Bài Viết

Đoạn đức, Ân đức và Trí đức – Quyền lực của nhà lãnh đạo

Một vị lãnh đạo cần phải có ba Đức. Đó là Đoạn đức, Ân đức và Trí đức.

Đức tính đầu tiên cần có để giúp ta sử dụng quyền lực một cách khôn khéo là Đoạn đức, nghĩa là buông xả. Buông xả những gì? Buông xả sân hận, tham dục, và vô minh. Ta phải từ từ học cách chuyển hóa tham dục, sân hận, sợ hãi, vọng tưởng trong ta. Nếu không làm được những việc ấy cho thật giỏi thì ta sẽ không còn được kính nể nữa, ta sẽ tự gây đau khổ cho chính ta và những người khác. Chỉ cần nhìn những nhà chính trị, lãnh đạo đã “thân bại danh liệt” vì những chuyện bê bối tình dục không đâu cũng đủ để biết rằng buông xả tham dục là rất quan trọng. Cho nên buông xả đưa đến quyền lực. Khi gặp một người biết buông xả, tự do, không còn bị tham, sân, si ràng buộc, chúng ta sinh lòng kính trọng và tin theo. Biết buông xả thì được giải thoát, thân tâm được nhẹ nhàng. Điều đó ngoài siêu thị không bán, phải thực tập mới có được.

Một nhà lãnh đạo giỏi còn phải có Ân đức, nghĩa là tâm từ bi. Đó là khả năng dịu dàng, tha thứ, chấp nhận và ôm ấp người khác với tình thương. Nếu ai đạt được khả năng ấy thì sẽ có hạnh phúc và được mọi người kính nể. La mắng hay trừng phạt không làm cho người dưới khuất phục mà chỉ gây thêm xa cách. Chỉ có sự quan tâm, lo lắng, thương mến mới chuyển đổi được tâm người mà mình muốn giúp. Những người thiếu từ bi và tha thứ thường phải chịu đau khổ. Khi biết tha thứ, chấp nhận, ta sẽ cảm thấy nhẹ nhõm và có thể dễ dàng liên hệ với người khác. Người thiếu từ bi, trong tâm lúc nào cũng bực bội, giận dữ thì chẳng ai muốn đến gần, và như vậy sẽ cô đơn vô cùng. Cho nên, tâm từ bi là nền tảng của hạnh phúc. Nếu các nhà lãnh đạo chính trị thực tập từ bi thì họ sẽ không bao giờ lạm dụng thứ quyền lực dựa trên tiền bạc, danh vọng và địa vị xã hội. Họ sẽ không gây đau khổ cho chính họ và cho những người khác.

Một nhà lãnh đạo giỏi cũng phải có Trí đức, tức là tuệ giác. Kiến thức không phải là tuệ giác. Có người đạt nhiều bằng tiến sĩ, hiểu biết rộng rãi về khoa học, triết học và văn học, có thể nói “thao thao bất tuyệt” nhưng chưa chắc đã có tuệ giác. Tuệ giác là kết quả của khả năng nhìn sâu. Một nhà lãnh đạo đích thực là người có tuệ giác để chỉ cho ta con đường thoát khổ. Ta đang ở trong một hoàn cảnh khó khăn, hoang mang, không hướng đi thì một nhà lãnh đạo đích thực là người có khả năng vạch đường chỉ lối cho ta. Ta thấy ngay con đường thoát vì ta đã được gặp một nhà lãnh đạo có tuệ giác.

Tuệ giác giúp ta dễ dàng giải quyết những khó khăn, xung đột, mâu thuẫn. Nếu không có tuệ giác, ta sẽ luẩn quẩn loanh quanh trong đau khổ, sợ hãi, lo âu. Vì vậy đức tính thứ ba là khả năng nhìn sâu để đạt tới tuệ giác, để có thể giải quyết khó khăn và giúp đỡ người khác.

Thực tập ba đức tính buông xả, từ bi, và tuệ giác đem lại cho nhà lãnh đạo uy quyền thật sự. Chỉ mang danh là một nhà lãnh đạo không thôi thì không đủ. Chức tước không đem lại uy quyền. Khi thực tập chánh niệm đàng hoàng, ta sẽ tỏa chiếu an lạc, vững chãi, thảnh thơi và đạt được thứ uy quyền sâu sắc hơn. Nói ra một lời quần chúng đều lắng nghe vì ta có sự bình an, tươi mát, và khôn ngoan. Một nhà lãnh đạo giỏi là một người chỉ sử dụng thứ uy quyền ấy. Không cần phải cố giành cho được uy quyền. Không cần phải thi thố uy quyền. Uy quyền đến một cách tự nhiên. Nhà lãnh đạo giỏi truyền cảm hứng cho mọi người bằng nếp sống của chính mình. Người ta nghe mình bởi họ thương kính và tin tưởng mình.

Tiêu chuẩn đánh giá phẩm chất của uy quyền là nền tảng của cung cách sử dụng uy quyền. Ta cần quán chiếu xem thử cách sử dụng uy quyền của ta có đặt nền tảng trên lòng từ bi hay không, hoặc xem thử uy quyền phát xuất từ tâm linh hay từ tiền tài, địa vị. Dù bạn là người đứng đầu một tôn giáo mà không có một đời sống tâm linh, không có tâm từ bi, thì bạn cũng không có uy quyền đích thực. Bạn ra lệnh nhưng người ta nghe theo bạn không phải vì uy quyền đích thực mà vì sợ.

(trích Quyền Lực Đích Thực – Thích Nhất Hạnh)