Cuộc gặp gỡ giữa Bell Hooks và Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Làm thế nào để xây dựng một cộng đồng của tình thương?

 

(Đăng trên tạp chí Lion’s Roar – trước đây là Shambhala Sun – ngày 1.1.2000)

Thiền sư Thích Nhất Hạnh hiện diện trong cuộc đời tôi với vai trò của một vị thầy, một người chỉ đường đã hơn hai mươi năm nay. Trong vài năm trở lại đây, tôi bắt đầu có chút hồ nghi về sự liên hệ tâm linh giữa tôi với Thầy bởi vì tôi chưa bao giờ diện kiến hoặc trò chuyện với Thầy, thế nhưng Thầy lại luôn hiện diện trong quá trình thực tập của tôi. Tôi bắt đầu cảm thấy nhu yếu được gặp Thầy trực tiếp, cho dù trực giác bảo tôi hết lần này đến lần khác là khi đủ duyên thì chuyện ấy sẽ xảy ra. Và tôi thực tập tin vào trực giác của mình, đó cũng là sự thực tập thương yêu trong tôi.

Những ai gần gũi và thân thiết với tôi đều biết là trong nhiều năm qua, tôi đã và đang quán chiếu về chỗ đứng và ý nghĩa của thương yêu trong cuộc sống và văn hóa của chúng ta. Họ cũng biết là khi một chủ đề nào đó thu hút tôi cả về trí năng lẫn cảm xúc thì tôi sẽ thiết tha nghiên cứu nó từ mọi góc cạnh, để hiểu nó từ trong ra ngoài.

Để hòa điệu với cái cách mà tâm tôi làm việc, khi bắt đầu chiêm nghiệm sâu sắc về phần siêu hình của tình thương, tôi nói chuyện với tất cả mọi người xung quanh về nó. Tôi nói với đông đảo thính giả và thậm chí còn có những lần tôi nói chuyện riêng với trẻ em để xem chúng nghĩ gì về thương yêu. Tôi thuyết trình về thương yêu trong tất cả các hình thái của nó. Tôi còn khuyến khích nhà xuất bản ấn hành quyển sách mới của tôi, All about love: new visions (tạm dịch: Thương yêu và những cách nhìn mới), quảng bá nó bằng bưu ảnh, áo thun, và thậm chí cả bằng một quyển lịch với logo “Love in every state” (tạm dịch: Hãy thương yêu, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào). Bất cứ đi đâu tôi cũng nói về thương yêu.

Đối với tôi, tất cả những công việc mà tôi làm đều được xây dựng trên nền tảng của từ bi. Tình thương soi chiếu vạn vật. Và khi viết những bài phê bình văn hóa xã hội gây tranh cãi để làm cho tâm ý của người đọc được mở rộng, để suy nghĩ của họ có thể thoát khỏi khuôn khổ đã định sẵn, tôi nghĩ việc làm đó chính là tình thương được thể hiện qua hành động. Cho dù việc làm đó có thể thách thức, gây phiền lòng, có khi còn khiến người đọc sợ hãi hay nổi giận, tình thương vẫn là nơi tôi luôn bắt đầu và kết thúc công việc của mình.

Một đề tài xuyên suốt của cuốn sách All about love là từ khi còn thơ ấu cho đến tuổi trưởng thành, chúng ta thường tiếp nhận những quan niệm sai lầm về bản chất của thương yêu. Có lẽ quan niệm sai lầm phổ thông nhất là thương yêu có nghĩa là ta sẽ không hề bị thử thách và không phải thay đổi chính mình. Đây ắt hẳn là lý do vì sao những người đọc các bài viết về kỳ thị chủng tộc, phân biệt giới tính, kỳ thị người đồng tính luyến ái, tôn giáo, v.v… thấy các quan niệm có sẵn của họ bị thách thức, và họ thường có khuynh hướng cho rằng những bài viết ấy có vẻ khắc nghiệt hơn là yêu thương.

Trong tất cả các định nghĩa về thương yêu trên toàn vũ trụ này, tôi đặc biệt thích nhất định nghĩa trong quyển The Road Less Traveled (Hành trình trưởng thành đích thực) của nhà phân tâm học M. Scott Peck. Định nghĩa thương yêu là “ý chí mở rộng bản ngã nhằm mục đích nuôi dưỡng sự trưởng thành tinh thần của mình hoặc của người khác”, ông đã dựa trên quan niệm của Erich Fromm để nhấn mạnh hết lần này đến lần khác là tình thương yêu phải được biểu hiện trước hết và trước tiên qua hành động – qua sự thực hành – mà không chỉ qua cảm xúc.

Khi quyển The Art of Loving (Nghệ thuật thương yêu) của Fromm được xuất bản thì tôi chỉ mới bốn tuổi. Đó là quyển sách gối đầu giường của tôi trong những năm cuối của tuổi teen, khi tôi bối rối về bản chất của tình yêu. Ông nhấn mạnh rằng “tình yêu là sự quan tâm tích cực tới cuộc sống và tới sự phát triển của những cái mà ta yêu”, tôi thấy hợp lý mãi đến bây giờ. Peck đã mở rộng định nghĩa này. Biết rằng thế giới có thể là một thiên đường của hòa bình và sự công bằng nếu như công dân của thế giới chia sẻ cùng một quan điểm về thương yêu, từ đó dẫn dắt cách suy nghĩ và hành động của mình, tôi đã kêu gọi mọi người đi đến một cái hiểu chung về thương yêu trong cuốn sách All about love: new visions. Cái hiểu chung đó có thể được diễn đạt bằng những lời lẽ khác nhau nhưng đều chứa đựng một ý nghĩa chung cho mọi đối tượng với các trải nghiệm và văn hóa khác nhau.

Trong suốt hơn hai mươi năm viết về đề tài “chấm dứt sự thống trị dưới mọi hình thức” (kỳ thị chủng tộc, kỳ thị giới tính, hội chứng sợ đồng tính luyến ái, kỳ thị giai cấp), tôi đều liên tục tìm kiếm những con đường đưa đến sự chấm dứt bạo động và bất công. Vì phần lớn những suy nghĩ về tình yêu trong những năm cuối tuổi teen của tôi đều xoay quanh tình yêu gia đình và tình yêu đôi lứa, chỉ vào những năm đầu của tuổi hai mươi, khi viết lý thuyết về nữ quyền tôi mới bắt đầu nghĩ sâu về tình yêu liên quan đến sự thống trị.

Trong những năm đầu của tôi ở đại học, thông điệp về thương yêu của Mục sư Martin Luther King – con đường chấm dứt sự kỳ thị chủng tộc và chữa lành các thương tích do sự thống trị chủng tộc – đã bị thay thế bằng phong trào sức mạnh của người da đen nhấn mạnh đến sự tranh đấu bằng quân sự. Trong khi Mục sư King kêu gọi bất bạo động và từ bi, phong trào mới này kêu gọi chúng tôi phải có trái tim cứng rắn, dùng chiến tranh để chống lại kẻ thù. Các nhà lãnh đạo quân sự của chúng tôi nói: Thương yêu kẻ thù của mình làm cho chúng ta yếu đuối và dễ bị nô dịch. Và nhiều người đã quay lưng lại với thông điệp của Mục sư King.

Ngay khi năng lượng của cuộc đấu tranh cho dân quyền rời xa tiếng gọi của thương yêu, phong trào phụ nữ cũng phát động một chiến dịch phê phán tình thương, kêu gọi phụ nữ hãy quên thương yêu đi để giành lại quyền lực cho mình. Năm 19 tuổi, tôi tham gia vào các nhóm ý thức đang lên về quyền phụ nữ, tình thương bị bác bỏ vì cho là không phù hợp. Sự “nghiện ngập yêu thương” đã làm cho chúng ta phải ăn ngủ với kẻ thù (là nam giới). Để được tự do, các nhà lãnh đạo quân sự của phong trào nữ quyền nói với chúng tôi, chúng ta không nên tiếp tục để cho yêu thương làm trung tâm của sự tưởng tượng và khao khát của mình. Tình yêu có thể đưa đến sự sụp đổ của phong trào nữ quyền.

Hai phong trào tranh đấu cho công bằng xã hội này đã bắt đầu bằng luân lý tình thương và từng chiếm toàn bộ trái tim cũng như tâm trí của cả nước, nhưng rồi chúng đã bị biến thái bởi những nhà lãnh đạo chỉ quan tâm đến quyền hành. Đến những năm cuối của thập kỷ 70 thì không cần thiết phải dập tắt những tranh luận về tình yêu nữa; đề tài ấy đã không còn nằm trong bất cứ một chương trình nghị sự cấp tiến nào.

Một số người trong chúng tôi – những người vẫn còn khao khát nuôi dưỡng thương yêu – đã tìm cứu cánh nơi các tôn giáo. Chúng tôi tìm kiếm khắp nơi trên toàn thế giới những người thầy tâm linh có thể giúp chúng tôi quay lại với thương yêu. Sự tìm kiếm đã đưa tôi tới với đạo Bụt, được những nhà thơ của nhóm Beat đưa đường dẫn lối, qua những lần trao đổi riêng với Gary Snyder. Tại ngôi nhà trên núi của ông, lần đầu tiên tôi được gặp một vị nữ tu theo truyền thống Phật giáo và được đi trong chánh niệm với sư cô. Sự bình an ngọt ngào tỏa ra từ sư cô như một làn hương và trong suốt thời gian ấy tôi cứ tự hỏi đã bao giờ trái tim mình nếm được một sự bình an như thế.

Nỗ lực tìm kiếm đã đưa tôi đến với tác phẩm của một nhà tu Phật giáo mà Mục sư Martin Luther King đã gặp gỡ và được đánh động, đó là Thầy Nhất Hạnh. Tác phẩm đầu tiên của người thầy mới trong đời mà tôi được đọc là cuốn The Raft Is Not the Shore (Chiếc bè không phải là bờ bên kia) ghi lại cuộc đối thoại giữa Thầy và Linh mục Daniel Berrigan.

Cuối cùng thì tôi đã tìm ra một thế giới, nơi tâm linh và chính trị có thể đi đôi mà không có sự phân chia. Thật thế, trong thế giới ấy, tất cả những nỗ lực nhằm chấm dứt sự thống trị, đem lại hòa bình và công lý, đều là sự thực tập tâm linh. Tôi không còn bị giằng co giữa đấu tranh chính trị và thực tập tâm linh nữa. Và đây, một vị thầy rất cấp tiến – một thầy tu Việt Nam sống lưu vong – đã tuyên bố một cách can đảm rằng “nếu bạn phải chọn giữa đạo Bụt và hòa bình, thì bạn phải chọn hòa bình”.

Không như những người bạn và đồng chí da trắng của tôi, những người hay coi thường tôi vì tôi chưa bao giờ du lịch sang phương Đông hoặc từng học hỏi với những vị thầy nổi tiếng, Thầy Nhất Hạnh nói một cách điềm đạm: “Đạo Bụt nằm trong trái tim bạn. Ngay cả khi bạn không có một ngôi chùa, hay không có vị thầy nào dẫn dắt thì bạn vẫn có thể là một Phật tử trong tâm bạn và trong cuộc sống của bạn”. Đọc những lời của Thầy, tôi cảm thấy có một cái gì đó vỡ òa ở bên trong. Tôi chỉ có thể lập đi lập lại “Hãy lắng dịu lại, trái tim tôi ơi” (“Be still my heart”). Tôi giống như một người đang bị lạc trên sa mạc và đang chết khát. Tôi đã tìm ra nước. Cơn khát của tôi được thỏa mãn và cơn đói tâm linh của tôi lại “cồn cào” hơn.

Trong khoảng thời gian mười năm từ khi rời nhà để vào đại học, tôi luôn cảm thấy bị lôi kéo về mọi hướng bởi cuộc đấu tranh chống kỳ thị chủng tộc, bởi phong trào nữ quyền, trào lưu tự do tình dục, bởi đạo Cơ Đốc chính thống mà tôi được nuôi dạy từ nhỏ. Tôi muốn hoạt động chính trị cấp tiến mà vẫn biết đến Chúa Trời. Tôi muốn kháng cự nhưng vẫn được cứu chuộc. Quyển sách Chiếc bè không phải là bờ bên kia giúp cho cuộc hành trình tâm linh của tôi có thêm sức mạnh. Thậm chí ngay cả khi chưa gặp Thầy Nhất Hạnh lần nào, Thầy cùng với Chögyam Trungpa Rinpoche, vẫn là hai người mà tôi chọn làm thầy chỉ đạo. Sự kết hợp giữa hai vị là một sự kết hợp đầy chất lửa.

Khi tinh thần của tôi trở nên khỏe mạnh, tôi bắt đầu nói về công trình của Thầy và trích dẫn lời Thầy trong những quyển sách tôi viết. Thầy đã giúp tôi gắn kết các lý thuyết về phục hồi chính trị với sự phục hồi tâm linh. Trong rất nhiều năm tôi không muốn gặp Thầy trực tiếp vì sợ mình sẽ thất vọng. Lần này sang lần khác tôi dự định sẽ có mặt ở những nơi mà Thầy đến và kế hoạch của tôi bao giờ cũng gặp trở ngại. Con đường của tôi và Thầy có giao nhau nhưng chúng tôi lại chưa từng gặp mặt.

Rồi bỗng nhiên, một cách thật tuyệt vời và không định trước, tôi đã gặp Thầy. Trong sự hiện diện của Thầy, tôi cảm thấy trào dâng lòng biết ơn, không chỉ vì phước duyên được gặp Thầy, mà còn vì tình thương yêu thật tinh khiết kết nối tôi với Thầy. Tôi thấy mình lâng lâng. Trái tim tôi nhảy múa vì quá vui mừng, vì sự hội ngộ, sự đoàn viên, được tắm mình trong sự hiện diện của một vị thầy, người hướng dẫn tâm linh cho mình, người luôn có mặt với mình về tinh thần trong cuộc hành trình tâm linh.

Hành trình tâm linh cũng là hành trình đến với người thầy của mình, và hơn thế nữa. Đó luôn là con đường dẫn đến trái tim, là sự nhất như với năng lượng thánh linh, là sự hợp nhất với toàn thể sự sống. Ngay từ năm 1975, Thầy Nhất Hạnh đã chia sẻ: “Con đường đạo phải nằm trong chính bạn; đích đến cũng nằm trong chính bạn mà không phải là ở một nơi nào khác trong không gian và thời gian. Nếu bạn chứng nghiệm được sự chuyển hóa tự thân đó ngay trong chính bạn thì bạn thực sự đã về, đã tới”.

Bước đi trên con đường của thương yêu trong một ngày đầy nắng để đến thăm Thầy, tôi gặp Sư cô Chân Không. Sư cô cũng là một người dạy đạo cho tôi. Sư cô cảm được là trái tim của tôi đã sẵn sàng. Tôi và Sư cô cùng nhớ về người thầy đang có mặt khắp nơi để đánh thức những trái tim. Như Sư cô đã viết trong đoạn cuối của quyển sách Learning True Love (Tình thương đích thực): “Thầy đang có mặt với con cũng như con đang có mặt với thầy, và thầy trò ta nâng đỡ khuyến khích nhau để cùng thành tựu trên con đường thương yêu”.

Bell Hooks: Con bắt đầu viết một quyển sách về tình thương vì con cảm thấy nước Mỹ càng lúc càng xa rời tình thương. Phong trào tranh đấu cho dân quyền, cho công bằng xã hội là một phong trào tuyệt vời vì trái tim của nó là tình thương – thương yêu tất cả mọi người. Như Thầy đã dạy, chính niềm tin rằng ai trong chúng ta cũng đều có thể làm mới chính mình nên ta luôn có thể thực tập tha thứ cho mình và cho người. Con không cần ghét bỏ một ai, bởi vì con luôn có thể làm mới, con luôn có thể hòa giải. Cái mà con cố gắng hiểu là tại sao chúng ta lại càng lúc càng xa rời ý niệm về một cộng đồng của thương yêu. Thầy nghĩ sao về việc mọi người rời bỏ tình thương, và làm sao để chúng ta có thể giúp mọi người trở lại với tình thương.

Thầy: Trong tăng thân Phật giáo của chúng tôi, cộng đồng là cốt lõi của tất cả mọi thứ. Tăng thân là một đoàn thể nơi mà sự hòa hợp, bình an và hiểu biết có mặt. Đó là cái được chế tác qua cách sống với nhau hàng ngày. Nếu tình thương có mặt trong đoàn thể, nếu chúng ta được nuôi dưỡng bởi sự hòa hợp của đoàn thể, thì chúng ta sẽ không bao giờ rời bỏ thương yêu.

Lý do làm ta đánh mất thương yêu, đó là vì ta luôn tìm kiếm ở bên ngoài, nghĩ rằng đối tượng của thương yêu hay hành động thương yêu là ở bên ngoài. Đó là lý do tại sao ta cho phép tình thương, sự hòa hợp, sự hiểu biết của ta dần phai nhạt đi. Tôi nghĩ, đó là điều căn bản. Đó là lý do tại sao ta cần phải quay lại với đoàn thể của ta và làm mới trở lại. Và khi đó thì tình thương sẽ đâm chồi trở lại. Hiểu biết và hòa hợp sẽ đâm chồi trở lại. Đó là điều thứ nhất.

Điều thứ hai là chính bản thân chúng ta cũng cần tình thương chứ không chỉ xã hội, thế giới bên ngoài mới cần tình thương. Ta không thể mong cầu tình thương đến từ bên ngoài. Ta phải tự hỏi rằng ta có khả năng thương yêu chính ta và yêu thương người khác hay không? Ta có đang đối xử với thân thể ta với đủ niềm vui, sự dịu dàng và bình an hay không? Hay ta đang tự đưa vào thân tâm mình những thứ độc hại mà ta mua từ thị trường – thị trường của giải trí, tri thức và tâm linh?

Vì vậy câu hỏi đặt ra là chúng ta có đang thực tập yêu thương chính mình hay không? Bởi vì yêu thương chính mình có nghĩa là yêu thương cộng đồng. Khi ta có khả năng thương yêu, nuôi dưỡng chính mình một cách đàng hoàng mà không phải là đầu độc chính mình, thì ta đã bảo hộ và nuôi dưỡng xã hội rồi. Bởi vì ngay giây phút ta có thể mỉm cười, nhìn chính ta với lòng từ bi thì thế giới của chúng ta đã bắt đầu thay đổi. Có thể là ta chưa làm gì cả nhưng khi ta thư giãn, bình an, khi ta có thể mỉm cười và không bạo động trong cách ta nhìn vào guồng máy xã hội thì ngay thời điểm ấy đã có một sự thay đổi trên thế giới rồi.

Vì vậy tuệ giác thứ hai có thể giúp ta là giữa cái ta và cái không phải ta thật sự không hề có sự phân biệt, chia cách. Bất cứ cái gì ta làm cho ta, ta cũng đang làm cho xã hội. Và bất cứ cái gì ta làm cho xã hội, ta cũng đang làm cho chính ta. Tuệ giác này được làm nên bởi sự thực tập vô ngã và có công năng giải phóng cho ta.

Bell Hooks: Con nghĩ một trong những quyển sách tuyệt vời nhất mà Mục sư Martin Luther King đã viết là Strength to Love (tạm dịch: Để yêu thương cần có sự dũng mãnh). Con luôn thích quyển sách này vì chữ “dũng mãnh”, nó ngược với quan niệm của Tây phương cho rằng thương yêu là chuyện dễ dàng. Thay vào đó, Martin Luther King nói rằng ta cần phải có can đảm để thương yêu, cần phải có một ý chí sâu sắc để hành động đúng đắn khi thương yêu, và tình thương yêu không đến một cách dễ dàng.

Thầy: Mục sư Martin Luther King là một người anh, người bạn, người lãnh đạo của chúng ta. Ông có khả năng nuôi dưỡng và giữ cho tình thương luôn sống động. Khi tiếp xúc với ông, ta tiếp xúc với một vị Bồ tát, bởi tình thương và sự hiểu biết của ông đủ lớn để ôm lấy tất cả. Ông đã cố gắng trao truyền tuệ giác và tình thương của ông cho cộng đồng, nhưng có thể ta chưa tiếp nhận đầy đủ. Ông đã cố gắng trao truyền cho chúng ta những gì hay nhất của mình: lòng nhân ái, tình thương và cái nhìn bất nhị (không phân biệt, kỳ thị). Nhưng vì chúng ta quá kẹt vào hình ảnh của ông như một cá nhân nên đã không đem những điều tinh túy mà ông dạy để áp dụng vào cộng đồng. Thành ra giờ đây khi ông không còn hiện diện nữa thì chúng ta bị hụt hẫng. Chúng ta phải ý thức rằng điều quan trọng nhất mà Mục sư King trao truyền cho chúng ta không phải là sự trao truyền quyền lực, địa vị mà là trao truyền pháp, hay nói cách khác đó là sự trao truyền thương yêu.

Bell Hooks: Đúng vậy. Đó không phải là sự trao truyền hình ảnh của một cá nhân. Một trong những lý do con bắt đầu viết về tình thương là vì, như Thầy nói, con cảm thấy là nền văn hóa của chúng con đang quên lãng những gì Mục sư King đã dạy. Càng lúc càng có nhiều con đường và trường học mang tên ông, nhưng cái đó chẳng quan hệ gì cả, bởi vì cái cần phải nhớ là tình thương và để yêu thương cần có sự dũng mãnh.

Cái mà chúng con phải nương vào để tiếp thêm can đảm là tinh thần thương yêu, mà không phải là hình ảnh cá nhân của Mục sư King. Điều này rất khó thực hành ở Tây phương, bởi vì văn hóa của chúng con bị ảnh hưởng nặng nề bởi hình ảnh và tính cách cá nhân. Chẳng hạn như vì con đã học hỏi rất nhiều từ Thầy trong nhiều năm, mọi người cứ hỏi là con đã gặp Thầy lần nào chưa.

Thầy: Tôi hiểu (cười).

Bell Hooks: Và con nói là có, con đã gặp Thầy, bởi vì Thầy đã cho con tình thương qua những gì Thầy dạy, qua sự thực tập chánh niệm. Con cứ nói với họ rằng, vâng, con rất mong được gặp Thầy một ngày nào đó, nhưng điều quan trọng là con đang sống và học hỏi từ những gì Thầy dạy.

Thầy: Đúng rồi. Và đó chính là tinh yếu của giáo lý tương tức. Chúng ta đã gặp nhau từ vô thỉ (cười). Bắt đầu bằng ước muốn, bắt đầu bằng những duyên lành.

Bell Hooks: Nhưng thưa Thầy, Thầy cũng từng dạy là: Giây phút mà ta được gặp vị thầy của mình cũng có thể là một giây phút mang lại sự chuyển hóa. Vì vậy người ta thắc mắc không biết học từ sách có đủ không hay cần phải gặp thầy, cần phải có một sự gặp gỡ trực tiếp?

Thầy: Trên thực tế thì người thầy đích thực nằm trong mỗi chúng ta. Một người thầy giỏi là người có thể giúp ta quay về và tiếp xúc với vị thầy đích thực bên trong ta. Bởi vì ta đã có sẵn tuệ giác ở trong ta rồi. Trong đạo Bụt, cái đó được gọi là tính Bụt (hay Phật tính). Ta không cần một người nào đó trao truyền tính Bụt cho ta, nhưng có thể ta cần một người bạn giúp ta tiếp xúc với hạt giống tỉnh thức và hiểu biết đang có mặt trong ta.

Vì vậy một vị thầy giỏi là người có thể giúp ta quay lại với người thầy bên trong. Vị thầy ấy có thể làm việc này bằng nhiều cách khác nhau mà không cần phải trực tiếp gặp mặt ta. Tôi thấy tôi có rất nhiều học trò đích thực mà chưa bao giờ gặp mặt. Rất nhiều người ở trong tu viện kín, chưa bao giờ ra ngoài. Có những người ở trong tù. Nhưng rất nhiều người đã thực tập những gì tôi dạy còn hay hơn những người gặp tôi hàng ngày. Đó là sự thật. Khi họ đọc một quyển sách của tôi, hay nghe một băng giảng, họ tiếp xúc được với tuệ giác ở bên trong, khi đó họ đã thực sự gặp tôi. Đó là một cuộc hội ngộ thực sự.

Bell Hooks: Làm thế nào để chúng ta có thể học cách yêu thương một thế giới đầy công bằng bác ái hơn là chỉ đến với nhau vì cùng một màu da, hay cùng một tiếng nói như hiện nay? Con hỏi câu này vì con biết đến Thầy nhờ lòng tôn kính của Mục sư King đối với Thầy, vì Thầy vẫn giữ được lòng từ bi đối với những người đã gây tàn hại đối với đất nước mình.

Thầy: Đây là một đề tài rất thú vị. Nó cũng là một vấn đề rất quan trọng đối với Bụt. Cách chúng ta quan niệm về công bằng tùy thuộc vào sự thực tập nhìn sâu của chúng ta. Ta có thể nghĩ công bằng nghĩa là tất cả mọi người phải bình đẳng, có những quyền giống nhau, có những cơ hội như nhau, nhưng có thể ta chưa có cơ hội nhìn vào bản chất của sự công bằng dựa trên cái thấy vô ngã. Loại công bằng mà ta thường nghĩ đến là loại công bằng dựa trên ý niệm về ngã, nhưng cũng có thể rất thú vị khi tìm hiểu loại công bằng dựa trên vô ngã.

Bell Hooks: Con nghĩ đó chính là loại công bằng mà Mục sư King đã nói đến – một sự công bằng cho mọi người dù là họ có bình đẳng với nhau hay không. Đôi khi trong cuộc sống, dường như tất cả mọi thứ đều không bình đẳng, vậy thì công bằng có nghĩa là gì khi không có sự bình đẳng? Một người cha hay mẹ có thể công bằng với đứa con, cho dù cha mẹ và con cái không thể nào bình đẳng. Con nghĩ điều này hay bị hiểu nhầm ở Tây phương, nơi mà mọi người cảm thấy rằng không thể có sự công bằng trừ khi mọi thứ đều như nhau. Đây là lý do làm con phần nào cảm thấy chúng con phải học lại cách thương yêu, bởi vì chúng con nghĩ về thương yêu phần nhiều dựa trên cái ngã.

Thầy: Có thể có công bằng mà không có sự bình đẳng hay không?

Bell Hooks: Có thể có công bằng mà không có sự bình đẳng, con tin là như vậy, nếu như có từ bi và hiểu biết. Nếu con có từ bi, thì nếu con có nhiều hơn Thầy, nghĩa là không đồng đều, con sẽ vẫn làm cho Thầy cảm thấy công bằng.

Thầy: Đúng rồi. Vậy ai đã tạo nên sự bất bình đẳng?

Bell Hooks: Con nghĩ sự bất bình đẳng là do tâm ta tạo nên. Con nghĩ đây là cái chúng ta học hỏi qua sự thực tập. Một khái niệm mà Thầy và Linh mục Daniel Berrigan nói đến trong quyển Chiếc bè không phải là bờ bên kia là chiếc cầu ảo tưởng phải bị đánh sập để chiếc cầu thật sự có thể được xây nên. Một trong những điều ta học được là sự bất bình đẳng chỉ là ảo tưởng.

Thầy: Có lý lắm (cười).

Bell Hooks: Trước khi đến đây con đã vật lộn với câu hỏi về cơn giận của mình đối với người bạn trai cũ. Con đã nhận Bồ tát giới, và vì vậy con luôn cảm thấy buồn chính mình mỗi khi con giận. Con đã đi đến chỗ tuyệt vọng, bởi vì ôm ấp cơn giận của mình đối với người đàn ông ấy thật quá khó đối với con. Vì vậy trong bài pháp thoại, Thầy có nói về sự thực tập nhận diện, ôm ấp cơn giận, rồi buông nó đi, đã rất quan trọng đối với con tại thời điểm này.

Thầy: Chúng ta là con người. Vì vậy giận dữ không sao cả, đó không phải là vấn đề. Nó chỉ trở thành vấn đề khi ta không thực tập với nó. Giận là một cái gì rất con người. Và học cách để cười với cơn giận, làm hòa với cơn giận là điều rất hay. Ý nghĩa của sự học hỏi và thực tập là nằm ở chỗ đó. Bằng cách nhìn sâu vào cơn giận, ta có thể chuyển hóa nó thành một loại năng lượng mà ta cần, năng lượng của hiểu biết và lòng xót thương. Ta có thể chuyển hóa năng lượng tiêu cực thành năng lượng tích cực.

Một bông hoa, dù rất đẹp, một ngày nào đó sẽ trở thành rác, nhưng nếu ta biết cách chuyển hóa rác thành hoa thì ta không còn cần phải lo lắng gì nữa. Ta không cần phải lo lắng về cơn giận của ta bởi vì ta biết cách đối trị với nó – nhận diện, ôm ấp và chuyển hóa nó. Vì vậy đó là cái mà ta có thể làm được.

Bell Hooks: Con nghĩ đây là cái mà mọi người hiểu nhầm về câu nói của Mục sư King: “Hãy thương yêu kẻ thù của mình”. Họ nghĩ câu nói này thật vô lý. Nhưng điều mà Mục sư King muốn nói là những người Mỹ da đen chúng con cần buông bỏ sự giận dữ của mình, bởi vì khi giữ lấy cái giận, cũng có nghĩa là làm cho mình đi xuống. Chính mình áp bức mình bởi vì mình bám lấy cơn giận. Các học trò của con bảo con rằng: “Chúng em không muốn thương yêu! Chúng em mệt mỏi vì thương! “. Và con nói rằng nếu các em mệt mỏi vì thương yêu có nghĩa là các em chưa thật sự thương, bởi vì khi thương thật sự chúng ta sẽ có thêm sức mạnh. Như Thầy đã nói với chúng con ngày hôm qua, chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn khi hành động với tình thương. Con nghĩ đây là điều mà người Mỹ da đen thấy tổn thương, đó là cảm thấy mình không thể thương yêu kẻ thù của mình. Người ta đã quên đi truyền thống tuyệt vời mà người Mỹ gốc Phi đã có, đó là sự thực tập tha thứ và từ bi. Nếu chúng con quên lãng truyền thống đó thì chúng con sẽ khổ.

Thầy: Khi ta có cơn giận trong lòng, ta đau khổ. Khi ta có sự kỳ thị trong lòng, ta đau khổ. Khi ta có mặc cảm hơn người hoặc thua người, ta cũng khổ. Nên khi ta có khả năng chuyển hóa những điều tiêu cực ấy trong ta, ta sẽ có tự do, và hạnh phúc có mặt.

Nếu những người làm ta tổn thương có những loại năng lượng ấy, ví dụ như giận dữ hoặc tuyệt vọng, thì họ khổ đau. Khi ta thấy ai đó khổ, có thể ta sẽ có ước muốn giúp họ bớt khổ. Đó cũng là tình thương, và tình thương không mang bất kỳ màu sắc nào. Người khác có thể kỳ thị ta, nhưng cái quan trọng hơn là ta có kỳ thị họ hay không. Nếu ta không có thì ta là một người hạnh phúc hơn, và khi là một người hạnh phúc hơn, ta ở trong một vị trí có thể giúp đỡ người khác. Và giận dữ không phải là cách giúp đỡ.

Bell Hooks: Và một điều cuối cùng, đó là sự sợ hãi. Bởi vì con nghĩ rất nhiều người da trắng tiếp xúc với người da đen hay người Á châu không phải bằng sự ghét bỏ hay giận dữ, mà bằng sự sợ hãi. Tình thương có thể làm được điều gì cho cái sợ đó?

Thầy: Sợ hãi sinh ra từ vô minh. Chúng ta nghĩ rằng người kia đang tìm cách lấy đi cái gì đó thuộc về mình. Nhưng nếu ta nhìn kỹ, ta sẽ thấy ao ước của người kia cũng giống như ao ước của mình, đó là có bình an, có cơ hội để được sống. Vì vậy nếu ta nhận ra rằng người kia cũng là con người như mình, cũng có một con đường tâm linh y hệt như mình, thì khi đó hai người có thể trở thành những người bạn đạo tốt của nhau. Cách này có thể áp dụng được cho cả hai phía.

Câu trả lời duy nhất cho vấn đề sợ hãi là phải có thêm hiểu biết. Chúng ta sẽ không thể nào hiểu được nếu chúng ta không cố gắng nhìn sâu để thấy cái gì đang có mặt trong tâm ta, và trong tâm của người kia. Bụt luôn nhắc ta rằng phiền não của ta, bao gồm sự sợ hãi và sự mong cầu, đều sinh khởi từ vô minh. Đó là lý do vì sao để đánh tan sợ hãi ta phải lấy đi tri giác sai lầm.

Bell Hooks: Nếu người ta nhận thức đúng đắn mà vẫn hành xử bất công thì thế nào, thưa Thầy?

Thầy: Đó là do họ chưa áp dụng được cái thấy của họ vào cuộc sống hàng ngày. Họ cần có một tăng thân để nhắc nhở. Đôi khi ánh sáng của tuệ giác lóe lên trong ta, nhưng nó không đủ mạnh để duy trì lâu dài. Vì vậy trong sự thực tập đạo Bụt, samadhi (định) là khả năng duy trì tuệ giác mà ta có được trong mỗi giây mỗi phút, để cho mỗi lời nói, mỗi hành động đều chứa đựng bản chất của tuệ giác ấy. Đó là vấn đề rèn luyện. Và ta có thể rèn luyện mình tốt hơn nếu ta được sự bảo bọc của tăng thân, gồm những người cũng thực tập giống như ta.

Bell Hooks: Con nghĩ cộng đồng là nơi tốt nhất để ta có thể thành tựu được sự thực tập thương yêu. Đây là điều mà con phải thực tập, bởi vì truyền thống thiên về tri thức của Tây phương rất mang tính cá nhân. Nó không có tính cộng đồng. Nói về tri thức, người ta hay nghĩ đến một người cô đơn và tách rời khỏi thế giới. Vì vậy con phải thực tập sẵn sàng rời khỏi nơi nghiên cứu của mình để ra với cộng đồng, làm việc trong cộng đồng, và để cho cộng đồng làm cho mình thay đổi.

Thầy: Đúng rồi, và khi đó ta học cách vận hành như một đoàn thể mà không phải như những cá nhân. Ở Làng Mai, đó chính là cái mà chúng tôi đang cố gắng thực hành. Chúng tôi là những huynh đệ đang sống cùng nhau. Chúng tôi thực tập vận hành như những tế bào trong cùng một cơ thể.

Bell Hooks: Con nghĩ đây chính là tình thương yêu mà chúng ta tìm kiếm trong thiên niên kỷ mới, một tình thương được trải nghiệm trong cộng đồng, vượt ra ngoài cái ngã thường tình.

Thầy: Vì vậy, cô hãy sống với sự thật ấy và phổ biến sự thật ấy trong những gì cô viết hay nói. Như vậy sẽ rất có ích trong việc duy trì cái thấy mà cô đã có.

Bell Hooks: Cảm ơn Thầy luôn là một tấm gương cho chúng con về tấm lòng rộng mở.

Nguồn: https://www.lionsroar.com/bell-hooks-and-thich-nhat-hanh-on-building-a-community-of-love/