Bài Viết

Ly nước táo của bé Thủy

(Trích trong sách “Trái tim mặt trời” của Sư Ông Làng Mai)

Hôm nay có ba em bé, hai gái và một trai, từ dưới làng lên chơi với Thanh Thủy. Bốn đứa chạy chơi trên khu đồi phía sau nhà khoảng một giờ đồng hồ thì tìm vào để kiếm nước uống. Tôi đi tìm chai nước táo cuối cùng còn lại và đem rót vào cho mỗi đứa một ly đầy. Ly chót là của Thanh Thủy. Ly này lợn cợn xác táo, không trong như ba ly trước. Thanh Thủy phụng phịu chê, không uống. Bốn đứa lại chạy lên đồi chơi.

Chừng nửa giờ sau, đang ngồi tĩnh tọa ở phòng bên, tôi nghe tiếng Thủy gọi. Cô bé muốn vặn nước lạnh trong vòi nước để uống, nhưng nhón gót mà cũng không với tới. Tôi chỉ lên bàn, bảo: cháu uống ly nước táo này đi. Thủy ngoảnh lại nhìn. Ly nước táo bấy giờ trong vắt không còn một tí lợn cợn nào nữa, trông thật ngon lành. Nó tới gần và đưa hai tay nâng ly nước táo lên uống. Uống được chừng một phần ba ly, Thủy đặt ly xuống và ngước mắt nhìn tôi: “Có phải đây là một ly nước táo mới không thưa ông?” Tôi trả lời: “Không, ly nước táo hồi nãy đó. Nó ngồi yên một lúc lâu cho nên trở thành trong vắt và ngon lành như vậy đó cháu.” Thủy nhìn lại ly nước táo: “Ngon quá ông ơi. Có phải ly nước táo bắt chước ông đang ngồi thiền không hả ông?”

 

 

Tôi bật cười vỗ nhẹ lên đầu nó. Có lẽ nói rằng tôi đã bắt chước ly nước táo mà ngồi thiền thì đúng hơn. Tối nào đến giờ bé Thanh Thủy đi ngủ thì tôi cũng ngồi thiền. Tôi cho nó ngủ ngay trong thiền phòng, gần chỗ tôi ngồi. Hai ông cháu giao hẹn với nhau là trong khi tôi ngồi thì Thủy nằm mà không lên tiếng hỏi chuyện. Thường thường thì chỉ chừng năm mười phút sau là Thủy đã ngủ. Trong khung cảnh thanh tịnh đó, giấc ngủ đến với Thủy một cách dễ dàng. Mãn giờ thiền tọa, tôi chỉ cần đi lấy một cái mền đắp lên cho nó.

Thanh Thủy là một em bé thuộc giới “thuyền nhân” (boat people) chưa đầy bốn tuổi rưỡi. Nó cùng với bố nó vượt biển sang tới Mã Lai hồi tháng tư năm ngoái. Mẹ nó bị kẹt lại bên nhà. Qua tới Pháp, bố nó đem gởi lại Phương Vân Am vài tháng để rảnh rang lên Paris lo giấy tờ và kiếm việc làm. Tôi dạy cho Thủy vần quốc ngữ và những bài ca dao xưa. Con bé rất thông minh. Chỉ trong vòng mười lăm ngày, nó đã đánh vần và đọc từ từ cuốn “Vương Quốc Của Những Người Khùng”, truyện ngụ ngôn của Leo Tolstoy, do tôi dịch.

Tối nào Thanh Thủy cũng thấy tôi ngồi. Tôi bảo nó là tôi “ngồi thiền” và tôi không hề nói cho nó biết ngồi thiền là gì và ngồi như thế để làm gì. Mỗi tối, khi thấy tôi rửa mặt, mặc áo tràng và đi thắp một cây nhang cho thơm thiền phòng là nó biết tôi sắp đi “ngồi thiền”. Nó cũng biết là đã đến giờ nó phải đi đánh răng, thay áo và leo lên chỗ nằm mà không nói chuyện. Không lần nào nó đợi tôi nhắc.

Chắc rằng trong cái đầu tí hon của nó, bé Thanh Thủy nghĩ rằng ly nước táo ngồi yên một hồi lâu là để cho nó lắng trở lại, và ông của nó ngồi yên một hồi lâu chắc cũng là để cho lắng trong, cho khỏe khoắn như ly nước táo. “Có phải ly nước táo bắt chước ông ngồi thiền không hả ông?” Tôi nghĩ bé Thủy chưa đầy bốn tuổi rưỡi mà đã hiểu thế nào là ngồi thiền mà không cần ai giải thích gì cho nó.

Ly nước táo ngồi lâu thì lắng trong. Theo cùng một định luật, ngồi lâu thì ta cũng lắng trong. Lắng trong thì ta sẽ an hòa, khỏe khoắn và tươi mát hơn. Ta tự cảm thấy tươi mát và người chung quanh ta cũng thấy ta tươi mát. Một em bé ưa tới ngồi gần ta không hẳn là vì ta hay cho nó kẹo hoặc hay kể chuyện đời xưa cho nó nghe. Có khi nó ưa tới ngồi gần ta chỉ vì ta tươi mát, có thế thôi.

Tối nay, Phương Vân Am có một ông khách. Tôi rót nước táo còn lại ở trong chai cho đầy một ly và đặt ly nước táo ở trên chiếc bàn giữa thiền phòng. Bé Thanh Thủy ngủ rồi. Tôi mời ông bạn cùng ngồi yên, thật yên, như ly nước táo.

 

 

Dòng Sông Tâm Tưởng

Chúng tôi mới ngồi được chừng bốn mươi phút. Tôi thấy ông bạn đang mỉm cười nhìn ly nước táo. Ly nước táo đã lắng trong rồi. Bạn đã lắng trong chưa? Dù chưa được như ly nước táo, nhưng bạn cũng đã thấy thân tâm bạn lắng trong được một phần nào rồi chứ? Nụ cười chưa tắt trên môi bạn. Hình như bạn ngờ rằng bạn sẽ không thể nào đạt đến sự lắng trong của ly nước táo dù bạn cố gắng ngồi thêm một vài giờ đồng hồ nữa.
Ly nước táo có một chân lý rất bằng, rất vững. Còn bạn, bạn chưa có một thế ngồi thật vững chãi. Trong khi những cái xác táo nhỏ tuyệt đối vâng theo luật tự nhiên mà từ từ để mình rơi nhẹ xuống đáy ly thì tư tưởng của bạn lại như một đàn ong bay loạn xạ lên, không vâng theo một mệnh lệnh nào cả để lắng xuống. Đó, chính hai điều đó đã gây cho bạn cảm tưởng là bạn sẽ không làm được như ly nước táo.
Bạn nói rằng con người là một sinh vật, có tư tưởng và cảm giác, không giống như một ly nước táo. Tôi đồng ý với bạn. Nhưng tôi biết rằng mình cũng có thể làm như ly nước táo, và hơn thế nữa, có thể làm hay hơn ly nước táo: bạn có thể đạt tới tình trạng lắng trong không những trong tư thế ngồi mà còn trong những tư thế đi, đứng và làm việc nữa.
Bạn có thể không tin. Bởi vì trong bốn mươi lăm phút vừa qua bạn thấy bạn đã cố gắng khá nhiều mà không đạt tới sự an tĩnh mong đợi. Bé Thanh Thủy đang ngủ an lành, hơi thở của bé rất nhẹ. Chúng ta thắp thêm một ngọn bạch lạp nữa cho sáng đi, rồi hãy tiếp tục câu chuyện.
Bé Thanh Thủy ngủ an lành như thế mà không hề cố gắng. Bạn có nhớ là mỗi khi không ngủ được mà ta “cố-gắng” ngủ, thì ta lại càng không ngủ được, có phải không? Bạn đã cố gắng để được yên tĩnh, và vì vậy, bạn cảm thấy có một sự chống cự bên trong. Nhiều người ban đầu tập ngồi thiền cũng cảm thấy sự “chống cự” đó, càng muốn yên thì càng nhiều tạp niệm. Họ cho đó là bị “ma” phá, hoặc bị cái “nghiệp nặng” tích lũy từ ngàn kiếp của họ phá. Không phải vậy đâu. Cái sức chống cự ấy sở dĩ có là do sự cố gắng của ta, và sự cố gắng ấy đã trở nên một sức đàn áp. Tư tưởng và cảm giác ta xuôi đi như một dòng sông. Ta chận dòng sông là ta tạo nên sức chống cự của nước. Tốt hơn hết là ta nên đi theo dòng sông. Ta lại có thể hướng dòng sông đi theo những ngõ ngách mà ta mong muốn, nhưng nhất định là ta không nên chặn đường của nó. 

 

Dòng sông thì phải chảy. Được rồi nhé, chúng ta đi theo dòng sông. Bất cứ một con nước nào sát nhập và dòng sông là ta phải biết. Tất cả những tư tưởng và cảm giác nào có mặt trong ta là ta biết. Ta ý thức được sự phát sinh, tồn tại và hoại diệt của từng tư tưởng, từng cảm giác và từng cảm xúc. Bạn thấy không, sức “chống cự” đã biến mất. Dòng sông tâm tư bây giờ vẫn trôi chảy như trước, nhưng không phải trong bóng tối mà dưới ánh sáng mặt trời ý thức. Giữ cho mặt trời ý thức ấy sáng tỏ để soi rõ từng con nước, từng bờ cỏ, từng khúc quanh của dòng sông, ấy là thực hiện thiền quán, tức là “ngồi” thiền. Thiền trước hết là theo dõi và quán sát.
Bây giờ đây ta có cảm tưởng là ta đã làm chủ được tình hình, dù dòng sông còn đó và tiếp tục trôi chảy. Ta cảm thấy an tĩnh. Nhưng đây không phải là cái an tĩnh của ly nước táo. Sự an tĩnh của tâm tư không phải là sự chết cứng hay hóa đá của mọi tư tưởng và cảm giác. Cũng không phải là sự hoại diệt của tư tưởng và cảm giác; nói một cách khác hơn, sự an tĩnh của tâm tư không phải là sự vắng mặt của tâm tư.
Cố nhiên tâm không phải chỉ gồm có tư tưởng và cảm giác. Những hiện tượng như giận ghét, hổ thẹn, tin tưởng, nghi ngờ, ao ước, chán bỏ, buồn rầu, thắc mắc, nôn nao v..v… đều là tâm. Những cái mà ta gọi là hoài vọng, ẩn ức, linh tính, bản năng, vô thức và tiềm thức cũng đều là tâm. Duy Thức Học trong Phật học nói đến tám vua tâm (tâm vương) và năm mươi mốt tùy tùng của tâm (tâm sở), nếu có chút thì giờ bạn nên xem qua cho biết. Mọi hiện tượng tâm lý đều được bao hàm trong các tâm vương sở ấy.