Bài Viết

Sư cố Thanh Quý Chân Thật

Cố Hoà Thượng Chí Mậu

 

 

Công hạnh tu học và cứu độ của Sư Cố vô cùng lớn lao, không thể kể hết. Sư cố có hạnh rất hiền. Hạnh nguyện của Sư Cố là khiêm cung, thể chất hoan hỷ và nhiều lòng từ bi. Liêu Sư Cố nằm bên phải chánh điện nhìn từ bên ngoài vào. Sư Cố đã ngoài tám mươi tuổi thành ra ngủ rất ít, thường thức dậy lúc hai hoặc ba giờ sáng uống trà, ngồi niệm Phật và lần tràng hạt bên hộp tợ với ánh đèn dầu mờ mờ. Đúng giờ thỉnh chuông, Sư Cố đi lắc linh thức chúng dậy đi công phu tu tập.

Vào khoảng năm 1965-1966, trong chùa chỉ có ba điệu, đó là điệu Hồng, điệu Trí và điệu Hải. Sư Cố chia phiên cho ba điệu hầu Sư Cố. Một điệu quét dọn liêu phòng và nấu nước pha trà khi có khách đến thăm. Một điệu thì treo mùng, chải mền và xoa bóp cho Sư Cố. Mùa đông thì điệu lấy than đỏ bỏ vào lồng ấp để Sư Cố sưởi cho đỡ lạnh. Điệu còn lại thì nấu cơm ngày ba bữa và sắc thuốc. Sư Cố thường hay đi ra vườn ngắm cảnh, ngắm cây lá trong vườn và nhìn các điệu quét sân. Có một lần Sư Cố ra sân thượng thấy cây hoa mộc nở hoa trắng xóa, thơm cả vùng. Sư Cố hái vài hoa và bảo điệu đem vào để khi nào pha trà thì bỏ vào một ít, uống rất thơm, nó còn có tác dụng làm cho sáng mắt. Một lần khác Sư Cố đi xuống sân hạ chơi thì thấy hai điệu ở chùa Châu Lâm và chùa Thọ Đức đi nhặt củi ngoài đồi thông về và ngồi nghỉ dưới cây hồng quân gần hồ Bán Nguyệt. Cây hồng quân rất lớn và ra trái rất nhiều. Hai điệu thấy vậy bèn leo lên cây hái. Khi nhìn thấy Sư Cố đứng trên sân nhìn xuống, hai điệu sợ quá liền tuột xuống. Thấy Sư Cố đứng gần đó hai điệu chắp tay xá. Sư Cố bèn chắp tay xá lại rồi đi lui. Thấy vậy hai điệu ra xầm xì với nhau rằng: “Chà, cố hiền hỉ! Cố hiền hỉ!”.

Có một lần Sư Cố thấy các điệu ham chơi, lơ là học kinh, Sư Cố gọi từng điệu lên liêu và bảo: “Này, Cố có gói kẹo cho con. Khi mô con dùng, nhưng mà  ráng học cho giỏi nghe, gắng  học kinh cho mau thuộc và đừng cho điệu khác biết”. Điệu nào cũng được Sư Cố gọi lên cho kẹo và nói như vậy. Khi các điệu nhận quà ra rồi, điệu nào cũng mừng thầm là mình được Sư Cố cưng nhất nên điệu nào cũng cố gắng học hành để Cố cưng. Thành ra thời gian đó mấy điệu học kinh rất nhanh. Có một lần đến phiên điệu đó nấu ăn. Mùa đông trời lạnh nên điệu dậy trễ. Điệu lật đật chạy vào trong khố lấy gạo ra nấu, loay hoay làm sao đụng cái chảo lớn rơi xuống đất bể ra làm hai. Điệu sợ quá nên chạy ra cây me gần chuồng bò đứng khóc. Thường thường Sư Cố hay chống gậy ra ngoài vườn chơi, Sư Cố nghe tiếng khóc, nhìn quanh thì thấy điệu, Sư Cố bèn tới gần hỏi: “Sao điệu khóc, điệu nhớ nhà à?”. Điệu chắp tay xá Cố và bạch: “Thưa Cố, khi sáng nấu ăn con sơ ý làm bể cái chảo lớn, con sợ thầy tri sự biết và la con thành ra con khóc”. Sư Cố nói: “Thôi, đi theo Cố vô đây. Cố cho tiền đi lên phường Đúc với chú Kiến mua chảo mới về thế lại”. Khi hai chú cháu mua chảo về rồi để lại trong khố, thấy chảo mới hơn các chảo khác nên điệu sợ quá bèn tới thưa với Cố: “Bạch Cố, cái chảo mới quá thế nào thầy tri sự cũng biết và la con”. Cố cười rồi nói: “Cố có cách, tối nay con xách chảo đó ra góc vườn, con để đó và lấy hai bao trấu đổ vô và lấy rác thông đốt. Cháy một đêm thì sáng ngày ra nó sẽ giống chảo cũ liền”. Điệu làm y theo lời Sư Cố dạy, sáng ngày ra bươi đống tro lên thì thấy chảo giống hệt như cũ. Điệu mừng quá, đi vào xá Sư Cố và ghi vào tâm thức niềm biết ơn đến với Cố. Điệu làm bể chảo đó chính là con.

Có một lần trời mùa đông giá rét nên Sư Cố ở trong liêu mà không đi đâu cả. Trưa hôm đó điệu thị giả mang cơm lên cho Sư Cố dùng. Vì trời lạnh nên các điệu khác cũng vào ngồi xung quanh lò ấp cho ấm và  nghe Sư Cố kể chuyện. Lúc đó Sư Cố dùng cơm, còn các điệu thì ngồi xung quanh. Sư Cố hỏi: “Mấy điệu thấy cơm ngon như ri mà Cố ăn hết rồi thì thị giả có buồn không?”. Điệu thị giả trả lời: “Bạch Sư Cố, thấy Sư Cố dùng cơm được thì con mừng lắm”. Sư Cố cười và kể cho các điệu nghe một câu chuyện: “Hồi xưa, có một vị thầy làm trú trì. Thầy còn rất trẻ. Một hôm có một đạo hữu lên chùa cúng cho thầy một số thức ăn khá ngon và khá nhiều. Điệu thị giả dọn hết lên mâm cho vị trú trì dùng. Điệu nghĩ thầm là trưa nay thế nào thầy cũng để dành nhiều thức ăn cho mình. Nhưng vị trú trì còn quá trẻ, thấy thức ăn ngon thì ăn hết mâm cơm mà quên để phần cho vị thị giả. Thấy thức ăn trong mâm sắp hết, vị thị giả đi xuống nhà bếp và quẹt lọ nghẹ trên miệng rồi đi lên. Khi đi lên, thầy thấy miệng điệu như vậy thì hỏi: “Sao miệng điệu chi lạ rứa?”. Điệu chắp tay và nói: “Dạ thưa, miệng thầy thầy lo, miệng con con lo”. Nghe Sư Cố kể vậy mấy điệu lăn ra cười. Câu chuyện đó luôn nằm trong tâm thức con, khi nào nghĩ đến chuyện đó thì con cười.    

 

Có một lần Sư Cố hỏi mấy điệu học kinh Lăng Nghiêm đã thuộc chưa, điệu Hồng lời: “Thưa Sư Cố, kinh Lăng Nghiêm khó học quá. Đã ba tháng rồi mà con chưa thuộc. Khi học xong đệ nhị rồi thì con quên đệ nhất, học xong đệ nhất thì con quên đệ nhị”. Cố trả lời: “Mình phải học như ăn cháo thì mới thuộc. Người ta thường nói: “lên đèo thì sợ ngãi, ở sãi thì sợ Lăng Nghiêm”. Lăng Nghiêm khó học lắm. Rồi Sư Cố kể ngày xưa lâu lắm ở đây có một điệu học kinh rất mau thuộc. Kinh Lăng Nghiêm năm đệ mà điệu đó học trong vòng mười hai ngày thôi. Điệu đó tên là Phùng Xuân. Điệu đó thông minh và học giỏi lắm. Rồi Sư Cố kể có một lần điệu đó làm thị giả cho Sư Cố. Sư Cố thì thích ăn canh me đất nấu với khoai lang. Điệu nấu canh đó rất ngon. Mùa hè mà ăn canh me đất nấu với khoai lang thì rất mát. Nhưng đến bữa dọn cơm, điệu làm sao đó mà trên mâm cơm quên đôi đũa, chỉ có muỗng thôi. Hôm đó Sư Cố dùng cơm bằng muỗng và điệu đứng hầu phía sau. Sư Cố hỏi điệu: “Ngoài vườn còn tre nhiều không?”. Điệu trả lời: “Dạ bạch Ôn, ở ngoài vườn tre nhiều lắm, những cây tre cán giáo măng rất nhiều. Dì Tư mới bẻ vô kho cho chúng ăn rất ngon”. Sư Cố dạy: “Chút nữa ra chặt cho Cố cây tre”. Khi đó điệu nhìn lại mâm cơm thì mới thấy không có đôi đũa. Điệu đi xuống bếp và lấy đôi đũa lên cho Sư Cố. Điệu chắp tay và sám hối Sư Cố. Điệu đó bây giờ lên thầy rồi và hiện đang học ở bên tây. Điệu thông minh lắm. (Đại chúng cười vì ai cũng biết điệu đó là Sư Ông Làng Mai. Họ đã được nghe Sư Ông kể nhiều lần về việc thiếu chánh niệm của mình).  

Vào mùa đông trời lạnh và mưa phùn, các điệu trong chùa thường xay lúa giã gạo. Mùa đông giã gạo thì ấm lắm. Lúc đó trong chùa ăn cơm ngày hai bữa, chín giờ sáng và năm giờ chiều. Khi giã gạo thì thầy tri sự đi vắng, Sư Cố chống gậy đi xuống và dạy các điệu rằng: “Các con lấy tấm gạo lức đó đem xay để mỗi buổi sáng múc vài muỗng pha với đường mà ăn. Buổi sáng các con dậy sớm quét sân ăn thứ này vào thì đỡ bị gió và lạnh. Nhưng nhớ đừng cho thầy Tri sự biết mà thầy rầy nghe”. Các điệu rất kính mến Sư Cố qua tình thương mà Sư Cố dành cho các điệu. Thời gian đó, tuổi Sư Cố đã lớn nên Sư Cố rất ít ra ngoài vườn chơi mà chỉ đi trong sân của chùa. Chùa có cái sân trong thành ra từ liêu Sư Cố đi thiền hành ngang qua nhà Tổ, đến nhà Bảo Đức Đường rồi qua Quảng Hiếu Đường. Đứng trên đó nhìn xuống hòn non bộ thì thấy cây khế rất lớn và trái ra rất nhiều. Sư Cố đi xuống hái một trái cho điệu thị giả và Sư Cố cùng dùng. Điệu ăn và khen khế ngon và ngọt. Sư Cố dạy: “Con biết không, có một thời gian người ta đồn rằng cây khế này linh thiêng lắm. Cây khế này đã trên một trăm năm rồi. Khi trồng nó lên thì có trận bão năm Thìn. Trận bão này lớn lắm, nó cuốn bay cầu Trường Tiền và cây khế này cũng bị ngã xuống. Sau đó các thầy mới xây hòn non bộ bên cây khế. Cây khế này có cái đặc biệt hơn các cây khế khác là khi mới ra thì trái nó màu xanh, đến già thì nó màu vàng và khi chín thì chuyển sang màu đỏ. Khi nào trái có màu đỏ thì ăn mới  ngọt thanh mà giòn.

Có một buổi trưa mấy anh sinh viên lên thăm chùa, khi về họ khát nước, thấy khế ngon mắt thì xin Cố hái vài trái. Sư Cố dạy điệu ra hái cho họ. Thường thường khế nhà mình thì mình biết, cho nên mình lựa trái nào đỏ chín mới hái. Anh sinh viên ăn thấy ngọt quá khen thầm trong bụng và muốn hái một trái để về khoe với bạn. Anh liền hái một trái, đem về nhà ăn thì chát ngầm và chẳng có hương vị chi cả. Anh bèn lên thưa với Sư Cố rằng: “Cây khế này, răng Cố hái cho con ăn thì nó ngọt mà con hái thì ăn không có hương vị chi cả. Cây khế ni linh thiêng lắm, hễ ai có tâm gian mà hái thì ăn chẳng có hương vị”. Sư Cố hỏi anh sinh viên tại sao lại nói như vậy thì anh trả lời: “Con đã hái thử mấy lần rồi”. Khi đó Sư Cố mới giải thích là: “Cây khế này khác với những cây khế ở ngoài. Những cây khế ngoài khi chín vàng thì nó rụng ngay, nhưng cây khế này khi vàng thì mới già thôi,  khi mô nó màu đỏ mới chín, lúc đó ăn mới ngọt. Thành ra khi Cố bảo mấy điệu hái thì hái trái đỏ, còn anh hái trái vàng thì nó chát chớ có chi mô mà linh thiêng”.

 

 

Hồi đó Sư Cố thường đi dạo xung quanh vườn và hai điệu đi gần bên Sư Cố. Khi nào điệu cảm thấy buồn thì ngồi cạnh Sư Cố để nghe Cố kể những chuyện vui. Có một buổi chiều trời lạnh, Sư Cố dùng cháo còn các điệu thì ngồi chơi bên cạnh. Sư Cố kể chuyện cho các điệu nghe rằng: “Ngày xưa Cố có hầu Sư Tổ (Đệ nhị Tổ). Vua Thành Thái là người thân với Sư Tổ lắm. Sư Tổ thường dạy điệu buổi chiều nào cũng nên nấu một nồi sắn mì để cho chúng ăn trước khi đi làm vườn. Mỗi ngày điệu thị giả thường xuống bếp lựa củ nào mềm mà ngon, dọn vô đĩa và bưng lên cho Sư Tổ dùng sau giờ nghỉ trưa.

Một hôm vua Thành Thái lên thăm chùa với hai người lính theo sau. Khi vào liêu, vua thấy Sư Tổ đang ngồi thiền. Vua đi vào, đứng một bên rồi dơ một tay đặt nhẹ lên chân Sư Tổ. Sư Tổ hỏi: “Ai đó?”. Vua Thành Thái trả lời: “Dạ bạch! Thành Thái lên thăm Hòa Thượng”. Sư Cố kể là Sư Tổ có hai mí mắt sụp xuống thành ra mỗi khi nhìn ai thì Sư Tổ vén hai mí mắt lên để xem cho rõ. Khi nhìn thấy vua Thành Thái, Sư Tổ cười và mời vua ngồi. Sư Tổ lắc linh kêu mấy điệu lên pha trà nước. Mấy điệu đang làm vườn, nghe lắc linh như vậy thì ùa nhau đến bên liêu Sư Tổ để ngắm nhìn vua Thành Thái. Sư Tổ và vua Thành Thái ngồi uống trà và nói chuyện đạo lý. Sau khi đàm luận xong, Sư Tổ lấy đĩa sẵn và mời vua rằng: “Sắn ở ngoài vườn ngon lắm, vua ăn với ta một miếng cho vui”. Sư Tổ bẻ một nửa cho vua, nửa còn lại phần Sư Tổ. Cả hai cùng dùng một cách ngon lành. Khi đó hai người lính đứng gác bên cửa tái xanh mặt. Họ nói hồi xưa hễ ai mời vua ăn sắn là tội khi quân, răng chừ vua lại ăn ngon lành như vậy? Sau khi chào nhau và tiễn vua ra về, mấy thầy đứng xung quanh và hỏi Sư Tổ: “Bạch Sư Tổ, vua Thành Thái là người nghênh ngang lắm mà sao lên đây đảnh lễ Hòa Thượng một cách cung kính quá vậy?”. Sư Tổ cười và kể lại rằng: “Một kiếp xưa kia, vua Thành Thái với ta cùng tu một chùa. Vua Thành Thái học rộng, nghe nhiều nhưng ham chơi và không lo tu tập. Còn ta thì tinh chuyên tu tập nghiêm tinh giới luật. Hôm nay vua Thành Thái tái sinh trong hoàng cung làm vua, còn ta tái sinh trong chùa làm Hòa Thượng. Cho nên hôm nay vua gặp ta thì kính nể”. Đó là câu chuyện Sư Cố kể lại mà con còn nhớ.

Vào sau cuối mùa đông năm Đinh Mùi 1967, trời tự nhiên lạnh hơn mọi năm. Mưa phùn và gió bấc thổi về rất lạnh. Vào lúc đó chiến tranh khắp nơi, súng đạn nổ suốt ngày đêm. Toàn miền Nam Việt Nam nói chung và tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng, dân chúng phải gánh chịu một cuộc chiến tranh tàn khốc giữa hai miền Nam Bắc. Tết năm Mậu Thân 1968, quân đội miền Bắc đã tấn công, chiếm thành phố Huế và các vùng quê. Dân chúng phải di tản khỏi vùng bị tạm chiếm. Trong khi đó Tăng Ni các chùa cũng phải di tản. Các Hòa Thượng các chùa trong vùng Thủy Xuân như Hòa Thượng chùa Châu Lâm, Hòa Thượng chùa Thiên Hưng thường hay qua chùa Từ Hiếu để chơi kiệu với Sư Tổ, cũng phải tản cư về chùa Quốc Học. Trong chùa chỉ còn lại Sư Cố, thầy Chí Niệm là tri sự cùng với điệu Trí, điệu Hồng và điệu Hải. Điệu Hồng tức là thầy Chí Viên hiện nay trú trì tại chùa Linh Phong ở Nha Trang. Điệu Hải tức là thầy Chí Thắng trú trì chùa Phước Thành ở An Cựu, còn điệu Trí là con-Chí Mậu. Trong chùa có một kho lúa cũng được vác vào trong liêu để chất làm hầm trú ẩn bom đạn cho Sư Cố. Ngày đêm Sư Cố chỉ ở trong hầm thôi chứ không ra được. Có một lần quả pháo M.79 dội gần ngay liêu nhưng Sư Cố không bị gì cả. Sư Cố rất thương chúng tăng và thường hay nhắc nhở đại chúng gắng tu hành để cho nỗi khổ niềm đau ở ngoài giảm bớt, không thôi chiến tranh ngày đêm cứ tiếp tục nổ thì thiên hạ chắc chết nhiều.

Thật Sư Cố đã hiểu và thương các con của Sư Cố biết chừng nào! Bên cạnh đức từ bi, Sư Cố còn thể hiện đức tính khiêm cung cao cả. Các phật tử lên chùa lễ Phật xin vào đảnh lễ Sư Cố, Sư Cố từ chối mà còn dạy rằng: “Các vị lạy tôi thì tôi lạy lại đó”. Thật ai mà lạy Sư Cố được một lạy là phước lắm! Một hôm, Sư Cố chùa Thuyền Quang bảo điệu đem thư qua mời Sư Cố Từ Hiếu sang chùa Thuyền Tôn chơi. Điệu đem thư qua và đọc cho Sư Cố nghe. Điệu thỉnh Sư Cố ngồi để nghe đọc nhưng Sư Cố cứ đứng chứ không chịu ngồi. Sư Cố đáp rằng: “Khi nghe thư của bậc Tôn Túc nên cung kính như khi có mặt các Ngài”. Về sự sinh hoạt hằng ngày, Sư Cố sống rất giản dị, không làm phiền tới ai. Các điệu thị giả chưa có điệu nào giặt được một bộ áo quần của Sư Cố. Có một lần điệu thị giả lén lấy áo quần dơ của Sư Cố định đem đi giặt, áo quần tuy dơ nhưng Sư Cố xếp rất ngay ngắn để dưới chiếu, Sư Cố biết được và nói: “Bộ đồ mới của Ôn đó!” Làm thị giả mà giặt được của Sư Cố một bồ đồ là phước lắm.

Về sau vì tuổi già sức yếu nên Sư Cố không đi ra vườn như trước, người chỉ đi thiền hành từ Liêu ngang qua nhà Tổ vòng qua Báo Đức Đường, lên Quảng Hiếu đường, đến Lạc Nghĩa Đường rồi Tịnh Trai đường… Tại đây, Sư Cố ngồi nhìn ra phía rừng thông để ngắm cảnh. Tuổi đã ngoài tám mươi nhưng Sư Cố không có bệnh gì nghiêm trọng ngoài bệnh tuổi già. Các điệu thị giả thường hay sắc thuốc bắc để Sư Cố dùng. Ngặt vì lúc đó giặc giã bom đạn khắp nơi, đường xá bị phong tỏa nên các điệu không đi lấy thuốc bắc được. Tuổi càng ngày càng lớn nên sức khỏe của Sư Cố cũng yếu dần đi. Đến ngày mồng tám tháng hai năm Mậu Thân, Sư Cố không dùng cơm nữa mà chỉ uống nước thôi. Đêm đó cả ba điệu thức suốt đêm để hầu Sư Cố. Vào lúc ba giờ sáng, Sư Cố ngồi dậy kêu điệu thị giả đi mời các thầy lớn đến cho Sư Cố nói chuyện. Điệu Hồng thưa cho Sư Cố hay là các thầy lớn đã tản cư hết rồi, trong chùa chỉ còn thầy tri sự và ba điệu thôi. Gần bốn giờ sáng thì Sư Cố xin đi vệ sinh và tẩy rửa sạch sẽ, sau đó các điệu đưa Sư Cố vào giường nằm nghỉ. Sư Cố nằm nghiêng bên phải, chắp tay theo thế cát tường và nằm yên như vậy. Các điệu nghĩ rằng Sư Cố đã khỏe nên để yên cho Sư Cố nghỉ, điệu Hồng và điệu Trí đi tụng kinh khuya, còn lại mình điệu Hải hầu Sư Cố. Khi than trong lò ấp hết rồi thì điệu Hải đi xuống bếp để lấy than bỏ vào thêm cho Sư Cố. Lúc điệu đưa cái lò ấp than vào, đợi một lúc mà không thấy Sư Cố nhúc nhích chi cả nên đi tìm thầy tri sự là thầy Chí Niệm. Nghe tin, thầy đi tới thì Sư Cố đã viên tịch. Lúc đó khoảng sáu giờ sáng. Thầy tri sự cùng các điệu đứng chung quanh tụng kinh niệm Phật khoảng ba phút. Sau đó thầy tri sự bảo điệu Hải qua trình cho Sư Cố Thiền Tôn và đi mời quý thầy đi tản cư từ chùa Bảo Quốc lên. Quý thầy lên và làm lễ cung nghinh nhục thân của Sư Cố nhập kim quan. Vì hoàn cảnh chiến tranh nên tang lễ Sư Cố có khoảng ba mươi vị Tăng đến tham dự và chỉ diễn ra trong vòng ba ngày. Lễ nhập tháp là ngày mười một tháng hai năm Mậu Thân. Có lẽ cuộc đời của Sư Cố sống đơn giản nên Ngài viên tịch cũng thật là vắng lặng. Và đây cũng là hạnh nguyện của Sư Cố lúc sanh tiền. Sư Cố thọ tám mươi sáu tuổi. Khi còn tại thế Sư Cố có dạy rằng: “Khi nào Sư Cố mất thì phải thỉnh một tượng Phật để ở trên tháp. Nếu sau này hễ ai đến tháp lạy tức là lạy tháp Phật”. Cho nên sau khi Huế được tái chiếm, Chư Tôn Túc Tăng Ni trở về lại chùa và đến tháp Sư Cố đảnh lễ. Thật đúng, chư vị đảnh lễ tháp Phật. Cho đến ngày nay, trên tháp của Sư Cố có tượng Phật là vậy.