Bài Viết

Giỗ tổ Hùng Vương

(Trích trong sách “Tý – Cây tre triệu đốt, Chiếc lá ổi non” của Sư Ông Làng Mai)

 

 

Từ hồi còn nhỏ xíu, Tý đã thỉnh thoảng có nghe nói tới tên Sư Ông. Nghe nói Sư Ông cưng Tý lắm, ngay từ khi Tý mới lọt lòng Mẹ. Mẹ nói Sư Ông là thầy tu; ngày xưa Sư Ông đã từng dạy Ba học. Tý tưởng tượng Sư Ông là một người già, có hai con mắt hiền và một bộ râu dài trắng xóa. Tý nghe nói ở bên Pháp Sư Ông trồng cà chua, khoai tây, củ cải, rau ngò, rau tía tô và rau húng. Mẹ nói qua Pháp Tý sẽ được gặp cả cô Chín nữa. Cô Chín rất cưng Tý và Miêu. Hồi còn ở Thủ Ðức, Tý và Miêu thường nhận quà của cô từ Pháp gửi về; khi thì bút chì màu, khi thì cục gôm, khi thì cuốn tập. Mẹ quý những hộp quà của cô Chín lắm, bởi vì trên nắp của hộp nào cũng có nét chữ chi chít của cô Chín. Trong những hộp quà đó thỉnh thoảng lại có thuốc bổ gởi cho bà ngoại của Tý. Ngoại của Tý cư trú ở miền quê, quận Trúc Giang, tỉnh Bến Tre…

Trại tỵ nạn Palawan năm đó ăn Tết lớn lắm. Ăn Tết lớn không có nghĩa là tiêu xài nhiều đâu. Tiền bạc đâu ở trại mà tiêu xài nhiều. Tý nhớ rất rõ buổi lễ giỗ tổ Hùng Vương được tổ chức vào đêm giao thừa. Lễ giỗ tổ trang trọng lắm. Tất cả mọi người trong trại đều có mặt tại buổi lễ, ở sân chào cờ trung ương. Các anh chị Hướng Ðạo và Gia Ðình Phật Tử là những người đứng ra sắp đặt mọi nghi lễ. Từ hôm hai mươi ba Tết, ban tổ chức đã thông báo cho mọi gia đình biết về lễ giỗ tổ rồi. Năm nay Mẹ Tý không cúng ông Táo, bởi vì ở đây gia đình Tý không có bếp núc riêng. Mẹ Tý đã dành dụm để có tiền mua đậu và nếp để làm bánh chưng cúng Tết. Ba nói ngày Tết mà không có bánh chưng để cúng ông bà thì tủi lắm. Ðọc sách Văn Lang Dị Sử Tý biết tục gói bánh chưng vào ngày Tết rất đẹp. Mẹ Tý ngâm đậu và nếp từ hôm hăm chín Tết. Sáng ba mươi Ba của Tý bắt đầu gói bánh. Ba gói bánh chưng khéo lắm. Ba nói Ba đã học được nghệ thuật gói bánh chưng tại Am Phương Bối, trên rừng Ðại Lão, cách đây đã gần hai mươi năm. Ba làm một cái khung gỗ để gói bánh. Những chiếc bánh của Ba gói rất vuông và rất gọn. Mấy gia đình kế cận thấy Ba gói bánh đẹp quá liền đến nhờ Ba gói dùm cho họ. Ba vui vẻ nhận lời. Trước hết chỉ có hai gia đình nhờ Ba gói bánh. Sau đó, năm sáu gia đình khác cũng đến nhờ. Rồi mười mấy gia đình khác nữa đến nhờ Ba gói giúp. Khởi sự gói bánh từ tám giờ sáng ba mươi Tết mà mãi đến mười một giờ khuya đêm ba mươi, Ba mới gói xong. Ba mệt lắm. Hai cánh tay của Ba mỏi nhừ. Ba chỉ nghỉ gói chừng mươi phút để ăn cơm trưa mà thôi. Gói xong cái bánh cuối cùng cho một gia đình hàng xóm, Ba đi rửa mặt và thay áo vì đã sắp đến giờ làm lễ giao thừa và giỗ tổ Hùng Vương rồi. Ngoài kia những tiếng trống và những tiếng chiêng đã được điểm lên đều đặn và uy nghiêm. Mẹ cũng đã mặc áo, anh em Tý cũng đã mặc áo quần xong xuôi. Tội nghiệp cho Mẹ, đi ra nước ngoài mà không đem theo được áo dài. Anh em Tý thì mặc áo sơ mi cụt tay, tuy đã cũ nhưng mới được giặt rất sạch.

Lễ đài được thiết lập gần cột cờ, rất trang nghiêm. Khói trầm hương nghi ngút. Ðèn nến sáng trưng trên bàn thờ. Những người đứng ra giỗ tổ đều mặc áo thụng xanh, tay áo rất rộng. Tý chưa từng thấy một buổi lễ nào mà trang nghiêm và thành kính như thế. Trên bảy ngàn người mà không ai gây thành tiếng động. Người dự lễ đứng chật vòng trong vòng ngoài. Người chủ tế là một cụ đứng tuổi, có chòm râu bạc rất đẹp. Tất cả có bảy người mặc áo thụng xanh. Họ đi tới, đi lui, quỳ xuống và đứng lên theo nhịp chiêng và nhịp trống. Mỗi khi có tiếng “hưng” hô lên, là họ đưa hai tay áo rộng lên ngang đầu. Mỗi khi có tiếng “bái” là họ lạy xuống. Lại có những anh chừng mười bốn mười lăm tuổi mặc áo dài đứng một bên cạnh để giúp việc hương đèn và sớ giấy. Ðứng nghiêm trang trước bàn thờ, vị chủ tế bắt đầu đọc văn tế. Giọng đọc rất trang trọng. Tổ Hùng Vương đã khai sáng nước Văn Lang. Người dân Việt Nam giỗ tổ để nhớ lại công ơn lập quốc của tổ tiên.

 

 

Tý nhớ đến chuyện anh Hùng và chị Mỵ đi xuống thủy cung để thỉnh Lạc Quân về làm mưa. Chuyện này Tý đọc trong Văn Lang Dị Sử. Anh Hùng chính là vua Hùng Vương thứ nhất. Ðó là một chàng trai dũng cảm và thông minh. Có tới mười tám đời vua Hùng Vương nối tiếp nhau để cai trị đất nước và giữ cho đất Văn Lang được độc lập và thái bình. Ðúng vào lúc giao thừa, những bánh pháo được đem ra đốt. Không khí rất tưng bừng. Tý thấy khói pháo thơm quá. Khói pháo làm cho nó nhớ lại những cái Tết ở quê ngoại. Ba tấm tắc khen ban tổ chức đã khéo mượn được đủ chiêng trống và đã may được cả áo thụng xanh để làm lễ giỗ tổ. Trong các làng mạc Việt Nam ngày xưa, Ba nói, mỗi khi tế thần, các quan viên đều mặc áo thụng xanh như thế.

Lễ giỗ tổ cử hành xong thì đại diện các đoàn thể lên lễ đài đọc diễn từ chúc Tết. Các bài diễn từ hơi dài đối với Tý. Bài diễn văn cuối cùng đọc xong thì có tiếng chiêng trống rộn ràng vọng lên, à đây là tiếng chiêng trống múa lân. Tý nhớ ngay tới chú Dũng. Nãy giờ chú Dũng đâu có đứng chung với Tý. Chú có mặt trong ban múa lân. Lúc này, đèn lồng đã được giăng thành hai hàng. Lân tới. Chắc chắn người cầm đầu lân là chú Dũng. Tiếng trống rung lên, Lân bắt đầu múa. Chú Dũng múa khéo lắm. Người ta reo hò không ngớt. Lại có những tràng pháo nổ. Không khí toàn trại thật tưng bừng và rộn ràng. Múa lân xong thì đã một giờ rưỡi khuya. Chú Dũng trở về với gia đình. Chú mệt nhưng tươi cười. Ba, Mẹ, Tý và Miêu theo chú trở về căn phòng nhỏ của gia đình, trong đó ba đã thiết lập một bàn thờ ông bà rất đơn giản. Ba thắp hương, đứng ngay ngắn trước bàn thờ để khấn vái. Mọi người cung kính đứng sau lưng Ba. Trên bàn thờ có một bình hoa và một đĩa bánh chưng. Mẹ đã lựa ba cái bánh đẹp nhất để bày lên cúng. Tý thấy hai mắt của Mẹ long lanh. Ðây là cái Tết đầu tiên xa quê hương, xa đất nước. Tất cả lạy trước bàn thờ, hướng về quê hương, hướng về đất nước.

Ba nói : “Chúng ta xa quê hương, nhưng quê hương mãi mãi còn trong lòng chúng ta.”