Bài Viết

Tình yêu

(Trích trong cuốn sách “Nói với tuổi 20” của Sư Ông Làng Mai)

Không ai cấm em, trong khi yêu, tạo dựng thần tượng. Em nói: đời này yêu thì yêu chứ thần tượng thì không. Tôi nghĩ không phải như vậy. Nếu không còn thần tượng thì không còn là yêu. Có lẽ tôi cổ hủ mất rồi, nhưng biết làm sao? Nếu em đồng ý rằng trong khi yêu ta không tránh khỏi sự tạo dựng thần tượng thì em nên bắt đầu tạo dựng ngay thực chất cho thần tượng ấy. Chỉ có một cách làm cho tình yêu bền vững mãi, đó là giữ cho người yêu mãi mãi là nguồn cần thiết và ngọt ngào của mình. Một mình người yêu của em làm việc ấy thì nặng quá: em phải giúp sức người yêu của em. Và phải giúp một cách thật tế nhị. Công việc này chỉ cần kiên nhẫn và sáng suốt là được; trong tình yêu, em rất dễ ảnh hưởng đến người em yêu. Tình yêu sẽ trợ lực em. Mãnh lực của tình yêu rất lớn lao.

Trước hết, em nên hiểu rằng danh vọng, sắc đẹp và tài ba không thể bảo đảm được rằng đối tượng kia sẽ là nguồn cần thiết và ngọt ngào bất tuyệt của mình. Tìm ra được người thích hợp với em không phải là dễ dàng. Em phải biết nguyện vọng, sở thích, tính khí, kiến thức và lý tưởng của người đó, và xem những thứ đó có hợp với em không. Hợp không có nghĩa là giống mà chỉ có nghĩa là không xung khắc, là có thể bổ túc cho nhau. Những thứ đó sẽ là những mối dây liên lạc, hợp nhất, những chất liệu nuôi dưỡng tình yêu.

Chính những đeo đuổi, những sở thích và những lo âu chung của hai người sau này sẽ là chất keo sơn gắn bó hai người với nhau, và gắn hai người với những người đồng tâm đồng điệu khác. Chính những thứ đó xua đuổi dần những bóng tối cô đơn vây phủ bản ngã. Lý tưởng chính nó là một thần tượng, do đó người yêu khôn ngoan bao giờ cũng đồng hóa hoặc liên hệ mình với lý tưởng của người mình yêu vì thế sẽ cũng bất diệt như thần tượng. Em sẽ không bao giờ mất người yêu nếu em sốt sắng với lý tưởng của người yêu. Có một người bạn trẻ bảo tôi, giọng đầy phẫn uất: tại sao tình yêu không thể tự nó là nó được mà phải nhờ đến những cái khác, như là ý tưởng, như là Thượng Đế…mới có thể tồn tại? Người bạn trẻ đã ghét cay ghét đắng câu nói của Saint Exupéry “yêu nhau không phải là nhìn nhau mà cùng nhìn vế một hướng”. Thực ra tôi không có nói gì giống Exupéry, tôi chỉ nói đến cách bảo vệ nuôi dưỡng tình yêu thôi, nhưng tôi cũng xin trả lời người bạn trẻ: “không có cái gì có thể tự nó là nó được; cái gì cũng là hợp thể của nhân và duyên, nghĩa là của điều kiện. Cái này có nhờ cái kia có, cái này không thì cái kia không. Bản thân ta đã có thể tự nó là nó chưa, huống hồ tình yêu là một cái gì phát sinh từ bản thân ta. Không có cái gì có tự thể ; cái gì cũng phải nương trên những cái khác mới có thể có; cái gì cũng chỉ tồn tại trong liên hệ nhân duyên. Tình yêu cũng thế: anh có bổn phận nuôi dưỡng nó, nếu anh không muốn nó chết“. Nếu Exupéry nói tình yêu nam nữ chỉ có thể tồn tại qua tình yêu đối với đấng Thượng Đế thì ông mục sư của André Gide trong cuốn La symphonie pastorale lại không nói ngược lại rằng “Lạy Chúa, đôi khi con có cảm tưởng rằng con cần tình yêu của nàng mới có thể yêu được Chúa” hay sao?

 

 

Nhất định là tình yêu phải nương vào những điều kiện khác mà hiện hữu. Ngày nào em không bồi đắp cho tình yêu thì ngày đó em làm cho tình yêu ngắn đi, yếu đi. Không phải leo lên chiếc xe đạp và đạp vài vòng thì chiếc xe có thể đi mãi như một chiếc xe gắn máy. Em phải tiếp tục đạp, dù là thong thả. Nếu em không đạp thì khi hết đà, chiếc xe sẽ ngã. Khi đó, tình yêu sẽ cạn như một dòng suối khô cạn và sự phụ bạc có thể là sẽ tới một cách tự nhiên, bởi vì em đã biết tình yêu là một nhu yếu.

Xã hội kết án nhưng xã hội không chịu xem xét những nguyên nhân nào đã đưa tới sự phụ bạc. Hậu quả là một cái gì phải đến sau nguyên nhân; hậu quả không đáng trách, chỉ có nguyên nhân là đáng trách. Tình yêu cũng như bất cứ một hiện tượng tâm lý nào khác, gồm có một chủ thể và một đối tượng. Luật yêu thương đòi hỏi chủ thể một khả năng yêu thương và ở đối tượng những điều kiện để đựợc yêu thương. Đối tượng không đáng yêu hoặc đáng yêu mà không tự bảo tồn được tính cách đáng yêu của mình, hoặc đáng yêu nhưng không chịu phát triển những tính cách đáng yêu của mình để đáp ứng với nhu cầu của chủ thể yêu thương thì đối tượng ấy sẽ tự mình rút lui ra khỏi giới hạn đối tượng và không thể đòi hỏi ở chủ thể một tính cách chung thủy. Lẽ giản dị là muốn được yêu thì phải đáng yêu. Tự hủy bỏ tính cách đáng yêu nơi mình đi tức là tự ý thôi không muốn được yêu thương nữa. Hơn thế, trong khi chủ thể thương yêu thăng hóa tiến bộ mà đối tượng không chịu cố gắng để cùng thăng hóa tiến bộ, nghĩa là để được đẹp thêm, sáng thêm thì chủ thể có thể bỏ xa đối tượng. Trong trường hợp này lỗi cũng tại đối tượng. Không thể đòi hỏi tính cách chung thủy của chủ thể.

Như vậy trách nhiệm hoàn toàn nằm ở đối tượng sao? Không hẳn đâu em. Chủ thể cũng chịu chung một phần trách nhiệm. Yêu thương mà không hiểu được đối tượng thương yêu, không giúp được đối tượng thương yêu tự bảo tồn được tính cách đáng yêu không làm phát sinh được nơi đối tượng một sức mạnh đi tới để thêm đẹp, thêm sáng, để kịp thời lên cao một lần với mình thì chủ thể cũng có lỗi. Bởi vì thương yêu là chịu hết trách nhiệm về người mình yêu thương. Cái lỗi của chủ thể là thương yêu không đúng, không sáng, không đủ chân thành, không đủ mầu nhiệm, không đủ sức mạnh để bảo tồn, nuôi dưỡng và hướng dẫn đối tượng. Và đó chính là chỗ đáng trách của chủ thể.

Nếu cả hai bên đều cố gắng bồi đắp tiến bộ theo luật đó thì thủy chung là một hoa trái đẹp tất nhiên phải có. Còn nếu một bên thiếu cố gắng – cũng có nghĩa là hai bên thiêu cố gắng – thì phụ bạc là điều có thể xảy ra. Cả hai bên đều đáng trách, tuy rằng một bên đáng trách nhiều hơn. Nếu em nắm được nguyên lý đó thì em không còn sợ hãi nữa. Không sợ hãi em, không sợ hãi ai. Không sợ hãi cuộc đời. Em có thể đánh bại được mọi đe dọa.

Tìm được một người mà em có thể yêu với một tình yêu như thế, em nên biết rằng em đang sung sướng. Em hãy ý thức em đang ở vào một tuổi rất đẹp. Em đang được sống trong lòng tổ quốc có trời mây, có hoa lá, có sương mù buổi sớm, có sao trăng đầu hôm. Và em đang yêu, và đang được yêu. Với từng ấy điều kiện mà đâu phải chỉ từng ấy điều kiện- thì dù em đang có bao nhiêu vấn đề đi nữa em cũng là một người sung sướng thực sự rồi mà. Em nên nhắc em và nói cho người yêu của em biết là em đang sung sướng và may mắn hơn rất nhiều kẻ khác. Để em thận trọng đừng vụng dại làm đổ vỡ những gì quý báu em có trong tầm tay em. Thường thường khi mất đi một hạnh phúc người ta mới biết là hạnh phúc đó quý giá. Như hai con mắt chúng ta đây, có phải là lắm khi ta  quên rằng chúng quý giá vô cùng hay không. Tôi có nói với em rằng chỉ có người mất thị giác rồi mới thấy sự quý giá của đôi mắt. Vậy em đang sung sướng. Những hờn giận, ghen tuông chắc chắn sẽ xảy ra, làm sao tránh được. Tôi không khuyên em tránh chúng một chút nào, bởi vì những hiện tượng ấy chứng minh rằng em đang yêu, và người yêu của em cũng đang yêu em tha thiết. Hãy đón nhận những hờn giận ghen tuông ấy mà phần nhiều đều là do quá yêu và do vô minh nữa gây nên. Phần lớn đều xuất phát từ những nguyên nhân nhỏ như hạt cát, hoặc những nguyên nhân nhỏ hơn hạt cát nữa, như sự hiểu lầm vô cớ, bóng gió. Vậy hãy bình tĩnh đừng để cho chúng trở thành lớn hơn hạt cát. Sau những cái giận nho nhỏ ấy, các em lại càng thương yêu nhau hơn, càng quý chuộng nhau hơn không sao. Nhưng mà đừng vụng về đừng nên làm lớn chuyện những gì nhỏ như hạt cát. Cái khôn ngoan cần thiết nhất là ý thức về sự quý giá của hạnh phúc, của sự may mắn. Có sự khôn ngoan ấy rồi, em trở nên một người yêu chín chắn và tình yêu sẽ bền vững.

Và nếu em đã sung sướng thì em hãy nghĩ đến chúng tôi và nghĩ đến người khác. Tình yêu của em sẽ nhờ đó mà bền vững hơn lên và chúng tôi cũng sẽ nhờ đó mà sung sướng hơn lên.