Thông điệp
trán tôi đã từng nhăn
và ưu tư của cuộc đời đã về ghi dấu chân nặng nề
trên khoảng trời mai ấy
nhưng trẻ thơ tâm hồn tôi hôm nay trở lại
hoa lá về trên nụ cười buông thả
vô tình xóa mờ những nếp nhăn đi
như mưa chiều nay xóa đi những dấu chân trên bãi vắng – qua một chu kỳ
tôi đi giữa rừng chông gai như đi giữa vườn kỳ hoa dị thảo
đầu cất cao, nụ cười ngày xưa còn đó
những vần thơ đã nở trong tiếng gào súng đạn
nước mắt ngày xưa khóc nắng quái chiều hôm trên chiến trường vàng vọt
bỗng đã trở thành mưa; tiếng mưa rơi êm êm trên mái lá
quê hương tuổi thơ thầm gọi tôi về
mưa xóa đi bao tâm tư sầu muộn
tôi vẫn còn – nụ cười chiều nay bình lặng,
trái ngọt chín trên cây rừng cay đắng
ôm xác em thơ, tôi băng qua ruộng lúa quê hương đêm nay
đất mẹ sẽ gìn giữ em
để trên bãi cỏ xanh non, sáng mai này em sẽ luân hồi thành những bông hoa mới
những bông hoa cười trầm lặng trong bình minh đồng nội
giờ phút này em có còn khóc đâu – qua một đêm dài thăm thẳm sâu
sáng nay tôi quỳ trên bãi cỏ xanh khi trông thấy
những bông hoa mang nụ cười huyền diệu
thông điệp của hy sinh của trầm lặng quả đã tới nơi rồi.
Đây là một bài thơ rất được phổ biến trong giới nhân bản và tôn giáo Tây phương. Bài này đã được Thầy tự tay dịch ra Anh ngữ, vào khoảng năm 1965. Tổ chức F.O.R đã in bài thơ này trong một thiệp chúc giáng sinh. Bản dịch tiếng Anh đã được nhạc sĩ Donald Swann phổ nhạc. Tại đại nhạc hội tổ chức tại Luân Đôn ngày 16 tháng 3 năm 1971, có Thầy tham dự, nhạc sĩ Donald Swann đã trình diễn bản nhạc này. Tại Hoa Kỳ nhạc sĩ Richard Wunder cũng phổ nhạc bản dịch Anh ngữ của bài thơ và ông cũng đã trình diễn bài này với giọng tenor, nghệ sĩ Mary Ellen O’Neil đệm dương cầm trong một đại nhạc hội tổ chức tại Salt Lake City ngày 6 tháng 1 năm 1976. Bài thơ này cũng được nữ sĩ Michèle Chamant dịch ra Pháp văn. Bản dịch này được nhạc sĩ Graeme Allwright phổ nhạc và trình diễn tại rạp Olympia và sau đó đi trình diễn rất nhiều nơi trên đất Pháp trước khi đưa vào đĩa nhạc Questions do nhà Intersong thực hiện năm 1978.