Bài Viết

Tâm Sám Pháp

(Trích từ sách Hơi thở nuôi dưỡng và trị liệu của Thiền sư Thích Nhất Hạnh)

Bao nhiêu lầm lỗi cũng do tâm

Tâm tịnh còn đâu dấu lỗi lầm

Sám hối xong rồi lòng nhẹ nhõm

Ngàn xưa mây bạc vẫn thong dong.

Mặc dù mình biết rằng quá khứ đã đi qua, tương lai thì chưa tới, nhưng nếu nhìn cho kỹ, mình sẽ thấy thực tại vượt thoát cả hai ý niệm quá khứ và tương lai; thực tại bao la, mầu nhiệm hơn mình tưởng. Quá khứ có mặt trong hiện tại, bởi vì hiện tại được làm bằng quá khứ.

Theo lời Bụt dạy, nếu thiết lập thân tâm vững chãi trong hiện tại, tiếp xúc sâu sắc từng giây phút của đời sống hàng ngày, thì mình đồng thời tiếp xúc được sâu sắc với quá khứ và có đủ sức mạnh để chuyển đổi quá khứ. Đó là giáo pháp rất sâu sắc và mầu nhiệm của đức Thế Tôn. Mình không cần phải gánh chịu những niềm đau nỗi khổ của mình suốt đời.

Trong quá khứ, vì thiếu chánh niệm mình đã từng gây ra lầm lỗi, đã tạo khổ đau cho mình và cho người mình thương, nhưng điều đó không có nghĩa là mình phải suốt đời gánh chịu những lầm lỗi ấy, những lầm lỗi ấy không phải là không thể chữa trị và chuyển hóa. Bụt có dạy: Nếu tiếp xúc sâu sắc với hiện tại thì đồng thời mình tiếp xúc được với quá khứ. Chăm sóc hiện tại cho hay là mình có thể chuyển đổi quá khứ. Chữ Sám Hối được dịch là Làm Mới, Làm Mới thân và tâm, gọi là Tâm Sám Pháp. Mỗi khi nhận biết được những lầm lỗi mình đã tạo ra trong quá khứ, mình nguyện sẽ không lập lại những lỗi lầm ấy nữa. Ngay từ giây phút đó vết thương của mình tự nhiên được chữa trị. Thật là mầu nhiệm.

Có một cựu chiến binh người Mỹ chia sẻ với tôi rằng trong cuộc chiến tranh Việt Nam, ông đã chứng kiến nhiều người bạn lính của ông bị giết trong một trận bị phục kích. Ông vô cùng căm hận. Vì lòng căm hận tột độ ấy, ông muốn giết một số người trong khu làng nơi mà cuộc phục kích đã xảy ra để trả thù cho những người anh em đồng đội của mình. Ông đã tẩm thuốc nổ vào trong những lát bánh mì sandwich, rồi đặt chúng ở cổng đầu làng và núp ở một nơi gần đấy để chứng kiến cảnh đau đớn của những ai ăn phải những lát bánh mì tẩm thuốc nổ ấy cho hả giận. Có năm đứa trẻ em chạy chơi gần đấy thấy bánh mì thơm ngon, chúng mừng rỡ cầm lấy rồi chia nhau ăn. Sau khi ăn vào, chúng bắt đầu thấy quặn đau, khóc lóc và kêu gào thảm thiết. Dân làng chạy đến và khám phá ra rằng bọn trẻ đã bị ngộ độc. Cha mẹ chúng đã hốt hoảng chạy Đông chạy Tây tìm xe để đưa con mình vào bệnh viên cấp cứu, nhưng bệnh viện gần nhất lại quá xa. Là một chiến binh, ông ta đã biết trước rằng không có hy vọng gì để cứu chữa kịp thời những đứa trẻ này, chúng sẽ chết trong vòng mười mấy phút đồng hồ. Trong cơn căm hận, ông đã giết chết năm đứa trẻ vô tội của ngôi làng ấy.

Sau khi được giải ngũ trở về Mỹ, ngày nào ông ta cũng sống trong cảm giác sợ hãi và trong tâm trạng tội lỗi, lương tâm ông lúc nào cũng bị dày xéo, cắn rứt và ám ảnh. Cái cảm giác tội lỗi đã đè nặng lên trái tim ông trong suốt mười năm. Sau đó ông đã tham dự một khóa tu được tổ chức tại Santa Barbara dành cho các cựu chiến binh Mỹ của chiến tranh Việt Nam. Trong khóa tu ấy, ông được khuyến khích nói ra những khổ đau của ông, mặc dầu đó là chuyện rất khó để cởi mở đối với họ.

Trước đây, ông chỉ nói điều này cho một người duy nhất nghe, đó là mẹ của ông, bà đã sống và chia sẻ nỗi khổ với con mình. Bà mẹ nói: ”Con ơi, con không nên ôm mối sầu khổ, tội lỗi hoài như vậy. Trong chiến tranh, vấn đề giết hại hoặc cố ý hay vô tình luôn luôn là vấn đề khó tránh.” Nhưng những lời khuyên như thế của người mẹ không đủ để giúp cho con bà vơi bớt khổ đau. Mỗi lần ngồi chơi với các con của ông ở phòng khách, ông luôn tưởng nhớ lại hình ảnh tàn nhẫn mà ông đã gây ra cho năm đứa trẻ Việt Nam trong quá khứ, ông ta chịu không nổi và thường phải rời bỏ phòng khách để đi ra ngoài.

Hôm ấy, với sự yểm trợ hùng hậu của tăng thân trong đó có các thầy, các sư cô và một số các nhà tâm lý trị liệu khác đã tìm cách hữu hiệu để giúp trị liệu những người cựu chiến binh; cuối cùng ông ta đã mở lòng và kể hết câu chuyện bi thương ấy cho một nhóm người gồm có chín vị. Đôi khi các thầy, các sư cô và một số các vị cư sĩ phải ngồi im lặng và thở trong chánh niệm hơn cả giờ để cho ông ta tiếp tục kể hết những gì ông đã mang nặng trong lòng suốt mười năm qua. Có lúc ông chỉ biết ngồi khóc và không thể thốt lên được một lời.

Sau khi nghe được sự việc ấy, tôi cho mời ông ta đến; sau khi uống trà, hỏi thăm, tôi nói với ông ta rằng: ”Thưa ông, sự thật là ông đã sát hại năm đứa trẻ vô tội trong cuộc chiến Việt Nam. Nhưng có những việc ông có thể làm để chuộc lại lỗi lầm ấy. Hiện nay trên thế giới có rất nhiều đứa trẻ đang chết vì thiếu thức ăn, thiếu dinh dưỡng và thuốc men. Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, mỗi ngày có khoảng bốn chục ngàn trẻ em trên thế giới chết vì đói và thiếu dinh dưỡng. Sao hôm nay ông không ra tay cứu giúp những đứa trẻ đang chết đói như thế, thay vì ngồi đó mà giam hảm mình trong cái ngục tù ký ức của khổ đau, tội lỗi về hành động sát hại năm đứa trẻ. Ông hãy thực tập làm mới trở lại, đem cuộc đời của mình để làm những điều ngược lại với những hành động thiếu hiểu biết, thiếu tình thương mà ông đã gây ra trong quá khứ. Ông nên phát nguyện tiếp thọ Năm Giới Quý Báu và kể từ giây phút này, ông hãy cố gắng hết khả năng của mình để tìm cách bảo vệ sự sống, cứu giúp những mạng sống của các em bé nghèo ở các nước chậm tiến. Hãy đi vào cuộc đời để cứu giúp những em bé bất hạnh. Vô số các em bé đang cần sự giúp đỡ, đang cần cánh tay từ bi của ông. Ông không nên ngồi đó mà tự giam hãm mình trong cái xiềng xích của tội lỗi, tuyệt vọng trong khi ông có thể sửa đổi được quá khứ.”

Sau khi nghe tôi chia sẻ như thế, trái tim của ông ta đã được khai mở, được chuyển hóa và ông bắt đầu trở thành một con người mới hoàn toàn. Chúng ta tiếp nhận năng lực hùng hậu từ sự tu tập của tăng thân và từ sự quyết tâm của ta để vững đi trên con đường tu tập. Con đường ấy có khả năng tẩy sạch được những khổ đau của quá khứ và chuyển hóa lầm lỗi trong ta.