Bài Viết

Thiền sư Thích Nhất Hạnh và Sức khoẻ Thân Tâm

(Trích Lời bạt trong sách Cách mạng Liệu pháp Thư giãn do thầy Thích Chân Pháp Khâm tham gia hiệu đính)

Tại các trung tâm thiền tập Làng Mai, có một thực tập mà mọi người rất thích gọi là thiền buông thư. Trong thực tập này, mọi người thực tập thiền trong thư thế nằm. Buông thư toàn thân, theo dõi hơi thở vào ra, gọi tên những bộ phận của thân thể và gởi tình thương yêu đến những bộ phận đó.

Người hướng dẫn có giọng nói nhẹ nhàng, hướng dẫn cách thực hành để mọi người làm theo. Đến gần cuối bài tập thì mọi người lại được nghe hát. Khoảng 20 phút sau khi thực tập bắt đầu, thì nhiều người ngủ khò. Thực tập này tốt nhất là khi thức, không ngủ. Nhưng trong xã hội bận rộn hiện đại, được buông thư ru ngủ là điều rất quý, cho nên có cơ hội ngủ thì ai cũng muốn ngủ.

Thực tập thiền buông thư này đã giúp chữa được bệnh mất ngủ và nhức đầu của nhiều người. Trong một khóa tu tôi hướng dẫn tại Philippines, một thiền sinh đã chia sẻ là nhờ thực tập thiền buông thư mà cô đã chữa được bệnh mất ngủ sau nhiều năm. Trước đó, cô chỉ ngủ được mỗi đêm có vài tiếng.

 

 

Khi còn là một cư sĩ, tôi được thực tập thiền buông thư do Thiền sư Thích Nhất Hạnh (mà các đệ tử thường hay gọi là Thầy) hướng dẫn trong một khóa tu cho người Việt vào năm 1989 tại thành phố Fairfax, tiểu bang Virginia, Mỹ. Đó là năm đầu tiên Làng Mai đem thiền buông thư vào chương trình thực tập thường xuyên, cho nên đích thân Thiền sư Thích Nhất Hạnh hướng dẫn để đào tạo các đệ tử và hướng dẫn thiền sinh. Thực tập thiền buông thư (cho thân thể) này có nguồn gốc từ trong 4 bài tập đầu của kinh Quán niệm hơi thở, có nội dung như sau:

Thở vào/ ra tôi biết là tôi đang thở vào/ ra,
Thở vào/ ra tôi biết theo dõi hơi thở từ đầu cho đến cuối,

Thở vào/ ra tôi ý thức về toàn thân tôi,
Thở vào/ ra tôi làm cho toàn thân tôi thanh tịnh.

Tiếp theo 4 bài tập này thì có 12 bài tập khác cho lĩnh vực tâm, giúp hành giả quán chiếu và điều phục cảm thọ, cảm xúc và nhận thức. Kinh Quán niệm hơi thở và kinh Bốn lĩnh vực quán niệm (kinh tiếp theo, phát triển sâu hơn kinh Quán niệm hơi thở) là hai cẩm nang thiền tập của Làng Mai.

Vào năm 1958, Thầy Nhất Hạnh bị bệnh nặng, phải vào bệnh viện. Thầy đã dùng các thực tập hơi thở chánh niệm để chữa cho mình trong lúc nguy kịch nhất, chuyện ấy đã được ghi lại:

Trong giây phút cơn bệnh trở nên nguy kịch nhất, Thầy đã bám lấy hơi thở, thở thật chậm và thật sâu với tất cả sức lực còn lại của mình. Đến lúc cảm thấy dễ chịu hơn, Thầy gắng sức để trở dậy thiền hành và Thầy đã sống sót. Từ khi còn là một chú điệu, Thầy đã được thực tập kinh hành.

Tại chùa Báo Quốc, Thầy cũng đã được học phương pháp sổ tức. Giờ đây, Thầy tự tìm ra cách thức thở và đi để có thể làm tĩnh lặng thân tâm, đó là cách kết hợp hơi thở và bước chân một cách tự nhiên trong khi đi. Thay vì sử dụng phương pháp sổ tức, Thầy đếm bước chân với hơi thở trong sự hòa điệu. Bằng cách hoàn toàn tập trung vào bước chân và hơi thở – mà không vào bất cứ một cái gì khác – Thầy đã có khả năng thực sự dừng lại (chỉ – śamatha), và làm lắng dịu cơn đau mà không bị cơn đau kéo đi.

Thầy đã bắt đầu thực hành phương pháp đó hồi còn ở chùa Ấn Quang và tiếp tục thể nghiệm ở B’lao, Phương Bối, bệnh viện ở Tokyo và sau đó nữa là ở trường Đại học Princeton, Hoa Kỳ cũng như trong những thập kỷ kế tiếp, khi cái hiểu của Thầy về kinh Quán niệm hơi thở và kinh Bốn lĩnh vực quán niệm càng sâu hơn (1).

Năm 1974, Thầy Nhất Hạnh viết cuốn sách Phép lạ của sự tỉnh thức, nói về những thiền tập dựa vào kinh Quán niệm hơi thở. Cuốn sách này được xem là bước khởi đầu của chánh niệm ở phương Tây. Thầy Nhất Hạnh được vinh danh là Cha của chánh niệm hiện đại phương Tây một phần là do ảnh hưởng của cuốn sách này. Tiến sĩ Jon Kabat-Zinn người thiết lập ra chương trình Giảm căng thẳng dựa trên chánh niệm (Mindfulness Based Stress Reduction, MBSR) chuẩn mực ở Mỹ rất ngưỡng mộ cuốn sách này. Nhiều bác sĩ phẫu thuật chia sẻ là những thực tập trong cuốn sách này giúp cho họ tập trung nhiều hơn khi phẫu thuật.

 

 

Vào tháng 7 năm 2001, bác sĩ Herbert Benson đã viết thư mời Thầy Nhất Hạnh là người đầu tiên nhận giải thưởng Thân tâm – Tâm linh của Viện Y học Thân Tâm. Nội dung lá thư nói về những đóng góp của Thầy trong lĩnh vực sức khỏe thân tâm, những nghiên cứu và thành tựu của Viện và của bác sĩ Benson. Toàn bộ lá thư như sau (2):

 

Ngày 25 tháng 7 năm 2001            

Hòa thượng Thích Nhất Hạnh

Tu viện Rừng Phong
Morgan Hill Road
South Woodstock, VT 05071

Kính thưa Hòa thượng Thích Nhất Hạnh,

Thay mặt Viện Y học Thân Tâm , tôi viết thư mời Hòa thượng trở thành người đầu tiên nhận Giải thưởng Thân Tâm – Tâm Linh. Giải thưởng này sẽ được trao tại Hội nghị Tâm linh và Chữa bệnh trong Y học, được tổ chức tại Boston vào ngày 14 tháng 12 năm 2001. Hội nghị được tài trợ bởi Viện Y học Thân Tâm và Khoa Tiếp tục Giáo dục Y tế, Đại học Y Harvard.

Giải thưởng này được thành lập để tôn vinh một cá nhân có công việc và cuộc sống tiêu biểu cho sự hòa hợp giữa thân, tâm, và tâm linh. Viện muốn tôn vinh Hòa thượng vì Hòa thượng thể hiện những đức tính này thông qua công việc Hòa thượng đã làm trên khắp thế giới với tư cách là một vị thầy và nhà nhân văn. Những vị khách tại các sự kiện trước đây của Viện bao gồm Đức Đạt Lai Lạt Ma, Ngài John Templeton, Tiến sĩ Robert Coles, Goldie Hawn, Tiến sĩ Thomas Moore, Yo Yo Ma và Jane Alexander.

Viện Y học Thân Tâm, tại Trung tâm Y khoa Beth Israel Deaconess và Đại học Y Harvard, đã phát triển sau hơn 35 năm hoạt động trong lĩnh vực y học thân tâm, là ứng dụng khoa học của các phương pháp bao gồm đào tạo Phản ứng Thư giãn trong thiền định, quản lý căng thẳng, dinh dưỡng, tập thể dục và tâm linh. Phương pháp tiếp cận đa ngành này hướng tới toàn bộ con người và trao cho họ quyền thực hiện việc tự chăm sóc bản thân một cách có trách nhiệm. Tôi đã có công trong việc thiết lập lĩnh vực y học thân tâm hơn 30 năm trước trùng với thời điểm xuất bản cuốn sách bán chạy số một của tôi, Phản ứng Thư giãn.

Đội ngũ nhân viên của Viện gồm các nhà khoa học, bác sĩ, nhà tâm lý học, y tá và nhà giáo dục được đào tạo chuyên sâu đã tiến hành nghiên cứu mang tính đột phá trong nhiều lĩnh vực khác nhau để xác nhận các khía cạnh chữa bệnh của thiền định. Chúng tôi đã phát triển các chương trình lâm sàng để cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế cập nhật nhất nhằm giảm triệu chứng đối với các tình trạng bệnh lý do căng thẳng gây ra hoặc trở nên trầm trọng hơn.

Trong hơn 30 năm, các phòng thí nghiệm tại Đại học Y Harvard đã nghiên cứu một cách có hệ thống những lợi ích của sự tương tác giữa thân và tâm. Nghiên cứu đã chứng minh rằng khi một người thực hiện một lời cầu nguyện, từ ngữ, âm thanh hoặc cụm từ lặp đi lặp lại và khi không can thiệp những suy nghĩ xâm nhập thì một loạt các thay đổi sinh lý cụ thể sẽ xảy ra. Những thay đổi này trái ngược với những thay đổi do căng thẳng gây ra. Nghiên cứu của chúng tôi đã chỉ ra rằng những thay đổi sinh lý do thiền định mang lại có lợi cho nhiều tình trạng bệnh lý bao gồm tăng huyết áp, nhịp tim không đều, nhiều dạng đau mãn tính, mất ngủ, vô sinh, các triệu chứng của bệnh ung thư và nhiều tình trạng khác.

Tấm gương Hòa thượng đã thể hiện qua công việc và cam kết cải thiện chất lượng cuộc sống thông qua những bài giảng về chánh niệm đang giúp mang lại những thay đổi rất cần thiết trên thế giới. Tôi mong được thảo luận chi tiết hơn về lời mời này nếu Hòa thượng chấp nhận giải thưởng này.

Với những lời chúc tốt đẹp nhất,

Trân trọng, Herbert Benson, MD

 

 

Trong mấy chục năm giảng dạy ở phương Tây, Thầy Nhất Hạnh đã có nhiều khóa tu cho các chuyên viên y tế, đặc biệt là cho các nhà tâm lý trị liệu. Trong cuốn Cách vận hành của tâm, Thầy viết:

Chắc chắn tâm lý học Phật giáo sẽ tiếp tục có ảnh hưởng đến Tâm lý học phương Tây. Những phương pháp chữa trị bệnh tâm lý sẽ dần dần chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi Tâm lý học Duy Biểu. Trong các khóa tu tôi hướng dẫn cho các nhà tâm lý trị liệu, chúng tôi tập thở có ý thức, ngồi thiền, và cùng nhau đi thiền hành, nhận biết và ôm ấp nỗi đau, và những điều này thực tiễn trở thành một phần trong cuộc sống của chúng ta. Đây là sự đóng góp tốt nhất mà Phật giáo có thể làm cho liệu pháp tâm lý phương Tây (3).

Trị liệu hành vi biện chứng (Dialectical Behavior Therapy), một chương trình trị liệu tâm lý có cấu trúc giáo dục để quản lý các cảm xúc mãnh liệt và các quan hệ xã hội, đã phát triển nhiều kỹ năng chánh niệm phần lớn dựa trên những hướng dẫn của Thầy Nhất Hạnh (4).

Nhân dịp cuốn sách Cách mạng Liệu pháp Thư giãn ấn bản tiếng Việt được phát hành, tôi mạo muội viết lên những lời này để ghi ơn và vinh danh hai vị tiên phong trong lĩnh vực sức khỏe thân tâm: Bác sĩ Herbert Benson (1935-2022) và Thiền sư Thích Nhất Hạnh (1926-2022).

Thích Chân Pháp Khâm

Viện trưởng Viện Phật học Ứng dụng Châu Á, Hong Kong

Giám đốc Trung tâm Sức khỏe Thân tâm Thở và Cười, Hong Kong.

(Thầy Thích Chân Pháp Khâm là đệ tử xuất gia của Thiền sư Thích Nhất Hạnh).

 

 

  1. Tăng thân Làng Mai, Đi Gặp Mùa Xuân: Hành trạng Thiền sư Thích Nhất Hạnh, (Hà Nội: NXB Thế Giới & Thái Hà Books, 2022), tr. 72.
  2. Herbert Benson, Invitation Letter to Thich Nhat Hanh, 25.7.2001.
  3. Thich Nhat Hanh, Understanding Our Mind: Fifty Verses on Buddhist Psychology, (Berkeley, Parallax Press, 2006), tr. 43
  4. Fabrizio Didonna (ed.), Clinical Handbook of Mindfulness, (New York: Springer, 2009), tr. 255.