Lời cuối
NGƯỜI VÔ SỰ
_________________________________
Thích Nhất Hạnh – Phần bình giảng Lâm Tế Lục
_________________________________
Lời Cuối
Phần lớn chúng ta đều là con cháu của Tổ Lâm Tế. Vị nào có pháp danh bắt đầu bằng chữ Tâm, chữ Nguyên, chữ Quảng, chữ Nhuận đều là cháu của thiền sư Lâm Tế. Vì vậy cho nên sau này, quý vị có sư em, có đệ tử, quý vị có bổn phận phải dạy Lâm Tế Lục cho họ. Tại vì con em của chúng ta phải biết một ít về gốc rễ cội nguồn tâm linh của họ.
Vấn đề đặt ra là vào thời điểm nào có thể đem Lâm Tế Lục ra để dạy cho các em, các cháu? Bởi vì Lâm Tế Lục giống như một thứ thuốc khá mạnh, một loại thuốc xổ. Chúng ta phải biết cách sử dụng thuốc và liều lượng của thuốc. Cố nhiên, khi ta có một truyền thống tâm linh nào thì ta phải học hỏi, phải thực tập theo truyền thống đó, nhưng những điều ta học có thể bị tích tụ khá nhiều trong ta và ta không có khả năng tiêu hóa. Tưởng tượng những con tằm ăn lá dâu mà không tiêu hóa được thì không bao giờ con tằm đó có thể làm ra tơ, và con tằm sẽ chết vì số lượng lá dâu tích tụ trong mình nó. Chúng ta cũng vậy. Những điều chúng ta học mà không hiểu, không áp dụng được vào trong sự thực tập để chuyển hóa thân tâm, thì những điều đó tích tụ lại trong con người chúng ta và sẽ làm ra trạng thái bế tắc, khó tiêu (indigestion). Vì vậy cho nên những lúc đó là những lúc chúng ta cần có ‘một liều’ (dose) thuốc của Lâm Tế Lục. Lâm Tế Lục không phải là một loại thuốc bổ mà là một loại thuốc xổ! Càng uống thuốc bổ có thể bệnh càng tăng, đứng về phương diện Tây y cũng vậy, mà đứng về phương diện Đông y cũng vậy. Chúng ta đừng có tin rằng hễ uống thuốc bổ là khỏe, có thể càng uống thì càng bệnh. Vì vậy cho nên có những lúc phải cần đến thuốc xổ.
Các sư chú, sư cô khi mới vào tu thì được học Quy Sơn Cảnh Sách. Quy Sơn Cảnh Sách không phải là một văn bản của thiền phái Lâm Tế Lục mà là của phái Quy Ngưỡng (tông phái Quy Nguỡng được lập ra bởi hai thiền sư là Quy Sơn và Ngưỡng Sơn). Trong truyền thống Lâm Tế, các sư chú sư cô nào cũng được học Quy Sơn Cảnh Sách ngay từ lúc bắt đầu làm sa di, sa di ni. Các sư chú sư cô phải đọc tụng những lời khích lệ của thiền sư Quy Sơn mỗi mười lăm ngày, và phải học thuộc lòng. Trong lúc đó, các sư chú sư cô không biết Lâm Tế Lục là gì trong khi mình là con cháu trực tiếp của Ngài Lâm Tế. Lý do một phần là vì Lâm Tế Lục là một loại thuốc xổ, và phải tới một lúc nào đó quý vị mới cần thuốc xổ mà thôi. Tuy nhiên, nếu chúng ta nghiên cứu Lâm Tế Lục cho kỹ lưỡng thì chúng ta biết được đường hướng và phương pháp của Tổ. Và trong khi giảng dạy, hướng dẫn cho con em của chúng ta, tuy chưa trực tiếp giảng dạy về Lâm Tế Lục, nhưng tất cả những gì chúng ta hướng dẫn, giảng dạy đều phải đi theo tinh thần của Lâm Tế Lục. Điều này rất quan trọng. Chúng ta phải hướng dẫn, giáo huấn và thực tập theo tinh thần của Lâm Tế Lục, như vậy sẽ không có trạng thái bế tắc và không cần tới thuốc xổ. Nhưng trong một đại chúng thế nào cũng có những người bị bế tắc vì không tiêu hóa được những gì đã học là vì phần lớn chúng ta đều là những người ham chất chứa kiến thức.
Sau này quý vị nên biến Lâm Tế Lục thành ra một cuốn sách giáo khoa (manual book) để cho những người trẻ sau khi đọc sách xong thì họ đã được hướng dẫn bởi tinh thần của Tổ Lâm Tế, một tinh thần vô cùng phóng khoáng tự do, ngay từ khi họ còn trẻ, và vì vậy cho nên sự học hỏi và tu tập của họ sẽ không bị bế tắc. Chứ không phải để cho đến khi tinh thần họ bị bế tắc thì mới đem Lâm Tế Lục ra để giảng. Nói tóm lại, chúng ta ngừa bệnh hơn là trị bệnh.
Trong những tháng vừa qua, khi học Lâm Tế Lục, chúng ta đã thấy rằng chúng ta rất gần gũi với tinh thần của Tổ giảng dạy. Tổ dạy chúng ta không nên đi tìm cầu ở ngoài và tìm cầu ở tương lai; chúng ta phải có đức tin ở bản thân mình và phải biết an trú trong giây phút hiện tại; chúng ta phải biết sử dụng tâm thức của mình để có thể sống một cách sâu sắc và biến sự sống thành ra một phép lạ. Mỗi giây phút của đời sống mình trở thành ra một phép lạ. Tinh thần ‘Đã Về Đã Tới’ trong Lâm Tế Lục rất rõ. Chúng ta cảm thấy rất gần Tổ; chúng ta cảm thấy chúng ta là sự tiếp nối đích thực của Tổ. Điều này không chối cãi được. Tại Làng Mai, chúng ta có những biện pháp thực tập cụ thể để có thể thực hiện được những lời Tổ dạy, để có thể tin tưởng nơi bản thân, để có thể đem Tịnh Độ về trong giây phút hiện tại, để có thể Đã Về Đã Tới trong giây phút hiện tại, để có thể trong bất cứ nơi nào chúng ta cũng có thể làm chủ được mình mà không cần phải tìm kiếm và nương tựa vào những thế lực ở ngoài.
Vì vậy cho nên trong sách giáo khoa về Lâm Tế Lục, chúng ta phải trình bày hai phần: phần đầu là nguyên tắc, đường hướng của sự thực tập; phần thứ hai trình bày về những phương pháp cụ thể, những sự hành trì cụ thể để có thể thực hiện được những lời Tổ dạy, và hai phần đó phải đi đôi với nhau. Sau này, nếu chúng ta cho các em, các cháu, chúng ta đọc Tinh Yếu Lâm Tế Lục mà nếu họ hiểu được rồi, thì đến khi đi vào nguyên văn của Lâm Tế Lục, họ sẽ cảm thấy không có khó khăn.