Những hàng đậu mới
tôi là tôi của đất
đất là đất của tôi
tôi gửi tôi cho đất
đất gửi đất cho tôi
những hạt đậu sáng nay
nẩy mầm thành những hàng dài
hai chiếc lá non chắp tay trên đầu
chào ánh sáng.
Phương Vân Am là nơi tĩnh cư của Thầy. Am này được tạo dựng từ năm 1970. Hồi đó Phái đoàn Phật giáo còn đặt trụ sở tại số 11 Rue de la Goutte d’Or, Paris, còn Thầy cư trú tại Maisons-Alfort. Một hôm ở tại văn phòng đường Goutte d’Or, tôi kể chuyện chuyến đi hội thảo của tôi tại vùng Massif Central do một nhóm trẻ bất bạo động người Pháp tổ chức, và nói đến cái nông trại của họ mới mua làm trụ sở mà giá tiền chỉ là năm ngàn quan Pháp hồi đó. Thầy nghe nói thì rất ưa, bởi vì lâu nay tại Maisons-Alfort Thầy chỉ trồng được rau thơm trong những chiếc chậu để ở cửa sổ. Một hôm, Thầy, chú Thanh Hương và tôi để trọn cả ngày đi về phương Nam phía rừng Othe để tiếp xúc với các văn phòng chuyển nhượng bất động sản, nhờ họ đi tìm giùm một nông trại nhỏ bỏ hoang mà chủ nhân muốn bán. Chúng tôi đi thăm khoảng mười bốn cái nông trại như thế, nhưng không ưng ý lắm; cái thì đắt, cái thì cuộc đất không được thanh thoát lắm. Cuối cùng, khi trời đã gần tối, chúng tôi tìm được Phương Vân Am trên một triền đồi, phong cảnh có vẻ thanh tú. Phía trước và phía sau đều có đồi núi, và vị trí không xa quốc lộ 60. Đó là một nông trại bỏ hoang từ lâu, mái đã dột, một phía tường của chuồng bò đã bị sập. Có chừng ba ngàn thước vuông đất, mỗi thước tính ra chỉ độ một quan. Cửa sổ và cửa chính hư hết, các bức tường đều phải làm lại. Cái nhà đã được xây dựng cách đó khoảng một trăm năm chục năm. Ông thân sinh của bác chủ garage trong làng, năm ấy bảy mươi mấy tuổi nói rằng ông đã được sinh ra trong nhà ấy. Chúng tôi mua nông trại với cách thức trả góp. Ở đây thường có sương mù, nhất là vào mùa thu và mùa đông. Có vẻ một vân thâm xứ, Thầy hay nói như vậy. Phương Vân cách Paris chưa đầy một trăm sáu mươi cây số về phía đông nam. Mỗi lần về đây, chúng tôi lo xây lại những bức tường, sửa lại cửa và cuốc đất trồng rau. Tham dự vào việc xây dựng lại Phương Vân có chú Thành, chú Hòa, chú Hương, anh Hải, Văn Phát, Laura và tôi. Ai cũng học trộn hồ và cầm bay. Năm 1972, thầy Huyền Quang có về ngủ một đêm tại đây, khi chúng tôi chưa có lò sưởi và giường ngủ. Thầy ngủ trên một tấm ván trải mền cho bớt lạnh. Thầy Nhất Hạnh rất ưa cuốc đất trồng rau; bác Sâm cứ ngỡ là Thầy chỉ làm đất theo lối tài tử, nhưng thật ra Thầy làm vườn giỏi lắm. Thầy đã học làm vườn từ hồi còn làm điệu ở Chùa Từ Hiếu. Thầy chỉ thua có chú Thành (Thiện Thắng) mà thôi, bởi vì chú Thành khỏe nhất trong đám chúng tôi. Ngò và cải của năm đầu lên rất tốt mà không cần bỏ phân gì hết. Tôi còn nhớ vẻ mặt hớn hở của mọi người khi hái hàng giỏ rau to tướng đầy những rau tần (cải cúc) và cải bẹ xanh bụ bẫm rồi hăm hở đi Paris định “bỏ mối” cho các hiệu thực phẩm Việt Nam. Thỉnh thoảng tôi vẫn ghé các hiệu này mua rau tần hay bẹ xanh. Một bó nhỏ xíu cũng phải ba quan. Chúng tôi nghĩ họ trả ít nhất cũng được một quan rưỡi tiền mua vào. Nhưng bà chủ hiệu săm soi bó rau và bảo chỉ có thể trả bảy mươi lăm xu một bó chúng tôi đã quyết định không bán nữa. Các bạn của phái đoàn tuy đông nhưng ở rải rác quá, làm sao mà đem tặng cho kịp trong ngày? Sau cùng chúng tôi quyết định ghé tất cả các nhà Việt Nam, các quán ăn Việt Nam nằm trên con đường về văn phòng, tặng mỗi nơi năm bó rau. Nét mặt của người nào cũng hớn hở khi nhìn những bó rau bụ bẫm, mơn mởn của Phương Vân. Nhà nào, quán nào cũng nài nỉ mời chúng tôi ở lại ăn cơm với họ. Laura cười quá mỗi khi nhắc đến lối “đầu tư” mới này, bởi vì nếu chúng tôi có giờ ngồi lại ăn cơm mỗi nhà, mỗi quán, thì chắc là tiền cơm mấy chị em đã cao hơn tiền bán rau nhiều.
Bài thơ trên đây là một trong những bài Thầy làm về chuyện trồng rau. Sáng hôm ấy, ra thăm vườn Thầy thấy những hàng đậu gieo đã lên và những hạt đậu đưa những chiếc lá non, chắp tay trên đầu sửa soạn chào ánh sáng. Có lần đi hội nghị xa trong mùa hè, uống cốc nước lọc, Thầy nhớ tới những luống rau ở Phương Vân và viết:
cốc nước lọc trên tay
nắng đã mấy hôm
ngoài ngàn dặm
mấy luống rau thơm
đợi tôi về
tưới mát.