Thiền sư Thích Nhất Hạnh nói gì về khổ đau, hy vọng và thành đạt

 

Malte Conradi Sarah Raich

(Đăng trên tờ The Suddeutsche Zeitung của Đức, ngày 1 & 2.06.2013)

Nếu nhân vật Yoda – nhà hiền triết trong phim Chiến tranh giữa các vì sao (Star Wars) – được xây dựng dựa trên một người có thật trong cuộc đời thì ắt hẳn phải là vị thầy này.

Đầu cạo sạch và mặc chiếc áo tràng nâu của một tu sĩ Phật giáo, Thiền sư Thích Nhất Hạnh, 86 tuổi, đang ngồi dưới sàn của thiền đường, mỉm cười thân thiện với chúng tôi. Trước mặt Thầy là một bình trà mới pha. Ông thầy tu nhỏ bé và hiền lành này được xem là người đại diện quan trọng nhất cho Phật giáo, sau Đức Đạt Lai Lạt Ma. Thầy buộc phải rời quê hương Việt Nam của mình từ năm 1966 để kêu gọi hòa bình và chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Điều này đã không làm hài lòng nhà cầm quyền Việt Nam thời bấy giờ, vì vậy Thầy không được về lại quê hương. Thầy sống lưu vong tại miền Nam nước Pháp và từ nơi này, Thầy đã đem những phương pháp thực tập của đạo Bụt giảng dạy cho người Tây phương. Mỗi năm một lần, Thầy đến Đức để giảng dạy cho các vị xuất sĩ lẫn cư sĩ tại một vùng quê của miền Rhineland.

Phỏng vấn ư? Thầy hiếm khi có thời giờ cho chuyện này. Và nếu có thì các đệ tử của Thầy cũng tận dụng cơ hội này để đến lắng nghe và học hỏi. Sau 90 phút, Thầy vẫn ngồi trong tư thế kiết già, lưng thẳng như cây nến, trong khi khách thì xương cốt đã rêm đau từ lâu rồi.

SZ: Thầy đã chứng kiến rất nhiều khổ đau trong cuộc đời, vậy Thầy làm cách nào để vẫn giữ cho mình niềm hy vọng?

Thầy: Đúng vậy, tôi đã chứng kiến rất nhiều khổ đau, nhất là trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Hồi đó, tôi cùng với các tác viên xã hội giúp xây dựng những ngôi làng ở vùng phi quân sự làm nơi tị nạn cho người dân. Sau đó không lâu, ngôi làng bị lính Mỹ dội bom. Chúng tôi đã dựng lại. Ngôi làng lại bị dội bom. Và chúng tôi dựng lại thêm một lần nữa. Đến lần thứ ba, chúng tôi bàn với nhau có nên dựng lại hay không. Lúc ấy tôi thấy rằng nếu chúng tôi bỏ cuộc thì người dân sẽ mất hết hy vọng. Vì thế chúng tôi đã tái thiết ngôi làng lần thứ ba, lần thứ tư và cuối cùng là lần thứ năm.

SZ: Nhưng Thầy đã lấy nghị lực từ đâu để làm được điều đó?

Thầy: Chúng tôi cố gắng biến khổ đau thành điều tốt lành. Hoa sen cũng phải cần có bùn để sống. Hoa sen không thể mọc trên đá cẩm thạch được. Chúng ta cần nhận thấy rằng hạnh phúc và khổ đau có mối liên hệ mật thiết với nhau. Nếu ta trốn chạy khổ đau thì cũng khó tìm ra hạnh phúc. Trái lại, chúng ta nên tìm hiểu những nguyên nhân gốc rễ đưa đến khổ đau. Chỉ khi đó hiểu biết và thương yêu trong ta mới có cơ hội lớn lên.

Hiểu biết và thương yêu là chìa khóa của hạnh phúc. Mọi của cải và quyền hành trên thế gian này không thể đem lại hạnh phúc, nếu không có hiểu và thương. Trước những hành động cực đoan, đàn áp, sân hận và sợ hãi thì mình chỉ có một cách mà thôi: Hãy nhìn sâu vào lớp bùn để có thể trồng trên đó một đóa sen. Nếu ta có thể nhận ra những khổ đau trong lòng của kẻ gây hấn với mình thì ta sẽ không còn thù ghét người đó nữa.

SZ: Hôm nay, Thầy mời những người Tây phương đến tu viện để chia sẻ về giáo lý của đạo Bụt. Cụ thể Thầy hướng dẫn những gì?

Thầy: Bạn không cần phải là Phật tử mới có thể áp dụng phương pháp thực tập của chúng tôi. Chúng tôi gọi phương pháp này là chánh niệm. Đó là nghệ thuật sống trong hiện tại, một loại năng lượng mà chính bạn có thể tự tạo ra. Chánh niệm giúp cho ta buông bỏ những căng thẳng, buồn phiền và thưởng thức cuộc sống nhiều hơn. Những người bạn Tây phương đến với chúng tôi được học cách đối diện với khổ đau, sân hận và hoang mang trong mình. Sau một khóa tu với chúng tôi, những vị ấy sẽ biết làm thế nào để chế tác thêm niềm vui và bình an trong cuộc sống của mình, làm thế nào để tái lập truyền thông với những người chung quanh. Có thể bạn gọi chúng tôi là những người Phật tử, nhưng thật ra những gì mà chúng tôi đang thực tập đều có thể áp dụng cho tất cả mọi người.

SZ: Điều Thầy vừa nói nghe có vẻ trừu tượng quá.

Thầy: Ồ, thực ra nó đơn giản lắm! Ví dụ khi đi từ bãi đậu xe đến văn phòng, bạn dừng lại hết những suy tư của bạn trong thời gian đó. Bạn chỉ đi bằng chân mà không đi bằng cái đầu của mình, bước từng bước từng bước thong thả như vậy. Phải cần thực tập một chút, nhưng những bước chân chánh niệm sẽ đưa bạn trở về với phút giây hiện tại, bây giờ và ở đây. Nó làm cho bạn trở thành một con người tự do. Nếu bạn biết thưởng thức từng bước chân của mình thì khi vào đến công sở, bạn sẽ có thể đưa ra những quyết định thật sáng suốt, thật hay. Bạn thấy đó, những thực tập này rất đơn giản và cụ thể. Chỉ cần vài ngày thực tập là bạn sẽ thấy rõ sự chuyển hóa và trị liệu. Chính bạn sẽ tự chứng nghiệm điều đó.

SZ: Nhưng trong đời sống ta có rất nhiều thứ phải suy nghĩ, lo âu và chịu nhiều áp lực. Làm sao ta có thể đi đến chỗ làm việc của mình một cách thảnh thơi được?

Thầy: Để tôi kể bạn nghe một câu chuyện. Trước đây tôi có biết một phụ nữ trẻ tên là Laura. Chồng của cô là Frederik, một doanh nhân thành đạt. Mặc dù có đầy đủ mọi thứ nhưng Laura không hạnh phúc, vì hai vợ chồng không có thì giờ cho nhau và cho đứa con trai của họ. Frederik chỉ có thì giờ cho công việc mà thôi. Lúc ban đầu, Laura rất hãnh diện về chồng mình, nhưng không lâu sau đó cô bắt đầu cảm thấy cô đơn. Cô thử nhiều cách như quay lại đại học và học thêm một văn bằng khác, tổ chức các công tác từ thiện. Nhưng dường như những cách này không giúp được gì cho cô cả. Nhiều đêm cô nằm khóc. Mỗi lần như vậy Frederik cố giải thích với cô rằng không ai có thể thay thế anh trong công việc ở công ty cả. Anh nói, có thể ba năm nữa anh sẽ bớt việc hơn. Nhưng sau ba năm, anh vẫn làm việc lu bù như trước. Thậm chí anh còn không có thì giờ đến nhà thương thăm đứa con trai khi nó làm phẫu thuật. Rồi một ngày nọ, Frederik bị tai nạn xe hơi và qua đời. Chỉ ba ngày sau đó, đã có một người khác lên thay vị trí của anh trong công ty. Chuyện như vậy có thể xảy ra với nhiều người. Chúng ta phải thức tỉnh thôi. Thức tỉnh ngay bây giờ, chứ không phải chờ đến ba năm nữa. Đừng hy sinh hạnh phúc hôm nay của mình cho một tương lai nào đó!

SZ: Vì sao người Tây phương lại thích pháp môn của Thầy?

Thầy: Chúng ta đang trải qua một cuộc khủng hoảng trầm trọng, nhất là ở Tây phương. Ngày càng có nhiều người chạy trốn những khổ đau, buồn phiền của chính mình, họ sợ phải đối diện với những khổ đau đó. Vì vậy họ tiêu thụ ngày càng nhiều: âm nhạc, rượu, thức ăn, internet. Họ không phải tiêu thụ vì họ cần những thứ đó, mà vì họ không chịu nổi sự cô đơn của mình, không chịu nổi khoảng trống vắng trong tâm hồn mình. Chúng ta lo sợ nỗi buồn sẽ nhấn chìm chúng ta, nếu chúng ta đối diện với nó. Nhưng nỗi buồn lại ngày càng lớn thêm lên. Chúng ta hối tiếc về quá khứ, sợ hãi và lo lắng cho tương lai. Trong tình trạng đó, sự thực tập chánh niệm sẽ giúp chúng ta. Khi chúng ta buông thả được quá khứ và tương lai, thì chúng ta cũng đồng thời giải thoát cho mình khỏi những ưu sầu và khổ đau rồi.

SZ: Thầy đã sống gần 50 năm ở Tây phương. Điều này có tạo ra sự thay đổi nào trong việc giảng dạy của Thầy không?

Thầy: Khi phải sống lưu vong sau chiến tranh Việt Nam, tôi phải tìm cách làm quen với cách suy nghĩ và làm việc của người Tây phương. Điều này giúp tôi trình bày giáo lý đạo Bụt theo những cách mà người phương Tây có thể tiếp nhận một cách dễ dàng. Tôi tránh dùng những từ Phật giáo, mà tìm những cách nói giản dị hơn. Ví dụ, từ “sám hối” là một từ khá nặng nề cho người Tây phương. Cho nên chúng tôi dùng từ “địa xúc” hay là “tiếp xúc với đất”. Bạn hãy chạm vào mặt đất và làm mới chính mình, hãy để quá khứ lại sau lưng bạn. Ngày nay, chúng tôi thậm chí còn đem một số cách nói như thế này sang tiếng Việt. Trong mọi ngôn ngữ, chúng ta đều cần một cách nói mới để truyền đạt cho giới trẻ. Người Tây phương thích pháp môn của chúng tôi, vì pháp môn này không rườm rà về nghi lễ. Chúng ta không nên làm cho sự thực tập tâm linh trở nên phức tạp và nặng nề về lý thuyết. Tất cả những sự thực tập đều gắn liền với đời sống hàng ngày của chúng ta. Tôi nghĩ rằng điều này cũng có thể áp dụng đối với Cơ Đốc giáo. Chỉ khi nào đạo Cơ Đốc được làm mới, được cải tiến thì mới có khả năng phụng sự được cho con người của xã hội hiện đại.

SZ: Những người canh tân thường không được những người chính thống ưa thích lắm.

Thầy: Đúng vậy. Khi còn là một thầy tu trẻ, tôi cũng có khó khăn với những người thủ cựu trong Phật giáo. Tôi thậm chí còn phải rời khỏi ngôi chùa mà mình đã xuất gia tu học. Cùng với một số bạn bè, tôi đã thành lập một nơi tu tập mới nằm giữa rừng già.

SZ: Thầy đã viết hơn 100 đầu sách. Làm sao mà Thầy có thể làm được điều đó?

Thầy: Chúng tôi làm chung với nhau. Như một dòng sông. Khẩu hiệu của chúng tôi là: “Đi như một dòng sông, không làm hạt nước nhỏ”. Chúng tôi không có những anh hùng cá nhân. Nhiều cuốn sách dù mang tên tôi nhưng không phải do tôi trực tiếp viết ra: Một thầy hay một sư cô ghi chép lại những bài giảng của tôi, một người khác biên tập rồi dàn trang và cho in ấn. Chúng tôi cùng nhau ra quyết định: Một vấn đề khi nào cũng được mọi người thảo luận, sau đó người chủ tọa cuộc họp sẽ đúc kết lại và đưa ra đề nghị về hướng giải quyết. Ai đồng ý thì im lặng. Ai không đồng ý thì lên tiếng. Chúng tôi hỏi ba lần xem mọi người có đồng ý với đề xuất đó không. Nếu cả ba lần mà tất cả đều im lặng nghĩa là đề xuất đó được thông qua. Đó là cách thức chúng tôi làm việc. Cách này cũng có thể được áp dụng trong các đoàn thể, ngay cả đối với các doanh nghiệp.

SZ: Thầy có nghĩ mình là một nhà kinh doanh giỏi không?

Thầy: Có. Chúng tôi đã tìm được một nguyên tắc tốt cho hoạt động của chúng tôi, đó là: Hạnh phúc và niềm vui phải là những điều quan trọng nhất. Không có niềm vui và hạnh phúc thì tiền tài chẳng có ích lợi gì. Nếu chúng ta làm việc hết lòng và có nhiều niềm vui thì chắc chắn chúng ta sẽ thành công trong công việc. Và việc kinh doanh sẽ thành đạt. Nhưng mục tiêu của chúng tôi không phải là tiền bạc, mà chính là nếp sống cộng đồng.

SZ: Thầy nói như một người hoàn toàn viên mãn. Thầy không khi nào đau khổ hay sao?

Thầy: (Cười) Nói như vậy chứng tỏ là anh vẫn chưa hiểu những gì tôi đã nói, anh bạn trẻ ơi! Không có khổ đau thì cũng không có hạnh phúc. Ngay cả tôi cũng không thể nào trồng hoa sen trên cẩm thạch được đâu.

Nguồn: https://plumvillage.org/thich-nhat-hanh-interviews/touch-the-earth-and-begin-anew/