Bài Viết

Tập khí hạnh phúc

( Trích trong sách “Bụt là hình hài, Bụt là tâm thức” của Thiền sư Thích Nhất Hạnh )

Làm thế nào để thực tập vô ngã? Khi học hỏi điều gì đó lần đầu, chúng ta thường dùng ý thức để hiểu. Sau một thời gian điều đó trở thành tập khí thì ý thức không cần phải làm việc nữa. Tập khí cũng cần một thời gian, một quá trình để hình thành. Khi đã trở thành tập khí, chúng ta chỉ dùng tàng thức của mình và làm một cách tự nhiên. Cho dù không để ý những gì ta đang làm, ta vẫn có thể làm đúng, như đi bộ chẳng hạn. Khi đi, tâm chúng ta có thể hoàn toàn đắm chìm trong những suy nghĩ về chuyện này chuyện nọ, nhưng nhãn thức hợp tác với tàng thức đủ để chúng ta tránh được tai nạn.

 

 

Chúng ta phải cho các thông tin đi vào tàng thức để tạo ra những tập khí mới. Nếu làm việc quá nhiều bằng ý thức, chúng ta sẽ già đi rất nhanh. Những lo lắng, suy nghĩ, quán chiếu, lên kế hoạch tiêu hao rất nhiều năng lượng. Vào thời Trung cổ, ông Ngũ Tử Tư chỉ lo lắng và sợ hãi một đêm mà sáng mai ra tóc đã bạc trắng. Đừng làm như thế! Đừng dùng ý thức nhiều quá. Nó làm tiêu hao rất nhiều năng lượng của ta. Tốt hơn là chúng ta nên “sống với” mà không nên “nghĩ về”. (It’s better to be than to think.)

Điều đó không có nghĩa là chúng ta đánh mất chánh niệm mà chánh niệm của ta đã trở thành tập khí, nên ta có thể thực tập một cách tự nhiên, không cần phải ép buộc. Ý thức là nơi để tập luyện tập khí chánh niệm và tập khí này sẽ đi vào tàng thức, tạo ra một năng lương chánh niệm mới ở tàng thức. Chánh niệm có khả năng kích thích não và giúp ta có mặt với những gì chúng ta đang tiếp xúc để chúng ta không hành động một cách máy móc. Liệu chúng ta có thể cài đặt lại tàng thức để trong tàng thức luôn có chánh niệm hay không? Liệu chúng ta có khả năng giữ những tập khí hạnh phúc trong tàng thức hay không?

Để làm được điều đó chúng ta phải học bài học chánh niệm về thân thể và tàng thức mà không phải chỉ về ý thức thôi. Chúng ta phải đối xử với thân thể như đối xử với thức. Sự thực tập phải bao gồm cả thân thể trong đó. Chúng ta không thể chỉ chú trọng về tâm ý, bởi vì thân là một phần của thức và thức là một phần của thân.

Khi tàng thức và năm thức đầu (trong đó có thân thức) làm việc hài hòa với nhau, chúng ta sẽ dễ nuôi lớn tập khí hạnh phúc. Lúc mới thực tập, mỗi khi nghe chuông chúng ta phải cố gắng tập trung tâm ý để nghe chuông, chúng ta dùng nhiều năng lượng để thực tập dừng lại, theo dõi hơi thở chánh niệm, làm cho tâm tư lắng đọng… nhưng sau khi thực tập một thời gian, sáu tháng, một năm, hai năm, tiếng chuông qua nhĩ thức đi thẳng vào tàng thức và chúng ta dừng lại một cách tự nhiên mà không cần ý thức xen vào. Chúng ta không cần phải cố gắng hay dùng nhiều năng lượng như ban đầu. Vì vậy, thực tập có thể trở thành một tập khí. Khi sự thực tập đã trở thành tập khí, chúng ta không cần phải cố gắng quá nhiều bằng ý thức. Điều này cho ta thấy rằng thực tập tốt, ta có khả năng chuyển hóa những tập khí cũ và chúng không còn trở lại quấy rầy ta nữa. Thực tập tốt cũng có thể tạo ra những tập khí tốt. Sẽ đến lúc chúng ta không còn dùng ý thức để quyết định mà ta thực tập một cách tự nhiên. Nhiều người trong chúng ta không cần phải làm quyết định là mình phải thực tập hơi thở chánh niệm. Khi nghe chuông, chúng ta theo dõi hơi thở một cách tự nhiên và chúng ta thấy rất được nuôi dưỡng. Vì vậy một khi sự thực tập đã trở thành tập khí thì chúng ta ít hao tốn năng lượng.

 

 

Thực tập chánh niệm là để tận hưởng mà không phải để tạo thêm nhiều lao tác mệt nhọc, và tận hưởng có thể trở thành một tập khí. Một số người trong chúng ta có tập khí khổ đau, một số khác lại nuôi dưỡng tập khí tươi cười và hạnh phúc. Khả năng hạnh phúc là điều quý nhất mà chúng ta có thể vun trồng. Vì vậy, chúng ta hãy đi thiền, ngồi thiền một cách hứng thú. Chúng ta đi thiền, ngồi thiền cho chính chúng ta, cho tổ tiên ta, cho cha mẹ ta, cho bạn bè ta, cho những người ta thương và cho cả những người mà ta gọi là kẻ thù của ta. Hãy đi như Bụt đi, đó là sự thực tập. Chúng ta không cần phải học và hiểu tất cả các kinh điển hay tất cả những điều Bụt dạy mới có thể đi như Bụt. Không, chúng ta không cần thêm gì nữa ngoài đôi chân và ý thức của ta. Chúng ta có thể uống trà trong chánh niệm, đánh răng trong chánh niệm, thở trong chánh niệm hay bước một bước chân trong chánh niệm. Chúng ta có thể làm tất cả những điều đó với sự thích thú mà không cần phải đấu tranh hay cố gắng gì cả. Đó là tận hưởng.

Hạnh phúc chân thực chỉ đến từ chánh niệm. Chánh niệm giúp ta nhận diện những điều kiện hạnh phúc đang có mặt trong giây phút hiện tại và định lực giúp ta tiếp xúc sâu sắc hơn với những điều kiện ấy. Nếu chúng ta có đủ niệm và định thì tuệ giác sẽ phát sinh. Khi đã có tuệ giác lớn chúng ta sẽ vượt thoát được những tri giác sai lầm và duy trì được tự do lâu dài. Nếu định sâu, chúng ta sẽ không còn giận, không còn thất vọng nữa và chúng ta có thể tận hưởng được từng phút giây của cuộc sống hàng ngày.

Có một số người trong chúng ta cần một liều lượng khổ đau nào đó để có thể nhận diện hạnh phúc. Khi thực sự khổ đau chúng ta mới thấy được không khổ đau là mầu nhiệm. Tuy nhiên, có những người không cần khổ đau mà vẫn có khả năng nhận biết được không khổ đau là một điều kiện hạnh phúc, là một mầu nhiệm của cuộc sống. Nhờ chánh niệm, chúng ta ý thức được những khổ đau đang diễn ra xung quanh chúng ta. Có những người không thể ngồi yên và an toàn như chúng ta được; một trái bom, một tên lửa có thể rơi xuống trúng họ bất cứ lúc nào. Như ở Trung Đông hay ở Iraq, họ mong ước được hòa bình, họ muốn ngưng cảnh giết chóc nhưng họ không làm được. Nhiều người trong chúng ta được sống trong một môi trường an toàn, không có những loại khổ đau như vậy, được có cơ hội ngồi như thế này, bình yên hơn, nhưng dường như chúng ta không biết trân quý.

Chánh niệm giúp chúng ta ý thức được những gì đang diễn ra quanh ta và biết trân quý những điều kiện an lạc, hạnh phúc đang có mặt ngay bây giờ và ở đây. Thực ra chúng ta không cần phải đi đâu khác để hiểu được khổ đau là gì. Chúng ta chỉ cần chánh niệm. Chúng ta có thể ở ngay nơi mình đang ở, chánh niệm sẽ giúp chúng ta tiếp xúc được với những khổ đau của thế giới và nhận diện nhiều điều kiện hạnh phúc mà ta đang có. Chúng ta sẽ thấy an toàn, hạnh phúc, vui tươi và có đủ sức mạnh để thay đổi tình trạng xung quanh ta.

 

 

Thất vọng là điều tệ hại nhất có thể xảy ra cho con người. Khi thất vọng, chúng ta muốn tự tử hay muốn giết ai đó cho hả giận. Có rất nhiều người đã tự tử để trừng phạt người khác bởi vì họ khổ đau quá nhiều. Làm thế nào để có thể hiến tặng cho họ một giọt nước cam lộ? Làm thế nào để giọt nước cam lộ ấy có thể rơi vào trái tim họ, một trái tim đang chứa đầy hận thù và tuyệt vọng? Thực tập chánh niệm không những giúp chúng ta tiếp xúc được với những mầu nhiệm của cuộc sống để nuôi dưỡng và trị liệu mà còn giúp chúng ta có khả năng tiếp xúc với khổ đau để trái tim của chúng ta tràn đầy thương yêu. Và chúng ta trở thành cánh tay của Bồ Tát Quan Thế Âm – Bồ Tát đại từ đại bi. Chúng ta luôn có khả năng làm được như Bồ Tát Quan thế Âm, mang giọt nước thanh lương đến những nơi còn nhiều khổ đau và tuyệt vọng.