Phỏng Vấn Quý Thầy Từ Hiếu Và Bát Nhã

Thầy Đồng Châu là đệ tử của Thượng tọa Đức Nghi (trụ trì tu viện Bát Nhã). Xuất gia năm 1993. Năm nay Thầy 43 tuổi

Thầy Từ Hải: tuổi Dần nghĩa là năm nay 33 tuổi, xuất gia năm 18 tuổi. Xuất thân từ Tổ Đình Từ Hiếu và là đệ tử của Sư thúc Chí Mậu.   
Thầy Đồng Lực: năm nay 28 tuổi, đệ tử của Thượng Tọa Đức Nghi ( viện chủ tu viện Bát Nhã)

Thầy Từ Giác: tuổi chuột, sinh năm 1984, xuất gia năm 1996 khi 11 tuổi, cùng xuất thân từ Tổ Đình Từ Hiếu và cũng là đệ tử của Thầy Chí Mậu.

1.  Xin Thầy cho chúng con biết về những ngày Quán niệm ở Từ Hiếu và Bát Nhã, có bao nhiêu người đến dự và thời khóa có giống ở Làng Mai không?

Thầy Đồng Châu: Khi Thầy chuẩn bị qua Làng thì Xóm Rừng Phương Bối đang được thành lập, còn Xóm Bếp Lửa Hồng đã có thể sinh hoạt đều đặn, đã có những ngày Quán niệm mỗi Thứ Năm và Chủ Nhật như ở Làng. Do thời tiết trưa nắng nên đi thiền hành sau thời tụng kinh sớm, sau đó ăn sáng, chấp tác từ 8h – 10h. Trong ba tháng an cư này, Thứ Năm hàng tuần hai xóm quán niệm chung với nhau và mỗi tháng có hai ngày Thứ Bảy và Chủ Nhật đầu tháng dành cho các phật tử cùng tu chung với các thầy, các sư cô. Tùy theo có bữa có 300 – 400 người, có bữa 700 – 800 người, mức trung bình là khoảng 500 người nên không có đủ chỗ ở đàng hoàng cho Phật Tử, mình phải sử dụng luôn nhà Tổ, nhà bếp, nhà Tăng, thiền đường, phòng khách … Thời tiết ở Bát Nhã gần như lạnh quanh năm, ẩm thấp và có muỗi nên ngủ qua đêm cần có đầy đủ mùng mền, có thêm gối càng tốt. Không đặt giá cả mà tuỳ hỉ cúng dường Tam Bảo, ai có điều kiện thì đóng góp, không có thì thôi, cùng san sẻ điều kiện tu tập chung với nhau. Thường là quý sư cô nấu cơm, đã có hệ thống nấu cơm rất tiện lợi, chỉ cần khoảng 1h đồng hồ là có thể nấu 50kg gạo thành những mẻ cơm hấp rất ngon lành. Các Thầy thì nấu thức ăn, có Phật Tử giúp cắt gọt. Còn những ngày Quán niệm riêng cho tăng ni thì có bữa các thầy làm hết, có bữa quý sư cô nấu bún riêu đãi các Thầy rất ngon lành. Nghe mấy sư cô nói đãi bún là các thầy biết ngay là món bún … riêu.
Một thời khóa cụ thể của ngày Quán niệm: Ngồi thiền tụng kinh, thiền hành, ăn sáng, pháp thoại của Thầy Viện chủ hoặc của các vị giáo thọ Làng Mai, thỉnh thoảng của một số thầy khác. Chiều thường có pháp đàm chia theo lứa tuổi.

Thầy Từ Hải: Trước Hạ có hai ngày Quán niệm, một ngày dành riêng cho tăng ni và một ngày tăng ni Phật Tử chung. Sau này chỉ còn một ngày thứ bảy trong tuần. Số lượng tham dự rất đông, có lần hơn 300 người. Đặc biệt là giới trí thức đến tham dự rất nhiều. Sinh hoạt của ngày Quán niệm giống như ở Làng Mai, có hôm pháp thoại của Sư Ông, có hôm của Sư Thúc hoặc của các vị giáo thọ. Riêng thời khóa buổi chiều, có thực tập thiền buông thư (Từ Hải là một trong những “chuyên viên” thiền buông thư), sau đó chương trình thay đổi tùy theo pháp đàm hay thiền trà, thiền lạy.

2. Thưa Thầy các sư em bên đó có được chơi nhiều như bên Làng không?

Thầy Đồng Lực: Những ngày Quán niệm, các thầy các sư cô cũng được chơi chung với nhau, ở Làng chơi môn thể thao nào thì Bát Nhã cũng chơi như vậy, đá cầu, đá bóng, có một sư cô là võ sư nên cũng có một lớp võ thuật. Những ngày làm biếng cũng tổ chức đi chơi picnic, đi chơi suối, đi chơi rừng, đi vào
các buôn làng được người dân tộc đãi món ăn rất ngon.  

3. Xin Thầy cho chúng con hiểu thêm về những thuận lợi và khó khăn hiện nay của Tăng thân Bát Nhã và Từ Hiếu.

Thầy Đồng Châu: Bất cứ một tổ chức nào cũng có những khó khăn và thuận lợi riêng. Khi tu viện Bát Nhã được thành lập theo đường hướng tu tập pháp môn Làng Mai thì mọi thứ đã được dọn đường sẵn. Tức là những lực lượng, nhân sự cũ ở đó đã tự điều động cho gọn. Xóm Bếp Lửa Hồng – xóm của quý sư cô – có mặt trước tiên và hiện nay có thêm Xóm Rừng Phương Bối dành cho quý thầy. Giai đoạn đầu cũng có những khó khăn từ phía Giáo Hội cũng như từ phía chính quyền, nhưng từ từ mọi chuyện cũng được thu xếp ổn thỏa.
Về mặt tổ chức, Bát Nhã có thuận tiện là tất cả những thời khóa tụng kinh, thiền tập đều qui về một mối, không khác gì sự thực tập tại Làng Mai nên không có những khó khăn trong nội viện.
Về phía Phật Pử Việt Nam, tuy rất ưa chuộng pháp môn Làng Mai nhưng pháp môn của Làng đối với họ vẫn còn rất mới mẻ. Một số người thực tập có lợi lạc thì đã thích nghi, một số còn trong giai đoạn quan sát, một số muốn đến tham dự khoá tu  để tìm hiểu.

Thầy Từ Hải: Mọi người ai cũng biết rằng Tổ Đình Từ Hiếu mang sắc thái truyền thống chùa Huế. Những bước đầu chuyển sang tu viện gặp rất nhiều khó khăn, không phải là vấn đề tổ chức mà là vấn đề tiếp nhận pháp môn, giống như hình ảnh con rắn lột da, phải đi qua giai đoạn rất đau xót thì mới có thể sống mạnh. Trước đây, pháp môn của Sư Ông cũng đã được thực tập tại Phật học viện  nhưng chưa được hoàn toàn vì vừa kết hợp với truyền thống nên không đi được trọn vẹn. Khi thay đổi thì có những vị Thầy, sư chú chưa thích ứng, thành ra phải qua ở chùa khác để có thể đi học bên ngoài, vì vậy gây nên khá nhiều tri giác sai lầm để người ta có thể bàn tán.
Mặt thuận lợi là: anh em đi vào sự thực tập mới, tiếp thu pháp môn rất nhanh. Sư Ông hỗ trợ về mặt tinh thần cho Từ Hiếu rất nhiều, tổ chức những buổi họp chúng xây dựng tăng thân, đưa ra đường hướng tu tập, thương tưởng nâng đỡ những khó khăn của anh em, nên anh em sau này có  nơi nương tựa. Hiện giờ, anh em rất vững vàng, không sợ hãi, sống rất vui, và điều đáng phấn khởi nhất là tình Thầy trò, tình huynh đệ đang sống lại rất đẹp.

Thầy Từ Giác: Dù một vài Thầy, vài sư anh lớn chưa quen “đi theo dòng sông” – nghĩa là tụng kinh Thiền Môn Nhật Tụng bằng Việt ngữ thay vì chữ Hán- , đi ra ngoài thì phải có thân thứ hai, tiền được cúng dường khi đi ứng phú  thì bỏ vào quỹ chung …nhưng có quý Ôn lớn ủng hộ cách sống theo tu viện nên chúng con rất biết ơn quý Ôn. Dù một số các sư anh lớn chưa thật sự chấp nhận và dấn thân cho pháp môn mới nhưng các sư em rất thông cảm và có thể hiểu được phần nào tâm sự các sư anh mình. Đối với các sư anh sự thực tập pháp môn truyền thống đã quá lâu năm và bỗng nhiên thay đổi hoàn toàn để chấp nhận pháp môn thì quả là khó khăn cho các sư anh. Hơn nữa bấy lâu nay chùa Tổ đã được quý Ôn, quý thầy trong tăng đoàn dày công nâng đỡ và dạy dỗ nên ân nghĩa đó rất là sâu dày nên khi chùa Tổ trở thành tu viện thì Phật học viện phải chuyển đi nơi khác và quý Ôn cũng phải chuyển đi theo Phật học viện để tiếp tục dạy dỗ cho các tăng sinh muốn cầu học. Vì đó, các sư anh phần nào cảm thấy áy náy và rất khó khăn để chấp nhận và hết lòng xây dựng tu viện. Các sư em biết mình còn trẻ cả hai mặt đời và đạo nên sự thực tập pháp môn truyền thống chưa được sâu sắc nên dễ dàng thay đổi khi chuyển qua môi trường mới và sự thực tập mới. Vì hiểu được như thế nên các sư em chỉ biết thực tập và cống hiến hết lòng để xây dựng tu viện và qua đó có thể tạo được nguồn cảm hứng cho các sư anh. Từ đó, các sư anh có thể lần lần chấp nhận và thật sự dấn thân để xây dựng tu viện.

Thầy Đồng Lực: Tu viện Bát Nhã cách biệt với thị xã Bảo Lộc-Lâm Đồng khoảng 20km, có rừng thông bao quanh và nhiều đồi suối thuận lợi cho sự tu tập các pháp môn của Làng. Các Thầy, các sư cô tu tập có nhiều an lạc, đi thiền hành rất hạnh phúc. Các vị Thầy lớn có sự nhất trí nên các anh em có nhiều niềm tin và đi theo Thầy 100%.

4 – Thưa Thầy, ở Bát Nhã người dân tộc tham dự tu tập có nhiều không? Và họ là những dân tộc nào?

Thầy Đồng Lực: Có chứ. Vào những ngày quán niệm đồng bào người dân tộc cũng có đến tham dự. Đặc điểm của người dân tộc là họ không bao giờ nghỉ chân nghỉ tay hết nên họ rất nhiệt tình trong việc làm công quả. Ngoài ra thì họ tham dự thời khóa chung với người Kinh như bình thường. Họ có thể hiểu được tiếng Việt phổ thông, vấn đề bây giờ là mình thiếu giáo thọ để có thể hướng dẫn riêng cho họ. Người dân tộc tu tập cũng giỏi lắm, họ thuộc hết những bài thiền ca của mình và rất thích hát, những chú điệu người dân tộc hát trong khóa tu, giữa đại chúng một cách tự nhiên, rất vui và dễ thương. Trong số họ, phần nhiều là người dân tộc K’Ho. Thật ra tâm của người dân tộc rất lành, đơn giản và vô tư, làm ngày nào ăn ngày đó, không đau khổ nhiều như người Kinh mình đâu. Đã có ba em gái và sáu em trai người dân tộc xin tập sự xuất gia tại Bát Nhã. Các em tập sự đã hơn 3 tháng rồi.

5. Thưa Thầy có cách giải quyết nào cho tình trạng người muốn xuất gia tu tập rất đông nhưng thiếu cơ sở vật chất để tiếp nhận họ?

Thầy Từ Hải: Hiện nay, tu viện đặt điều kiện khi nhận tập sự xuất gia, các em từ 15 – 18 tuổi phải biết đọc, biết viết, có khả năng văn chương khá. Lứa tuổi từ 18 – 25 đang học hay đã tốt nghiệp đại học. Lứa tuổi từ 25 – 35 đang học cao học hay có bằng cấp cao học hoặc tiến sỹ. Đặc biệt, tu viện Từ Hiếu không nhận người đã lập gia đình, đây là truyền thống chùa Huế, khác với Bát Nhã hay Làng Mai. Hiện tại, tăng thân Từ Hiếu có những sư chú đã từng là giáo viên, bác sỹ, công chức Nhà nước cho đến thợ xây, thợ mộc, thợ điện, nên mình rất giàu. Vì cơ sở vật chất hạn chế nên không thể tiếp nhận ồ ạt, đang có dự án xây thêm tăng xá nhưng chưa tiến hành.

Thầy Đồng Lực: Tu viện Bát Nhã cũng tương tự Từ Hiếu, chủ yếu là chọn lựa những tài năng trẻ. Tuy nhiên, Bát Nhã cũng có chủ trương đưa những người lớn tuổi yêu thích pháp môn của Sư Ông qua một tu viện khác có thời khóa riêng phù hợp với lứa tuổi. Hiện Bát Nhã đang xây dựng thêm Tăng xá – Ni xá để có đủ chổ cho những người muốn tu tập pháp môn của Sư Ông. Vì có quá nhiều người muốn xin tu tập và cơ sởvật chất để tiếp nhận không đủ nên Bát Nhã chỉ nhận đơn nhưng chưa thể nhận người; đa phần là thanh thiếu niên đến từ khắp mọi miền đất nước.

6. Thưa Thầy, chúng con muốn tìm hiểu tình trạng tu tập của giới Tăng Ni trẻ tại Việt Nam?

Thầy Từ Hải: Tình hình tăng ni trẻ ở Huế nói riêng và toàn quốc nói chung đa số chạy theo bằng cấp và kiến thức Phật học mà chưa đủ điều kiện đi vào thực tập nội tâm. Có cái hay là sau một thời gian học tại các trường Phật học, kiến thức đã được thỏa mãn rồi thì họ có những nhu yếu nào đó khiến cho họ nhìn trở lại. Cho nên khi đã học xong Phật học thì đi vào tu viện cũng rất hay. Tu viện Từ Hiếu và Bát Nhã có thể là những nơi cho những vị đã học xong Phật học trở về với sự tu tập. Nếu như mình chỉ chạy theo kiến thức, không có pháp môn, không có đường hướng học và tu thì không có tương lai cho sự tu tập. Tuệ giác và từ bi của Sư Ông đã có ảnh hưởng rất tốt để giúp người ta bắt đầu trở nhìn lại, có niềm tin là những kiến thức Phật học có thể áp dụng được trong đời tu của mình. Đó là nói về những vị có bằng cấp Phật học.
Cũng có những vị không muốn chạy theo trào lưu bằng cấp, học vấn, những người bỏ dở nửa chừng vì không tìm thấy hạnh phúc thực sự trong khi học ở các Phật học viện nên tìm tới tu viện. Theo cái thấy của Từ Hải thì có những người tuy không có bằng cấp về Phật học với rất nhiều kiến thức, nhưng trong cuộc sống đã thực tập được những điều rất căn bản Phật dạy và đã tiếp xúc và hành xử với anh chị em đồng đạo rất đẹp. Rõ ràng không phải ai có nhiều kiến thức Phật học đều tu giỏi.

Thầy Đồng Châu: Vấn đề này một phần là trách nhiệm của các vị tôn túc ở Việt Nam, chưa tạo được nhiều cơ hội cho tăng ni trẻ tu tập. Thầy có tiếp xúc một số vị ở trường Cao đẳng, Trung cấp, Phật học viện thì thấy rằng nhiều thầy, nhiều sư cô cũng thao thức được học, được tu, nhưng khi về chùa không có không gian, không có điều kiện cho người ta áp dụng những gì đã được học thì nảy sinh chán nản, nên lại muốn đi học trở lại. Bởi vậy, mình cần phải tạo ra một môi trường có đủ điều kiện cho người ta áp dụng những gì đang học và sau khi đã tốt nghiệp các trường Phật học. Đây là một vấn đề chúng ta cần nhìn lại về cách tổ chức các trung tâm tu học của mình chứ không phải là vấn đề riêng của giới tăng ni trẻ.

7. Xin Thầy cho biết sự khác nhau giữa các em đã trực tiếp thực tập pháp môn Làng Mai với các Thầy từ truyền thống chuyển sang?

Thầy Từ Hải: Với các Thầy đã ở Từ Hiếu trước đây thì có sẵn nền tảng trong sự thực tập. Riêng các em mới vào thì lớn lên rất nhanh và đều. Chính các em cũng nhìn thấy sự chuyển hóa của mình. Có em tuy còn rất trẻ, và ngay ở thời gian mới là tập sự xuất gia thôi mà đã có thể giúp ba mẹ hòa giải, hàn gắn lại với nhau. Khác với truyền thống là các điệu phải làm việc, học kinh kệ nhiều, và lớn lên rất chậm.

8. Thầy thích pháp môn nào nhất và thực tập pháp môn nào thành công nhất?

Thầy Từ Hải: Pháp môn nào Thầy cũng thích, nhưng Thầy thích pháp môn thiền hành nhất. Những khi trong người mệt mỏi, khó chịu hay có vấn đề nào đó làm mình bực bội, Thầy thường đi thiền hành để lắng dịu, sau đó thì thấy trong người rất khỏe và bình an trở lại.

Thầy Từ Giác: Thầy cũng thích rất nhiều pháp môn, nhất là pháp môn làm mới, soi sáng, và thiền hành. Mỗi khi Từ Giác đi thiền hành, mình thường quán rằng có Bụt đang đi với mình, thấy rất hạnh phúc, có thể tha thứ và chấp nhận những điều không vừa ý. Pháp môn pháp đàm cũng rất hay, nhiều khi không cần chia sẻ gì, chỉ cần nhìn thấy các anh chị em ngồi với nhau trong tình huynh đệ, lắng nghe nhau, Từ Giác cũng cảm thấy rất vui.