Thử tìm dấu chân trên cát

Vòng tay nhận thức

chuông ngân một đêm dài không ngủ

hai bàn chân không, tì tay cửa sổ

tôi đợi vườn cây hoa lá hiện hình.

ánh sáng chưa về

nhưng trong lòng đêm thâu tôi biết em còn đó

trong lòng đêm thâu hay trong lòng bao la nhận thức

tự bao giờ, em vẫn là duyên sở duyên.

t nữa bình minh về, và em sẽ thấy

cả em, cả chân trời hồng

và cả mầu trời xanh biếc

mênh mang, vời vợi

đều hiển hiện trong lòng mắt tôi

xanh nghĩa là xanh cho ai

hồng nghĩa là hồng cho ai

nghiêng mình trên dòng nước trong, em hỏi

hiện hữu ca lời duy nhất nhiệm mầu

tôi bỗng mỉm cười hồn nhiên trước đêm sâu hồn nhiên trinh bạch

i biết vì tôi còn đấy nên em còn đó

và hiện hữu em trở về bừng tỏa nơi nụ cười huyền diệu của đêm nay

sải tay, tôi bơi đi

bình yên

trong dòng suối trong, im lặng,

tiếng nước thì thầm bên tai, êm ái,

i ngửa mặt nhìn trời cao, đầu tôi gối sóng

còn kia, đúng rồi, mây trắng trời xanh

xao xác lá thu trong rừng cây

và ngây ngất hương thơm của cỏ rơm đồng nội

kìa ngôi sao khuya đưa lối

cho tôi trở về.

tôi biết là em còn đó, vì tôi còn đây

vòng tay nhận thức, vô lượng do tuần, nối liền diệt sinh năng sở

và tôi đã thấy

trong lòng đêm thâu hay trong lòng bao la nhận thức

của em, cũng như của vườn hoa lá

tôi đã tự bao giờ, vẫn là duyên thân sở duyên

diệu hữu ca lời chân không mầu nhiệm.

đêm thâu còn đang nguyên vẹn

âm thanh hình bóng em về tràn đầy nơi hữu thể

bởi vì đêm nay

tỳ tay trên cửa sổ

và chân không trên nền đất mát

Tôi còn đây, đang hiện hữu cho em.

Bài này tôi được nghe Thầy giảng rất kỹ tại Đại học Vạn Hạnh hồi tôi còn theo học lớp Pháp tướng Duy thức học. Tôi còn nhớ có một anh sinh viên ngồi ở hàng ghế đầu, sau khi nghe Thầy giảng, đã nói với Thầy: “Bây giờ con mới hiểu được bài thơ. Trước đây con đã đọc nó nhiều lần mà không hiểu gì cả và cứ nghĩ rằng có thể vì nó bí hiểm quá hoặc có thể nó chẳng có ý nghĩa gì cả”. Thầy chỉ cười. Sau đó đọc lại Nẻo về của Ý, tôi nhận ra là có một đoạn Thầy nói về bài thơ này. Tôi xin phép trích đoạn ấy ra sau đây, bởi vì tôi nghĩ rằng dù tôi cố gắng mấy để nói về bài thơ thì cũng không thể nói được rõ bằng tác giả: “Những dòng này do tôi viết và Nguyên Hưng sẽ đọc. Những dòng này hiện giờ Nguyên Hưng chưa đọc. Vậy thì những dòng này, kể cả bản chất, tư tưởng, tình cảm, giấy, mực, thời gian, không gian, nét chữ, vân vân… Chỉ nằm trong nhận thức tôi. Và cả Nguyên Hưng nữa, Nguyên Hưng đối tượng của những dòng chữ này, cũng nằm trong nhận thức tôi. Mà tất cả mọi hiện tượng khác như quê hương Việt Nam với những cây cam cây bưởi đầy hoa, những cây dừa duyên dáng, những cây cau cao vút và thẳng băng, cũng như thành phố náo nhiệt tôi ở đây, cũng như mặt trời, tuyết, mây, trăng, sao… Đều nằm trong nhận thức tôi. Tt cả đều là khái niệm và thế giới của tôi trong đó có Nguyên Hưng, có cây bưởi, cây chanh, cây khế, cũng là một thể giới khái niệm. Vài hôm nữa, khi những dòng này tới tay Nguyên Hưng, Nguyên Hưng sẽ thấy tôi hiện hữu trong đó, thành phố tôi hiện hữu trong đó, nhưng mà tất cả những thứ ấy cũng trở thành khái niệm trong nhận thức của Nguyên Hưng và không thể được đồng nhất với đối tượng của nhận thức tôi. Vậy ta cứ cho rằng thực tại bản thân, tánh cảnh vô chất, nằm trong phần căn bản của nhận thức cộng đồng, hoặc có thể gọi là tự thể phần của thức hay của thức cộng đồng cộng biến; còn thế giới khái niệm, thế giới đới chất và độc ảnh, là thế giới được tạo tác nên do khuynh hướng biến kế chấp trong đó tướng phần và kiến phần là hai mặt hiện tượng của một tự thể… Điều này tôi thấy rõ trong một buổi khuya ở chùa Trúc Lâm cách đây chưa đầy hai năm. Đêm đó tôi thức dậy lúc hai giờ rưỡi khuya và không ngủ lại được nữa. Tôi nằm yên lặng cho đến khi chuông khuya bắt đầu ngân nga mới trỗi dậy, tôi đưa chân xuống tìm đôi dép nhưng không tìm ra, có lẽ đôi dép bị tôi đẩy vào gầm giường tự hồi tối. Tôi không tìm đôi dép nữa, cứ đi chân trên nền đất tìm ra cửa sổ. Nền đất lạnh gây nên cảm giác mát lạnh nơi gan bàn chân của tôi, và sự thấm lạnh ấy đột nhiên khiến tôi tỉnh táo và minh mẫn một cách lạ thường. Tôi đi từng bước tìm tới cửa sổ và tì tay nơi cửa sổ nhìn ra ngoài. Trời đất vẫn còn đen tối và tôi không nhìn thấy được gì cả. Tuy nhiên trong đêm đen tôi vẫn biết là cây lá trong vườn còn đó, và bụi trúc đào cũng còn đó ở góc bên kia. Cây hoa dại vẫn còn ở trước cửa sổ tôi. Mà sở dĩ như vậy là tại vì chủ thể nhận thức không thể tồn tại ngoài đối tượng nhận thức. Trong lòng đêm thâu hay trong lòng nhận thức cũng vậy, khóm trúc, cây hoa dại dang đóng vai trò đối tượng sở duyên. Và nhờ có sở duyên mới có được năng duyên; chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức không thể rời nhau. Và ngoài kia, núi sông, trời đất, những ngôi sao lớn nhất, và thực hữu, và mặt trời của tôi cũng chỉ nằm trong lòng nhận thức. Đột nhiên thời gian và khoảng cách tự tiêu diệt, tan biến. Đột nhiên năng và sở tan biến. Đột nhiên diệt và sinh tan biến. Dù em có xa cách muôn vạn do tuần, thì muôn vạn do tuần ấy cũng được nối liền trong một lần hư trần. Dù cho bách thiên vạn kiếp thì bách thiên vạn kiếp ấy cũng trở về nối liền với hiện tại trong một sát na. Hiện hữu của em tự nhiên trở về bừng tỏa nơi nhận thức tôi. Đột nhiên tôi mỉm cười. Có lẽ lúc ấy mà có một người nhìn thấy được tôi cười trước một đêm đen không trông thấy gì, không trông thấy ai mà cũng không có gì trông thấy mình, không có ai trông thấy mình, người ấy sẽ ngạc nhiên, hoặc có thể hoảng sợ lạnh tới xương sống. Bởi vì cái cười của tôi đối với người ấy có thể có tính cách ma quái hoặc là của một người sắp sửa điên. Có chi mà đứng mỉm cười trước một cái màn đêm đen nghịt và vô nghĩa như vậy. Nhưng Nguyên Hưng biết rằng màn đêm tuy có đen nghịt thật nhưng không vô nghĩa chút nào. Nó trở thành rạng rỡ vô cùng trong nhận     thức tôi lúc đó. Và hiện hữu mầu nhiệm trở thành bừng tỏa nơi nụ cười huyền diệu ấy. Tôi biết là em còn đó vì tôi còn đây và tôi biết vì tôi còn đây nên em còn đó. Nếu có thì năng duyên sở duyên cùng có, nếu không thì năng duyên sở duyên cùng không. Cho nên chủ và khách cũng thuộc về một tự thể và trong chủ đã có sẵn khách.

Tôi biết rằng lát nữa khi bình minh về thì sẽ cũng không có gì khác lạ xảy ra trên bình diện hữu thể. Màu trời xanh biếc phương tây và màu chân trời hồng đỏ phương đông cũng chỉ là xanh và hồng trong nhận thức tôi. Xanh không phải thuộc về một tự thể xanh và hồng cũng không thuộc về một tự thể hồng. Xanh chỉ có nghĩa là xanh đối với tôi, trong nhận thức tôi. Cũng như hồng. Cũng như Sinh. Cũng như Diệt. Cũng như Đồng. Cũng như Dị. Cũng như Lai. Cũng như Khứ. Tất cả đều chỉ là hình ảnh nhận thức. Nhìn vào mắt tôi đi, và em sẽ thấy em trong đó. Em rạng rỡ thì mắt tôi cũng rạng rỡ. Em mầu nhiệm thì nhận thức tôi cũng thành mầu nhiệm. Và ngược lại, tôi xa xăm thì em, hình bóng em và tự thể em, cũng trở nên xa xăm. Hãy nhìn vào mắt tôi em sẽ biết vũ trụ của tôi sáng hay tối, thiện hay ác, vô cùng hay hữu hạn, sinh tử hay niết bàn. Có lần Trụ Vũ nói:

 

bởi vì mắt thấy trời xanh

cho nên mắt cũng long lanh màu trời

bởi vì mắt thấy biển khơi

cho nên mắt cũng xa vời đại dương

 

Nguyên Hưng, khi nụ cười trong đêm thâu bừng nở rồi thì tôi có cảm giác nhẹ nhàng như mây khói và tôi thấy tôi nằm ngửa, bơi nhẹ nhàng trên một dòng suối mát lạnh. Đầu tôi gối trên những gối sóng nhỏ. Nhìn lên trời tôi thấy trời xanh mây trắng của ngày cũ. Mây vẫn trắng, trời vẫn xanh. Mây có thể lại trắng hơn và trắng xanh hơn. Đó phải chăng là dấu hiệu của thực tại bất sinh bất diệt? Tôi nghe lá thu khô xào xạc trong rừng cây, tôi ngửi thấy hương thơm ngất ngây của cỏ rơm đồng nội.

Những cảm giác ấy thoáng qua mau khi tôi trông thấy một ngôi sao trên trời. Ngôi sao đưa lối cho tôi trở về trước cửa sổ, hai chân trên nền đất mát và hai bàn tay tì lên song cửa. Tôi còn đây, tôi hiện hữu, cho thế giới hiện hữu, cho em hiện hữu. Cũng như hòn sạn kia, cũng như đám mây kia. Sự hiện hữu của chúng kéo theo sự hiện hữu của tôi. Và nếu viên cuội kia mà không thật sự hiện hữu thì tôi đây làm sao hiện hữu được? Đã có thì có từ hạt bụi. Mà hạt bụi đã không thì tam thiên đại thiên thế giới cũng không. Tôi cũng không. Em cũng không.”