Bài Viết

Những con ma đói

Trích từ pháp thoại của Sư Ông Làng Mai ngày 14/4/2003.

Tôi có biết một anh chàng họa sĩ người Huế sống ở Hoa Kỳ. Ngày xưa anh đã rời quê hương một cách rất khó khăn. Anh ta xin làm bồi trên một chiếc tàu thủy để có thể đi qua một nước Tây phương và nghĩ rằng mình sẽ có tương lai ở đó. Vào đêm anh từ giã bà mẹ, hai mẹ con khóc. Bà cụ là một phụ nữ Huế, không biết đọc, không biết viết, nhưng bà đã dặn đứa con trai như thế này: “Này con, khi mà con sang bên nớ, mỗi khi thấy nhớ mẹ nhiều lắm, con đưa bàn tay lên, con nhìn bàn tay con cho kỹ, con sẽ thấy bớt nhớ mẹ”. Trong suốt mấy mươi năm ở bên Mỹ, không có cơ hội trở về Việt Nam, anh ta thường đưa bàn tay lên để nhìn ngắm theo lời bà mẹ căn dặn. Anh cảm thấy được an ủi rất nhiều. Cố nhiên bà mẹ Việt Nam đó chưa bao giờ học triết học, chưa từng học khoa học nhưng bà có tuệ giác của cha ông để lại, bà biết rằng: Mình có mặt trong bàn tay của đứa con trai mình.

Chúng ta biết rằng tất cả những gia tài di truyền của tổ tiên mà ông bà cha mẹ chúng ta đã tiếp nhận đang có mặt đích thực trong từng tế bào của cơ thể mình. Đó là một sự thật, rất khoa học. Tất cả những kinh nghiệm, trí tuệ, hạnh phúc của tổ tiên, của ông bà, của cha mẹ đã được trao truyền cho chúng ta. Tất cả những khổ đau, những khó khăn, những bức xúc của tổ tiên, ông bà, cha mẹ cũng đã trao truyền cho chúng ta. Tổ tiên chúng ta, kể cả thế hệ tổ tiên trẻ nhất là cha mẹ đang có mặt một cách đích thực trong từng tế bào của cơ thể. Bà mẹ kia tuy không biết triết học, không biết khoa học, nhưng đã đạt được tuệ giác đó: “Này con, mỗi khi con nhớ mẹ, con chỉ cần đưa tay lên nhìn thì con sẽ thấy đỡ nhớ”. Bà không nói rõ nhưng lời dặn dò đó đã ẩn chứa ý nghĩa: Mẹ đang có mặt trong từng tế bào cơ thể của con. Sự thật khoa học đó hiện bây giờ đã được mọi người chấp nhận.

Chúng ta thường hay nói với nhau: “Con cái ở đâu thì ông bà ở đó”. Điều này cũng là một sự thật rất khoa học. Ông bà đi theo con cái, không phải là đi sau lưng hoặc bên phải hoặc bên trái hoặc trước mặt mà ông bà đi theo ngay trong từng tế bào của cơ thể của mình. Chúng ta đi đâu là chúng ta đem tổ tiên, ông bà đi theo đó. Điều đó có thể hiểu một cách rất là khoa học. Chúng ta đi Mỹ thì tổ tiên đi Mỹ. Chúng ta đi Hòa Lan thì tổ tiên đi Hòa Lan. Chúng ta đi Úc thì tổ tiên đi Úc. Chúng ta lên Thiên Đường thì tổ tiên sẽ lên Thiên Đường. Chúng ta xuống địa ngục, tổ tiên cũng sẽ xuống địa ngục với chúng ta.

Xã hội của chúng ta trong cuối thế kỷ thứ hai mươi và đầu thế kỷ hai mươi mốt, con người có cảm tưởng là mình mất gốc, mình cảm thấy bơ vơ, lạc loài, mình không thấy được sự liên hệ giữa mình và tổ tiên, ông bà cha mẹ mình. Có những người trai trẻ lớn lên giận cha, giận mẹ, phủ nhận văn hóa của mình, phủ nhận dân tộc, đất nước của mình vì họ đã gánh chịu quá nhiều khổ đau. Có những thanh niên Tây phương khi giận cha tới mức có thể tuyên bố như thế này: Ông đó hả! Tôi không có muốn có gì liên hệ tới ông đó hết! Khi mình cảm thấy rằng những đau khổ của mình là do cha mẹ mình gây ra thì mình thù hận cha mẹ và không muốn có liên hệ gì tới cha mẹ nữa. Đó là những con người phóng thể, những con người không có gốc rễ. Khi chúng ta không có gốc rễ, chúng ta không thể nào có hạnh phúc được.

Thời đại chúng ta đã chế tạo ra không biết bao nhiêu con ma đói. Những con ma đói bằng xương bằng thịt đàng hoàng. Nó đi trong xã hội, đi trong cuộc đời, đi kiếm một chút hiểu và một chút thương, đi kiếm một nơi nương tựa nhưng hoàn toàn bơ vơ. Chúng ta chỉ cần bỏ một chút thì giờ nhìn quanh là nhận diện ra được những con ma đói đó. Đói ở đây không phải đói cơm hay đói áo mà là đói hiểu biết và đói tình thương. Cái hiểu đó, cái thương đó gia đình đã không cung cấp được cho họ.

Họ không tin vào hạnh phúc gia đình. Họ nghĩ rằng hạnh phúc gia đình là một ảo tưởng, là một cái không bao giờ có. Từ khi sinh ra, họ chưa bao giờ thấy ở trong gia đình có hạnh phúc. Cha làm khổ mẹ, mẹ làm khổ cha, cha đay nghiến mẹ, mẹ đay nghiến cha. Tất cả những cái đó đã gây ra những vết thương rất sâu đậm nơi người con trai, người con gái. Khi giữa cha mẹ không có truyền thông, giữa cha con không có truyền thông, cha không nhìn mặt con được, con không nói chuyện với cha được, làm sao có hạnh phúc? Gia đình không phải là chỗ người trẻ muốn trở về. Người trẻ đi tìm quên lãng ở những lĩnh vực khác. Người trẻ sa vào hầm hố của tội ác, tội phạm, ma túy, trác táng.

Ở Pháp, mỗi ngày có khoảng ba mươi ba thanh niên tự tử. Họ tự tử không phải là vì thiếu cơm thiếu áo mà vì họ lâm vào trạng thái tuyệt vọng. Trong cuộc đời của họ, chưa bao giờ họ tiếp nhận được hiểu và thương từ gia đình, từ xã hội. Cuộc sống đối với họ không có một ý nghĩa nào hết. Họ nghĩ rằng muốn chấm dứt khổ đau, phương pháp duy nhất còn lại của họ là chấm dứt cuộc đời mình. Mỗi ngày ba mươi ba thanh niên Pháp tự tử, con số đó hơi nhiều đối với tôi. Các nước khác ở Âu châu tình trạng cũng tương tự. Tôi không biết tại Việt Nam mỗi ngày có bao nhiêu thanh niên Việt Nam tự tử? Bao nhiêu gia đình, trong đó cha không truyền thông được với mẹ, con không truyền thông được với cha và mọi người trong gia đình không cảm thấy có hạnh phúc? Con số đó càng ngày càng tăng, tỉ số những cặp vợ chồng ly dị ngày càng tăng. Ở Hòa Lan, nghe nói rằng tỉ số những cặp vợ chồng ly dị trên năm mươi phần trăm. Cấu trúc gia đình ở tại xã hội Tây phương bây giờ rất lỏng lẻo và mong manh. Cấu trúc đó có thể tan rã bất cứ lúc nào.

Ngày xưa chúng ta có một gia đình vững chãi hơn nhiều. Khi có những khó khăn ở trong gia đình, mình có thể chạy sang nhà ông chú, bà thím, ông bác để tỵ nạn, sau đó chúng ta có thể trở về nhà được. Nhưng bây giờ gia đình trở thành nhỏ xíu, mỗi gia đình sống ở một căn hộ nhỏ hẹp trong chung cư. Những gia đình đó được gọi là gia đình hạt nhân (nuclear family) rất là nhỏ, chỉ có hai vợ chồng, một đứa con hoặc hai đứa con.

Khi mình cảm thấy không nương tựa được vào gia đình, không có gốc rễ trong gia đình, không có gốc rễ trong truyền thống tâm linh, không có gốc rễ trong xã hội và văn hóa của đất nước thì mình trở thành một con ma đói. Xã hội Tây phương hiện giờ sản xuất rất nhiều con ma đói. Trung tâm tu học của chúng tôi ở tại Pháp quốc và Mỹ quốc luôn luôn tiếp nhận những con ma đói. Không khó khăn gì hết, mình chỉ nhìn họ một phút đồng hồ là biết rằng đó có phải đích thực là ma đói hay không. Nhìn cách họ đi, cách họ ngồi, cách họ nhìn, cách họ nói chuyện là mình có thể biết được họ có phải là ma đói hay không. Họ đói tình thương, đói hiểu biết và họ hoàn toàn bơ vơ.

 

 

Tu tập để làm gì?

Trong những năm hành đạo ở tại Tây phương, chúng tôi đã giúp không biết bao nhiêu người Tây phương trở về được với gia đình của họ, tái lập lại được truyền thông với cha mẹ và xây dựng lại được tình thân ở trong gia đình. Chúng tôi đã giúp cho vô số những cặp vợ chồng, cha con, mẹ con hòa giải được với nhau. Chúng tôi đã sử dụng những yếu tố của văn hóa Việt Nam để làm chuyện đó. Tôi nói với một người thanh niên: Anh muốn nói rằng anh không có liên hệ gì với cha của anh, điều đó rất là buồn cười. Nếu có thì giờ, anh nhìn lại một chút xíu, anh thấy rõ ràng anh là sự tiếp nối của cha anh, anh chính là cha anh đó. Anh hãy nhìn một hạt bắp mà người ta mới gieo xuống đất, năm ngày sau hạt bắp sẽ nẩy mầm và có một cây bắp con biểu hiện với hai hay ba lá.

Khi cây bắp con biểu hiện ra rồi, mình không thấy hình tướng của hạt bắp nguyên sơ nữa. Hạt bắp coi như đã chết để cho cây bắp được sinh ra, nhưng mà kỳ thật hạt bắp đâu có chết, hạt bắp chỉ luân hồi thành cây bắp. Không có cái chết, tự tánh của hạt bắp là vô sinh bất diệt. Khi anh là người có trí tuệ, anh nhìn vào cây bắp, anh có thể thấy được hạt bắp, không phải với tướng cũ mà với tướng mới của nó. Cây bắp là sự tiếp nối của hạt bắp, cây bắp chính là hạt bắp. Khi cây bắp lên được một thước rưỡi, cây bắp có bông và hai trái bắp, đó cũng là sự tiếp nối của hạt bắp ban đầu. Khi nhìn cờ bắp và những trái bắp mới, ta phải thấy được hạt bắp ban sơ.

Cũng vậy, anh nhìn vào anh xem, anh sẽ thấy rằng anh là sự tiếp nối của cha anh, anh là sự tiếp nối của mẹ anh. Anh chính là cha anh, anh chính là mẹ anh. Đây là một sự thực hiển nhiên. Anh phải công nhận là cha anh, mẹ anh đang có mặt một cách rất hiện thực trong từng tế bào của cơ thể anh. Anh không thể nào lấy con người của cha anh ra khỏi con người của anh được. Anh không thể nào lấy mẹ anh ra khỏi con người của anh được. Như vậy, anh giận cha anh tức là anh giận chính bản thân anh. Anh không có nẻo thoát. Anh nên sử dụng những phương pháp của chúng tôi đề nghị để hòa giải với cha anh trong anh trước. Thật là vô vọng nếu anh muốn lấy cha anh ra khỏi anh. Đó là điều anh không thể nào làm được vì anh là sự tiếp nối của cha anh, anh chính là cha anh. Cho nên, anh không có con đường nào khác, chỉ có một con đường duy nhất là hòa giải với cha anh trong anh. Đó là phương pháp quán chiếu, thấy mình là sự tiếp nối của cha, thấy mình là cha. Có thể cha mình trong quá khứ, trong thời thơ ấu đã không được may mắn, đã bị bầm dập, đã không được thương yêu, không được chăm sóc. Do đó những vết thương của tuổi thơ nơi cha mình chưa bao giờ lành cả. Cha mình chưa có cơ duyên gặp được chánh pháp, gặp được một thầy, một sư cô hay một vị lãnh đạo tinh thần giúp cho cha có thể nhận diện vết thương, ôm ấp vết thương và chuyển hóa vết thương. Vậy nên cha mình đã trao truyền cho mình nguyên vẹn vết thương mà cha mình đã tiếp nhận. Khi có niềm đau, nỗi khổ mà chúng ta không có biện pháp để trị liệu và chuyển hóa, chắc chắn chúng ta sẽ trao truyền niềm đau nỗi khổ đó cho con cháu chúng ta. Chắc chắn là như vậy.

Cho nên sự tu tập rất quan trọng. Tu tập để làm gì? Để nhận diện những niềm đau, nỗi khổ trong ta, để có thể trị liệu, có thể chuyển hóa và không tiếp tục trao truyền lại cho những thế hệ tương lai. Nếu mình là một người cha hay, một người mẹ giỏi, mình chỉ muốn trao truyền những cái hay cái đẹp, cái hạnh phúc của mình thôi. Muốn như vậy phải có sự tu tập. Nếu là một người thầy giỏi mình chỉ trao truyền những cái đẹp, những cái hay, những tuệ giác, những từ bi của mình thôi. Còn những yếu kém, những khổ đau mình phải biết ôm ấp, phải biết chuyển hóa, phải biết trị liệu trước khi mình trao truyền cho thế hệ tương lai.