Vô khứ lai từ
thiếu tiểu ly gia lão đại hồi
hương âm vô cải phát mao thôi
nhi đồng tương kiến bất tương thức
tiếu vấn lão tòng hà xứ lai.
lão tòng hà xứ lai
tôi cũng đến từ nơi em đã đến
nhưng em không nghĩ rằng chúng ta có quen nhau
tôi vuốt bộ râu tuyết sáng nay
lá non trên đọt cây
một buổi mai
mơn mởn sắc mầu
thấy mình không hề quen hạt mầm năm trước
thấy mình không quen gốc cũ
làng cũ tên không đổi
hai mươi năm
nay thành làng của em
trước đôi mắt ngơ ngác kia
tôi chỉ là ông khách lạ
một cụ già chống gậy về làng
buổi sáng mùa thu
tới hay lui
đi hay về
trong chúng ta, ai không là người qua lại?
lão tòng hà xứ lai
em không thấy
(mà sao em thấy được
bài hát ca dao xưa
nếu giờ tôi có hát
em cũng không nhìn nhận được tôi mà)
em cười khi tôi nói
đây là làng của tôi
tôi cũng cười vang
khi em nói tôi là người mới đến
bụi tre
bến nước
đình làng
còn đó – có đổi thay mà không đổi thay
(duy tên làng không thay đổi)
một gốc măng mới
một mái ngói đỏ
một con đường nhỏ
một đứa trẻ thơ
tôi về làm chi
nào tôi có biết
một thoáng hương xưa
người lữ khách
không chốn khởi hành
và không nơi tới
kẻ vãng lai tam giới
là ai?
kiếp luân hồi xưa
khoai sắn
đồng cỏ
toóc[1] rã rơm khô
bạn về quê bạn
tôi thấy khắp nơi
em thơ
mái ngói đỏ
con đường nhỏ
quá khứ tương lai nhìn mặt
bên nớ bên ni là một
nẻo về tiếp nối đường đi
Đề tài “khứ lai” (đến và đi) được tác giả đề cập đến trong nhiều bài thơ của ông. Ở trong các bài Lưu chuyển (TDD), Một mũi tên rơi hai cờ ảo tượng (CTNC) và Vô khứ lai từ (TDC) này, đề tài ấy được đề cập một cách tràn đầy nhất. Ông mượn bốn câu thơ của Hạ Tri Chương để mở đầu bài thơ của ông. Bốn câu ấy có nghĩa như sau:
Bỏ nhà ra đi từ hồi còn ấu thơ, nay trở về thì đã già,
Tên làng vẫn y cũ, chỉ có râu tóc mình đã bạc phơ
Bọn con nít trong làng thấy mình mà không biết mình
Cho nên cười hỏi: cụ từ xứ nào mới đến?
Tác giả trả lời ngay thay cho ông lão: “Tôi cũng đến từ nơi em đã đến”. Ông dùng hình ảnh cụ già và các em bé để nói ràng ý niệm về đến và đi của chúng ta, cũng như của các em bé kết thành từ một nhận thức rất giới hạn. Một khi đã vượt ra được giới hạn này thì con người sẽ thấy “quá khứ tương lai nhìn mặt”, “bên nớ bên ni là một” và nẻo về chỉ là sự tiếp nối của đường đi… Cũng nên nhắc lại là câu chót của bài thơ “nẻo về tiếp nối đường đi” đã được tác giả lấy làm đầu đề cho một vở kịch ông viết về Nhất Chi Mai. Vở kịch này đã được họa sĩ Võ Đình dịch ra tiếng Anh và được xuất bản ở Hoa Kỳ dưới nhan đề The Path of Return Continues the Journey.
- [1] Rạ, tức phần thân bỏ đi của cây lúa, theo phương ngữ Quảng Trị.