Bài Viết

Trả về cho non sông

Thư ngày 18.07.1974

Ngày 18 tháng 07 năm 1974,
Các em tác viên Thanh niên Phụng sự xã hội,

Hồi sáng tôi có đọc một lá thư từ nhà gửi qua, tỏ vẻ lo lắng về “cuộc đất” của trường. Mỗi lần có tai nạn xảy ra cho trường là những lo lắng về địa lý lại có dịp sống lại. Không phải là tôi không tin nơi địa lý, nhưng tôi thấy “tâm lý” quan trọng hơn “địa lý” nhiều. Chùa Pháp Vân ngảnh mặt về hướng nào mới đúng? Cố nhiên là ngảnh mặt về phía quần chúng. Ngảnh lưng về phía quần chúng thì buồn cười quá đi, phải không các em?

Đất nước mình bị tai họa liên miên trong mấy chục năm nay có phải vì địa lý xấu không? Điện Thái Hòa, phủ Chủ Tịch và phủ Tổng Thống đã đặt hướng sai phải không? Theo mấy ông thầy địa lý, có lẽ ta phải thay hướng tất cả mọi tòa nhà hành chánh từ cấp trung ương đến cấp xã ấp. Nhưng chúng ta biết rằng tâm lý quan trọng hơn địa lý: chiến tranh và tai nạn phát xuất từ lòng người. Tâm bình thì thế giới bình, ai cũng biết điều đó, nhưng không mấy ai chịu bình tâm trước khi bình thiên hạ. Câu “nồi da xáo thịt” và câu “gà một nhà bôi mặt đá nhau” đứa bé nào cũng học thuộc nhưng không mấy ai khôn lớn mà lại biết thực hành nguyên tắc khôn ngoan kia để tránh cái cảnh tương tàn, tương sát. Trường TNPSXH từ ngày thành lập, đã gánh chịu nhiều tổn thất. Bao nhiêu người chết, bao nhiêu người bị thương tích. Mỗi lần có tai nạn xảy đến như thế, mỗi người trong chúng ta đều thấy chết trong lòng một phần, và bị thương tích trong trái tim một ít. Hiện Hương và Vinh đang ở bên cạnh tôi, cả hai người đều mang thương tích nhưng thương tích mà tôi mang trong lòng không phải là không đớn đau bằng. Liên, Vui, Hy, Tuấn, Thơ, Lành, chú Trí và bảy người đồng tán toán công tác, chị Nhất Chi Mai, thầy Thanh Văn, thầy Châu Toàn… và Diệu, Xuân, Kê, Út, Lành, ngọc, Nguyện, Triều, Kỷ. Chúng ta là ai mà có thể tránh được thiệt hại, trong lúc toàn dân đang gánh chịu khổ đau? Chúng ta chia xẻ đau xót với dân tộc, chúng ta nhận phần đau thương của chúng ta. Bao nhiêu người đã chết vì bom đạn và hận thù. Những người đang mang thương tích và những người ra đã ra đi, trong chúng ta, là những người chưa hề đem hận thù gieo rắc. Hồi tháng bảy năm 1967 khi nghe tin Hy, Tuấn, Thơ và Lành bị giết, tôi viết:

Có mặt đồng bào
Có mặt các chị, các anh
Máu của các em, tôi xin trả về cho non sông
Xương của các em, tôi xin trả về cho non sông
Máu xương đó trinh nguyên
Chưa bao giờ làm hoen ố giống Lạc Hồng
Còn những bàn tay các em
Tôi xin trả về cho nhân loại
Những bàn tay kia
Chưa bao giờ gây tàn hại
Những trái tim kia
Từ thời thơ ấu
Chưa bao giờ nhận gửi máu hờn căm

Và còn da các em đây, xin gửi trả về cho đồng bào
Các em chưa bao giờ chấp nhận cảnh nồi da xáo thịt
Xin hãy dùng những mảnh da các em đây
Mà vá lại
Những đường rạch
Những vết cắt rướm máu
Trên thân hình dân tộc thương đau”.

Tất cả chúng ta, những người đã bị thương tích hay đã ra đi đều đã chấp nhận sự hy sinh và những đớn đau với tâm niệm không oán thù. Tay chúng ta, may mắn thay, chưa từng dính máu đồng bào. Công lao chúng ta không có bao lắm, không đáng kể gì, nhưng chúng ta đã biết từ chối bạo lực. Tôi biết thế nên khuyên các em đừng nên đau xót lắm. Tôi khuyên các em, nhưng cũng là để khuyên tôi. Thương những người đã ra đi, ta biết thương những người còn ở lại. Ta phải sống với nhau cho xứng đáng. Đừng để khi mất đi người đồng sự ta mới biết tiếc nuối. Sống thì bắt nhịn đói nhịn khát. Chết đi mới làm cỗ bàn linh đình để hiến cho những con ruồi. Chúng ta hay lãng quên. Vì những tị hiềm phân bì nho nhỏ, chúng ta không cho nhau những ngọt ngào thương mến. Ta làm việc để thỏa mãn ước vọng thương yêu, đâu phải để kể công hay tích tụ phước đức. Người đồng sự của ta không làm được như ta, điều đó đâu có thể là nguyên nhân khiến ta ngưng bớt công việc của ta. Tôi nghe người ta nói các em làm việc giỏi. Điều đó chưa đủ cho chúng ta mừng. Điều quan trọng nhất chưa phải là làm việc giỏi. Điều quan trọng nhất là thương yêu nhau, và biết sống hạnh phúc bên nhau. Chúng ta làm việc cho hòa bình, thì chúng ta xây dựng hòa bình trong lòng ta và trong gia đình ta, có phải không?

Tại vì tôi nghĩ TNPSXH là một gia đình, nên tôi mới gọi các em là em. Nếu không tôi đã viết: các anh, các chị tác viên. Không phải tôi thân cận với các em khóa một hơn các em khóa hai và khóa ba. Có em tôi chưa được gặp, nhưng không phải vì thế mà tôi có cảm tưởng xa lạ khi nghĩ đến các em. Tôi nghĩ có thể rằng các em khóa ba mà ít chấp chặt và ít thành kiến hơn một vài em khóa một. Khóa nào thì cũng là TNPSXH. Khóa nào cũng chấp nhận đường lối xây dựng bất bạo động, từ bỏ bạo lực, phá trừ hận thù, xây dựng hòa giải. TNPSXH là một cái bè đưa ta tới bờ phụng sự, không phải là một gia tài để nâng niu, không phải một tượng thần để thờ cúng, không phải một cái Ngã để tô điểm. Các em đừng sợ mất TNPSXH, mà chỉ nên sợ mất tình thương và ý chí phụng sự. Khi nào thấy không khí TNPSXH khó thở quá thì bỏ mà đi quách; ra ngoài mà thực hiện lý tưởng thương yêu. Có biết bao người không còn trong TNPSXH nhưng đời sống của họ vẫn là một sự tiếp nối của lý tưởng phụng sự bất bạo động.

Em, tôi buồn lắm. Thầy Châu Toàn có hứa với tôi là sẽ tìm đất làm một làng TNPSXH, trong đó mỗi chúng ta có một lô đất để làm nhà và làm vườn. Đi đâu thì chúng ta cũng có một cái nhà và một cái vườn để tìm về, để nhớ, để thương. Tôi định gặp thầy Châu Toàn để nói: cho tôi một lô đất không xa lô đất của em để làm nhà và làm vườn (hồi sinh tiền thầy, tôi luôn gọi thầy là em). Và tôi xin thầy duy trì tất cả những cây lớn nhỏ mà có giá trị nghệ thuật trong khu đất làng. Tôi còn mơ ước có nhiều tảng đá lớn, và một con suối chảy qua làng. Em cũng có một lô đất, tôi cũng có một lô đất, Vinh cũng có một lô đất, Hương cũng có một lô đất, thầy Châu Toàn cũng có một lô đất… Chúng ta sẽ làm nhiều công viên nho nhỏ. Làng chúng ta sẽ mát dịu sáng trong như tình thương. Tôi tin thầy Châu Toàn có thể cộng tác với các em để tạo ra một khu làng đẹp đẽ như thể, bởi tôi biết thầy Châu Toàn là một chân nghệ sĩ. Thầy là vị tăng sĩ cắm hoa đẹp nhất mà tôi quen biết. Tôi biết nếu giao thầy việc làm làng cho chúng ta thì ta sẽ có làng rất đẹp, bởi vì tôi tin ở khả năng thẩm mỹ của thầy.

Ngày xưa chúng ta có Phương Bối, cũng là một nơi nương tựa của trường. Khi Phương Bối mất an ninh, ta có Trúc Lâm. Chắc chắn các em đã được hưởng những giờ phút an lạc ở trong lòng chiếc nôi tâm linh đó. Nhưng nay thầy Châu Toàn không còn nữa, một cây cổ thụ đã bị đổ ngã rồi. Làng TNPSXH, mà tôi muốn đặt tên là làng Hồng nếu ở đó ta trồng nhiều cây hồng ăn trái hoặc là làng Mai nếu ở đó ta trồng nhiều hoa mai, chưa thành hình thì thầy đã ra đi. Tôi mắc kẹt bên này chưa về được, vừa xót xa vừa trống lạnh. Tôi chẳng giúp gì cho các em được cả, nội một chuyện viết thư cho các em mà cũng chẳng viết được thường xuyên.

Thế nào các em cũng làm cho được làng Hồng, các em nhé. Tôi sẽ viết thư cho anh Thiều, cho thầy giám đốc mới. Chúng ta sẽ để dành nơi làm một công viên kỷ niệm chị Nhất Chi Mai, thầy Thanh Văn, thầy Châu Toàn và những anh em khác. Các em tìm cho ra một nơi có đất tốt, cây xanh, có đá, có nước. Tôi mê những thứ đó. Cây đá và nước là những thứ đẹp nhất: những thứ đó chữa lành thương tích của chúng ta. Và các em hãy cho tôi một lô đất trong làng ấy nhé. Tôi sẽ làm nhà, và xung quanh tôi sẽ trồng rau và rất nhiều rau thơm như ngò, tía tô, kinh giới, bạc hà, tần ô, lá lốt, thì là, vân vân. Khi em đến chơi thế nào tôi cũng đãi em một bát canh có rau thơm rắc lên trên mặt bát.

Mỗi năm, ta có ít nhất một tháng tĩnh tu tại làng, không hoạt động gì hết. Cả ngày ta đối diện với đá, với nước, với cây; cả ngày ta đối diện với chính ta. Trồng rau, tỉa đậu, chơi với các cháu nhà bên, ta tìm lại ta, chữa lành thương tích, trang bị thương yêu để sẵn sàng trở lại môi trường phụng sự. Tôi về thì tôi sẽ ở giữ làng cho các em. Tôi sẽ ra cổng làng đón từng em, tôi sẽ ngồi lắng nghe các em than thở, phân trần. Rồi tôi sẽ đưa các em về nhà em. Và chiều hôm đó tôi sẽ mở hội mừng em, mời trẻ em trong xóm đến ca hát. Tôi sẽ đọc cho em những bài thơ mà tôi viết để ca tụng tình thương và những bàn tay cần mẫn của các em, cùng những hoa lá các em làm xanh tốt trên mọi nẻo đường. Tôi thấy một làng và đem về làng cho các em những người anh những người chị những người mẹ để săn sóc cho em khi em cần đến sự săn sóc.

Thầy Châu Toàn tôi quen từ hồi thầy còn tám tuổi. Thầy đến tu viện của tôi trên núi Dương Xuân để hái hoa về trang trí cho ngày giỗ tổ tại chùa Trà Am. Thầy lúc ấy là chú điệu Hòa. Hòa leo lên cây hoa đại (tức là hoa sứ) hái từng giỏ hoa trắng muốt. Nhưng một cành hoa đại gảy, Hòa té xuống đất, gảy xương ống chân. Thầy Mật Thể (tác giả sách Việt Nam Phật Giáo Sử Lược) bổn sư của Hòa phải đưa Hòa vào bệnh viện, thầy ngồi hàng giờ trong bệnh viện với Hòa.

Rồi Hòa được gửi vào học Phật học đường Báo Quốc Huế, sau này mới có tên Hoàng Minh và pháp danh Châu Toàn. Năm 1952, tôi mời thầy Châu Toàn vào Nam, vừa để học thêm sinh ngữ, vừa để sống chung với nhau. Thầy Châu Toàn có viết vài truyện ngắn. Có một lần tôi nghe thầy kể về cốt chuyện của truyện “lỡ hẹn” mà thầy định viết (hoặc đã viết mà bản thảo không còn). Cốt chuyện ấy như sau. Một em bé nhà nghèo phải xa mẹ đi làm ăn chốn xa. Một hôm được biết trong tháng tới em sẽ phải đi tới một làng xa để nhận việc, và sẽ đi xe lửa ngang qua làng mình, em mới viết thư cho mẹ: “Mẹ ơi, ngày thứ hai tuần tới con sẽ đi xe lửa ghé qua làng mình năm phút. Xin mẹ ra ga cho con thăm, kẻo con nhớ mẹ quá. Và mẹ đem cho con vài cái bánh ít của mẹ làm, kẻo lâu nay con không được ăn bánh ít ngon của mẹ. Xe lửa sẽ đổ lại chừng năm phút”. Cậu bé trông mãi đến ngày khởi hành. Còn mười lăm phút nữa xe lửa sẽ ghé làng. Cậu nóng ruột. Cậu nhìn ra ngoài. Rồi cậu ra đứng sát cửa toa xe. Xe lửa hét lên một tiếng. Rồi từ từ ngừng lại. Cậu bé nhìn xớn xác. Không thấy hình bóng mẹ. Một phút, hai phút. Rồi ba phút, bốn phút. Cậu nhìn ra con đường đất từ xóm ra ga: không có một bóng người. Năm phút. Xe lửa lại mở còi, bánh xe từ từ lăn trên đường sắt. Mắt cậu bé vẫn dán vào con đường làng. Không có bóng người. Xe bắt đầu lăn tốc độ rằm rập. Cậu bé khóc nước mặt nhòe cả lũy tre và con đường làng. Bỗng cậu gạt nước mắt, trố mắt nhìn. Trên con đường làng đất đỏ, bóng một thiếu phụ, đầu đội một chiếc rổ con. Đúng là bà mẹ của cậu bé. Thấy xe đã chạy rồi, bà đứng dừng lại. Bà nhìn theo con tàu. Cậu bé đưa tay vẫy mẹ, nhưng tàu đã chạy khuất. Cậu trông thấy mẹ, nhưng mẹ không thấy cậu, cậu đứng trên xe, khóc như mưa. Một người hành khách nắm cánh tay cậu đưa vào trong toa.

Trong một khóa tu cách đây chừng hai tháng, thầy Châu Toàn viết cho tôi: “Em mong có hòa bình để ra Quảng Bình tìm lại mẹ, mong rằng bà còn sống”. Không biết mẹ thầy còn sống hay không nhưng thầy không còn có dịp gặp mẹ nữa. Lời ước hẹn đã không được thành tựu. Ngày thầy mất 24.6.74, là ngày tôi ước hẹn gặp thầy ở Vạn Tường để bàn chuyện làm làng Hồng. Nhưng tôi đã không được gặp thầy. Nhận được tin dữ, tôi đóng cửa phòng một ngày. Tôi như một gốc cây bị đốn ngã. Tôi đánh điện về an ủi các em  nhưng tôi thì không an ủi được, sao trên đời có những chuyện “lỡ hẹn” đớn đau đến thế, hả em?

Tôi đọc kinh cầu nguyện cho thầy, cho tôi, và cho các em. Tôi viết những dòng này cho các em trong khi bên ngoài gió thổi rất mạnh. Tôi xin các em tạm nghỉ công việc một vài ngày. Chúng ta hãy nhìn lại nhau, để biết thương nhau hơn. Tôi gửi em tất cả niềm tin cậy của tôi.