Bài Viết

Thiền đóng cửa và mở cửa

Trích trong sách “Hơi thở nuôi dưỡng và trị liệu” của Sư Ông Làng Mai

Quán Niệm Về Các Tư Thế Của Thân

Theo lời Bụt dạy trong kinh Bốn Lĩnh Vực Quán Niệm, sau khi quán chiếu về tứ đại trong cơ thể, hành giả quán về các tư thế của thân. Có tất cả bốn tư thế, gọi là tứ uy nghi: đi, đứng, nằm và ngồi. Ta ý thức rõ ràng các tư thế căn bản của thân ta. Khi đi, biết mình đang đi; khi đứng, biết mình đang đứng; khi ngồi, biết mình đang ngồi; khi nằm, biết mình đang nằm. Ta chiếu dụng ánh sáng chánh niệm vào các tư thế của thân thể ấy. Các thầy, các sư cô được tập luyện rất kỹ về bốn tư thế hoạt động của thân, gọi là tứ uy nghi. Tuy nhiên đừng nghĩ rằng Bụt chỉ dạy kinh này riêng cho người xuất sĩ, người cư sĩ cũng có thể thực tập. Phép quán này thuộc về lĩnh vực quán thân trong thân. Chúng ta bắt đầu thực tập ý thức về hơi thở, nhận diện tình trạng của hơi thở và làm lắng dịu hơi thở. Kế đó ta thực tập ý thức về thân, ôm ấp, chăm sóc thân, làm cho thân thể lắng dịu, chú ý và mỉm cười với từng bộ phận của thân. Ta quán chiếu những yếu tố tạo nên thân thể và mỉm cười với từng yếu tố ấy trong thân thể ta. Rồi ta thực tập quán niệm về các tư thế của thân trong khi đi, đứng, nằm, ngồi và làm việc. Chúng ta sẽ cùng thực tập với nhau trong suốt khóa tu này. Đi, đứng, nằm, ngồi và làm việc cho thật vững chãi và thảnh thơi.

 

 

Quán niệm về thân đưa tới sự quán niệm về các hoạt động của thân. Khi khom xuống, ý thức rõ ràng là mình đang khom xuống. ”Thở vào, biết mình đang khom xuống để nhặt cây bút. Thở ra, biết mình đang nhặt cây bút.” Ta ý thức từng động tác, từng cử chỉ của thân thể ta. Ví dụ, mỗi buổi sáng khi đun nước để chế cà phê hoặc pha trà, ta có thể sử dụng thời gian chế cà phê hoặc pha trà để thực tập chánh niệm. Ta ý thức từng cử chỉ, từng động tác của ta trong lúc chế cà phê hoặc pha trà. Ta mỉm cười với từng động tác, cử chỉ ấy của thân thể, dù đó là một động tác rất nhỏ. Thực tập như thế giúp ta thiết lập được vững mạnh năng lượng chánh niệm và nó đem lại cho ta rất nhiều niềm vui. Ta hạnh phúc là vì trong đời sống hàng ngày ta biết cách thắp lên ánh sáng chánh niệm và chiếu dụng vào mỗi cử chỉ và hoạt động của thân thể. Ta không còn sống trong sự quên lãng, không sống như một người mộng du nữa. Ta làm tất cả mọi cái trong ánh sáng chánh niệm. Ta hoàn toàn làm chủ các hoạt động của thân thể ta. Chánh niệm là sự hiện diện của Bụt, là năng lượng của Chúa Ki Tô, là chất thánh trong ta. Chánh niệm không phải là một cái gì trừu tượng. Hạt giống chánh niệm đã sẵn có trong tâm thức ta. Tất cả chúng ta đều có khả năng tiếp xúc với hạt giống chánh niệm và làm cho nó biểu hiện thường xuyên trong đời sống hàng ngày.

Thiền Đóng Cửa Và Mở Cửa

Thời còn làm sa di, một hôm Thầy của tôi dạy tôi làm giùm Thầy một việc. Tôi rất thương kính Thầy và sẵn sàng làm bất cứ điều gì Thầy giao phó, làm bất cứ điều gì có thể để đem lại niềm vui cho Thầy. Sau khi tiếp nhận xong lời dạy, tôi liền lui ra để đi làm. Nhưng do hạnh phúc quá, tôi đã mở cửa và đóng cửa rất hấp tấp, không có chánh niệm. Thấy vậy, Thầy tôi gọi tôi trở lại và nói rất nhỏ nhẹ rằng: ”Này con, con hãy đi ra trở lại. Lần này con nhớ mở cửa và đóng cửa cho thật từ tốn, nhẹ nhàng, có chánh niệm nghe con.” Tôi chắp tay xá Thầy, rồi lui ra. Lần này tôi biết tôi phải làm gì. Tôi đã đi từng bước thật chánh niệm tới cửa, đặt bàn tay lên núm cửa, rồi nhẹ nhàng mở cửa, bước ra ngoài và đóng cửa thật từ tốn; tất cả mọi động tác, mọi cử chỉ đều được làm trong chánh niệm. Từ đó về sau Thầy tôi không cần phải nhắc nhở tôi lần thứ hai. Tôi không bao giờ quên bài học quý giá ấy.

Vào năm 1966, tôi viếng thăm cha Thomas Merton tại thành phố Kentucky, một vị tu sĩ thuộc dòng Luyện tâm (Trappist – dòng tu kín- giáo phái sống rất khắc khổ và phát nguyện không nói, không tiếp xúc với thế giới bên ngoài). Cuộc gặp gỡ của hai chúng tôi rất lý thú. Sau này cha Thomas có nói với các môn đệ của ngài rằng: ”Quý vị chỉ cần quán sát cách thầy Nhất Hạnh mở cửa, đóng cửa thì đủ biết thầy là một vị chân tu.” Năm trước có một cô thiền sinh người Đức đến tu học tại tu viện Làng Mai. Cô ấy đã ở lại tu tập khoảng một tháng. Ngày rời Tu Viện, cô chia sẻ với chúng tôi rằng sở dĩ cô đến Làng Mai là vì cô có nghe cuốn băng thuyết giảng của cha Thomas Merton; trong bài thuyết giảng đó cha có nói về phong cách mở cửa, đóng cửa của thầy Nhất Hạnh. Và vì tâm hiếu kỳ, tâm tò mò muốn thấy tận mắt cách thầy Nhất Hạnh mở cửa và đóng cửa như thế nào mà cha Thomas khen ngợi đến thế. Trong thời gian một tháng ở Làng Mai, cô cảm thấy rất thoải mái, hạnh phúc và mục đích chính của chuyến viếng thăm Tu Viện Làng Mai là để mắt quán sát cách thầy trò chúng tôi mở cửa và đóng cửa.

 

 

Đóng cửa và mở cửa là một phần của sự thực tập chánh niệm để làm cho thân tâm lắng dịu và bình an trở lại. Xin quý vị thực tập mở cửa và đóng cửa trong chánh niệm để nhiều người, trong đó có Thầy tôi nữa được thừa hưởng niềm an lạc và hạnh phúc tỏa ra nơi hành động mở cửa và đóng cửa của quý vị. Thầy tôi vẫn còn có mặt đó với chúng ta trong giây phút này. Quý vị đã được học cách chăm sóc, tiếp xúc với cơ thể bằng hơi thở chánh niệm. Đây là sự thực tập rất quan trọng. Quý vị không cần phải trở thành một vị giáo thọ mới có thể tổ chức được những ngày tu chánh niệm. Quý vị có thể dành một ngày cuối tuần để trở về với chính mình, thực tập chăm sóc cơ thể và sống hài hòa với cơ thể mình. Nếu muốn, quý vị có thể mời thêm một số bạn bè đến tham dự ngày tu. Một ngày hoặc vài giờ thực tập chánh niệm như thế là cơ hội để thân tâm được nghỉ ngơi, phục hồi lại sự tươi mát và thư thái. Bốn phép thở đầu của kinh Quán Niệm Hơi Thở nếu được thực tập đúng cách, ta thấy tình thương của Bụt dành cho ta rất lớn. Bụt chỉ dạy cho ta những phương pháp tu tập thật thực tiễn, khoa học và hữu hiệu.