Lá thư Làng Mai 05 – 1985

Tải về bản PDF

LÁ THƯ THỨ NĂM
ngày 07/5/1985
Chơn Lễ Nguyên Thiều viết.

Năm nay chúng ta đã ăn tới hai cái tết Nguyên Đán! Chắc quý vị đã đón giao thừa trong niềm hân hoan và cẩn trọng giữa không khí ấm cúng của gia đình có cả ông bà tổ tiên cùng vui vầy với con cháu trong ngày đầu năm trên đất khách. Riêng xứ Pháp, mùa đông rồi là mùa đông lạnh nhất trong vòng gần ba mươi năm qua. Mọi người ở Làng Hồng đều mong quý vị đủ ấm và vẫn mạnh khỏe, nhất là quý vị có tuổi và các cháu bé.

Chúng tôi đã nấu bánh chưng và làm kẹo mè xửng để đón giao thừa ở Xóm Hạ. Có gia đình anh Chơn Thuyên từ Lyon về chơi và đã cùng tham dự vào việc vô hộp và gửi bánh chưng cho dân Làng. Ngày mồng một, mọi người dự thiền trà ở xóm Thượng và chúc Tết lẫn nhau. Tý, Miêu và bé Nhật Tâm năm nay được Sư Ông cùng quý cô, bác dân làng lì xì khá nhiều. Riêng Tý lại được anh Đức từ bên Mỹ gửi cho một túi bi quý nhất của anh ấy. Trong trận lạnh vừa qua, tại Làng Hồng có khi cái lạnh xuống tới 18 độ âm. Hồ nước ở cuối đường thiền hành của xóm Hạ đóng băng dày đến nỗi chúng tôi có thể vững dạ mà dạo chơi trên đó. Chúng tôi đã tổ chức một bữa cơm trưa ở đấy và thổi nấu bên bờ hồ. bằng củi rừng. Tuy nhiên, mọi người ở Làng Hồng, trong mùa đông qua, vẫn bình an mạnh khỏe. Riêng chú Nhàn cảm thấy quá lạnh vì đây là mùa đông đầu tiên của chú trên đất Pháp. Chó con – bé Nhật Tâm – tỏ ra rất thích thú khi dậm đôi ủng màu đỏ bé tí teo lên tuyết trắng. Năm nay cháu lên ba – cùng tuổi với Làng Hồng. Nhờ ông bà thương, cháu vẫn chơi. Mụ bà dạy cháu bi bô cả ngày. Cháu nói rất nhiều. Đại khái như: “Ba đang tỉa nho”, “lát nữa ba vô”, “ba mở cửa”, “ba ngồi xuống, ba hun Châm”. “Hun Châm” tức là “hôn Tâm” đấy.

Cây cối tại Làng Hồng đã xanh. Chúng tôi đã tỉa nho, tỉa mận xong. Bắp đã được gặt. Bắp năm nay gặt trễ lắm vì sau trận lạnh, trời cứ mưa mãi và đất không chịu khô nên máy gặt không xuống ruộng được, do đó một phần nhỏ bắp bị hư thối. Đậu nành thì đã được gặt sớm hơn bắp tới gần bốn tháng nên không có vấn đề. Chúng tôi đã trồng đậu nành giữa những hàng mận để cho đất các đồi mận có thêm chất azote. Phần lớn đậu nành thu hoạch đã được bán cho hợp tác xã; chúng tôi chỉ giữ lại 800 ký để làm tương và làm đậu hũ. Chú Nhàn là người phụ trách làm đậu hũ (đậu phụ, đậu khuôn). Đậu ăn béo lắm. Thầy rất hài lòng thấy mình đã có thể làm đậu hũ với đậu nành do mình trồng ra. Muồi sẽ phụ trách việc làm tương nhưng phải đợi trời thật ấm mới khởi sự. Tương năm ngoái ăn vẫn chưa hết. Thời tiết đã ảnh hưởng nhiều tới mùa màng. Rau cải trồng trong nhà mặt trời bị cái lạnh làm hư hại quá nửa. Tất cả các cây cải tần xại đều bị hư đọt. Sả, tần ô, bạc hà và rau má đều bị chết lạnh cả. Riêng cải bẹ xanh còn gắng gượng nổi và sau đó xanh tốt bình thường. Chúng tôi đang chuẩn bị việc gieo trồng cho mùa hè tới, một phần để bán và một phần để dân Làng xử dụng trong mùa tu học.

Làng đã bước vào năm thứ ba và đang ở trên đà phát triển, nhờ ở quyết tâm và sự cố gắng của tất cả chúng ta. Sự phát triển này không phải ở chỗ Làng Hồng trúng mùa hay gia tăng diện tích đất đai hoặc sửa sang thêm các cư xá; sự phát triển này là ở nếp sống tu học tinh tấn của dân Làng tại khắp nơi…Từ sau khi Làng Hồng bế mạc khóa tu học mùa hè 1984 đến nay, chúng tôi đã đón nhận nhiều tin phấn khởi. Từ Gia Nã Đại gia đình anh chị Đỗ Qúy Toàn và các bạn bè đã chuẩn bị cơ sở để cùng tu học hàng tuần. Ở Hòa Lan các anh Tiền, anh Thế, anh Truy, anh Phong và anh Khảng…đã tổ chức những buổi thiền trà và đang tiến tới việc thiết lập cơ sở tu học. Ở Paris, chị Chơn Quán và nhóm bạn của Phương Vân Am vẫn tổ chức những khóa tu học đều đặn tại Fontvannes mỗi ba tuần. Khóa tu mười ngày vào dịp giáng sinh và tết dương lịch 1985 đã có tới ba mươi sáu người tham dự. Ngoài ra anh em dân làng vùng Paris đã tổ chức những buổi gặp gỡ giữa độc giả, thân hữu nhà xuất bản lá bối để mạn đàm, thiền trà trong không khí thanh tịnh và an lạc. Ở Lyon, anh Chơn Thuyên đã tổ chức hội nghị thiếu nhi và thiếu niên Việt Nam vào cuối năm qua. Hội nghị đã quy tụ dân làng vùng Lyon và một số thân hữu khác. Các bạn ở Lyon cũng đã bắt đầu vận động việc thành lập thiền đường.

Trên đây, chúng tôi chỉ nêu lên vài trường hợp điển hình. Còn lại biết bao nhiêu những cố gắng khác trong từng gia đình hay nơi mỗi em bé. Tất cả Làng Hồng được tạo thành, được lớn mạnh nhờ ở chất liệu tâm linh đó, nhờ ở sinh khí đó.

Để chuẩn bị cho khóa tu học mùa hạ 1985, chúng tôi đang sửa sang lại những ống nước bị bể trong trận lạnh vừa qua ở cư xá Tùng Bút và làm trần nhà cho cư xá Đồi Mận ở xóm Hạ. Xóm Thượng cũng cần sửa chữa ống nước, những bầu chứa nước và một bình nấu nước nóng cho các phòng tắm do mùa đông làm hư hỏng. Xóm Thượng cũng đã có thêm các phòng Tre Tím, Tre Vàng, Hoa Vàng, Mây Thơm và Rạng Đông. Phòng Hoa Vông Vang trong cư xá Hồ Đào đã trở thành phòng khách nhờ có thêm một cửa sổ rất sáng sủa. Đó đây, dân Làng đã gửi phần đóng góp tài chánh về. Công tác cần đến bàn tay của tất cả liệt vị, dù là người lớn hay thiếu nhi.

Bây giờ là đầu tháng năm dương lịch, mùa xuân đã tới. Chúng tôi thân chúc quý vị một năm mới trong thanh tịnh và an lạc.

 

KHÓA TU HỌC TẠI PHƯƠNG VÂN AM
Trần Đức Minh viết.

Trong dịp lễ giáng sinh cuối năm dương lịch 1984, một khóa tu học mười ngày đã được tổ chức tại Phương Vân Am dưới sự hướng dẫn của Thầy.

Những tháng trước, các anh chị tại Paris và vùng phụ cận vẫn thường về Phương Vân Am để tĩnh tu cuối tuần, trung bình cứ ba tuần một lần. Vào những lần chót, giờ chấp tác được dành cho việc sửa sang lại am để có thể đón tiếp số đông người về tham dự khóa tu mùa đông. Dự trù sẽ có bốn mươi người; đây là con số khá lớn đối với Am Phương Vân. Dì Chơn Quán và các anh chị đã sơn lại những cánh cửa, quét dọn các căn phòng lâu nay bỏ không, may thêm tọa cụ, vân vân…Với sự cố vấn và tiếp sức của chị Chơn Không từ Làng Hồng, dì Chơn Quán và các anh chị đã tu bổ căn phòng lớn nhất để làm thiền đường mới, đủ chỗ ngồi cho ba mươi người. Hệ thống lò sưởi bằng hơi đốt cũng được sửa lại để sưởi ấm cho cả am.

Ngày thứ sáu 21 và thứ bảy 22 tháng 12, một số người về trước để cùng nhau sắp đặt lại am, chuẩn bị cho khóa tu học. Thầy bắt thêm bóng đèn, dì Chơn Quán đóng giá treo áo, chị Chơn Không may màn quanh thiền đường. Chú Chơn Thuyên và Minh trải thảm thiền đường, chị Thanh xếp dọn nhà bếp và trang trí bàn thờ, còn Tý lau những cửa kính còn dính sơn. Chiều thứ bảy, thiền đường được trang trí xong, tuy đơn sơ nhưng trang nhã và ấm cúng. Mọi người đều hài lòng về thiền đường mới. Bàn thờ do anh Chí Tâm đóng; anh đã chịu khó cưa gỗ thành hoa sen trông thật khéo. Thầy có mang về một tấm hình phật Thích Ca của nhà văn Dương Nghiễm Mậu vẽ và chạm sơn mài rất mỹ thuật. Lúc chiều, khi đi dạo trên đồi, Thầy đã cắt vài cành thông về cắm trong bình hoa trước bàn phật. Mùi trầm hương thoảng bay trong bầu không khí ấm áp.

Những người tham dự khóa tu học bắt đầu về đến. Đặc biệt khóa tu học này có nhiều anh chị trẻ. Chị Mai, chị Nga, chị Trinh, anh Thư, anh Thái Quan đến từ Paris. Danh, chị Liên, anh Bốn đến từ Thụy Sĩ. Tối đến lại thêm một xe về, có anh Quốc Anh, chị Tri Thủy và anh Thái. Sau khi uống trà hàn huyên, mọi người bàn qua về chương trình khóa tu học. Giờ giấc các sinh hoạt thường lệ như thiền tọa, thiền hành, tụng giới, chấp tác tương tự như ở Làng Hồng. Mỗi ngày Thầy giảng giáo lý cho thiếu nhi và duy thức cho người lớn. Thầy đề nghị các chú các dì đã thọ giới Tiếp Hiện bắt đầu hướng dẫn những buổi pháp thoại và pháp đàm. Ngoài ra sẽ có những buổi hội thảo, văn nghệ và thiền trà.

Buổi sáng, đúng bảy giờ, mọi người thức dậy sửa soạn ngồi thiền. Vài người đã dậy trước và đang ngồi uống trà. Ở am Phương Vân lúc nào cũng có uống trà, nhưng ngon nhất có lẽ vào buổi sáng sớm. Trời lạnh, chén trà tỏa hơi nóng trong hai tay, mỗi ngụm trà làm cả người ấm áp, và tinh thần thêm tỉnh táo. Chị Nga thường dậy sớm để pha trà. Bên phòng thầy, các thiếu nhi cũng được Thầy mời uống trà mỗi buổi sáng. Đến giờ thiền tọa, mọi người nghiêm trang đi vào thiền đường. Dì Chơn Quán đã thắp hương và thắp nến. Thiền đường mới ngồi rất thoải mái và đi rất êm. Chỉ có hôm đầu chưa cắm lò sưởi điện nên thiền đường hơi lạnh và mùi hương lạ làm vài người bị nhảy mũi và ho. Có lần Thầy dặn mọi người quán chiếu về sàn thiền đường trong lúc đi kinh hành. Đặt từng bước chân trên sàn gỗ cứng chắc, mọi người ý thức rằng sàn gỗ dưới chân mình là do sự góp sức của nhiều người làm nên. Mỗi viên gạch, mỗi đà cây, mỗi tấm ván đều có bàn tay của những người anh em mình trong đó.

Sau khi ăn sáng, mọi người đi thiền hành chung lên đồi. Dì Ba và chị Annie cũng vừa từ Troyes đến để kịp cùng đi thiền hành. Phương Vân Am xây ở lưng chừng đồi, sau lưng am là một con đường đất dẫn lên đến đỉnh. Buổi sáng, trời lạnh, mặt đất còn cứng nên dễ đi. Có hôm sương khuya đóng thành đá trên những lá cỏ và trên hàng rào. Những hôm trời ấm hay trời mưa mọi người vừa đi vừa phải tránh bùn. Phong cảnh nhìn từ đỉnh đồi thật đẹp. Những đám ruộng đủ màu trải dài đến tận chân trời, xen lẫn với những ngọn đồi và những khu rừng. Vài xóm nhà rải rác đó đây. Cảnh vật nằm yên trong làn sương mờ đục hay rực rỡ dưới ánh nắng mai. Cây thông Thanh Từ vươn lên sau đám ruộng, vững chãi và xanh tươi, dáng bầu bầu như một búp sen. Đoàn người thiền hành đến cây thông Thanh Từ thì dừng lại nghỉ chân, trò chuyện trước khi quay về. Có hôm Thầy đọc thơ cho mọi người nghe. Tôi nhớ có hai câu thơ của vua Trần Thái Tông:

Bộ bộ đạp trước thực địa
Đầu đầu đỉnh đới hư không

“Chân bước trên đất đai thực tại, đầu đội dưới khung trời thái hư” (Nguyễn Lang dịch). Hôm khác, trên đường về, Thầy dẫn mọi người đi xem khu đất mà lúc trước Thầy định cất một cái cốc. Khu đất nằm khá cao trên lưng đồi, cách xa mặt đường hơn am nên đỡ bị tiếng ồn xe chạy và phong cảnh nhìn cũng đẹp và thoáng hơn. Thầy đề nghị các anh chị, mùa xuân tới, dọn một con đường lên khu đất đó và trồng một vườn hoa để chiều chiều có thể ra ngồi uống trà vào những ngày nắng ấm.

Mỗi ngày, sau giờ thiền hành, đều có lớp học phật pháp. Thầy dành khoảng 15 phút đầu cho thiếu nhi. Hôm đầu Thầy ôn lại ba sự quay về nương tựa và hai lời hứa mà các em thường đọc trong những buổi tụng giới. Vì rời Làng đã mấy tháng và không được thực tập ở nhà nên nhiều em quên. Thầy nói quý vị phụ huynh nên mỗi hai tuần tổ chức những buổi tụng giới và mỗi lần nên dạy và kể thêm những thí dụ về lòng thương và sự cởi mở cho các em. Trong những buổi học sau đó, Thầy giảng về bốn sự thật cao quý (tứ diệu đế), bốn tấm lòng đẹp vô biên (tứ vô lượng tâm), ba sự tu học (tam học), sự thực tương đối và sự thực tuyệt đối (nhị đế) và sanh diệt và bất sanh bất diệt (bát nhã). Trước khi giảng bài mới, Thầy hỏi lại bài cũ nên trong ngày em nào cũng chăm lo học hành. Những buổi học rất vui; Thầy thường kể những thí dụ thực tiễn và dễ hiểu cho các em. Như khi học về Tứ Vô Lượng Tâm: Từ, Bi, Hỷ, Xả thầy giải thích và chỉ cho các em thấy bốn đức tính này nơi cây thông Thanh Từ và nơi chú Sáu Cao Thái. Một hôm thầy gọi bé Thơ lên để giảng về sinh diệt và bất sinh bất diệt. Thầy hỏi bé Thơ có biết ngày sinh của mình không và trước ngày hôm ấy bé Thơ đã có hay chưa. Thầy nói, bé Thơ không phải chỉ có từ lúc ra đời mà đã có mấy tháng trước trong bụng mẹ, và trước đó nữa, trong cha mẹ, ông bà, tổ tiên, giòng giống. Bé Thơ chưa bao giờ từng sinh ra, vì sinh là phải từ không trở nên có. Và đã không sinh, bé Thơ cũng sẽ không bao giờ mất đi. Sự sống của bé Thơ là sự sống của giống nòi, dân tộc của bao thế hệ đi trước và những thế hệ sẽ đến sau. Rồi thầy kể chuyện một gia đình có ba người, người ông, người cha và người cháu. Một hôm người cháu lầm lỗi và bị ông nội đánh phạt. Người cha thương xót khi thấy con bị đánh nhưng không dám chống lại cha mình, nên nói với người ông, tức cha mình: “Ông đánh con tôi thì tôi đánh con ông”, rồi người cha tự đánh mình. Người ông thấy vậy nói: “Mày đánh con tao thì tao đánh cha mày”, rồi tự đánh mình. Thầy nói sở dĩ có sự tranh chấp là vì hai cha con không thấy cả ba là một, như lá không thấy mình là cây hay sông không thấy mình là nước. Bài kệ “đi tắm” cũng nói về sự sống bất sinh bất diệt. Bài học hôm ấy còn được gọi là bài học “bé Thơ”. Người lớn cũng học được nhiều từ bài học này.

Thiếu nhi được ra ngoài chạy chơi trong khi Thầy giảng Duy Thức Học cho người lớn. Đầu tiên Thầy nói phương pháp học Phật không phải là sự cất chứa kiến thức mà trái lại là sự rũ bỏ những thành kiến và khuôn khổ do xã hội, phong tục, tập quán và giáo dục tạo nên. Người học Phật phải khéo léo đừng để kẹt vào những khái niệm và những ngôn từ vốn được xử dụng như những phương tiện dẫn dắt đến thực tại. Sau khi định nghĩa một số danh từ căn bản như căn, trần, cảnh, lượng, tánh…Thầy giải thích đặc tính và công dụng của các thức, nhất là A Lại Gia. Tuy thức được chia làm tám loại, các thức liên hệ chặt chẽ với nhau, không thức nào có thể tồn tại biệt lập với các thức khác, như sáu mặt, thể tích và chất ngà của một hột súc sắc. Phương pháp tu tập theo Duy Thức Học là sự huân tập những nghiệp nhân tốt vào A Lại Gia dưới hình thức những chủng tử. Những chủng từ này luôn luôn biến đổi, phối hợp, hóa giải hay tiêu diệt những chủng tử khác, để đến khi có dữ kiện, sẽ hiện hành thành một nghiệp quả tốt. Đối với cảm thọ, phương pháp của duy thức học là sự quán sát. Khi ta giận, cái giận ấy là ta; ta chỉ có thể quán sát mà không nên xua đuổi, đàn áp hay níu kéo. Chỉ một việc quán sát cũng đã làm cho cảm thọ biến thể. Ngoài ra, ta nên biến những xả thọ thành lạc thọ. Khi nhìn một bông hoa hay ngồi trong một căn phòng ấm áp, ta tìm thấy được một niềm vui hay một cảm giác dễ chịu của cơ thể. Hiện nay, trong khi số người bị khủng hoảng thần kinh ngày càng gia tăng tại các nước Âu Mỹ. Duy thức học có thể đóng góp cho khoa tâm lý trị liệu trong việc khám phá và giải tỏa những bế tắc trong phần sâu thẳm của tâm thức người bệnh.

Mọi người đã hội thảo đề nghị một chương trình học văn hóa Việt Nam cho thiếu nhi độ 10 tới12 tuổi sống ở hải ngoại. Những điều các em cần biết về lịch sử, địa lý, thần thoại, cổ tích, ca dao, tục ngữ, quốc văn, thi ca, âm nhạc, trò chơi, câu đố. Chú Chơn Thuyên phụ trách đúc kết chương trình này. Chú cũng sắp sửa mở một lớp dạy văn hóa Việt Nam cho thiếu nhi tại Lyon. Trong những buổi pháp đàm mọi người thảo luận thêm về Duy thức hay chia xẻ kinh nghiệm về những vấn đề thường gặp trong đời sống hàng ngày, nơi sở làm, trường học, nhất là đối với các bạn trẻ. Có bạn cảm thấy những đụng chạm trong đời sống nghề nghiệp đã làm tâm hồn mất đi rất nhiều sự trong trắng. Một bạn khác nói, khi về đến Phương Vân Am, bao nhiêu vấn đề ở thành phố tự nhiên biến đâu hết.

Trong phần sinh hoạt văn nghệ, những bài hát cộng đồng và những bài hòa tấu cổ nhạc rất được ưa chuộng. Một hôm, Thầy đọc thơ, chị Chơn Không hát những bài thơ phổ nhạc của Thầy. Anh Chí Tâm và chị Trinh ghi nốt nhạc và chia nhịp một số bài. Thầy cũng dạy cho mọi người cách đọc tụng kinh và kệ. Lễ giáng sinh đã được đón tiếp trong bầu không khí vui vẻ và đầm ấm. Buổi cơm chiều có bánh xèo và bánh ít. Buổi tối, mọi người quây quần bên lò sưởi, uống trà, ăn bánh và ca hát. Chị Tri Thủy định nói chuyện về những tương đồng và khác biệt giữa Thiên Chúa giáo và Phật giáo nhưng thấy mọi người vui hát nên thôi. Sau đó chị Trinh đàn tranh, Tý và Danh song ca bài “em bé quê”. Thiếu nhi tham dự khóa tu gồm có Trang, Hạnh, Tý, Danh, Sâm, bé Thơ và bé Thảo.. Thỉnh thoảng, các anh chị rủ các em ra tập hát, tập kịch. Anh Chí Tâm dạy cho các em, và cho cả người lớn, một bài hát phật giáo cổ truyền theo điệu Đăng Đàn Cung. Tý lên Paris chơi trước đó, học được cách làm tiếng kêu của chim bồ câu và tập cho các bạn làm. Buổi sáng khi thức dậy, bên phòng Thầy có mấy con chim bồ câu kêu rất vui, mỗi con một giọng khác nhau. Ba má Tý có gửi rau cải từ Làng Hồng lên tặng khóa tu học.

Bắt đầu từ ngày 25 tháng 12, thêm nhiều người về Phương Vân Am như bà ngoại Trang Sâm Thơ, chú Cao Thái, gia đình chú Mười từ Thụy Sĩ, các bạn Hảo, Hậu, Phương, Nguyệt, Pierre, Deepthi, Philippe, Martine, Sarala, Claire…ngoài ra có một số khác đã đến sinh hoạt trong vài ngày như gia đình bác Hướng, gia đình chú Đỗ Tuấn Khanh, Nguyễn Văn Đông, gia đình bác Diệu Lễ… mặc dù số người đến tu học khá đông so với chỗ ở, khóa tu học đã diễn tiến tốt đẹp. Mọi người đã học hỏi được rất nhiều trong các buổi giáo lý, hội thảo, pháp đàm hay trong những lúc trò chuyện văn nghệ. Nhiều anh chị đã nhận thấy sự bổ ích và cần thiết của khóa tu học và ước mong khóa tu học sẽ được tiếp tục trong tương lai, như một lúc nghỉ ngơi, bồi dưỡng trong khoảng thời gian một năm dài giữa hai kỳ mở cửa của Làng Hồng.

THƯ GỬI SƯ ÔNG
Bé Thanh Trang viết.

Kính thưa Sư Ông,

Đã hai tháng, con chưa viết thư cho Sư Ông. Sinh hoạt gia đình con vẫn bình thường. Thứ hai là ngày chay. Chủ nhật thì tụi con thiền trà hoặc tụng giới. Có khi làm cả hai thứ. Văn nghệ của tụi con bây giờ vui lắm Sư Ông à. Tụi con không cần phải đợi đến chủ nhật. Hễ rảnh là tụi con mở máy cassette ra và hát chung với tất cả mọi người ở Làng. Băng cassette mà Chín gởi cho tụi con đó Sư Ông, có anh Minh thiền sư đàn đó Sư Ông. Sư Ông có thấy vui không? Hôm thứ bảy, chủ nhật tuần rồi có dì Yến và mấy bé Nhã, Trâm, Hiếu, Nhung và Vi qua nhà tụi con chơi. Tụi con có vặn băng cho họ nghe và tất cả cùng hát với nhau. Lâu lâu có người Việt Nam tới chơi vui quá Sư Ông ơi.

Khi nào rảnh thì con phụ mẹ làm colis quà cho các bạn thiếu nhi thiếu ăn ở Việt Nam. Thơ của họ gởi qua đọc buồn quá Sư Ông ơi. Có mấy nhỏ viết thơ qua cho con kể rằng nhà nó nuôi một bầy gà mà không được ăn thịt cũng không được ăn trứng vì chỉ là nuôi dùm lấy công. Tụi nó phải ăn độn đủ thứ. Mẹ con giao cho con phần dịch thơ ra Pháp văn cho các bạn Thụy Sĩ đọc.

Bên con vừa tan tuyết, trời đẹp được vài ngày thì tuyết lại rơi nữa. Con đang viết thơ cho Sư Ông trong nhà thì ngoài trời tuyết cũng đang rơi từng bông một, thật chậm. Con có cảm giác như tuyết cũng đang thiền nữa đó Sư Ông à. Có một hôm đang giữa tiết Pháp văn, mộng trở nên văn sĩ của con bỗng xông lên nồng nực Sư Ông ơi. Tự nhiên con muốn cầm bút lên viết, viết một cái gì đó cũng được nhưng phải viết. Con đọc quyển Thử Tìm Dấu Chân Trên Cát, con không hiểu gì hết Sư Ông ơi. Thơ của Sư Ông, con đọc không hiểu mà lại thấy hay. Thơ Sư Ông không giống thơ các thi sĩ khác mà con đọc. Con phải đọc mấy dòng của Chín viết chú thích mới hiểu được chút ít. Tết năm nay Sư Ông ăn tết ở đâu vậy thưa Sư Ông? Tụi con được mặc áo dài trong ngày tết, được mừng tuổi ba mẹ, xong rồi phụ ba mẹ làm cỗ cúng ông bà tổ tiên, vui lắm. Tụi con cũng nhận được bánh chưng và thiệp chúc tết của Làng do bác Cả gởi. Bánh chưng ngon lắm Sư Ông, nhưng sao năm nay bác Cả chỉ gởi cho gia đình con có một cái thôi, năm ngoái có tới hai cái lận!

Con xin kể thêm cho Sư Ông nghe về ngày Làng Hồng của tụi con. Ngày Làng Hồng nào cũng vui, cũng ấm cúng, cũng thân mật và nhất là cũng dễ thở và an lạc lắm Sư Ông à. Buổi sáng ngày Làng Hồng, việc trước tiên của con là chạy sang phòng Sâm và Thơ để đánh thức các em dậy. Ba chị em con sửa soạn quần áo và tóc tai, rồi cùng xuống nhà dưới ăn sáng với ba mẹ con. Mẹ con đã sắp đủ chỗ ngồi trong phòng khách để chuẩn bị tụng giới. Chúng con không có những chiếc gối tròn xinh xinh như ở Làng Hồng. Chúng con chỉ có những chiếc gối vuông vắn đủ màu mượn từ bộ ghế xa lông. Gối sắp thành vòng cung, phía trước là bàn Phật. Bàn Phật được con và Sâm dọn sạch sẽ từ chiều hôm trước đó Sư Ông à. Trên bàn Phật có tới hai bình hoa tươi thay thế cho những bông hoa giấy của mấy tháng lạnh mùa đông.

Mỗi lần tụng giới Tiếp Hiện, ba con, mẹ con và có khi con cũng được thay phiên nhau làm chủ tọa. Đến phiên con, con cũng phải đứng ngay ngắn trước bàn Phật để đọc bài kệ dâng hương. Sau đó, mọi người ngồi xuống, rồi Sâm và Thơ đến trước bàn Phật. Sâm đọc hai lời hứa và Thơ đọc ba sự trở về nương tựa. Xong hai đứa quay về chỗ ngồi và tiếp tục nghe giới Tiếp Hiện. Ngồi ngay ngắn chừng vài giây, tất cả mọi người chắp tay niệm “Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật” và tụng bài kệ khai kinh. Sau đó người tụng giới bắt đầu đọc: “hôm nay tôi được đại chúng chỉ định chủ tọa…” rồi đọc từng giới một, từ giới thứ nhất đến giới thứ mười bốn. Hôm năm ngoái, lúc mới bắt đầu tụng giới, khi nghe đến câu: “hôm nay tôi được đại chúng…” con thấy bé Thơ nó tủm tỉm cười. Sau buổi tụng giới, con hỏi nó tại sao lại cười, nó trả lời: “đại chúng gì mà có mấy người hà, tức cười quá!” con nghe con cũng không nín được cười đó Sư Ông ơi. Phải rồi, đại chúng gì mà có mấy ngoe, có năm người chớ bao nhiêu, vậy mà cũng được gọi là đại chúng đó Sư Ông.

Nghe xong giới thứ mười bốn, tất cả chắp tay tụng bài hồi hướng. Tụng giới xong, mọi người đứng dậy xá Phật rồi đi ra. Mẹ con và chúng con sửa soạn cơm trưa. Ăn chay ở nhà mẹ con nấu ngon lắm Sư Ông ơi. Vì vậy tụi con đứa nào cũng thích ăn chay hơn cả ăn mặn nữa. Ba con lo đặt bàn. Bé Thơ đi bẻ hoa và xếp hoa quanh bàn thật đẹp. Con và Sâm thì phụ với mẹ. cơm nước xong con rửa chén, Sâm lau chén, Thơ dẹp chén bát vào tủ và ba thì xem tin tức trên đài truyền hình. Dọn dẹp đàng hoàng rồi thì mẹ mới đi nghỉ. Sâm chơi xe hơi, Thơ thì lấy sách Tý ra đọc, đọc chán thì nó thổi sáo. Con lấy giấy ra viết thơ cho ông bà nội, cho những người bà con ở Việt Nam và vài bạn. Con viết thơ và con mong ước được nhận thơ hồi âm. Thơ bên Việt Nam đọc sao hay quá Sư Ông ơi. Nhiều khi vui mà cũng nhiều khi buồn đứt ruột, nhưng con đọc hoài vẫn không thấy chán.

Khoảng ba giờ chiều, mẹ con đun nước nấu trà. Chúng con cùng xuống phụ mẹ sửa soạn thiền trà. Chỗ ngồi thiền trà y như lúc sáng nhưng ở giữa có thêm bình hoa mà hồi nãy ba đứa hái cho ba mẹ. Mẹ con hay làm chủ tọa nên ngồi đầu vòng cung. Con hay giữ việc pha trà nên ngồi đối diện với mẹ. Mâm trà bánh đặt bên phải của con. Bé Thơ làm phụ tá của con, ngồi bên trái, kế là ba, Sâm và mẹ con. Mẹ con dâng hương, tất cả cùng lạy Phật ba lạy và mẹ quay lại phía đại chúng lạy một lạy. “Đại chúng” cũng đáp lễ một lạy. Tất cả ngồi xuống, im lặng, thở và mỉm cười. Rồi con bắt đầu pha trà dâng tổ. Bé Thơ là người được chỉ định bưng mâm trà. Thơ nghiêm trang bước từng bước một đến chấp tay lại, nâng lấy khay, trên đó chỉ vọn vẹn có một tách trà nóng. Thơ bưng khay trà đến dâng lên chủ tọa. Mẹ con đón lấy và dâng lên Phật. Mọi người cùng chấp tay búp sen giống in như ở Làng Hồng Sư Ông à.

Khi Thơ trở về chỗ ngồi, con đưa khay bánh cho Thơ. Thơ chắp tay thành búp sen rồi lấy bánh rồi chuyền khay bánh cho ba. Con thở nhẹ, mỉm cười rồi lặng lẽ pha trà cho “đại chúng”…Cả nhà ăn bánh và uống trà rất là thanh tịnh và an lạc, Sư Ông ơi. Y như ở Làng Hồng vậy. Người nào muốn dùng thêm trà thì chắp tay lại, cái khay sẽ được chuyền đến. Ở nhà con, mọi người lại còn có quyền chắp tay xin thêm bánh, cho nên Sâm, Thơ cứ chắp tay lia lịa, lúc thì thêm trà, lúc thì thêm bánh. Buồn cười lắm Sư Ông ơi, thiền trà có năm người mà nhiều khi còn làm không kịp! có khi ba khen bình hoa đẹp quá. Ba đứa hãnh diện hơi vênh cái mặt lên. Mẹ con nói: “ba khen hoa đẹp chớ có khen tụi con đẹp đâu mà đứa nào cũng vênh váo cái mặt lên vậy?” cả nhà cùng cười. Rồi ba mẹ con thay nhau kể chuyện ba mẹ lúc nhỏ và thích nhất là chuyện của ba chị em con lúc còn bé tí teo. Hết chuyện thì đem tập nhạc ra hát chung. Con thấy ba, mẹ và các em con ai cũng thoải mái, vui vẻ, khác hẳn với mọi ngày phải chạy đua với thời giờ Sư Ông à.

Thôi con xin ngừng bút đây, sợ viết dài Sư Ông đọc mệt. Con hứa sẽ viết tiếp cho Sư Ông mỗi tháng một lần. Chỉ còn có mấy tháng thôi là con sẽ được gặp lại Sư Ông tại Làng Hồng. Con mừng quá Sư Ông ơi. Sư Ông cho con được làm thiếu nhi thêm ít nhất là năm năm nữa. Thưa Sư Ông, được không?

Thụy Sĩ ngày 18 tháng 4 năm 1985

Trang

Nhận xét của Sư Ông: Ngày Làng Hồng của các con còn thiếu việc thực tập thiền hành, uổng lắm.

 

NƯỚC CHẢY ĐÁ MÒN
Nguyễn Thanh Hùng (không) viết.

Anh Nguyễn Thanh Hùng được chị Chơn Không mời viết những cảm tưởng về chuyến lưu trú của anh ở Làng Hồng cho Lá Thư Làng Hồng kỳ này. Sau ba tuần lễ, anh Hùng viết thư xin lỗi không viết được. Sau đây là nguyên văn lá thư xin lỗi của anh ấy.

Houten ngày 29.3.1985

Chị kính mến,

Em xin lỗi chị vì đã không trả lời thư ngay cho chị. Thú thật đề nghị của chị đã làm cho cậu bé vò đầu và hao tổn năng lực rất nhiều. Em đã muốn nghe lời chị viết ít trang cảm tưởng về những ngày lưu lại Làng Hồng. em đã viết đi viết lại nhiều lần nhưng rốt cuộc cũng như là không viết: em đã xé bỏ, ngồi thừ ra, và cảm thấy cấn cái mãi. Cho tới hôm nay thì em đã thấy khoan khoái lâng lâng bởi vì em đã biết bây giờ em chưa thể nào viết được!

Có nhiều lý do để minh chứng cho em.

Em vẫn tin rằng ai tới Làng Hồng đều có trải qua một (hay nhiều) sự thay đổi trong đời sống tâm linh của chính mình. Nhưng chỉ có những người nào đã sống trong hoàn cảnh của em, mới có thể cảm thông được cho em. Hơn thế nữa, trường hợp của em lại là một trường hợp hy hữu vì được sống gần Thầy, gần gia đình anh Cả, chị Carole, Dũng, Đôn, Nhàn và gần chị hơn một tháng rưỡi. Thời gian dài quá, trong giai đoạn ấy, bao nhiêu điều đã xảy ra. Cho dù em có ghi vào nhật ký, em vẫn đã không thể ghi hết lại được. Em sợ rằng những điều mình viết cho lá thư sẽ trở nên rườm rà và không cô đọng. Em lại không có cái can đảm chọn lựa ra những nét chính hay chỉ chú trọng tới những mẩu đối thoại giữa Thầy và em. Biết bao nhiêu vấn đề đã được nói: triết lý, phật pháp, cái nhìn về nghệ thuật qua lăng kính thiền, sứ mạng của người làm văn nghệ, những câu nói khôi hài, những phút tĩnh tọa buổi sáng, những lần đi xuống Pháp Thân Tạng, những buổi trưa nghe chị kể chuyện về thời gian đi trợ giúp trẻ em đói ở cái xóm lao động có nhà cất trên những ngôi mả; rồi cái cảnh chị khóc vì thương mấy đứa bé, hoặc những buổi chiều hát nhạc mẹ việt nam, những buổi nghe Thầy giảng đạo dưới trăng cùng với Andy, Carole và Richard. Những buổi trưa nói chuyện với anh Cả dưới dàn khổ qua đầy trĩu trái, những buổi mai đốn củi, làm rẫy, bứt cà ở nương, thấy có cái thứ lá gì màu tim tím đẹp “chịu không nổi” ấy… ôi sao nhiều quá kể làm sao hết được?

Một thí dụ khá ngộ nghĩnh mà em có thể dùng để ví cho tác động của Làng Hồng trên bình diện nhận thức của người đã ở là một bức tranh chan chứa những tảng màu lớn và vĩ đại. Mỗi ngày người ta chỉ có thể nhìn được một phần của bức tranh; ngẩn người dưới áp lực của cái đẹp mà nó tỏa rạng ra một cách kỳ diệu, tuy bình dị nhưng ngấm ngầm và bền bĩ tựa nước chảy đá mòn. Điều buồn cười nhất là em không tự mình nhận thấy những thay đổi ấy nơi em mà phải đợi nghe và thấy những phản ứng của bạn bè qua những gì mình nói và làm mới biết được những dấu tích của ảnh hưởng thời gian lưu trú bên đó.

Thôi nhé, mong chị sẽ không bắt em làm cái công việc mà bây giờ em không thể làm nổi. Một lá thư hời hợt tả cảnh, ca tụng tướng đi của Thầy, cái văn hoa của anh Cả, dáng thanh lịch đạo hạnh của chị Carole hay bàn tay của chị cho những kẻ cực khổ chỉ là một lá thư loại réclame nhằm quảng cáo Làng Hồng. Em không nỡ làm như thế! Chị cứ thử nghĩ coi, thời gian em ở là thời gian Làng Hồng vắng khách vãng lai, không có nhiều biến cố, thành ra không có gì để viết trong tương quan người này người nọ, (hiểu là bạn cùng sống thiền). Cả thời gian ấy chỉ là một cô đọng học hỏi, nặng tính cá nhân.

Em chưa viết được bây giờ nhưng em sẽ cố gắng viết (không phải cho Lá Thư Làng Hồng mà cho chính em) một tập văn nhỏ về ngày tháng ấy. Em sẽ không quên tất cả mà sẽ ráng nhớ lại từng chi tiết một. Còn cả mùa thu nữa chứ, mùa hái nho và những chuyến đi tìm hái những cái nấm gì mà quý và đắt tiền đó. À nấm Cèpes.

Em xin lỗi chị luôn về chuyện không vẽ vignettes cho Lá Thư kỳ này. Chị lấy mấy hình em đã vẽ cho Thầy trong “Từng Bước Nở Hoa Sen” mà dùng nhé.

Quyển Từng Bước Nở Hoa Sen em sẽ cố dịch ra tiếng Hòa Lan, đương nhiên là một mình, vì chị Judith ở xa quá. Nhưng khi nào dịch xong sẽ đưa chị ấy nhuận chính. Riêng phần những bài kệ, sẽ cố gắng dịch thật sát và giữ ý. Phần thơ sẽ do chị Judith chịu trách nhiệm.

Hình bìa Trái Tim Mặt Trời thì chị cho phép em tạm khất nhé. Em sẽ cố gắng càng sớm và sẽ vẽ luôn cho quyển Bưởi nếu chị thích. À em mới tìm được tập thơ của Thầy in bằng tiếng Hòa Lan với hình vẽ của anh Võ Đình Schreuw van Vietnam đẹp lắm.

Em mong Thầy, gia đình anh Cả, Nhàn, Đôn, Dũng, chị Carole và chị vẫn mạnh khỏe. Hẹn mùa hè sẽ gặp lại.

Hùng.

TÁI SINH
Chơn Không viết.

Fred Eppsteiner, thiền sinh Hoa Kỳ, thọ giới Tiếp Hiện năm 1982, vừa phỏng vấn tôi để viết bài cho Phật Tử Hoa Kỳ đọc. Anh ta là nhà nhân chủng học. Anh cho biết khá đông người phật tử Hoa Kỳ hay thắc mắc về vấn đề kiếp sau của họ. Fred hỏi: “xin chị vui lòng cho biết kiếp sau chị định (hay mong ước) tái sinh ra sao?”

Về vấn đề sinh tử, tôi đã từng được học với Thầy lâu ngày, ngay từ lớp Phật học đầu tiên năm 1959 của đoàn sinh viên phật tử tại Ấn Quang, qua đến những lớp Pháp Tướng Duy Thức Học, Pháp Tánh Không Tuệ Học ở Đại Học Vạn Hạnh năm 1964…kể sao cho hết. Học thì học về lý thuyết vậy thôi, nhưng cái tư tưởng bình dân “khi chết, sẽ tái sinh vào thân thể một em bé sơ sinh gần căn cơ với mình nhất” vẫn còn in sâu trong tôi.

Từ năm 1976, Thầy hay dạy chúng tôi tập sống sao cho đáng sống và phải ý thức một cách rõ rệt là có thể mình sẽ chết một cách bất ngờ, có thể là trong một năm, có thể tối đa là trong mười năm. Nghĩ như thế để xử dụng thì giờ còn lại mà sống cho xứng đáng. Trên tiêu chuẩn ấy, tôi đã “cách mạng” rất nhiều nếp sống hàng ngày của mình. Sống nhiệt thành mà tập nếp sống tỉnh thức tối đa. Tập nắm giữ chánh niệm nhiều được phút nào hay phút ấy, nhiều được ngày nào hay ngày ấy. Tập ý thức là nếu ta chỉ còn có mấy trăm ngày nữa thôi để sống thì ta hãy sống sao cho xứng đáng để khi nhắm mắt, mọi việc sẽ sẵn sàng và ta sẽ không có chút gì hối tiếc. Tập đối diện mọi sự việc một cách an nhiên, tự tại, giữ tâm bình yên như đất, như núi. Nhờ thế tôi đã từ từ bỏ được những cau có và những phiền não mà trước đó tôi cho là cần. Tôi đã tập bỏ bớt những ưa thích và những giao tiếp xã giao không lợi lạc cho sự tu học của mình, những công tác có tính cách phô trương, có thể đem lại thêm lời khen mà không thực sự lợi lạc cho sự tiến tu của tâm linh mình. Tôi tập thấy mình là mẹ của bảy tám em bé đói ở kinh tế mới, thấy mình là người tù đói mèm và bị đánh đập bởi anh quản trại tàn ác, là cô bé gái bị hãm hiếp trên biển; tôi còn tập thấy mình là người cán bộ tàn bạo, người cai tù dã man, người hải tặc đầy thú tính. Đặt mình vào mọi trường hợp để hiểu tại sao và tại sao…nhờ thế, mỗi khi bị “hãm hiếp” bằng dư luận vô minh và tàn ác, tôi đã tìm cách đi vào cảm nghĩ của người gây nên tội ác kia để tìm hiểu và phát tâm từ bi mà bao bọc, mà buông thả, mà tập nở lại nụ cười an lạc. Nhờ thế, mỗi khi viết bài nói về nỗi thống khổ của đồng bào gởi đi các cơ quan nhân quyền như Ân Xá Quốc Tế I, F.O.R., B.P.F., Human Rights league…các báo chí ngoại quốc đứng đắn hay những nhân vật có ảnh hưởng ít nhiều đến chính quyền Hà Nội, bài tôi viết mang được một cái nhìn bao dung hơn và nhờ vậy đã lọt vào lỗ tai những người khách quan một cách dễ dàng.

Khi Thầy dạy chúng tôi nên tập quán niệm rằng mình có thể chết rất sớm, chết bất ngờ, quán niệm rằng tối đa là mình chỉ còn 10 năm để sống (năm đó là 1976), quả thật là tôi đã có ý thức hơn trước và cố gấp rút tìm người lo việc thay cho mình để tiếp tục sau khi mình nhắm mắt. Nhờ thế tôi đã có dịp trao truyền những thao thức của mình cho khá nhiều những bạn trẻ có lòng và có căn cơ gần gần như tôi. Trong số những người này, có mấy người sinh viên phật tử Thái Lan. Tôi hy vọng họ sẽ để thì giờ lo cho trẻ em thất học và thiếu ăn ở Thái nhiều hơn, hy vọng họ có thể gây được một phong trào cơ bản như Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội, Gia Đình Phật Tử hay Hướng Đạo Phật Tử…mà những người phật tử trẻ ở Việt Nam đã cố gắng làm. Biết đâu công việc của họ có thể ngăn chận sự hình thành của một số lớn hải tặc và một số cảnh sát tham ô của đất nước họ trong tương lai. Tôi đã chia xẻ những thao thức về sự chuyển biến cọng nghiệp bất công trên quả đất với những thanh niên và thiếu nữ Pháp, Hòa Lan, Thụy Sĩ, Anh, Hoa Kỳ…và họ cũng đã và đang đứng ra lo cho trẻ em đói trên thế giới. Mỗi khi nhìn Pierre, Anne Marie làm việc hay đọc những tài liệu đóng góp đáng kể của Partage, Terre de Vie hay Action Lotus…tôi thấp thoáng hình ảnh tôi trong những năm 1960-1970, đầy sức khỏe, nhiều sáng kiến, nhiều khéo léo tổ chức, không có tính cách quá quan liêu kẹt vào thủ tục hành chánh như các tổ chức xã hội truyền thống của các nước Âu Châu. Tôi đã chia xẻ những thao thức về sự chuyển đổi cọng nghiệp của dân tộc với một số các bạn trẻ Việt Nam (phần đông nhỏ hơn tôi từ 20 đến 25 tuổi) và từ từ tôi chợt thấy nơi họ thấp thoáng hình ảnh tôi 20 hoặc 25 năm về trước, trẻ, mạnh, nhiều sáng kiến và điểm hay nhất là họ biết luyện tập giữ chánh niệm ngay khi họ còn rất trẻ. Nhờ thế, bây giờ, họ có nhiều an lạc hơn tôi hồi đó, ít phiền não hơn tôi hồi đó. Cho đến khi Fred đặt câu hỏi: “xin chị cho biết là kiếp sau là chị sẽ tái sinh như thế nào” thì mắt tôi chợt sáng lên và tôi thấy rất chân thật rất tự nhiên là tôi đã tái sinh từ lâu rồi, tái sinh nơi biết bao nhiêu bạn trẻ đã chia xẻ với tôi biết bao thao thức và biết bao hành động. Quả tình là tôi đã tái sinh chút ít nơi các thanh niên phật tử Thái Lan tiến bộ đang lo cho trẻ em đói vùng Bắc Thái, nhưng chút ít thôi. Tôi với họ không gần gũi như các em phật tử dân Làng Hồng. Quả tình là tôi có thấy tôi nơi Pierre, nơi các bạn thuộc nhóm Partage, Terre de Vie…vì họ làm việc rất giống tôi trong những năm 1960 và đầu 1970. Tuy nhiên, tôi không mong các bạn trẻ “hậu thân” sẽ như họ. Tổ chức lớn quá sẽ có nhiều uy tín không cần thiết, tiền bạc tập trung vào một nơi nhiều quá sẽ không có lợi cho công việc và cho đời sống tâm linh của mình. Khi công tác có kết quả tốt và gây nhiều ảnh hưởng lớn thì dù muốn dù không, sự ủng hộ cũng sẽ ào ạt tới và có thể làm tràn ngập mình. Lúc ấy phải biết chia ngay công tác cho những nhóm mới, trẻ hơn mình và chia sẻ kinh nghiệm với họ để họ có thể làm với mình, làm thay mình và làm xuất sắc hơn mình. Để mình có thì giờ sống thâm sâu hơn, những hoa trái công tác lại trở nên hữu hiệu và có ý nghĩa hơn. Một vài em đã thay tôi làm việc một thời gian và chính họ đã nảy sinh nhiều sáng kiến bất ngờ và tôi chợt thấy “kiếp sau” của tôi có phần khá sáng sủa. Tôi nói với Fred: “tôi đã tái sinh từ lâu rồi Fred ạ, xinh đẹp hơn cả kiếp này nhiều. Nhưng mà tôi chẳng dại gì chỉ cho Fred thấy “kiếp sau” của tôi đâu. Fred phải tự tìm lấy. Đó là những người trẻ hơn tôi nhiều mà lại có những thao thức của tôi, biết thấy biệt nghiệp của mình và cọng nghiệp của những người đau khổ trên quả đất này là một, biết lượng sức mình và gánh từ từ những trách nhiệm để chuyển đổi biệt nghiệp và cọng nghiệp ấy. Điều quan trọng nhất là phải biết tập nắm giữ chánh niệm để trước mọi hoàn cảnh bất như ý đều có thể tập an nhiên như đất, như đá, như mây trắng thong dong. Tôi chỉ nói tập thôi, vì như Fred biết, tôi chưa giỏi bằng đất, bằng đá và bằng mây trắng thong dong. Kiếp sau và kiếp sau nữa thì họa may sẽ bằng. Lo gì! Từ từ, thế nào rồi cũng đi tới.”

Tôi đã nói chuyện với Fred xong rồi, bây giờ tôi muốn thưa với các bạn. Tôi xin các bạn trả lời dùm là thầy Thiện Minh chết trong tù năm 1977 đã tái sinh chưa? Nếu bây giờ các bạn đi tìm thầy trong hình hài một bé tám tuổi thì…buồn quá. Tôi thấy thầy đã tái sinh trong chí khí của những người trẻ rồi trong số đó có các thầy Tuệ Sĩ, Trí Siêu, Nguyên Giác, Như Minh, Tắc Minh…có cả các cô Trí Hải, cô Nghĩa và bao nhiêu người hữu danh và vô danh khác đang âm thầm làm việc cho tự do và nhân đạo khắp nơi, trong nước cũng như ngoài nước. Tôi xin các bạn trả lời là các thầy Huyền Quang và Quảng Độ đang bị lưu đày cùng hàng vạn người đang sống trong lao tù và trong các trại học tập, trong đó kể cả giới trí thức và văn nghệ sĩ mà ta yêu mến…họ có đang thật sự bị cô lập và bất lực không? Ta phải thấy họ đang tái sinh nơi ta, và nơi bao nhiêu người trẻ khác, trong nước cũng như ngoài nước. Có thể là họ đang vô hành trong ta và đang hữu hành trong ta. Thấy như vậy thì ta thấy được sức sống của dân tộc trong tương lai, mặc dù hiện tại đầy đau thương và thống khổ. Dân tộc là một dòng sinh mạng và sự tái sinh phải được thực hiện trong từng giây từng phút. Chỉ cần nếp sống tỉnh thức, chỉ cần thoát ra khỏi trạng thái vô tâm quên lãng là ta thể nhập được vào dòng sống linh động đó và tương lai sẽ khai mở trước mắt ta.