Xin đứng bên nhau
Tặng Thanh Văn
“tôi không hiểu vì sao
tôi không hiểu động cơ tâm lý nào
đã khiến những người đồng bào tôi
mang lựu đạn
ném vào các em tôi”
tôi không hiểu vì sao có sự xảy ra
như thế được.
tại sao lại giết các em
những người con trai
trán còn ngây thơ
những người con gái
tay còn lấm mực học trò
nghe tiếng gọi thương yêu
đã về đây
học giúp xóm làng
giữ gìn trẻ thơ
chăm sóc nương khoai vườn sắn.
đêm qua những trái lựu đạn nổ
mười hai người sinh viên ngã gục
tan tành thân thiếu nữ
có em quằn quại
mang sáu mươi mảnh thép trong một thân hình
có em đã nằm yên dưới đất
chờ Tổ quốc bình minh
đợi hòa bình về mà hóa sinh thành cánh bướm.
chúng tôi cắn răng chấp nhận
vì dù sao những quả lựu đạn đã nổ
trời quê hương đã rách
và đau thương cũng đã xảy ra rồi
nhưng còn trái lựu đạn đêm qua chưa nổ
kẹt trong lòng đời
nghe tôi nói không
còn trái lựu đạn đêm qua chưa nổ
trái lựu đạn
nằm đó
trái lựu đạn
kẹt trong lòng người
chưa biết bao giờ
nổ tung
nát tan thân Tổ quốc
nát tan hồn dân tộc.
chúng tôi van xin
các anh hiểu cho rằng
chúng tôi không hờn oán
chúng tôi từ khước hận thù
thế giới chúng ta
Tổ quốc chúng ta
hôm nay cần tình thương trang trải
đến đây
xin nghe chúng tôi
giờ phút cấp bách rồi
xin cùng nhau tháo gỡ trái lựu đạn kia
ra khỏi cuộc đời
ra khỏi lòng đất nước
ra khỏi tình người
xin đứng bên nhau!
“Tôi không hiểu vì sao…” Năm dòng đầu là lời của thầy Thanh Văn, Giám đốc Trường Thanh niên Phụng sự Xã hội, trong một bài diễn văn đọc tại lễ cầu siêu cho những tác viên phụng sự xã hội bị kẻ lạ mặt tới thảm sát vào ngày 4 tháng 7 năm 1967 tại Bình Phước. Biến cố này đã xảy tới cho bốn tác viên Hy, Tuấn, Thơ, Lành. Họ bị bắn chết tại bờ sông Thủ Thiêm trong khi còn đang xúc tiến công việc phát triển cộng đồng tại xã Bình Phước tỉnh Bình Dương. Thảm trạng này xảy ra chỉ ba tháng sau khi những người lạ mặt đến tận Trường Thanh niên Phụng sự Xã hội đêm 26 tháng 4 năm 1967 để giết tác viên của trường bằng lựu đạn. Mười hai người sinh viên đã gục ngã, người chết, người thì bị thương. Năm trước, sau khi thầy Nhất Hạnh lên đường xuất ngoại để kêu gọi hòa bình độ vài ngày, những người lạ mặt cũng đến tại khuôn viên trường và quăng lựu đạn làm cho Lê Văn Vinh vỡ óc và trở thành bán thân bất toại. Một trái lựu đạn đã được liệng vào phòng của thầy Nhất Hạnh. Không có mặt Thầy trong lúc đó, nhưng trái lựu đạn đã bị cái màn cửa hắt trở ra và nổ ở ngoài. Có một trái lựu đạn không nổ.
Tất cả ba vụ án mạng này đã được chính quyền điều tra, nhưng chính quyền không bao giờ công bố kết quả của cuộc điều tra cả. Trường cũng đã tiến hành riêng công cuộc điều tra của mình và sau đó không lâu, đã biết được thủ phạm thuộc về nhóm Công giáo quá khích dựa thế quân đội và chính quyền địa phương. Họ nghi ngờ Trường Thanh niên Phụng sự Xã hội có khuynh hướng thiên tả và làm “công cụ cho Cộng sản”. Thật ra, đó là một thiểu số Công giáo thù ghét Phật giáo về vụ lật đổ chính quyền ông Diệm là nơi nương tựa của họ. Mỗi lần trường bị thảm sát như thế là thầy Thanh Văn lại tuyên bố: “Chúng tôi tin rằng quý vị đã hiểu lầm chúng tôi. Chúng tôi không theo một phe phái chính trị nào, chỉ đứng thuần túy trên lập trường nhân bản mà phụng sự”. Sau nhiều lần như thế, sự thảm sát đã dừng lại. Đó là nhờ thái độ bất bạo động không chịu thù ghét của trường; có thể cũng nhờ sự kiện chính quyền và những kẻ khác (như chúng tôi) đã biết ai là thủ phạm.