Thử tìm dấu chân trên cát

Xin cúi đầu đưa về

đây hai bàn tay tôi

xin trả về cho em

thành khẩn nguyện cầu xin đừng nghiến nát

tôi đã trở về, như một kẻ đầu hàng ngoan ngoãn

dù muôn khổ đau, lòng không oán than,

bởi vì dưới ngôi sao em tôi đã sinh ra,

bởi vì vì em tôi mới sinh ra

để vạn kiếp làm người trai khờ dại

đây hai bàn tay tôi

là trái tim

là khối óc

là cuộc đời

là tất cả những gì còn sót lại

nhng bàn tay không mang quyền phép lạ

nhưng đã hơn một lần nhỏ máu trên cung bực thương yêu

 

đây hai bàn tay tôi

xin trả về cho em

kẻ thương yêu, mẹ dạy, không bao giờ tính toán

cỏ mộ úa vàng, cũng như hoa hồng đương lứa

thương yêu muôn đời vẫn hạt sương trong

đây hai bàn tay tôi

xin cúi đầu đưa về

em nhìn xem: những vết thương ngàn xưa vẫn chưa lành dấu máu

mười ngón đơn sơ hồn em xin đậu

như những giọt sương ngời đầu ngọn cỏ rung rinh

 

đây hai bàn tay tôi

mt kiếp luân hồi không xóa nhòa thương tích

nụ cười còn đây, tôi không bao giờ oán trách

còn đây tâm hồn thơ dại ngày xưa

đây hai bàn tay xưa

băng bó vẫn chưa lành

tôi mang về trả lại

thành khẩn nguyện cầu xin đừng nghiến nát

nguyện cầu mười phương trăng sao chứng minh.

Tuần san Hải Triều Âm số 2 ra ngày 30 tháng 4 năm 1964 có đăng một truyện ngắn của Thầy lấy tên là Câu chuyện người con trai khờ dại. Bài này chắc hẳn có liên hệ tới bài thơ Xin cúi đầu đưa về. Câu chuyện người con trai khờ dại được viết từ năm 1960. Hồi đó anh Huệ và Bá Dương, anh Khan, chị Hà, Nhiên, Chi và tôi có được đọc bản thảo. Có một điều ít ai biết là Thầy rất ghét các tổ chức Phật giáo, tổ chức nào cũng vậy, kể từ các hội Phật học cho đến Tổng hội Phật giáo Việt Nam. Thầy nói Thầy không bao giờ chịu nổi những ông hội trưởng, phó hội trưởng, cố vấn,… của bất cứ một cái hội nào. Có lẽ vì thế mà Thầy chưa bao giờ giữ một chức vụ lớn nhỏ gì ở bất cứ tổ chức Phật giáo nào kể cả Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất mà Thầy đã từng lên tiếng bênh vực. Thầy nói trong các tổ chức Phật giáo, đã đành có người tốt có tâm đạo, nhưng cũng có rất nhiều những bộ mặt danh lợi, vào hội để chiếm giữ những địa vị để có thể ăn nói với ngoài đời. Tuy Thầy đã từng làm chủ bút báo Phật giáo Việt Nam, cơ quan chính thức của Tổng hội Phật giáo Việt Nam và chủ bút tuần san Hải Triều Âm, cơ quan ngôn luận của Giáo hội Phật giáo, nhưng Thầy luôn luôn dùng những cơ quan ngôn luận đó để “xây dựng” lại tổ chức Phật giáo – chủ sở hữu của tờ báo. Cũng vì vậy mà ông Chánh Trí Mai Thọ Truyền, tổng thư ký Tổng hội Phật giáo, không ưa báo Phật giáo Việt Nam, cũng như thầy Tâm Châu, viện trưởng Viện Hóa đạo, không ưa báo Hải Triều Âm. Từ năm 1960, Thầy đã có ý quyết đoạn tuyệt với những phiền não của hội hè để chuyên việc nghiên cứu, sáng tác và thiền tập. Nhưng tới cuối năm 1963, sau khi chính thể Ngô Đình Diệm sụp đổ, Thầy lại phải bắt buộc trở về với tổ chức Phật giáo. Lý do thứ nhất là lá thư thâm thiết của thầy Trí Quang gởi qua Nữu Ước (hồi đó Thầy còn dạy học tại Đại học Columbia). Lý do thứ hai là Giáo hội Thống Nhất có thể là động lực và phương tiện tranh thủ được hòa bình cho đất nước. V ì những lý do ấy mà Thầy phải “cúi đầu đưa về” “hai bàn tay” của Thầy cho tổ chức Phật giáo một lần nữa. Hai bàn tay mà theo Thầy, đến năm 1963 “băng bó vẫn chưa lành”.