Thử tìm dấu chân trên cát

Lời đầu tập

Hồi còn làm giảng nghiệm viên trường Khoa học, tức là vào khoảng 1961 – 1962, thỉnh thoảng tôi lại cùng các bạn như Thu Hà, Huệ Dương, Khanh, Bá Dương, Chiểu, Nhiên, Chi, Diệp, Bích… lên chùa Trúc Lâm ở Gò Vấp chơi để thăm các thầy Nhất Hạnh, Châu Toàn, Thanh Văn và Đồng Bổn. Chùa Trúc Lâm là một nơi êm mát có nhiều cây mai vàng, bông sứ, nhiều bụi tre mạnh tông khỏe đẹp và nhiều cây mít đầy trái, từ gốc đến ngọn. Hồi đó, chúng tôi chưa biết tài nấu bếp của thầy Châu Toàn và thầy Nhất Hạnh, nhưng chúng tôi đã khâm phục tài kho mít của thầy Đồng Bổn và tài nấu hủ tiếu chay của thầy Thanh Văn. Hai mươi năm rồi mà tôi vẫn còn nhớ món mít kho thơm ngon của thầy Đồng Bổn, trú trì của chùa Trúc Lâm, người chịu trách nhiệm về mọi sinh hoạt tài chánh của chùa. Món hủ tiếu chay của thầy Thanh Văn là một món đặc biệt không thể quên được. Trước khi ăn, ta phải lấy muỗng múc đậu phộng tán nhỏ bỏ lên tô hủ tiếu, rồi bẻ bánh tráng nướng bỏ lên mặt hủ tiếu trước khi để rau thơm. Chùa Trúc Lâm thiệt là một nguồn vui của chúng tôi hồi ấy. Chùa tuy nghèo nhưng đẹp, mát và thanh tịnh. Bốn thầy ở với nhau như bốn anh em ruột, hòa thuận và thương yêu nhau. Tôi chưa từng thấy anh em ruột thương nhau như vậy bao giờ. Thầy Châu Toàn cắm hoa và viết chữ nho rất đẹp. Chùa đẹp là nhờ sự có mặt của thầy. Cây cảnh trong vườn, màu sơn của các bức vách, vị trí của những cây trúc, nét chữ của những bài thơ trên tường… Tất cả đều do thầy. Còn thầy Nhất Hạnh thì không làm gì cả, nhưng được cả ba thầy kia thương mến, coi như người anh cả. Thầy Nhất Hạnh chỉ đi ra đi vào, tán thưởng sự có mặt và tài nghệ của ba người em đồng đạo và nuôi dưỡng họ bằng tấm lòng tri kỷ của Thầy đối với họ. Có thể nói là Thầy nuôi dưỡng họ bằng thơ của Thầy. Chúng tôi đến Trúc Lâm một phần vì chùa đẹp, một phần vì không khí thân mật giữa bốn thầy, một phần vì mít kho của thầy Đồng Bổn, hủ tiếu chay của thầy Thanh Văn, nụ cười của thầy Châu Toàn và thơ của thầy Nhất Hạnh. Đúng vậy, mỗi khi lên chùa, chúng tôi đều được thầy Nhất Hạnh đọc thơ cho nghe. Thầy Nhất Hạnh có một cái “cốc” nằm phía bên trái chánh điện, phía trước là một cây sứ bông trắng, phía trái là một cây mai vàng và phía sau là những bụi tre mạnh tông xòe lá im mát. Chúng tôi thường tụ họp phía hiên trước, bắc ghế ngồi nghe đọc thơ. Cả ba thầy kia (và một chú điệu nữa tên là điệu Dông mà bây giờ đã trở thành một thầy rồi) cũng ngồi nghe thơ với chúng tôi. Nghe thơ xong, chúng tôi lại được hỏi chuyện về đạo Phật với các thầy. Có bữa chúng tôi ở lại khuya quá, lúc ra về nhìn lên thấy trời đầy sao. Cả lũ, có khi đến mười mấy đứa, chở nhau trên xe gắn máy đi chật cả đường phố về đêm.

Sau này lúc chúng tôi theo học lớp giáo lý mở cho sinh viên tại chùa Ấn Quang và chùa Xá Lợi, chúng tôi cũng được gặp thầy Nhất Hạnh, được hỏi về giáo lý, nhưng Thầy chỉ đọc thơ mỗi khi chúng tôi được gặp Thầy tại chùa Trúc Lâm. Về sau, khi Viện Cao đẳng Phật học Sài Gòn được thiết lập (1964), số lượng chúng tôi trở thành đông đảo, nhưng những người tới nghe thơ vẫn chỉ là một nhóm nhỏ khoảng trên dưới mười người. Các bạn như Trâm, Nguyên, Quyền… rất đắc lực trong việc kiến thiết các làng hoa tiêu làm cơ bản cho việc thiết lập Trường Thanh niên Phụng sự Xã hội sau này, rất chăm đi họp, nhưng không thích ngồi nghe thơ. Mỗi tuần thầy Nhất Hạnh chỉ về được Trúc Lâm có một lần. Thỉnh thoảng gặp Thầy tại chùa Pháp Hộ, trụ sở đầu tiên của Viện Cao đẳng Phật học, chúng tôi cũng được nghe thơ. Có một điều tức cười là một hôm chúng tôi đến, Thầy mở một cuốn băng thơ của Thầy ra, và chúng tôi bằng lòng ngồi nghe từ cuốn băng đó trong khi Thầy sang phòng khác viết một chương Nẻo về của Ý cho báo Hải Triều Âm đăng, vì Thầy vừa bị thầy Châu Toàn, lúc ấy là thư ký tòa soạn Hải Triều Âm, đến thúc bài. Nhờ theo học ba năm tại phân khoa Phật học Đại học Vạn Hạnh (tôi có theo học các chứng chỉ Pháp tướng Duy thức học và Pháp tính Không tuệ học) nên tôi bắt đầu hiểu được một số những bài thơ của Thầy mà ngày xưa nghe chỉ thấy hay thôi chứ không thực sự thâm nhập. Điều quý nhất là thỉnh thoảng mỗi khi nghe xong một bài thơ, chúng tôi lại được Thầy nói cho nghe trường hợp mà bài thơ đó được hình thành. Có bài không hiểu thì chúng tôi hỏi. V ì vậy mà tôi nghĩ rằng có những bài thơ hầu như không thể hiện được nếu ta không biết trường hợp sáng tác của nó. Cũng do đó, từ lâu tôi có ý muốn ghi lại những cớ sự, những giai thoại có liên hệ tới những bài thơ mà tôi đã được nghe và rất thích. Sau này được làm việc với Thầy trong Trường Thanh niên Phụng sự Xã hội và Phái đoàn Hòa bình của Giáo hội Phật giáo tại Hải ngoại, tôi được làm quen với nhiều bạn mới như anh Võ Đình, anh Bính, anh Hướng, chị Huệ Châu, các bạn Thomas, Kirsten, Jim, Laura, Philippe, Martine, Mobi, Pierre, Juul, Neige, Linda… tôi lại có dịp ngồi nghe Thầy đọc thơ và nói chuyện thơ, có khi bằng tiếng Việt, có khi bằng tiếng Anh hay tiếng Pháp.

Mùa thu năm 1978, đi cứu trợ (suýt chết) trên vịnh Thái Lan về, tôi xin được nghỉ ngơi một tháng. Tôi nhân cơ hội ngồi ghi chép lại những gì tôi nghe và còn nhớ về thơ Thầy. Chắc chắn là tôi quên nhiều. Nhưng nghĩ rằng những gì còn nhớ mà không ghi lại thì uổng lắm, cho nên tôi không ngần ngại ngồi xuống ghi chép. Trong khi ghi chép, tôi nhận ra sự liên hệ rất mật thiết giữa thơ và đời sống hàng ngày của Thầy. Chưa bao giờ tôi thấy thơ quan trọng như vậy. Có điều tiếc là tôi chưa thu thập đủ thơ Thầy. Tập thơ chép tay của Thầy ở Phật học đường Báo Quốc vào khoảng 1946 đã mất. Tập Tiếng địch chiều thu do nhà Long Giang xuất bản năm 1949 ngày xưa tôi có, nay cũng đã mất. Tập Ánh xuân vàng, cũng do Long Giang xuất bản năm 1950 hay 1951 gì đó, cũng chưa tìm ra được. Tiếc nhất là tập thơ chép tay của Thầy tàng trữ tại chùa Pháp Hội khoảng 1964 – 1965. Tập này do chính tay Thầy chép những bài thơ mà Thầy còn giữ lại được. Cuốn tập bìa cứng, dày có đến năm phân, do chính tay thầy Thanh Tuệ đóng rất đẹp để tặng Thầy. Những bài trong Chắp tay nguyện cầu cho bồ câu trắng hiện đều trích ra từ tập này. Ngày xưa tôi đã từng trông được lật xem qua. Anh Tam Ích trong một dịp đến chơi nhà Lá Bối cũng có được đọc qua. Anh đã viết cảm tưởng của anh về tập ấy trong sách Ý văn, lời văn do Lá Bối ấn hành năm 1967. Vậy mà tập ấy bây giờ không còn thì thử hỏi tôi không tiếc sao được. Tôi chỉ có hai tập Chắp tay nguyện cầu cho bồ câu trắng hiện Tiếng đập cánh loài chim lớn cùng với những bài thơ sưu tập được từ các tạp chí Phật giáo Việt Nam, Hải Triều Âm Thiện Mỹ. Tôi lại may mắn có tập thơ Ngụ ngôn của Thầy do Đuốc Tuệ ấn hành năm 1950 và một số bài Thầy trao cho trên những tờ giấy rời đựng trong một cặp giấy lớn có ghi bốn chữ “Dấu chân trên cát”. Có khi trong hồ sơ văn phòng Phái đoàn tôi bắt gặp những bài thơ viết vội trên một mảnh giấy nhỏ hoặc trên một cái phong bì cũ. Tôi đã sưu tập tất cả những thứ đó. Hy vọng việc làm của tôi có thể góp một niềm vui nho nhỏ cho những người ưa thích thơ của Thầy. Tôi nghĩ ít ra cuốn sách nhỏ này cũng giữ lại được một số thơ không để chúng rơi rớt mất mát thêm nữa.

Những ghi chép của tôi trong tập này coi như những cố gắng đi tìm những dấu chân trên cát, cho nên tôi sẽ đặt tên tập thơ là Thử tìm dấu chân trên cát.

Khởi viết từ tháng 10 năm 1978 mà đến nay tôi mới hoàn thành được tập này, đó là tại vì tôi chỉ có thể để dành những ngày cuối tuần cho nó. Nhưng dù sao bây giờ nó cũng đã được hoàn tất rồi, tôi xin trân trọng đề tặng nó cho tất cả những người bạn của tôi, những người ít nhiều đã được nuôi dưỡng bằng thơ của thầy Nhất Hạnh.

Ngày Lập xuân Canh Thân 1980

Chân Không CAO NGỌC PHƯỢNG