Trời phương ngoại
người đi trên đất mắt nhìn trời
chim liệng từng không mây trắng bay
một bàn tay đưa cho nắng ngọt
một bàn tay giữ con đường mây
lá xanh tháng Tư mặt trời lọc
đi qua rừng cây mà không hay
búp tay hoa sen vừa hé mở
vũ trụ sáng nay đã ngất ngây
trà khuya bay khói, thơ không chữ
thơ chở trà lên tận đỉnh mây
núi cao mưa tạnh vùng biên ải
vi vút sau đèo gió gọi cây
đỉnh tuyết trời quang bừng cõi mộng
giác ngộ tung về đóa mãn khai
đất xa mầu nhiệm thơm tình mẹ
hoa nở trần gian ước kịp ngày.
thương bé bơ vơ mùa loạn lạc
sen vàng bướm gửi khắp trời Tây
tờ hoa nhạc hội bừng chuông trống
xóm dưới thôn trên dán chật đầy
mắc nối đường dây trăm xứ lạ
ân nghĩa bên trời mãi dựng xây
ngục thất ba trăm còn tuyệt thực
mòn chân du thuyết hết đêm ngày.
tháng Tư đồng nội trăm hoa nở
mong ước ôm đầy hai cánh tay
sắc xuân rực rỡ trời phương ngoại
thơ hát yêu thương rộng tháng ngày
gối mộng mây xa về lối cũ
ngược dòng sông lạ đến tìm ai.
Một lần tôi hỏi tác giả tại sao đi qua rừng cây mà không hay? Có phải là rừng đẹp quá làm ta quên quán niệm không? Thầy nói: “Không phải. Những khoảng rừng lá non có mặt trời lọc xuống như thế tạo nên một khung cảnh trang nghiêm và mầu nhiệm quá đỗi thành thử cảnh vật giống như cảnh vật ở nơi thiên tiên nào hoặc ở chốn thủy cung nào ấy, khiến cho mình không nhận ra đây là khu rừng mình thường đi qua trong mùa hè và đông nữa”. Có thể nói là thầy Nhất Hạnh rất say mê thiên nhiên Tây phương vào khoảng tháng Tư, khi lá non vừa lớn kịp và khi vạn vật đang chuyển mình trong mùa tuôn dậy (Thầy dịch tiếng spring). Xin các bạn đọc lại bài Trường ca Avril. Tại quê hương, ít khi lá cây được xanh mướt cả rừng như vậy, nhất là ở miền Nam. Bài thơ này viết vào tháng 4 năm 1974, hồi chúng tôi thường tổ chức các đại nhạc hội để giúp các em cô nhi ở Việt Nam:
tờ hoa nhạc hội bừng chiêng trống
xóm dưới thôn trên dán chật đầy
Chúng tôi cũng cho ra tờ Le Lotus đặc biệt in trên giấy vàng kêu gọi người đỡ đầu cho cô nhi chiến nạn:
thương Bé bơ vơ mùa loạn lạc
Sen Vàng bướm gửi khắp trời Tây
Hồi ấy tại khám Chí Hòa có ba trăm tăng sĩ tuyệt thực để gây áp lực trên Hòa hội Paris; chúng tôi cũng được Thầy phái đi các nước Hoa Kỳ, Đan Mạch, Ý Đại Lợi, Anh Cát Lợi… để vận động yểm trợ cho cuộc tuyệt thực này;
mắc nối đường dây trăm xứ lạ
ân nghĩa bên trời mãi dựng xây
ngục thất ba trăm còn tuyệt thực
mòn chân du thuyết hết đêm ngày.
Tôi còn nhớ tại Rome có ba trăm linh mục đi diễu hành mỗi vị đeo trên ngực bảng tên của một tăng sĩ Việt Nam tại khám Chí Hòa. Tinh thần liên đới quả thật rất đẹp. Hedi Vaccaro và mấy người bạn Ý của Phái đoàn đã vất vả trong lần tổ chức cuộc diễn hành này.