Đám mây không bao giờ chết

Khi ta nhìn lên bầu trời và không thấy đám mây mà ta yêu quý đâu nữa, ta nghĩ rằng đám mây đó đã chết, nhưng sự thực là đám mây đó vẫn đang tiếp tục tồn tại nhưng dưới hình tướng là mưa hay những hình tướng khác mà thôi. Sinh và diệt chỉ là những hiện tượng mà ta nhìn thấy trên bề mặt. Nếu ta nhìn thật sâu thì không có sinh cũng không có diệt, chỉ có sự tiếp nối không ngừng. Khi ta tiếp xúc được với bản chất không sinh không diệt thì ta không còn lo sợ cái chết. Không chỉ đạo Bụt nói về không sinh không diệt, mà khoa học cũng nói về điều này. Giữa hai bên có thể chia sẻ với nhau những khám phá của mình, điều này sẽ rất thú vị. Chúng ta cần sống đời sống của mình cho sâu sắc hơn để có thể tiếp xúc được với bản chất không sinh không diệt.

Chúng ta cần sống đời sống của mình một cách chánh niệm hơn, với sự định tĩnh để có thể tiếp xúc một cách sâu sắc với những gì đang diễn ra trong ta và xung quanh ta. Và khi đó, chúng ta sẽ có cơ hội tiếp xúc với bản chất chân thực của thực tại, đó là bản chất không sinh không diệt. Đạo Bụt gọi đó là Niết bàn (Nirvana). Niết bàn chính là bản chất không sinh không diệt. Trong đạo Thiên chúa, ta có thể gọi đó là Thượng Đế. Thượng Đế chính là bản chất không sinh, không diệt của chúng ta. Chúng ta không phải đi tìm Thượng Đế. Thượng Đế chính là bản tánh chân thật của chúng ta.

Đám mây không sợ chết, bởi vì chúng biết rằng nếu chúng không phải là một đám mây thì chúng có thể trở thành một cái gì khác cũng đẹp không kém, chẳng hạn như mưa hay tuyết.

(Thiền sư Thích Nhất Hạnh)