Một nhà khoa học tỉnh thức
BBT chuyển ngữ từ tiếng Anh
Làng Mai, ngày 18 tháng 6 năm 2012
Thầy kính thương,
Tôi xin cúi đầu đảnh lễ Thầy với lòng kính ngưỡng sâu sắc nhất.
Tôi đến với khóa tu “Nhà khoa học nắm tay nhà đạo học” – khóa tu 21 ngày – với nhiều niềm vui, lòng thầm mong có thể tiếp xúc được với hạnh phúc và khổ đau nơi chính mình. Là một nhà khoa học và cũng là người thực tập chánh niệm, tôi mong muốn học hỏi những phương pháp thực tập để có thể có mặt thực sự cho chính mình, cho gia đình, bè bạn, cho những học trò và các bạn đồng nghiệp của mình. Và trong khóa tu này, tôi đã nhận được quá nhiều so với những gì mình mơ ước.
Hơn 25 năm nghiên cứu về nguyên tử học, tôi đã công bố nhiều công trình nghiên cứu khoa học và chia sẻ những công trình đó trong rất nhiều cuộc hội thảo, nhưng tôi cảm thấy đó chỉ là một sự trình bày có tính kỹ thuật mà thôi. Tôi chỉ khéo léo ứng dụng những kỹ năng toán học để nghiên cứu một số tiến trình vận hành của nguyên tử thông qua các cuộc thử nghiệm. Tôi kiếm sống nhờ vào công việc đó. Với kinh nghiệm của mình, tôi đã rời Argentina để đến giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học quốc gia Mexico. Nơi đây, tôi được thăng tiến trong công việc, nhờ đó đảm bảo được cho gia đình một cuộc sống khá sung túc. Điều này làm tôi cảm thấy tự hào về mình, nhưng đồng thời trong nội tâm tôi lại thấy mình không hạnh phúc, cô đơn, thiếu tình thương và nhiều hờn giận.
Trải qua tiến trình phân tích tâm lý trong một thời gian dài và nhờ thực tập chánh niệm trong những năm gần đây, tôi đã có thể nhận diện được trong chiều sâu tâm thức những hạt giống cô đơn, buồn tủi, sợ bị đối xử kỳ thị xuất phát từ nguồn gốc Do thái của mình. Đồng thời, trong tôi cũng có nhiều hạt giống lành như biết chăm lo cho gia đình, ham học hỏi, siêng năng, chịu khó trong công việc và tính tình vui vẻ. Tôi đã có thể xây dựng cho mình một mái ấm gia đình với nhiều thương yêu, hiểu biết và sự quan tâm chăm sóc lẫn nhau. Hạnh phúc của hai vợ chồng tôi đã trở thành nguồn hạnh phúc của con cái, ông bà (cha mẹ của chúng tôi), anh chị em trong gia đình cũng như bạn bè đồng nghiệp.
Trong những năm qua, tôi đã dành nhiều thời gian và công sức để nghiên cứu về đặc tính lưỡng nguyên sóng – hạt cũng như sự tương tức (entanglement) giữa tính chất hạt và tính chất sóng của nguyên tử, từ đó tìm ra những ứng dụng trong lĩnh vực Quang Lượng tử (Quantum Optics) và Thông tin Lượng tử (Quantum Information). Tôi đã tiếp xúc được với sức mạnh và sự giản đơn của ngôn ngữ toán học, cũng như tìm thấy cái hay, cái đẹp của những cuộc thử nghiệm, khảo cứu. Nhưng tôi cũng đồng thời nhận ra rằng bản chất của nguyên tử không thể được mô tả hay diễn bày bằng những khái niệm đã có trước đây.
Tôi vô cùng hứng thú với những bài pháp thoại của Thầy trong suốt khóa tu 21 ngày, đặc biệt là những căn cứ về khoa học lượng tử mà Thầy sử dụng để so sánh, đối chiếu với giáo lý của đạo Bụt gây cho tôi rất nhiều cảm hứng. Lá thư “Tâm sự với nhà khoa học trẻ” của Thầy đã chạm đến nhiều điều trong tôi, và vì những điều này mà tôi đã tìm đến với pháp môn của Làng Mai. Tôi cảm thấy thất vọng với vật lý học, dường như nó chẳng giúp cho tôi tiếp xúc được với bất kỳ sự thật hay chân lý nào, cũng chẳng mang lại cho tôi một sự chỉ dẫn về mặt đạo đức trong nghề nghiệp cũng như trong cuộc sống. Giờ đây tôi đã tìm lại được niềm cảm hứng, say mê nghiên cứu của mình, tôi tìm thấy được những phương tiện, công cụ để xử lý khổ đau nơi tự thân, tiếp xúc với tình thương yêu và hạnh phúc đang có mặt trong mình và xung quanh mình nhờ vào sự thực tập Chánh niệm.
Khi tôi tiếp xúc được với những cảm xúc ở trong mình, tôi có thể chia sẻ điều đó và mở lòng để lắng nghe cảm xúc của những người bạn đồng nghiệp, cộng sự cũng như học trò của mình. Điều này cũng tác động đến khía cạnh đạo đức trong công tác nghiên cứu của tôi. Khoa học đã có những đóng góp quan trọng cho hạnh phúc của tất cả chúng ta, nhưng đồng thời nó cũng trở thành một công cụ quyền lực dẫn đến sự chia rẽ và khổ đau. Ở trường học, các lớp về khoa học thường là nơi có nhiều khổ đau và tủi nhục, nhiều hoang mang và tuyệt vọng. Mặc dù nhiều nhà khoa học đang hết lòng làm việc cùng với các giáo viên, các nhà sư phạm để tìm ra giải pháp cho tình trạng này nhưng vẫn còn đó nhiều khó khăn, thách thức. Tại Mexico, cách đây bảy năm, chúng tôi đã bắt đầu một chương trình giúp người trẻ phát triển các kỹ năng khoa học, dựa trên khả năng làm việc theo nhóm, cùng chia sẻ với nhau niềm vui cũng như những khó khăn trong nghiên cứu và học tập. Với một nhóm đồng nghiệp, chúng tôi đã đến được với hàng trăm trẻ em và giáo viên ở nông thôn cũng như thành thị. Chương trình Đạo đức học ứng dụng mà Làng Mai khởi xướng đã giúp cho chúng tôi có được một định hướng rõ ràng và những phương pháp thực tiễn để giải quyết những khó khăn và xây dựng cho mình những cộng đồng tu tập.
Tôi có cảm tưởng rằng những kiến thức chứa dựng trong các cuốn sách giáo khoa về khoa học mà chúng tôi đang sử dụng để nghiên cứu và giảng dạy, dù thực sự rất hữu ích và có giá trị nhưng chỉ là một phần cực kỳ nhỏ so với thế giới thực tại mà chúng tôi muốn khám phá. Một lần, tôi tình cờ bắt gặp một câu trong tạp chí Mindfulness Bell, đại ý là: những câu hỏi mở ra cho chúng ta một thế giới để tìm hiểu và khám phá, trong khi đó những câu trả lời dường như khép lại những thao thức tìm tòi, học hỏi trong ta (“questions open, answers close”). Kể từ đó, mỗi giờ giảng trên lớp, tôi đều đưa ra một câu hỏi mở cho các sinh viên của mình, những câu hỏi giản đơn nhưng lại chưa từng có câu trả lời, chẳng hạn như “khối vật chất là cái gì? (What is mass?) hay “điện tử là gì? (what is an electron?). Thông qua những câu hỏi mở này, tôi muốn giúp các em phát triển tất cả những khả năng cần thiết cho công việc nghiên cứu, mở rộng tầm hiểu biết, đồng thời giúp các em ý thức rằng có vô số những vấn đề tồn tại xung quanh mà ta phải tự tìm lấy câu trả lời cho chính mình vì không có một căn cứ hay chỉ dẫn nào trước đó để cho ta bám víu.
Cách đây một vài ngày, tôi có cơ hội chia sẻ với một nhóm các bạn thiền sinh trong khóa tu về một vài khái niệm khoa học. Tôi đã chia sẻ với các bạn một cách đơn giản, nhẹ nhàng. Chúng tôi cùng thở và lắng nghe nhau. Những giây phút đó thật là đẹp! Tôi cảm thấy mình là một nhà khoa học tỉnh thức, chánh niệm trong giây phút đó, thật là tuyệt vời!
Tôi muốn cảm ơn Thầy về những điều Thầy đã dạy cho chúng tôi trong khóa tu này. Cảm ơn Thầy đã mơ ước và xây dựng nên Tăng thân Làng Mai, để giờ đây hiến tặng cho tất cả mọi người đến tu học. Cảm ơn Thầy đã dành tâm sức xây dựng cầu nối giữa các nhà khoa học và nhà đạo học – những hành giả thực tập chánh niệm, nhờ có sự thực tập này mà cuộc đời của tôi mỗi ngày trở nên thú vị hơn bao giờ hết.
Chắp tay búp sen, mỉm một nụ cười, tôi xin cúi đầu cảm tạ.
Jorge Hirsch.