Nghệ thuật cầu nguyện

 

Nhân dịp cuốn sách Hiệu lực cầu nguyện của Thiền sư Thích Nhất Hạnh được xuất bản, Tuần báo Publishers của Mỹ đã thỉnh cầu Thầy trả lời 10 câu hỏi về sự thực tập cầu nguyện và Thầy đã trả lời những câu hỏi này trong bài pháp thoại ngày 9.3.2006.

Các yếu tố của sự cầu nguyện

Nhiều người theo đạo Cơ Đốc có niềm xác tín rằng Thượng đế ở bên ngoài mình và là đấng có quyền lực tối cao, họ sẽ rất ngạc nhiên khi biết là người Phật tử cũng cầu nguyện. Thầy sẽ giải thích với họ như thế nào thưa Thầy?

Có thể cái hiểu của người theo đạo Cơ Đốc về sự cầu nguyện khác với cái hiểu của người Phật tử. Trước tiên, tôi thấy khi nói về sự cầu nguyện, ta thường nghĩ rằng người cầu nguyện, đấng mà ta hướng về để cầu nguyện và người mà ta cầu nguyện cho là ba người khác nhau. Có thể người mà ta cầu nguyện cho là chính bản thân ta, ta mong muốn được bình an khỏe mạnh, nhưng ta luôn luôn phân biệt ba người: người cầu nguyện, đấng mà ta hướng về để cầu nguyện, và người mà ta cầu nguyện cho.

Nếu nói rằng người Phật tử không dựa vào một người hay một tha lực để cầu nguyện thì không chính xác lắm. Cầu nguyện còn là mong cầu sự giúp đỡ, và trong truyền thống đạo Bụt, ta mong cầu sự giúp đỡ của tăng thân, của Bụt. Người mong cầu, người cầu nguyện chính là điểm khởi đầu. Người ấy cần phải thấy sự việc đủ rõ ràng, đủ bình an và đủ thành tâm để cầu mong sự giúp đỡ. Và trước tiên người đó phải thật sự có mặt, thật sự chú tâm với một ước mong, một ý định. Đây là điều kiện căn bản nhất để sự cầu nguyện có hiệu quả. Người cầu nguyện phải thật sự có mặt, thiết lập thân tâm vững chãi trong giây phút hiện tại, có một mục đích rõ ràng, một ao ước sáng tỏ là mình cầu nguyện cho ai, và nguyện cầu ai. Nếu người cầu nguyện có thể đặt mình vào hoàn cảnh đó thì đã làm được rất nhiều rồi. Người ấy đã bắt đầu chế tác được năng lượng của sự cầu nguyện rồi, bởi vì người ấy thật sự đang có mặt bây giờ và ở đây với niệm, định và sự tác ý. Nếu không có những cái đó thì sẽ không có gì xảy ra cả.

Kế đến, người mà mình hướng về để cầu nguyện phải là một người mình hiểu rõ. Người đó không phải chỉ là một ý niệm trong tâm mình. Nếu mình hướng về Bụt để cầu nguyện thì mình phải biết Bụt là ai, mà không phải là chỉ có một số ý niệm về Bụt. Nếu ta biết Bụt là ai thì sự cầu nguyện của ta sẽ có hiệu quả. Nếu ta cảm thấy Bụt đang có mặt hoàn toàn bây giờ và ở đây và ta có khả năng tiếp xúc với Bụt, thì sự cầu nguyện của ta sẽ có hiệu quả. Ta biết là Bụt cũng đồng thời có mặt trong chính ta, dưới hình thức của niệm, định, của từ bi; khi đó, Bụt không còn là một ý niệm nữa mà là một thực tại.

Giả sử bạn hướng về cha của mình để cầu nguyện, bạn cầu mong là cha sẽ giúp đỡ bạn. Cha của bạn: Bạn biết ông là ai. Cha bạn sống thọ đến 90 tuổi, và các tế bào của cha vẫn còn trong bạn. Vì vậy khi bạn cầu nguyện cha của mình: “Cha ơi, giúp con với”, bạn tiếp xúc với cha một cách vô cùng cụ thể, bạn không chỉ tiếp xúc với một ý niệm. Cha không phải là một ý niệm. Bạn chính là sự tiếp nối của cha mình.

Giả sử có ai đó nói với bạn rằng có thể bạn đang mang bệnh ung thư. Bạn có thể cầu cứu với cha: “Cha ơi, con biết cha rất vững chãi, những tế bào của cha rất tuyệt vời, và con đang mang những tế bào của cha trong con, xin cha hãy đến giúp con”. Khi đó bạn sẽ cảm nhận được sự đáp ứng của cha ngay lập tức trong thân thể bạn. Cha bạn nói: “Cha có mặt đây. Con đừng sợ. Mình có những tế bào rất khỏe mạnh và chúng biết cách để nhân ra. Con yên tâm.”

Khi bạn cầu nguyện như vậy, bạn tiếp xúc với cha mình, và bạn sẽ thấy sự cầu nguyện của bạn hiệu nghiệm ngay lập tức. Nếu bạn có một người bà, người ông vững chãi, bạn sẽ biết là người mà bạn cầu nguyện luôn luôn trong bạn và chung quanh bạn. Vì vậy trong sự thực tập này, bạn sẽ thấy là cha, mẹ, ông bà của bạn vẫn luôn có mặt trong những hình tướng mới của họ. Ta không hướng sự cầu nguyện về một người hay một cái gì đó trừu tượng, không có thật, mà là về một thực tại.

Điều này cũng đúng khi ta cầu nguyện Bụt hay Chúa. Tuệ giác của chúng ta cho thấy là Bụt vẫn đang tiếp nối, Chúa Jesus vẫn đang tiếp nối trong những hình tướng mới. Nếu bạn là một người thực tập đạo Bụt, bạn là sự tiếp nối của Bụt; vì vậy Bụt – đối tượng mà bạn hướng về để cầu nguyện – chính là một thực tại, mà không phải chỉ là một ý niệm. Sự thực tập này dựa trên cái thấy căn bản là không có gì thực sự mất đi. Cha bạn vẫn còn đây, bà của bạn vẫn còn đây, Bụt vẫn còn đây trong những biểu hiện mới.

Vì vậy, người thứ hai trong sự cầu nguyện – người mà ta hướng về để cầu nguyện – là một thực tại rất cụ thể, thật sự có đó, và ta có thể tiếp xúc với người ấy. Đó là lý do tại sao cái thấy này rất quan trọng. Chúa Jesus, Bụt và ông bà tổ tiên không phải chỉ tồn tại trong quá khứ; các vị vẫn còn hiện diện ngay bây giờ và ở đây. Các vị có trong ta, xung quanh ta, và ta có thể tiếp xúc với các vị. Cũng giống như tăng thân, tăng thân có đó và khi ta có khó khăn, ta chỉ cần nói: “Quý thầy, quý sư cô ơi, hãy giúp con”. Tăng thân không phải là một ý niệm, tăng thân là một thực tại.

Ta biết là tăng thân đang có đó; quý thầy, quý sư cô và các bạn đồng tu đang có đó cho ta. Ta luôn có thể nương tựa vào tăng thân. Trong tăng thân luôn có Pháp linh động và Bụt linh động. Vì vậy tiếp xúc với tăng thân, tiếp xúc với Bụt, với Pháp, ta cũng đang tiếp xúc với thực tại. Khi ấy hành động cầu nguyện của ta rất cụ thể và sẽ đem đến cho ta sự chuyển hóa và trị liệu. Khi ta nói “Xin đại chúng gửi năng lượng đến anh A hay chị B đang gặp khó khăn”, ta thật sự nương tựa vào lực của tăng thân. Ta biết năng lượng tập thể của tăng thân là có thật. Vì trong tăng thân có Bụt, có Pháp nên ta cũng có năng lượng của Bụt, của Pháp. Năng lượng của Bụt linh động, của Pháp linh động có mặt với ta.

Nếu ta thực tập giỏi, năng lượng của sự cầu nguyện sẽ rất hùng hậu và làm chuyển đổi tình trạng. Năng lượng ấy có nơi người cầu nguyện, nơi tăng thân đang yểm trợ cho người ấy qua năng lượng tập thể. Vì trong tăng thân có Bụt và Pháp linh động, năng lượng ấy có thể rất hùng hậu. Năng lượng ấy được chế tác từ bên trong người ấy và từ tăng thân. Ta biết là năng lượng ấy chỉ có thể được chế tác khi niệm, định và tuệ có mặt. Ta – người xin tăng thân gửi năng lượng – phải thật sự có mặt. Ta phải có niệm, có định, và ta phải có cái thấy mình là một với người mà mình hướng về để cầu nguyện, mình cũng là một với người mà mình đang cầu nguyện cho. Đó là lý do tại sao cái thấy sáng tỏ rất quan trọng trong cầu nguyện. Và nếu niệm, định, tuệ có mặt, chuyển hóa và trị liệu sẽ xảy ra.

Nếu đi sâu hơn, ta sẽ thấy nếu người theo đạo Cơ Đốc cầu nguyện theo cách đó, nghĩa là với niệm, định, và đặc biệt là tuệ, thì sẽ không có sự khác biệt nào giữa đạo Bụt và đạo Cơ Đốc. Ta biết ta chính là một phần rất quan trọng của sự cầu nguyện. Hiệu quả của sự cầu nguyện tùy thuộc rất lớn vào ta, bởi vì nếu ta không có đó, không vững chãi, không có tuệ giác thì ta không thể tiếp xúc với năng lượng hùng hậu của tăng thân, của Bụt.

Trong đạo Bụt ta không nói đến Thượng đế, đấng sáng tạo, ta không nói đến khải huyền, ơn cứu rỗi hay trừng phạt. Trong đạo Bụt, cái tương đương với Thượng đế là Tâm thức, đặc biệt là tâm thức cộng đồng. Tâm thức là nền tảng của tất cả mọi thứ. Khi tâm ta tiếp xúc với tâm thức cộng đồng, thì cái gì cũng có thể thực hiện được. Nếu những người bạn Cơ Đốc giáo của ta thấy Thượng đế là linh hồn – là tâm thức cộng đồng, nền tảng của tất cả các biểu hiện – thì khoảng cách giữa đạo Bụt và đạo Cơ Đốc là không đáng kể. Tất cả tùy thuộc vào cách chúng ta hiểu về Thượng đế.

Nếu ta cho rằng Thượng đế là nền tảng của sự tồn tại, là nơi mà từ đó tất cả mọi thứ biểu hiện ra, thì cái hiểu đó của ta không khác với cái thấy của người Phật tử về tâm. Bởi vì trong giáo lý đạo Bụt, tâm là họa sư kiến tạo nên tất cả, đặc biệt là tâm thức cộng đồng.

Tại sao cầu nguyện bằng thân lại quan trọng?

Ai cũng biết là khi cầu nguyện, tư thế của thân thể rất quan trọng. Nếu ta chắp tay lại, trong tư thế quỳ, ta sẽ có thể dễ chú tâm hơn bởi vì ta đang thưa chuyện với Bụt, với tăng thân, hay với Chúa trong chánh niệm và sự tôn kính, và ta sẽ thực sự có mặt hơn. Về vấn đề tuệ giác, trong đạo Bụt ta được học là tâm và thân không phải là hai thực thể tách rời. Thân là một phần của tâm, và tâm là một phần của thân.

Thân là sự tiếp nối của tâm và tâm là sự tiếp nối của thân. Thực tại biểu hiện qua thân và tâm. Trong đạo Bụt có danh từ nāmarūpa, tương đương với thân tâm (psycho- soma) của khoa học Tây phương. Khi ta học về 12 khoen nhân duyên, ta biết vì có vô minh nên có thức. Nếu không có vô minh thì thức sẽ được gọi là tuệ giác.

Vì có sự tồn tại của vô minh cho nên mới có thức. Vì có vô minh nên có hành, hành sinh ra thức; thức là tâm có yếu tố vô minh. Và từ thức, thân và tâm biểu hiện. Vì vô minh nên ta nghĩ là thân không phải là tâm và tâm không phải là thân; nhưng cả hai đều là biểu hiện của thức.

Với cái thấy không lưỡng nguyên về thân và tâm, người Phật tử luôn luôn chú ý đến thân trong khi cầu nguyện và trong khi hành thiền. “Quán niệm thân trong thân, quán niệm tâm trong tâm.” Thân có chứa tâm và tâm có chứa thân.

Đó là lý do vì sao trong khi ngồi thiền, đi thiền, chấp tác, khi tập thở, thân và tâm phải luôn luôn nhất như thì sự thực tập mới đúng và mang lại kết quả. Ta không chỉ thiền tập bằng tâm, tâm chỉ là phân nửa. Ta phải thiền tập bằng thân nữa.

Khi ta tiếp xúc với bình diện bản môn, ta cũng phải tiếp xúc bằng thân mà không chỉ tiếp xúc bằng tâm. Khi ta tiếp xúc với nước Chúa, hay với Tịnh độ của Bụt, ta tiếp xúc bằng chân, tay, mắt, mà không chỉ tiếp xúc bằng tinh thần. Đó là lý do tại sao, trong truyền thống đạo Bụt, tâm và thân phải nhất như. Chúng biểu hiện từ một thực tại duy nhất là thức. Và trong truyền thống Cơ Đốc giáo, người ta cũng có thể thấy tương tự. Muốn cầu nguyện ta phải yên lặng, trở về với tự thân. Ta phải cầu nguyện bằng trái tim mình chứ không chỉ bằng miệng.

Nền tảng của sự cầu nguyện

Làm thế nào để tránh rơi vào cái bẫy của cầu nguyện theo thói quen hay hình thức?

Khi ta tụng kinh cũng như khi nghe tụng kinh, ta cần phải hợp nhất thân và tâm. Làm được như vậy, ta có niệm, có định; ta hòa vào tăng thân và trở thành một với tăng thân, như một dòng sông.

Ta không còn tồn tại như một cá nhân mà trở thành dòng sông tăng thân. Tâm lúc nào cũng phải có mặt với thân. Đó là lý do tại sao đi trong chánh niệm có thể được coi là sự cầu nguyện. Ta cầu nguyện bằng đôi chân; và khi đi trong chánh niệm ta có thể tiếp xúc được với nước Chúa, với Tịnh độ của Bụt. Và ta có thể thấy được hiệu quả của sự cầu nguyện ngay lập tức.

Khi ta thở vào thở ra trong chánh niệm, đó mới là thở thật sự. Thân và tâm về một mối. Thật đáng tiếc nếu ta chỉ cầu nguyện bằng cái miệng – đọc một cái gì đó, trong khi tâm ta rong ruổi về quá khứ hoặc tương lai, hoặc nghĩ tới một dự án nào đó. Đó không phải là cầu nguyện, bởi vì ta không có chánh niệm, không có định và không có tuệ. Nền tảng của cầu nguyện là niệm, định và tuệ. Trong truyền thống Cơ Đốc giáo, có những người có khả năng cầu nguyện như thế, với niệm, định và tuệ. Họ gọi đó là sự nguyện cầu của trái tim. Cầu nguyện với thân và tâm nhất như mà không chỉ chắp tay rồi tụng một cái gì đó. Khi lên tụng kinh, nếu trong khi tụng mà ta nghĩ ngợi về một điều gì đó, ta phải quay về tự hỏi mình: “Mình đang làm gì đây? Mình đang trình diễn chứ không phải là đang thực tập. Mình đang trình diễn một bài kinh. Mình đang không thực tập, mình không hề cầu nguyện”.

Những thành viên khác trong tăng thân là tiếng chuông chánh niệm, nhắc nhở ta bằng cách họ tụng kinh, cách họ thực tập, và ta phải giúp tăng thân thực tập như vậy. Thân luôn luôn có mặt với tâm, như thế ta mới tránh được cái bẫy của sự thực tập hình thức. Cái bẫy này rất phổ biến; nó có thể xảy ra trong đạo Bụt, trong đạo Cơ Đốc, trong bất kỳ một tôn giáo nào. Ta biết nếu thực tập như thế thì chẳng có hiệu quả gì. Ta không có Thiên quốc, cũng chẳng có Tịnh độ, bởi vì ta không có niệm, định và tuệ.

Đôi khi tôi có nhắc nhở tăng thân trước những bữa ăn chung, tôi nói rằng: “Mời đại chúng thở như thế nào để chúng ta trở thành một cơ thể”. Chúng ta cần phải tìm cách đọc kệ ngũ quán trước khi ăn như thế nào để sự thực tập đó không trở thành một cái lệ, trở thành hình thức. Ta cũng có một bài kệ để đọc thầm trước khi ăn: “Ăn cơm nơi tích môn/ Nuôi sống cả tổ tiên/ Mở đường cho con cháu/ Cùng tìm hướng đi lên.” Nếu tăng thân được nhắc nhở trước khi ăn, mọi người sẽ có cơ hội thực sự thực tập mà không chỉ ở hình thức. Khi lạy xuống trước bàn thờ trong một buổi lễ, ta lại có một bài kệ khác: “Trong thể tính chân như/ Không chủ thể đối tượng/ Đệ tử kính lạy Bụt/ Trong tương cảm nhiệm mầu”. Vì thế ta cần được nhắc nhở qua nhiều cách thức khác nhau, khuyến khích, thúc đẩy một cách thường xuyên để chúng ta không rơi vào cái bẫy hình thức. Ta phải khéo léo, nghệ thuật trong việc tìm ra những cách thức giúp cho sự thực tập của ta sống động. Đó là lý do tại sao chúng ta cần nói những lời sách tấn đại chúng trước khi bắt đầu buổi thiền hành hoặc thiền tọa.

Cầu nguyện trong cuộc sống hàng ngày

Trong cuốn sách Hiệu lực cầu nguyện của Thầy có một chương nói về thiền tập. Xin Thầy chia sẻ về mối quan hệ giữa thiền tập và cầu nguyện trong sự đời sống tu tập của chính Thầy.

Trong tinh thần của đạo Bụt, khi làm bất cứ việc gì mà có niệm, định, tuệ thì có thể xem đó là một sự cầu nguyện. Khi ta uống trà trong thất niệm, sự sống sẽ không có mặt. Ta không thực sự sống bởi vì ta không có mặt, không có chánh niệm và không có định. Giây phút đó không có sự thực tập. Chỉ là một giây phút bình thường. Nhưng khi ta bắt đầu nâng ly trà trong tay với chánh niệm và định tâm, và khi ta uống trà hoàn toàn trong chánh niệm và sự định tâm thì cũng như ta đang thực hành một nghi lễ tôn nghiêm. Và đó đã là một sự cầu nguyện. Khi ta đi, nếu ta thưởng thức từng bước chân, nếu mỗi bước chân nuôi dưỡng và đem lại cho ta sự chuyển hóa, thì mỗi bước chân chính là một lời cầu nguyện.

Cho nên trong giáo lý và sự hành trì của truyền thống đạo Bụt, thực sự không có sự phân biệt giữa thiền tập và cầu nguyện, bởi vì khi ta có niệm định tuệ, ta có thể tiếp xúc được với cõi Bụt, với Bụt và với Tăng. Khi ta thật sự cầu nguyện, ta tiếp xúc với Chúa Jesus, với Thiên quốc. Tiếp xúc được như thế thì sự trị liệu và chuyển hóa chắc chắn sẽ xảy ra. Khi có niệm, định và tuệ thì sẽ không có sự phân biệt giữa người cầu nguyện và người mà sự cầu nguyện đang hướng tới. Nhờ đó sự truyền thông trở nên toàn hảo và sâu sắc; sự chuyển hóa và trị liệu hẳn nhiên sẽ xảy ra.

Khi đi tại sân bay, mỗi bước chân của ta có thể trở thành một lời cầu nguyện. Ta đang thực sự sống, ta không bỏ phí thời gian, bỏ phí sự sống. Khi ta ngồi trong vững chãi, thảnh thơi, khi ta thở vào thở ra trong chánh niệm, khi ta tiếp xúc với sự sống mầu nhiệm, thì đó là thiền tập mà cũng là cầu nguyện. Trong sự cầu nguyện đích thực, không còn sự phân biệt giữa người cầu nguyện và người được cầu nguyện. Những người bạn đạo Cơ Đốc của chúng ta nói: “Sống mỗi giây mỗi phút trong sự hiện diện của Thượng đế”. Nếu ta sống trong niệm định tuệ, ta sẽ không bao giờ rời xa Thượng đế, ta luôn luôn tiếp xúc với Thượng đế, trong sự hiện diện của Thượng đế. Khi ta sống từng giây từng phút của đời sống hàng ngày trong sự hiện diện của Thượng đế nghĩa là cuộc sống hàng ngày của ta là một sự cầu nguyện. Có những người có khả năng làm được như vậy.

Trong đạo Bụt, có những cách rất cụ thể giúp ta chế tác năng lượng của niệm, định và tuệ. Và sự thực tập của ta là sự thực tập chế tác những năng lượng này. Nếu những năng lượng này có mặt, thì không còn sự phân biệt giữa người đang cầu nguyện và người được cầu nguyện. Khi ta có chánh niệm khi đi, khi ngồi, khi nấu ăn, rửa bát thì ta không phung phí sự sống. Ta sống sâu sắc từng giây phút. Cuộc sống của ta trở thành một sự cầu nguyện. Sống được như vậy ta sẽ có nhiều hạnh phúc và bình an.

Cuộc sống của ta là một sự cầu nguyện

Làm thế nào mà ta có thể có thời gian cầu nguyện mỗi ngày?

Những gì tôi đã chia sẻ ở trên phần nào đã trả lời cho câu hỏi này rồi. Khi mỗi bước chân, mỗi hơi thở, mỗi khoảnh khắc trong khi làm việc hay lái xe trở thành một lời cầu nguyện, ta không cần dành thời gian riêng để cầu nguyện nữa. Bởi vì ta đã đầu tư toàn bộ thời gian trong cuộc sống hàng ngày của ta cho sự thực tập cầu nguyện. Vì vậy, để trả lời câu hỏi này, có thể nói là ta không nên chia chẻ thời gian ra như vậy. Thời gian để làm việc, ăn uống, hoạt động ta làm trong thất niệm, rồi sau đó ta có thời gian riêng để thực tập niệm, định, tuệ và cầu nguyện. Đó không phải là cách thực tập của chúng ta.

Mỗi giây phút của cuộc sống hàng ngày có thể trở thành giây phút của sự cầu nguyện, của thiền quán, của sự thực tập. Ta cần phải được huấn luyện mới làm được. Có những khoảnh khắc ta không thật sự sống, ta bị sự lo lắng, giận dữ, hoặc những dự án kéo đi; và vì vậy ta phung phí sự sống. Không ai muốn phung phí sự sống cả. Ai cũng muốn sống sâu sắc, và cách duy nhất là bằng sự cầu nguyện, bằng cách chế tác năng lượng của niệm, định và tuệ. Như thế ta có thể sống một cách sâu sắc mỗi giây phút trong cuộc sống hàng ngày. Cuộc sống của ta là cuộc sống của sự hành trì, là cuộc sống của sự cầu nguyện. Không có sự phân biệt nào giữa thời gian cầu nguyện và thời gian “để sống” hoặc không cầu nguyện.

Thiền hành

Xin Thầy chia sẻ về một sự thực tập mà mọi người có thể áp dụng hàng ngày để giúp họ đến gần hơn với hạnh phúc mà họ đang tìm kiếm.

Trong cuộc sống hàng ngày chúng ta di chuyển rất nhiều, vì vậy chúng tôi muốn hiến tặng cho các bạn một món quà, đó là sự thực tập đi trong chánh niệm. Muốn đi từ chỗ này đến chỗ kia, thậm chí chỉ cần bước năm, sáu bước, nhưng nếu ta biết bước những bước ấy một cách chánh niệm thì như vậy là tốt lắm rồi. Đi ra nhà để xe, ta nên thưởng thức từng bước chân. Đừng suy nghĩ gì cả, chỉ thưởng thức bước chân thôi. Đi đến văn phòng, đến chỗ làm hoặc ra phòng ăn: Mỗi bước chân phải đưa ta trở về hiện tại để ta có thể thưởng thức những gì đang xảy ra. Tôi nghĩ rằng nếu tất cả mọi người trên trái đất biết cách thưởng thức những bước chân chánh niệm thì trái đất và xã hội sẽ được chuyển hóa. Bởi vì nếu ai cũng nắm được bí quyết làm sao để chánh niệm hơn thì ai cũng sẽ biết cách thưởng thức từng bước chân của mình.

Đi thiền là việc ai cũng có thể làm. Có những người thấy khó ngồi thiền nhưng đi thì ai cũng đi. Cho nên tôi đề nghị bất cứ ai – dù là đang ở Berkeley, New York, Amsterdam, Paris hay Bangkok, v.v… – nên thưởng thức đi trong chánh niệm. Mỗi khi bước một bước chân trong chánh niệm là ta chấm dứt thất niệm, ta trở về với sự sống, tiếp xúc với những nhiệm mầu của sự sống để nuôi dưỡng và trị liệu cho thân tâm.

Thiền hành là một phương pháp thực tập rất dễ chịu, mang đến nhiều chuyển hóa và trị liệu. Tôi đề nghị các độc giả của tuần báo Publishers nên bắt đầu thực tập phương pháp này, và nó sẽ làm cuộc đời các bạn thay đổi. Khi thực tập đi trong chánh niệm, ta đi bằng cả thân và tâm. Ta theo dõi hơi thở trong khi đi, và ta trở nên hoàn toàn có mặt, thật sự đang sống, và ta sẽ đến gần hơn với hạnh phúc mà ta đang tìm kiếm.

Chánh niệm và hòa bình

Sự cầu nguyện có liên hệ như thế nào đến hòa bình và quá trình hòa giải?

Khi ta có chánh niệm, có định, có tuệ thì ta sẽ có nhiều bình an hơn trong thân và tâm. Nếu ta biết làm thế nào để cho năng lượng tập thể của tăng thân thấm vào trong thân ta, nếu ta biết làm thế nào để thực sự thở trong chánh niệm, buông bỏ căng thẳng trong thân, làm lắng dịu cảm xúc nhờ nương vào hơi thở chánh niệm, thì ta đã có nhiều bình an hơn rồi. Giây phút mà ta ngồi xuống và bắt đầu thở, làm lắng dịu thân tâm thì sự bình an liền có mặt. Và thở như thế chính là sự cầu nguyện. Khi trong ta có bình an, ta có thể kết nối với những người khác, có thể giúp họ cũng có bình an như mình. Cùng với nhau, chúng ta tạo thành một cơ thể bình an, một cộng đồng bình an.

Có nhiều người trong chúng ta rất hăng hái hoạt động cho hòa bình, nhưng lại không có bình an trong tự thân. Ta hò hét cho hòa bình với năng lượng giận dữ, và ta la hét ngay cả đối với những người đồng sự đang hoạt động cho hòa bình như ta. Có rất nhiều nhóm hoạt động cho hòa bình rất hết lòng, nhưng họ lại đấu đá lẫn nhau rất dữ và họ không hề có bình an. Hòa bình phải bắt đầu trong mỗi chúng ta: bằng cách thực tập ngồi yên, đi trong chánh niệm, chăm sóc thân thể, buông bỏ căng thẳng trong thân và làm lắng dịu cảm xúc. Vì vậy sự thực tập có thể mang bình an đến cho ta ngay lập tức. Khi ta bình an hơn, dễ chịu hơn, ta có thể tiếp xúc với những người khác, mời họ tham gia vào việc chế tác hòa bình một cách dễ dàng hơn. Và vì ta bình an, ta biết cách để nhìn, nói, hành xử một cách bình an, và ta có thể thuyết phục người khác tham gia vào công việc thúc đẩy cho hòa bình và hòa giải.

Ta không thể có hòa bình nếu chỉ ngồi đó để thỏa thuận hay lên kế hoạch. Ta phải học cách thở để an tịnh thân tâm, và ta phải có khả năng giúp người khác làm như vậy. Nếu không có yếu tố bình an trong ta và trong người kia, thì không có hoạt động nào hoặc việc làm nào có thể được cho là một hoạt động đích thực vì hòa bình.

Cho nên một vị tổng thống, một thủ tướng, một nhà lãnh đạo chính trị nào cũng phải thực tập hòa bình, phải cầu nguyện cho hòa bình bằng cả thân và tâm trước khi vị ấy có thể yêu cầu những vị thủ tướng và lãnh đạo quốc gia khác tham gia vào việc đem lại hòa bình một cách có hiệu quả. Tôi đề nghị là một hội nghị hòa bình nào cũng nên bắt đầu bằng thiền hành, thiền tọa, phải có ai đó hướng dẫn thiền buông thư để buông bỏ căng thẳng, giận dữ và sợ hãi trong thân tâm của những người tham gia hội nghị.

Làm như thế rất văn minh. Làm như thế thì có thể đem chất tâm linh vào đời sống chính trị xã hội. Bình an trong tự thân sẽ mang đến sự bình an trong cộng đồng và trên thế giới. Trong công ty, trường học, hay chốn nghị trường, ta đều cần thực tập bình an. Thầy cô giáo cần thực tập bình an, và dạy cho học sinh thực tập bình an. Quốc hội cũng cần thực tập bình an và yêu cầu mọi thành viên trong quốc hội cùng thực tập. Trong chiến lược hòa bình cần phải có sự thực tập bình an cho thân và tâm.

Những người theo đạo Cơ Đốc nhưng lại yêu thích giáo lý đạo Bụt thì có cần phải trở thành Phật tử để thực hành theo giáo lý đó không?

Những người Cơ Đốc nào biết chế tác niệm, định, tuệ thì đã là người Phật tử, dù cho họ có chính thức thọ Tam quy và Ngũ giới hay không. Họ chính là những Phật tử đích thực, dù họ không tự nhận mình là Phật tử, bởi vì tinh yếu của đạo Bụt là niệm, định và tuệ.

Có những người theo đạo Cơ Đốc có khả năng chế tác niệm định tuệ, và như thế họ đã là người Phật tử nhưng họ không cần phải mang danh người Phật tử. Khi họ bày tỏ ước mong được thọ Tam quy và Ngũ giới, họ biết là sự thực tập này giúp cho niềm tin ở Thiên Chúa càng vững mạnh hơn. Họ biết họ không mất đạo gốc, không phản bội truyền thống của họ, vì họ có tuệ giác là ngay trong chính truyền thống của họ, niệm, định, tuệ cũng rất quan trọng.

Đến một trung tâm thực tập đạo Bụt, những người này học hỏi các pháp môn thực tập để có thể giúp họ chế tác niệm, định và tuệ. Họ biết trong chính truyền thống của họ, những năng lượng này cũng rất thiết yếu. Họ muốn sử dụng tuệ giác, kinh nghiệm của họ để làm mới lại truyền thống, để chia sẻ với nhiều người trẻ những phương pháp cụ thể giúp chế tác ra các năng lượng này. Thực tập thiền Phật giáo trên tinh thần như vậy không những giúp họ trở nên những con chiên tốt hơn mà còn giúp họ làm mới lại Cơ Đốc giáo để người trẻ theo đạo Cơ Đốc thấy thoải mái hơn. Truyền thống nào cũng cần phải tự làm mới chính mình để đáp ứng được những nhu yếu mới của xã hội, đạo Bụt cũng vậy.

Vì vậy ta không nên kẹt vào hình thức. Có rất nhiều người tự cho mình là “Phật tử”, nhưng thật ra họ không Phật tử gì mấy, bởi vì họ vẫn còn nhiều kỳ thị và cố chấp. Những người này còn ít chất Phật tử hơn rất nhiều người Cơ Đốc. Có nhiều người Cơ Đốc không cho mình là Phật tử, nhưng họ lại còn Phật tử hơn những người Phật tử này. Chúng ta phải học cách nhìn như vậy. Khi một người Cơ Đốc thực tập các phương pháp thực tập của đạo Bụt một cách đúng đắn, người ấy sẽ không bao giờ bị bứng khỏi gốc rễ Cơ Đốc giáo của mình. Trái lại, người ấy sẽ có cơ hội bồi đắp và làm mới lại truyền thống của chính mình. Thái độ đúng đắn là không khuyến khích người khác rời bỏ gốc rễ tâm linh của họ. Thái độ đúng đắn là phải thúc đẩy họ quay về với gốc rễ tâm linh của họ, và sự thực tập niệm, định, tuệ trong đạo Bụt sẽ có thể làm được việc này. Tôi nghĩ là Phật giáo đã có đủ Phật tử rồi, chúng tôi không cần cải đạo người khác để có thêm Phật tử. Chỉ chăm sóc những Phật tử có sẵn, chúng tôi đã phải tiêu hao nhiều năng lượng, bởi nhiều người trong số họ không thực tập. Vì vậy không cần phải lo lắng về chuyện có thêm Phật tử.

Thầy nhận thấy điều gì khi trở về Việt Nam năm 2015? Ấn tượng của Thầy là gì?

Tôi đã xa xứ gần 40 năm. Tôi rời quê hương để ra nước ngoài vận động ngưng chiến, và vì vậy tôi đã không được phép trở về. Khi trở lại Việt Nam, tôi nhận ra rằng đã có 35 triệu người được sinh ra trong khi tôi vắng mặt. Phần lớn những người tôi gặp là những người tôi không quen biết. Nhưng nhìn cho kỹ, tôi thấy cha mẹ của họ, và tôi có thể tiếp xúc với họ một cách rất sâu sắc. Một điều nổi bật mà tôi nhận thấy là không còn chiến tranh ở Việt Nam, và đây là điều tuyệt vời nhất. Có những vấn đề khác, như tham nhũng, ô nhiễm môi trường, đói nghèo, nhưng không có sự tàn hại một số lượng lớn sinh mạng bằng vũ khí. Như vậy là đã tốt lắm rồi.

Tôi trở về quê hương cùng với một tăng thân gồm 100 vị xuất sĩ và 100 cư sĩ. Một tăng đoàn vững chãi, có niệm, định và tuệ là món quà mà chúng tôi mong muốn cúng dường cho đất nước, cho dân tộc. Tôi rất biết ơn các thầy, các sư cô và các bạn thiền sinh đã đi cùng tôi trong chuyến đi đó, bởi vì họ đã cố gắng hết sức mình để cống hiến sự có mặt đẹp nhất có thể của họ cho con người và đất nước Việt Nam. Có rất nhiều sợ hãi, nghi kỵ và hiểu lầm khi đó, và chúng tôi đã phải thực tập thật sâu sắc để có thể giúp đánh tan sự nghi kỵ, sợ hãi và hiểu lầm.

Các thầy, các sư cô trong phái đoàn thì được ở trong chùa. Thiền sinh thì ở trong các khách sạn. Các bạn thiền sinh đã biến các khách sạn thành trung tâm thực tập. Họ dậy sớm để ngồi thiền và đi thiền. Họ chỉ ăn các thức ăn chay. Họ không bao giờ hút thuốc, uống rượu hay bia. Vì vậy những người theo dõi chúng tôi bắt đầu thấy tăng thân của những người thực tập đạo Bụt là có thật. Họ thấy không những các vị xuất sĩ thực tập đàng hoàng, mà những người cư sĩ cũng vậy. Trong chúng tôi có cả những vị giáo thọ cư sĩ. Dần dần với sự kiên trì, nhẫn nại và từ bi chúng tôi bắt đầu làm cho mọi người thay đổi.

Chúng tôi đã có thể lấy đi cái thấy sai lạc của họ. Chúng tôi giúp họ giảm bớt sợ hãi, nghi kỵ, và trong tháng cuối cùng của chuyến đi, họ đã cho phép chúng tôi có pháp thoại công cộng bên ngoài. Trước đó không có cách nào thuyết phục họ cho phép chúng tôi có pháp thoại công cộng bên ngoài mà chỉ được có pháp thoại trong chùa.

Rất nhiều đảng viên và cán bộ nhà nước đã đến nghe pháp thoại. Họ không bao giờ đến chùa. Đối với rất nhiều người trong đảng và nhà nước, đó là lần đầu tiên họ được tiếp xúc với giáo lý Đạo Bụt Dấn Thân. Họ cảm thấy rất hứng thú. Có thể thấy độ sợ hãi, nghi kỵ và hiểu lầm mỗi ngày mỗi giảm, và chúng tôi đã phá vỡ được thành trì của sợ hãi, nghi kỵ, hiểu lầm.

Chúng tôi biết ảnh hưởng của cuộc viếng thăm đó vẫn tiếp tục. Vẫn còn rất nhiều việc phải làm – đối trị với nghèo đói, bất công xã hội, ô nhiễm môi trường, tham nhũng; và tôi có nói rằng không có tình huynh đệ, không có một chiều hướng tâm linh trong cuộc sống thì không làm thay đổi được tình trạng. Vì vậy trong các bài pháp thoại tôi đã kêu gọi các đảng viên và cán bộ nhà nước phải có sự thực tập tâm linh thì mới có khả năng đối phó với những khó khăn, thách thức mà đất nước đang phải đối diện.

Trong thời gian thăm Việt Nam, chúng tôi đã tổ chức các khóa tu cho những người xuất gia; mỗi khóa có hơn 1000 người tham dự. Ngoài ra còn có các khóa tu cho cư sĩ; pháp thoại và thiền hành. Mặc dù các hoạt động của chúng tôi không được phổ biến trên các phương tiện truyền thông nhưng rất nhiều người Việt vẫn biết về sự có mặt của chúng tôi, và tôi tin rằng có hơn hai trăm ngàn người đã đến và tiếp xúc trực tiếp với tăng thân và với sự thực tập.

Các bài pháp thoại bằng tiếng Việt đã được sao chép ra, và ngày chúng tôi rời Việt Nam, chúng tôi được biết là có năm mươi ngàn CD pháp thoại đã được phát hành, bởi vì người dân có nhu cầu tu tập rất lớn. Vào thời điểm đó, tại chùa Tổ và chùa Bát Nhã đã có khoảng 300 – 400 vị xuất gia thực tập theo pháp môn Làng Mai, và rất nhiều người cũng đang có hứng thú với pháp môn này bởi vì chúng tôi là một điển hình của một đạo Bụt được làm mới. Chúng tôi hy vọng rằng sự hiện diện của các trung tâm tu học này sẽ gây cảm hứng cho các chùa và các trung tâm tu học khác làm mới lại giáo lý và sự thực tập.

Năm nay Thầy sẽ tròn 80 tuổi. Thầy có dự định về hưu tại một thời điểm nào đó trong tư cách một vị lãnh đạo tâm linh không?

Trong đạo Bụt, chúng tôi thấy rằng giáo pháp được trao truyền không chỉ bằng lời nói, mà bằng cách sống. Cuộc sống của một vị thầy chính là giáo pháp, là thông điệp. Và vì tôi tiếp tục ngồi, đi, ăn, và có sự tiếp xúc với tăng thân và với mọi người, tôi vẫn tiếp tục giảng pháp, dù rằng tôi đã khuyến khích các đệ tử lớn của tôi bắt đầu thay thế tôi để cho pháp thoại.

Trong hai năm vừa qua, tôi đã kêu gọi các giáo thọ, cả xuất sĩ lẫn cư sĩ, lên cho pháp thoại. Rất nhiều người đã cho những bài pháp thoại tuyệt vời. Có nhiều bài còn hay hơn cả pháp thoại của tôi. Tôi thấy tôi đã có sự tiếp nối, và tôi sẽ không về hưu. Tôi sẽ tiếp tục giảng pháp, nếu không bằng pháp thoại, thì sẽ bằng cách tôi ngồi, ăn, cười và tiếp xúc với tăng thân. Tôi rất thích sống với tăng thân.

Thậm chí khi tôi không cho pháp thoại, tôi vẫn thích tham gia thiền hành, thiền tọa, ăn trong chánh niệm, v.v… Thành ra xin quý vị đừng lo. Khi người ta được tiếp xúc với sự thực tập, họ sẽ có cảm hứng. Không cần phải nói mới có thể giảng pháp. Chỉ cần sống một cách sâu sắc và chánh niệm.

Nguồn: https://plumvillage.org/thich-nhat-hanh-interviews/thich-nhat-hanh-answers-weekly-magazine/