Bài Viết

Lễ hội hoa đào

Ngày xưa ở Việt Nam khi hoa đào trong vườn bắt đầu nở thì người ta thường tổ chức một buổi lễ để ăn mừng. Người ta tiên đoán trước ngày nào thì hoa đào sẽ nở rộ đẹp nhất rồi viết thiệp mời bạn bè đến nhà chơi vào ngày hôm đó. Chủ nhà cần phải chuẩn bị hết tất cả để khách mời có được một thời trà tuyệt vời nhất. Trong khi uống trà khách còn được mời thưởng thức vài thức ăn đặc biệt như là kẹo mạch nha chẳng hạn.

Ở Việt Nam chúng tôi chọn ra thứ hạt lúa mới, tốt nhất rồi ngâm chúng trong nước ấm đến khi nẩy mầm. Sau đó hạt mầm được đem đun lên đến khi sệt lại thành một loại hồ gọi là mạch nha. Mạch nha đã có vị ngọt sẵn của hạt mầm trong lúc lên men cho nên chúng tôi không cần cho thêm đường vào. Chúng tôi nấu cho tới khi hỗn hợp mạch nha đó đặc lại. Rồi chúng tôi ra bờ sông nhặt những viên sỏi nhỏ, rửa sạch, phơi dưới mặt trời cho thật khô. Chúng tôi nhúng những viên sỏi vào hỗn hợp mạch nha rồi đem chúng phơi khô một lần nữa. Đó là loại kẹo mà tổ tiên chúng tôi thường dùng khi uống trà. Chúng tôi đã để nhiều năng lượng và tình thương trong khi làm loại kẹo đó. Nó không phải là “kẹo“ thật sự vì nếu cắn vào thì ta sẽ bị gãy răng như chơi.

Trong ngày đặc biệt đó chúng tôi dọn dẹp nhà cửa cho sạch, uống trà, ăn kẹo sỏi mạch nha và ngắm hoa đào nở. Thỉnh thoảng có khi tiết trời bỗng nhiên trở lạnh, hoa đào không nở được đúng kỳ. Người ta đem trống ra dưới gốc đào và vỗ trống để cổ vũ cho hoa mau nở. Ngày xưa là như vậy, có vẻ hơi ngây thơ một chút nhưng quả thật là rất đẹp và rất thi vị.

 

 

Chúng ta tiếp đón khách trong vườn hoa, đó là không khí của một ngày lễ hội. Chúng ta mời khách đến nhà. Con cháu chúng ta đều ra tham dự buổi lễ thiêng liêng trong bầu không khí vui vẻ, thoải mái và đầy tình bạn. Chúng ta không cần chỉ dẫn cho con cháu mình cách thức ăn mừng như thế nào. Chúng chỉ tham dự vào một cách thật tự nhiên thôi.

Mình không cần tổ chức một nghi lễ rườm rà để ăn mừng ngày lễ hội hoa đào với bạn bè và tất nhiên là mình cũng không có kẹo sỏi mạch nha. Tuy nhiên chúng ta cũng nên dành ra một ít thì giờ để cùng uống trà hay ăn cơm vui vẻ với nhau. Và ta bắt đầu hướng dẫn con cháu mình đi vào đời sống tâm linh một cách thật đơn giản.


(Trích từ tác phẩm “At home in the world” – Sư Ông Làng Mai)