thảo, một dạ sắt son, vì đất nước, vì nòi giống, vì các thế hệ tương lai.”

Khấn xong, chú cung kính đứng dậy lạy xuống bốn lạy theo nghi thức cổ truyền. Chú tiến thoái rất trang nghiêm và hưng bái rất trọng thể. Thật xứng đáng là chú Cả của làng. Sau khi chú Cả đã lui ra, mọi người, theo thứ tự tuổi tác, bước đến trước bàn thờ và lạy bốn lạy, mỗi lần hai người. Anh Thư và chú Lễ trang trọng đứng hầu hai bên. Chú Lễ nhịp chuông cho mọi người lạy. Nhìn xuống chiếu, tôi thấy dáng các em thiếu nhi nhỏ nhẹ quỳ gối chắp tay cúi đầu lễ, thật là dịu dàng dễ thương. Hai bên bàn thờ có treo hai câu đối. Câu bên phải: “Sơn cao mạc trạng sinh thành đức” (núi tuy cao mà không hình dung nổi công đức sinh thành); câu bên trái “hải khoát nan thù cúc dục ân” (biển tuy sâu nhưng không đền đáp được ơn nghĩa nuôi dạy). Phía trên cao hết là một bức hoành có bốn chữ đại tự: ẩm Hà Tư Nguyên, có nghĩa là Uống Nước Nhớ Nguồn. Bài vị có đề chữ Tiên Tổ, và hai bên có hai câu đối nhỏ. Hai câu như sau: tổ công tông đức thiên niên thịnh (công đức tổ tông thịnh ngàn năm), tử hiếu tôn hiền vạn đại xương (con cháu hiếu hiền đẹp muôn đời).

Chung quanh tôi là những khuôn mặt thật thân yêu của các cô chú, các anh chị và các em từ bốn phương trời xa đã tề tựu về Làng để sống gần gũi và chia xẻ với nhau niềm tin yêu và hy vọng trong một vài tuần lễ. Tất cả đang hướng về bàn thờ. Tôi thấy lòng thật êm ả và sung sướng. Tương lai của quê hương Việt Nam đối với tôi lúc ấy mang thật nhiều hy vọng và có phần tươi sáng hơn lên…

 

LỄ BÔNG HỒNG CÀI ÁO
Võ Phan Thanh Giao Trinh viết.

Năm nay, Làng Hồng tổ chức lễ Bông Hồng Cài Áo vào buổi tối ngày rằm tháng bảy. Hẳn không ai là không biết ý nghĩa của lễ Bông Hồng Cài Áo: từ khi cuốn sách nhỏ bé mang tên ấy ra đời cách đây hơn hai mươi năm, lễ Bông Hồng Cài Áo đã hầu như một tập tục, một truyền thống Việt Nam, được tổ chức song song với lễ vu lan.

Một bông hồng trên áo nhắc nhở cho ta nhớ rằng ta còn mẹ, và mẹ là món quà quý báu nhất mà cuộc đời đã ban cho ta. Nếu ta không còn diễm phúc ấy thì ta sẽ được cài một cánh hoa màu trắng. Người khác nhìn vào sẽ thương cho ta và mừng cho họ.

Năm nay Thầy đề nghị mọi người sẽ nhận được hai cánh hoa, một cánh cho cha, một cánh cho mẹ. Cũng lạ là trong văn chương nghệ thuật, người ta ca tụng tình mẹ rất nhiều mà ít ai nhắc nhở đến tình cha. Thật là một thiếu sót lớn. Vì một đứa con thiếu cha cũng bất hạnh, cũng thiệt thòi không kém gì một đứa con thiếu mẹ.

Từ cả tuần trước, các chị các cô đã biến quán Từ Thức thành một xưởng làm hoa, dưới sự điều khiển của Bích Thủy. Bích Thủy ra hái một nụ hồng, và bảo mọi người cứ theo mẫu ấy mà làm cho giống. Thế là từng cánh hoa màu đỏ, màu trắng, lần lượt hé nụ trên những bàn tay khéo léo của các nàng. Tất cả dân làng phái nữ, không bị bó chân trong việc nấu ăn hay dạy học đều bị “động viên” nên chẳng mấy chốc đã có đủ số hoa cho buổi lễ Bông Hồng Cài Áo.

Tối thứ sáu, ngày thứ sáu cuối cùng trước khi làng đóng cửa, trời gây gây lạnh, nhưng dân làng ăn mặt như ngày tết. Các cô các chị mặt áo dài đã đành, mà các anh, các chú, các bác cũng diện áo dài dân tộc vào, khiến Làng Hồng mang một sắc thái đình đám, hội hè của thuở quê hương còn an lạc thái bình.

Mọi người ngồi yên trên tọa cụ, cử tọa im phăng phắc. Thầy yêu cầu nên tổ chức lễ Bông Hồng Cài Áo trong lễ nghi, trong trang nghiêm để tạo một ý thức mạnh mẽ cho người nhận hoa. Nếu không bông hoa bỏ xuống thì ý thức cũng đi vào quên lãng. Thầy trình bày vắn tắt qua chương trình bông hồng cài áo tối hôm ấy. Sẽ có đàn tranh, sẽ có hai giọng nam và nữ đọc lại tập sách nhỏ Bông Hồng Cài Áo, sẽ có bài ca ấy, có người sẽ nói về Tình Cha và các em sẽ kết thúc buổi văn nghệ cúng dường bằng bài Ơn Nghĩa Sinh Thành trước khi đi vào nghi lễ cài hoa.

Trong sự im lặng kính cẩn, Trinh đàn một bản cổ nhạc bằng đàn tranh để cúng dường. Sau đó Diễm Thanh và Vũ đọc lại cuốn Bông Hồng Cài Áo. Những trang sách đã làm cho bao nhiêu người khóc bây giờ vẫn còn đủ sức làm cho cử tọa nghẹn ngào. Ai lại không nghẹn ngào khi nghĩ đến mẹ của mình, đến sự hy sinh của mẹ, đến tình thương của mẹ. Ai lại không thấy mình ít nhiều tội lỗi vì đã không biết ý thức rõ rệt sự nhiệm mầu của tình thương ấy, trái lại còn có khuynh hướng xem như sự đương nhiên. Cả mấy bác mấy dì lớn tuổi cũng nghĩ đến người mẹ đã khuất và khóc thầm.

Đến khi Tri Thủy nói về Tình Cha thì không ai cầm được nước mắt. Bé Kim Trang đã òa lên khóc và bỏ chạy ra ngoài. Sau này bé giải thích là vì thương chị Thủy quá. Mà ai lại không thương một bé Tri Thủy mới ba tuổi đầu đã đi theo quan tài của mẹ, ngơ ngác nhìn xung quanh không hiểu rằng nỗi bất hạnh lớn nhất đã sập xuống đầu mình. Và người cha đã ở vậy nuôi ba đứa con cho đến khôn lớn.

Thương Tri Thủy là một chuyện nhưng hôm sau bắt được cô nàng là mọi người không tiếc lời “trách móc”: “lần sau có làm mưa làm gió ở thiền đường thì nhớ cho biết trước nhé, để người ta khóc mà không có mùi xoa chùi nước mắt khổ người ta lắm!”

Giọng ca thật trong, thật ngọt của chị Ngọc Thanh trong bài Bông Hồng Cài Áo như một làn gió mát, làm lắng dịu những tình cảm cao độ vừa mới bị khơi dậy trước đó. Bài ca này ai cũng đã thường được nghe. Thế mà hôm nay lắng tai với tất cả tâm ý mới thấy nó hay một cách lạ lùng. Thế mới hiểu thấu đáo công dụng của chánh niệm, của sự tỉnh thức.

Các em bé tiếp nối bằng bài Ơn Nghĩa Sinh Thành, mới được anh Phương dợt cho nên tiết tấu có hơi lủng củng. Nhờ sự lủng củng dễ thương này mà không khí bình thường trở lại.

Sau đó là lễ Cài Bông Hồng. Anh Hương, Thanh Bình và Thanh Trang đảm nhiệm việc cài hoa. Ba người rời tọa cụ của mình tiến ra giữa thiền đường và quỳ xuống ba cái gối dành sẵn cho việc ấy, để nhận mỗi người hai cánh hoa. Được cài hoa xong, ba người có bổn phận cài hoa cho mọi người khác. Mỗi lần, ba người tiến ra trước thiền đường, quỳ xuống trang trọng; người cài hoa cũng quỳ xuống trước mặt người được cài hoa. Hai bông hồng được cài thành một bó, bông tượng trưng cho cha hơi cao hơn một chút xíu để dễ phân biệt. Mỗi khi cài cho ai hai bông trắng, Thanh Trang lại khóc ròng.

Sau khi nhận hoa, mỗi người ra trước bàn thờ phật lạy xuống ba lạy, theo nhịp chuông của Thầy, để cầu nguyện cho cha mẹ hoặc bình an, hoặc được siêu sinh tịnh độ.

Hai cánh hoa bằng giấy nhưng sao lại cho người mang một cảm giác nằng nặng? một ý thức mới chớm nở, nhưng ý thức như một lưỡi dao cứa vào da thịt, không thể quên, không thể làm như không biết. “tôi còn cha, tôi còn mẹ, tôi thật là may mắn. Tôi phải làm gì để xứng đáng với sự may mắn này?”

Đối với những người phải mang một bông trắng thì bông hoa màu đỏ còn lại bỗng trở nên quý giá vô ngần!

 

HỘI THẢO TẠI LÀNG HỒNG
Nguyễn Bá Thư viết.

Sinh hoạt hội thảo tại Làng Hồng là cơ hội cho dân làng và khách của làng ngồi quây quần bên nhau cùng nói chuyện về một vấn đề. Phần lớn là các vấn đề văn hóa, xã hội thể hiện những nỗi ưu tư của người Việt tha hương.

Tất cả mọi lứa tuổi đều được mời tham dự các cuộc hội thảo, trừ các em thiếu nhi rất bé. Sự hiện diện của nhiều thế hệ rất cần thiết. Ý kiến của các vị lớn tuổi có nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống giúp mở tầm nhìn và khai hướng đi cho các thanh thiếu niên; ngược lại những băn khoăn của các người trẻ sẽ bắt buộc các bậc phụ huynh phải đặt thành vấn đề để suy nghiệm, tìm những phương cách nâng đỡ các thế hệ con em của mình. Chỉ nội một việc mọi người đến ngồi gần bên nhau, thân mật chia sẻ những ưu tư của nhau cũng đã là một điều thật đáng quý rồi.

Nhiệm vụ của chủ tọa và thuyết trình cho mỗi kỳ hội thảo được giao phó cho các thanh niên nam nữ trẻ tuổi. Các bác, các chú nói rằng: “người lớn đã nói nhiều rồi, bây giờ không nên dành nói với tuổi trẻ mà phải để cho tuổi trẻ lên tiếng…”

Vì vậy mà các bác, các cô chú, trong các buổi thảo luận thường lắng nghe các bạn trẻ nói chuyện trước khi cho ý kiến. Có những lúc câu chuyện hơi bế tắc hoặc khi có quá nhiều ý kiến rải rác mà người chủ tọa, vì còn ít kinh nghiệm không kết nối được, thì các vị lại lên tiếng giúp khơi thông câu chuyện hoặc xếp đặt các ý lại quanh chủ đề đang bàn cãi.

Một điều rất đáng chú ý trong các buổi hội thảo là thỉnh thoảng có các em thiếu niên thật trẻ phát biểu những ý kiến thật bất ngờ, rất đơn sơ và thành thực, đáng để cho những người lớn tuổi hơn suy gẫm.

Năm nay, không kể những người Việt đến từ một số tỉnh trên nước Pháp, còn có rất nhiều người Việt từ các nước trên thế giới về Làng: từ Gia Nã Đại, Mỹ, Hòa Lan, Thụy Sĩ, Anh… các cuộc hội thảo nhờ thế mà được phong phú hơn. Mọi người thấu hiểu những hoàn cảnh đặc biệt của nhau hơn do ở những điều kiện địa dư, sinh sống khác nhau: có người may mắn sống gần các cộng đồng sinh hoạt Việt Nam, có người sống lẻ loi ở một vùng toàn người ngoại quốc, vân vân…hiểu nhau như thế qua các cuộc hội thảo mọi người dễ đến gần với nhau hơn.

Vài ngày sau khi Làng mở cửa, mọi người cùng thảo luận về đề tài “Những Ưu Tư Của Người Thanh Niên Việt Nam Tại Hải Ngoại”.

Người trẻ Việt Nam ở ngoại quốc có nhiều nỗi ưu tư lắm. Từ những khó khăn trong việc hội nhập vào đời sống mới như vấn đề ngôn ngữ, tìm việc, tiến thân v..v…cho đến những băn khoăn về cảnh cực nhọc của người thân thuộc, nỗi khốn khổ của đồng bào trong nước, nạn phân hóa của người Việt ở hải ngoại…Trong hoàn cảnh hiện nay, người thanh niên Việt Nam cảm thấy lúng túng, lạc lõng vô cùng. Nếu không vững tinh thần thì người thanh niên, nhất là các bạn trẻ bơ vơ không gia đình, trở nên yếm thế, chán đời, đánh mất sinh thú của cuộc sống.

Một trong những nguyên nhân của sự hội nhập khó khăn vào đời sống mới là vấn đề dị biệt văn hóa và chủng tộc. Vì khác màu da, khác dân tộc nên người Việt đều cảm thấy không ít thì nhiều sự kỳ thị của người dân bản xứ. Lắm lúc người Việt cảm thấy rất tủi thân và nhớ quê hương vô cùng. Có những thanh niên Việt Nam trẻ tuổi lớn lên tại xứ người, chợt cảm thấy cần phải tìm lại nguồn cội của khuôn mặt, hình hài mình, tìm lại bản thể của tâm hồn mình như một cái gì thật cần thiết cho cuộc sống. Tôi còn nhớ mãi một câu nói của bạn Quang, 21 tuổi, sang Pháp hồi mới 12 tuổi, phát biểu trong buổi thảo luận: “…khi học hỏi lại văn hóa Việt Nam rồi, xem phim Tây Mỹ không thấy hay nữa! Làm sao để thấy hay trở lại?” có ai có câu trả lời cho Quang không?

Trước cảnh lạc lõng của các thanh niên Việt ngày hôm nay, mọi người thấy rằng các bạn trẻ phải tìm cách kết hợp lại với nhau để nâng đỡ nhau, dìu dắt nhau mà đi tới. Đề tài “Tiếng Chim Gọi Đàn” được đặt ra để câu chuyện đi đến các đề nghị cụ thể mà mọi người có thể thực hiện khi trở về địa phương mình cư ngụ. Đề tài này đã được thảo luận tới hai kỳ liên tiếp. Có rất nhiều đề nghị rất thiết thực như sau: viết thư cho nhau, tặng bạn bè những quyển sách có ích lợi cho tâm linh, tổ chức thiền trà, tổ chức những buổi họp mặt nói chuyện về văn hóa, trình tấu nhạc cổ truyền, chiếu ảnh phong cảnh di tích quê hương, đọc cho nhau nghe những tài liệu mà mọi người thâu nhập được về đời sống hiện nay tại quê nhà, về thảm trạng đồng bào vượt biển v..v.. để nuôi nấng tình đồng bào, nghĩa quê hương trong lòng mỗi người.

Các anh ở Hoà Lan hứa một điều là sẽ tu tập thường xuyên. Theo ý các anh thì điều ấy là một điều căn bản để phụng sự cuộc đời.

Hồi tháng tư năm nay, trong buổi hội thảo về giáo dục tại Làng Hồng, mọi người đã đề nghị tổ chức  một buổi lễ cúng Gia Tiên vào dịp hè để giúp cho các người trẻ học hỏi và tiếp nối truyền thống cao đẹp này của dân tộc Việt Nam. Trước khi tổ chức cúng gia tiên, mọi người đã họp nhau lại giảng giải ý nghĩa của việc cúng gia tiên cho các em nhỏ tuổi và nghiên cứu cách trưng bày bàn thờ, cách thức làm lễ sao cho phù hợp với hoàn cảnh sống hiện tại. Xin ghi ra đây một vài ý nghĩa của việc cúng gia tiên đã được mọi người nhắc đến:

– Nhớ ơn ông bà tổ tiên.

– Ông bà như luôn luôn có mặt bên cạnh con cháu, cùng chia xẻ mọi vui buồn với con cháu.

– Con cháu ở đâu thì ông bà ở đấy.

– Ta chính là hiện thân của giống nòi, tổ tiên, ông bà; thờ cúng tổ tiên để ôn lại công đức của tổ tiên và tìm cách tiếp nối dòng công đức ấy.

Các anh ở Hòa Lan đã phác họa ra một mẫu bàn thờ đơn giản để cho các bạn trẻ có thể thực hiện được một cách dễ dàng: bài vị, bình hoa, mâm hoa quả, bát hương. Căn phòng của người bạn trẻ, dù là ở chung cư, ở cư xá đại học hay ở đâu đi nữa cũng sẽ ấm cúng thêm lên. Không biết các bạn trẻ khi rời Làng Hồng về chỗ mình ở đã thực hiện cho mình một bàn thờ tổ tiên chưa?

Em Kim Trang, 12 tuổi đã đặt khá nhiều câu hỏi trong buổi hội thảo này. Có một câu như sau: “tại sao trên bàn thờ lại hay có viết chữ Tàu, mình người Việt tại sao không viết chữ Việt, chứ con không biết đọc chữ Tàu nên không hiểu gì hết?”

Một đề tài khác gây ra rất nhiều sôi nổi là “hôn nhân dị chủng”. Lấy chồng lấy vợ ngoại quốc có những vấn đề gì mà người trẻ mới lớn lên chưa nhận thức được? những khía cạnh thực tế của vấn đề được nhiều người trình bày và dẫn chứng qua các trường hợp điển hình. Câu chuyện đi rất xa. Mọi người nói đến những khó khăn khi dạy dỗ con cái vì sự dị biệt văn hóa giữa hai vợ chồng, thí dụ như dạy tiếng Việt cho con rất khó khi mà hai vợ chồng luôn đối thoại với nhau bằng tiếng ngoại quốc. Còn việc trở về Việt Nam sinh sống phụng sự quốc gia cũng là một vấn đề rất khó thực hiện cho những người đã có chồng hoặc vợ ngoại quốc. Các bạn trẻ thấy rõ hơn là tình yêu nam nữ không thể sống một cách độc lập. Trái lại nó sống lẫn lộn với các thứ tình khác như tình gia tộc, làng xóm, tình quê hương, đất nước, vân vân… buổi hội thảo giúp cho các bạn trẻ nhìn vấn đề này sáng suốt hơn để liệu mà hướng dẫn đời sống tình cảm của mình trong tương lai.

Em Nhã Hương, 16 tuổi, sang Pháp lúc 7 tuổi, nói rằng em thích nói chuyện với người con trai Việt Nam hơn là nói chuyện với người con trai Pháp. Khi bị hỏi “tại sao” thì em không biết trả lời thế nào. Một lúc sau em mới ngập ngừng bảo là “vì vui hơn” mà thôi. Thật khó giảng nghĩa lắm chứ!

Hai bạn trẻ, Đức, 18 tuổi, Hân, 20 tuổi từ Hoa Kỳ qua, đã cùng nhau thuyết trình về đề tài “cái hay của tiếng Việt”. Đức và Hân xử dụng rất nhiều tài liệu của các nhà văn, học giả. Các bài viết ca ngợi tiếng Việt quả thật là không thiếu. Người lớn và trẻ em đều tham dự vào buổi nói chuyện này. Có thấy ngôn ngữ của mình hay, các thiếu nhi mới thích học tiếng việt hơn, các thanh niên mới chịu khó học hỏi văn chương Việt Nam và người lớn có thêm hứng thú dạy con và khuyến khích con học tiếng Việt.

Đây là một câu ca dao Việt Nam lặp đi lặp lại bốn lần chữ năng, do Đức đọc lên, gây cho người nghe nhiều thú vị:

Năng mưa thì giếng năng đầy

Anh năng lui tới mẹ thầy năng thương.

Còn có những buổi hội thảo sau đó mà tôi không được tham dự vì đã rời Làng. Các đề tài đều rất hay, rất có lợi ích như “thất thoát nhân tài”, “bài học nhân bản”, “tìm hiểu bộ luật Hồng Đức”, “phương pháp bảo vệ sức khỏe theo tinh thần điều 14 của giới Tiếp Hiện” và “phương pháp bảo vệ sức khỏe theo nguyên lý Âm Dương và Ngũ Hành”.

Hầu hết các buổi hội thảo đều được tổ chức ở nhà Phượng Vĩ ở xóm Hạ. Gần đến giờ hội thảo luôn luôn có người thỉnh chuông báo hiệu. Khung cảnh nhà Phượng Vĩ những lúc ấy thường có vẻ tươi mát hơn, nhờ những bình hoa, chậu cây do anh Cả bày biện lặng lẽ từ lúc nào không ai hay biết.

Có lúc mọi người kéo nhau ra thảo luận ở cạnh quán cây sồi, dưới những tàn cây râm mát, sau khi cùng hát với nhau vài bài dân ca, du ca. Thỉnh thoảng trúng vào dịp quán cóc mở cửa, mọi người được giải khát bằng các món chè, nước đầy hương vị quê hương.

Tôi nhớ đến những buổi hội thảo tại các thành phố lớn như Paris, người đi hội họp có thể bực bội vì kẹt xe, tìm chỗ đậu xe, vì không khí ngột ngạt của thành phố dễ sinh ra cáu kỉnh trong khi bàn cãi. Vì thế mà kết quả thường rất kém. Không khí nhẹ nhàng tại Làng Hồng, đã đành là nhờ khung cảnh núi rừng tươi mát nhưng còn nhờ sự tu tập tạo ra, đã là một yếu tố quan trọng giúp cho các buổi hội thảo dễ đi đến thành công.

CHÁNH NIỆM NÂNG TRÒN ĐẦY
Chơn Không Cao Ngọc Phượng viết.

Các thiền sinh người ngoại quốc về tu học ở Làng Hồng rất thích các buổi thiền trà tổ chức mỗi tuần ba lần tại đây. Không khí ấm cúng và thân mật. Mọi người dễ có ý thức về sự hiện diện của nhau vì số người tham dự mỗi buổi thiền trà rất giới hạn. Có một bữa các bạn ấy hỏi tôi: “Ở Việt Nam quý vị có từng tổ chức thiền trà như vậy không?” tôi nói: “Từ thuở xa xưa những người Việt Nam thanh lịch đã vẫn thường hay cho sự pha trà và uống trà như một nghi lễ rất đạo vị. Nước pha trà phải là nước ngon. Trà ngon đã đành, mà bình trà, chén trà đều phải được chuẩn bị rất công phu trang trọng. Tại các chùa, buổi sáng nào cũng có pha trà để đại chúng uống mỗi người một chén trước giờ công phu hoặc thiền tọa. Khi các vị hòa thượng gặp nhau, nghi thức pha trà trở nên trang trọng hơn nhiều. Ngày xưa, những người đầu tiên tìm ra được lá trà là các vị thiền sư Trung Hoa. Họ nhận thấy uống trà thì ngồi thiền rất tỉnh táo. Từ đó thiền và trà không rời nhau.”

“Tôi còn nhớ khi ông bà nội tôi còn sống, sáng nào hai cụ cũng dậy sớm. Ông khoan thai đi đun nước pha trà rồi ông bà uống với nhau chén trà đầu ngày rất ung dung đạo vị. Ông bà không nói năng chi, ngồi với nhau mươi mười lăm phút rồi mới trao đổi nhau vài câu chuyện. Thỉnh thoảng mấy bác tôi cũng được tham dự và đôi khi tôi cũng được ban một chén. Không riêng gì gia đình tôi, nhiều nhà Việt Nam đều có phong tục ấy. Dần dần đời sống xã hội văn minh phương tây buộc con người đi tới sở đúng giờ, thêm vào những thú vui như xem truyền hình cho tới khuya nên thức dậy trễ, con người có khuynh hướng uống vội vàng tách cà phê rồi hộc tốc chạy đến sở làm. Chén trà uống trong tỉnh thức buổi sáng tinh sương không còn nữa.”

Thiền trà theo lối Làng Hồng là do thầy Nhất Hạnh sáng chế cách đây năm năm. Thầy đã căn cứ trên truyền thống sẵn có giữa trà và thiền của các thiền viện và cách thức uống trà đạo vị của tổ tiên chúng ta ngày trước để thể hiện cái thấy của người có thực tập chánh niệm. (Cũng trên nguyên tắc đó, Thầy đã thiết chế ra phép thiền hành ngoài trời mà những chỉ dẫn được tìm thấy trong sách Thiền Hành Yếu Chỉ). Điểm chính yếu của thiền trà Làng Hồng là “sự tỉnh thức”. Tôi nói với họ: “tất cả mọi động tác từ khi dâng trà lên thiền tổ hay pha trà cho bạn. Mỗi cử động của người pha trà, của vị chủ tọa và của các bạn tham dự đều được diễn biến trong tỉnh thức. Nếu không có tỉnh thức trong mỗi động tác thì không còn gọi là thiền trà nữa mà chỉ là uống trà thường thôi”. Tôi nhắc cho các bạn ấy nhớ: “trước khi vào trà xá, bạn đã được mời ngồi trên những phiến đá xếp thành vòng tròn dưới bóng tre để nghe giảng về ý nghĩa và nghi lễ thiền trà. Sau đó tất cả được mời vào trà xá trong chánh niệm, xếp thành hai hàng sau lưng vị chủ tọa để đảnh lễ tổ. Tổ đây là thiền tổ mà cũng có thể là tổ tiên của những người tham dự uống trà. Sự sống chúng ta là sự tiếp nối của bao thế hệ đi trước và ta sẽ sống tỉnh thức thế nào để truyền cho thế hệ sau ta những tinh ba của dòng sinh mệnh tổ tiên. Sau khi dâng hương, người chủ tọa trà lễ quay lại chào mừng các bạn bằng một lạy. Sở dĩ người ấy lạy các bạn một cách cung kính là vì trong tỉnh thức người ấy thấy được nơi mỗi bạn một đức Phật tương lại. Và để đáp lễ, bạn cũng lạy người chủ tọa một cách cung kính như bạn lạy một đức phật. Mọi người ngồi xuống trên những tọa cụ xếp hình vòng tròn để có thể nhìn rõ mặt nhau và bạn cứ ngồi thoải mái theo kiểu ngồi nào thích hợp với bạn nhất. Khi nào mỏi chân, bạn có thể thay đổi thế ngồi cho an lạc. Bạn sẽ theo dõi hơi thở của bạn và ý thức được sự có mặt của bạn và những người xung quanh. Người pha trà cứ thong thả pha trà , bạn đừng chờ đợi, đừng suy nghĩ là người ấy pha chậm quá. Nếu ta có thể thấy thoát ra từ cử động của người pha trà một sự thanh thoát và an lạc thì ta theo dõi cử chỉ của người ấy để thưởng thức từng cử động tự tại đó. Bạn cũng có thể ý thức đến sự mầu nhiệm của sự có mặt của bạn trên mảnh đất này, ý thức về nụ cười, nét mặt an vui của những người xung quanh, ý thức đôi mắt sáng và về các giác quan lành mạnh khác của bạn…tất cả những gì mà bạn nghĩ là tầm thường nhưng có thể là quý báu nhất một khi bạn đánh mất nó.”

“Một buổi thiền trà theo đúng nghĩa của Làng Hồng thì phải có một vài em bé tham dự. Sau khi chén trà và chiếc bánh dâng tổ chuẩn bị xong, một em sẽ đứng dậy khoan thai đến trước người pha trà, nâng chiếc khay có trà và bánh, đem đến bàn tổ. Người chủ tọa sẽ giúp em dâng trà bánh cho tổ. Sau đó mới đến tuần trà bánh cho mọi người tham dự. Trẻ em là biểu hiện của sự mát mẻ, của tương lai. Sự sống mà không có trẻ em thì khô cằn mất, và vì vậy các em nên được tham dự tất cả những sinh hoạt như thiền trà, thiền tọa, thiền hành…”

“Khi chiếc khay bánh hay khay trà của người ngồi cạnh chuyền đến bạn, bạn tỏ sự cám ơn bằng cách chắp tay hình búp sen để đáp lễ trước khi lấy trà hay bánh. Để diễn tả sự ý thức của bạn, không có gì đẹp hơn là tặng bạn mình hai bàn tay chắp trang trọng, đẹp như một đóa sen búp. Khi mọi người đã có trà và bánh, người chủ tọa mời mọi người uống trà trong ý thức. Không nên vì vui câu chuyện hay mông lung trong suy tư mà quên mất sự hiện diện của chén trà. Câu chuyện có thể bắt đầu sau vài ngụm trà. Bạn có thể nói bất cứ đề tài gì. Quan trọng là không đánh mất sự tỉnh thức. Nếu trong trà lễ mà có những người có trình độ tỉnh thức cao thì bất cứ đề tài khó khăn nào cũng có thể được đem ra bàn và biết đâu những khó khăn nhờ thế có thể được giải quyết. Mọi người trong trà lễ đều được mời tham dự, chia một ý nghĩ hay một vần thơ đẹp, một tư tưởng sâu sắc hay một bản nhạc thâm trầm. Nhờ ánh sáng chánh niệm chiếu rọi mà mùa hạ năm nay có những buổi thiền trà thật kỳ diệu, nhất là những buổi có đàn tranh, đàn bầu và ngâm thơ, hay những trà lễ có sự bình văn truyền cảm và thâm trầm của anh Cả Làng Hồng. Cũng có những buổi thiền trà mà sự tỉnh thức về nỗi khổ đau của đồng bào trong nước đã khiến cho nhiều người rưng rưng nước mắt. Những trà lễ như vậy có thể kéo dài đến hai ba tiếng đồng hồ mà khi chia tay ai cũng thấy khoan khoái vui thích. Thiền trà, thiền hành hay “thiền nấu ăn” đều là những hình thức tuy động hơn thiền tọa nhưng vẫn giúp ta giữ được chánh niệm. Mục đích của thiền trà là để khi trở lại môi trường hoạt động của mình, bạn có thể tiếp tục giữ được sự tỉnh thức. Tỉnh thức về chén trà này, hạt gạo này, mảnh đất này…tỉnh thức về sự hiện diện của những người thân yêu như cha, mẹ, vợ, con, anh em, con cháu…những người thân thương vẫn thường xuyên hiện diện bên ta nhưng ta ít ý thức. Một mai khi họ mất đi rồi ta mới hối tiếc.”

Tôi lại nói tiếp với các bạn ngoại quốc: “như chúng tôi đây, nếu chúng ta đã biết tỉnh thức từng bước chân trên mảnh đất quê hương, từng tiếng cười, tiếng nói, tiếng khóc của đồng bào mình thì một hôm chợt đánh mất tất cả, chúng tôi cũng sẽ không hối tiếc là mình đã sống thiếu ý thức.”

Tại các buổi thiền trà, chúng tôi thường có lệ nâng chén trà lên bằng cả hai tay. Chén trà trong lòng hai bàn tay tôi giống như một cái gương sen được bao bọc chung quanh và phía trên bằng những ngón tay hơi úp vào như những cánh sen. Tôi thường nâng trà lên như thế trong mấy mươi giây trước khi uống. Trong một trà lễ, tôi nghĩ, nâng trà bằng cả hai bàn tay mới được chỉnh đốn. Tôi ưa nhìn hơi trà bốc lên giữa mười ngón tay, cảm thấy hơi ấm của trà trong hai lòng bàn tay. Trong mấy mươi giây ấy tôi có đủ thì giờ để thầm đọc bài kệ uống trà:

Chén trà trong hai tay
Chánh niệm nâng tròn đầy
Thân và tâm an trú
Bây giờ và ở đây

Đọc bài kệ lại càng thấy rõ rằng nâng chén trà bằng hai tay trong một trà lễ là rất đúng phép.

Các bạn thiền sinh ngoại quốc đều rất hoan hỷ và thích thú về phong tục này của Làng Hồng. Anh chị nào cũng bảo là họ đã từng dự rất nhiều các trà lễ Nhật Bản nhưng thiền trà Làng Hồng của người Việt Nam quả thật là thích thú nhất. Người nào cũng nhất định sẽ tổ chức thiền trà theo lối Việt Nam khi trở về nước họ để bạn họ có thể nếm được sự mầu nhiệm của tỉnh thức. Theo họ, thiền trà của người Nhật tuy công phu nhưng chỉ còn giữ lại được phần kỹ thuật pha trà, còn phần quán niệm gần như mất hẳn. Thiền trà Việt Nam tại Làng Hồng không bao giờ đi tới mức cầu kỳ, phiền toái, nhưng sự có mặt của tính chất tỉnh thức và an lạc được tất cả mọi người công nhận. Một thiền sinh họa sĩ người Hòa Lan, anh Robert Naah, trong một buổi thiền trà tại Tham Vấn Đường đã sáng tác một bức họa trong đó có một chén trà và một dòng chữ thật ý nghĩa: “uống một chén trà xanh, tôi sáng tạo nên hòa bình” (by drinking a cup of green tea, I invented peace).

Theo Thầy thì những buổi thiền trà tươi mát và đẹp đẽ nhất mà Thầy được dự là những buổi thiền trà tổ chức cho riêng thiếu nhi mỗi chiều thứ năm khi Thầy tiếp tất cả thiếu nhi Làng Hồng tại Phật đường Trúc Lâm tại xóm Thượng. Thiếu nhi có khi đông tới ba mươi em trong một buổi thiền trà. Thay vì đãi các em trà, Thầy thường đãi các em nước chanh đá và bánh. Nước chanh múc bằng vá vào ly chứ không phải trà rót từ bình vào chén. Vì vậy các anh các chị ở Làng Hồng cứ hay gọi các buổi thiền trà thuần thiếu nhi là thiền nước chanh. Người lớn không ai được chứng kiến các buổi thiền nước chanh, trừ khi được mời vào để đàn cho các em nghe những bản nhạc dân tộc. Theo những người này thuật lại thì các em ngồi thiền trà đẹp và ngoan lắm, thảnh thơi hơn cả người lớn và tham dự tận tình vào nghi lễ cũng như đàm luận. Các đề tài đàm luận thường được Thầy đưa ra sau những mẩu chuyện lịch sử và tiền thân.

Các bạn về tu học ở Làng Hồng đã chia tay nhau từ hôm 16/8/1984 nhưng hương vị của những chén trà vẫn còn phảng phất. Mẹ của bé Thục Hiền tại Anh Quốc cho biết là đã có những buổi thiền trà đạo vị được tổ chức bên đó. Tại Paris, những buổi thiền trà không thiếu; anh Minh và chị Trinh còn mua nhiều loại trà thơm để gửi về tặng những người thường trú trong Làng. Những khóa tu học cuối tuần đã được tổ chức tại Am Phương Vân cho các bạn vùng Paris và phụ cận. Chị Chơn Quán và các bạn đang tổ chức một khóa tu học bảy ngày vào dịp lễ giáng sinh năm mới tại Am Phương Vân và mời Thầy về hướng dẫn. Chị hiện “trụ trì” am Phương Vân. Tại Lyon, anh Chơn Thuyên đã tổ chức thiền trà không những cho các bạn người Việt mà còn tổ chức thiền trà cho các bạn người Pháp. Chưa nghe nói các anh chị ở Lyon đã tổ chức những khóa tu học cuối tuần như thế nào. Các cháu ở Thụy Sĩ cho biết có tổ chức Ngày Làng Hồng mỗi tuần. Ở Gia Nã Đại, anh Toàn đã tổ chức cho cả gia đình ngồi thiền mỗi tối. Các anh chị bên ấy đang lo tìm chỗ lập thiền đường chung và mời Thầy qua hướng dẫn một khóa tu học vào mùa xuân năm tới. Cháu Bằng Lăng rất hăng hái giúp chị Ngọc Hương trong công việc giúp trẻ em đói và tổ chức học tập về văn hóa Việt cho người trẻ. Tuy nhiên không biết các bạn tại Thụy Sĩ và Gia Nã Đại có tổ chức thiền trà đều đặn không?

Tại California, chắc thầy Tánh Thiện đã tổ chức thiền trà nhiều lần tại chùa Việt Nam ở Los Angeles rồi; riêng nhóm Bích Thủy, Hân, Judith, Thérèse và Arnold không biết đã tổ chức thiền trà và tụng giới hằng tuần ở San Francisco chưa. Anh Hương và Đình Đức tại bờ biển phía Đông Hoa Kỳ, tuy chưa báo cáo nhưng chắc đã làm được nhiều điều đáng kể. Các bạn Hòa Lan cũng chưa thấy viết thư nhưng tôi tin là hương vị những chén trà Làng Hồng còn phảng phất. Có thể vì vậy mà một anh họa sĩ Việt Nam hai mươi ba tuổi định cư bên ấy nghe các anh nói đến Làng Hồng nên đã lặn lội ôm túi ngủ vượt gần hai ngàn cây số đến tận Làng vào đầu tháng chín. Đáng lý đến Làng giờ ấy thì cửa tùng đã khép chặt rồi. Nhưng tuổi trẻ và thiết tha của Nguyễn Thanh Hùng đã được các người trẻ của Làng cảm động. Hùng đã được tham dự dựng một nhà mặt trời với Đôn, Nhàn, Dũng và anh Cả ở xóm Hạ và một nhà mặt trời cho xóm Thượng. Hùng cũng đã thực tập cưa củi và bửa củi trong chánh niệm. Lúc ấy Thầy còn ở dạy các thiền sinh Hoa Kỳ trên xóm Thượng nên Hùng vẫn còn dịp dự thiền trà với Thầy và tập bước từng bước nở hoa sen.

Tôi mong rằng chén trà buổi sáng ở nơi các bạn cư trú tiếp tục được tỏa hương tỉnh thức. Tỉnh thức về sự hiện diện của mình, của những người thân yêu mà còn tỉnh thức về sự hiện diện của sự khổ đau mà năm chục triệu đồng bào đang gánh chịu trên đất nước Việt Nam.