Bài Viết

Không đến, không đi

(Trích trong cuốn “Planting seeds” của Sư Ông và tăng thân Làng Mai)

Khi nhìn vào tờ giấy này, có thể người ta sẽ nghĩ rằng tờ giấy này không có mặt trước khi nó được làm ra từ bột giấy. Nhưng thực tế thì tờ giấy đã có mặt từ lâu rồi, trong nhiều hình thái khác nhau. Nhìn vào tờ giấy mình có thể thấy một đám mây đang bay trên bầu trời. Nếu như không có mây thì sẽ không có mưa và cũng không thể nào có cây cối để làm nên tờ giấy này. Nếu chúng ta lấy đám mây ra khỏi tờ giấy thì tờ giấy cũng không thể nào còn có mặt. Nhìn sâu vào tờ giấy, ta có thể tiếp xúc được với đám mây.

Tờ giấy này có mặt trước khi nó được sinh ra? Có phải là từ không tờ giấy trở thành có? Trên thực tế thì không có cái gì có thể từ “không” trở thành “có”. Tờ giấy “tương tức” với mặt trời, cơn mưa, đất đai, nhà máy, người công nhân, thực phẩm mà người công nhân ăn mỗi ngày.  Bản chất của tờ giấy là tương tức. Nếu mình có khả năng tiếp xúc với tờ giấy thì mình cũng tiếp xúc được với cả vũ trụ bao la. Trước khi được sản xuất từ nhà máy, thì tờ giấy đã là ánh nắng mặt trời, là cây xanh trong rừng. Do đó, ngày mà tờ giấy ra đời chỉ là một ngày tiếp nối mà thôi, chúng ta không nên để cái tướng lừa gạt mình.

Chúng ta biết rằng tờ giấy không thực sự được sinh ra. Nó đã có mặt trước đó rồi, bởi vì tờ giấy không thể nào đến từ không. Làm sao chúng ta có thể đột nhiên từ không mà trở thành có. Rất là vô lý.

Có thể chúng ta thường nghĩ rằng khi mình được mẹ sinh ra nghĩa là bỗng nhiên từ không mà mình trở thành có. Nhưng thực ra cái giây phút mẹ sinh mình ra trong bệnh viện chỉ là một sự tiếp nối mà thôi. Bởi vì chúng ta đã có mặt trong bụng mẹ chín tháng rồi. Nên cái ngày sinh trong giấy khai sinh không đúng đâu, chúng ta phải lùi về chín tháng mới đúng chứ. Chúng ta nghĩ là khi chúng ta bắt đầu biết nhận thức là lúc chúng ta tồn tại, nhưng nếu nhìn thật sâu thì chúng ta là một nửa của ba, là một nửa của mẹ. Vì vậy, giây phút chúng ta biết nhận thức chỉ là một sự tiếp nối mà thôi. Thiền tập giúp ta nhìn sâu vào tự thân để thấy được tự tính không sinh không diệt của chính mình.

Hãy thử tưởng tượng đại dương với rất nhiều con sóng. Con sóng này khác con sóng kia, có con sóng rất hào hùng, nhưng cũng có con sóng nhỏ lăn tăn. Con sóng nào cũng đẹp. Mình có thể diễn tả sóng bằng cách này hay cách kia nhưng khi tiếp xúc sâu sắc với sóng mình tiếp xúc được với một thứ khác nữa: đó là nước.

Tưởng tượng mình là một con sóng trên mặt đại dương. Con sóng dâng lên cao, nó dừng lại nghỉ một chút ở độ cao đó rồi hạ xuống. Đó là điểm kết thúc của một con sóng. Nhưng khi ta tiếp xúc được với nước- bản chất của con sóng- thì ta không còn sợ hãi nữa. Theo tuệ giác tương tức thì ta là một con sóng, ta sống chung với những con sóng khác, nếu nghĩ rằng mình chỉ là một con sóng, không dính líu gì với những con sóng khác thì chúng ta sẽ khổ đau rất nhiều. Kỳ thực thì mỗi giây phút trong đời sống hàng ngày đều là sự tiếp nối, chúng ta vẫn tiếp tục biểu hiện trong một hình thức khác.

Khi đám mây sắp rơi xuống thành cơn mưa, đám mây không cảm thấy sợ hãi. Dù mây rất thích được làm áng mây lững lờ bay trên nền trời, nhưng đám mây cũng biết là được làm những hạt mưa, rơi xuống đại dương và tưới mát đồng ruộng thì cũng hạnh phúc không kém. Giây phút mà mây trở thành mưa không phải là mây chết đi, giây phút đó chỉ là sự tiếp nối của mây mà thôi.

Có những người nghĩ rằng họ có thể xóa bỏ hết mọi thứ. Họ nghĩ là họ có thể làm cho John F. Kennedy, Martin Luther King or Mahatma Gandhi… tan biến mãi mãi. Nhưng thật ra khi họ giết một người nào đó, thì người ấy càng trở nên mạnh mẽ hơn nữa. Người ta không bao giờ có thể xóa sổ dù chỉ là một tờ giấy. Khi đốt tờ giấy này, tờ giấy đâu trở thành không, tờ giấy đã trở thành sức nóng, thành tro và thành khói bay lên. Khói đã hòa quyện vào đám mây. Có thể ngày mai đây mình sẽ gặp lại làn khói đó trong một giọt sương. Đây chính là tự tánh của tờ giấy, chúng ta không thể nào nắm bắt sự đến và đi của tờ giấy. Tờ giấy vẫn còn có mặt đó, trong một đám mây bay hay trong một hình thức khác. Mình mỉm cười và thì thầm với tờ giấy: “hẹn gặp lại bạn ngày mai nhé!”

Tuổi tác và cái chết

Trẻ em hỏi: Thưa Thầy, Thầy bao nhiêu tuổi ạ?

Sư Ông: Ồ, con nói trước cho thầy biết là con bao nhiêu tuổi?

Trẻ em: Con sáu tuổi, gần bảy tuổi rồi ạ.

Sư Ông: Con nghe này, thầy sẽ tặng con một câu trả lời thiệt hay. Thầy là sự tiếp nối của Bụt cho nên thầy đã có 2600 năm tuổi rồi.

Trẻ em: Ồ!.

Sư Ông: Thầy cũng là sự tiếp nối của ba của Thầy nên Thầy đã được 110 tuổi rồi. Con cũng là sự tiếp nối của Thầy và con có Thầy trong con, cho nên Thầy chỉ mới sáu tuổi thôi!

 

 

Vượt thoát tử sinh

Trẻ em hỏi: Thưa thầy, tại sao một ngày nào đó mình cũng phải chết đi?

Sư Ông: Con thử tưởng tượng trên đời này, người ta chỉ có sinh ra mà không có chết đi, cho đến một ngày trái đất không còn có đủ chỗ cho mọi người đứng nữa. Người ta chết đi thì mới có chỗ cho con cháu của mình sinh ra chứ. Mà con cháu của mình là ai? Chính là mình chứ ai.

Con cháu của mình là một biểu hiện mới của mình. Con trai là sự tiếp nối của người cha. Nếu người cha thấy được rằng con trai là sự tiếp nối của mình thì người cha sẽ không thấy mình đang chết đi. Và người con trai cũng không chết vì cháu ngoại, cháu nội cũng đang tiếp nối mình. Thiền tập của đạo Bụt giúp ta nhìn sâu để thấy không có gì mất đi, mọi vật chỉ thay đổi từ hình tướng này sang hình tướng khác mà thôi.

Con hãy nhìn đám mây trên trời kìa, đám mây không sợ chết đâu, mây sẽ trở thành mưa, mây không chết. Nếu nhìn thật sâu thì con sẽ thấy trong cơn mưa đám mây cũng đang có mặt. Cơn mưa chính là sự tiếp nối của đám mây. Mây chỉ thay đổi hình tướng mà thôi. Mây cũng trở thành tuyết, thành dòng sông, thành nước đá và một ngày nào đó mây sẽ trở thành ly kem mà con ăn. Nếu mây không chịu chuyển hóa thì làm sao có kem cho con ăn?

Thầy không sợ chết vì các đệ tử và con chính là sự tiếp nối của Thầy. Con đã đến đây để học hỏi từ Thầy thì con đã có Thầy trong con rồi đó. Thầy đã trao truyền bản thân Thầy cho con rồi. Nếu con tiếp nhận được một chút hiểu, một chút thương, một chút tỉnh thức từ Thầy thì con chính là sự tiếp nối đẹp của Thầy. Sau này, khi có người muốn đi tìm Thầy thì họ chỉ cần đến gặp con, họ sẽ thấy Thầy ngay. Thầy không chỉ ở đây (Thầy chỉ vào Thầy) mà còn ở đây nữa nè (Thầy chỉ vào em bé).

Trong tất cả giáo lý của đạo Bụt, Thầy thích điều này nhất: Thiền giúp ta vượt thoát ý niệm sinh tử.

Con biết rồi đấy, cái chết rất cần cho sự sống, cho sự tiếp nối. Hàng ngàn tế bào trong cơ thể mình đang chết đi trong từng phút từng giây. Nếu các tế bào không chết đi thì làm sao cơ thể mình có thể tiếp tục sống. Cho nên cái chết và sự sống nương nhau mà có mặt. Nhờ có sự chết mà có sự sống, nhờ có sự sống mà có sự chết. Nếu mình khóc than và đau khổ mỗi khi có tế bào trong cơ thể mình chết đi thì mình sẽ không còn nước mắt để khóc nữa. Nếu mình tổ chức đám tang cho từng tế bào chết trong cơ thể mình thì mình phải tổ chức đám tang cả ngày luôn. Do đó ta phải thấy sự sống và cái chết đang diễn ra từng phút từng giây trong mình. Câu trả lời trước tiên của Thầy là: cái chết đóng một vai trò rất quan trọng. Câu trả lời thứ hai quan trọng hơn là: nhìn sâu để thấy được là chúng ta không sinh ra cũng không mất đi, tất cả chỉ là sự tiếp nối mà thôi. Càng học hỏi con sẽ càng có cái nhìn sâu sắc hơn.