Chúng ta hãy trả lời
một bông sen nở trên đại dương
bé sinh ra
giữa muôn trùng sóng nước.
giữa khuya này, đêm ba mươi tháng Giêng
hai trăm tám mươi mốt người trên thuyền lặng im
nghe sóng đêm cầu nguyện.
tám người thủy thủ
yên lặng cho thuyền hướng về phương Nam
nước uống đã cạn rồi
tàu chạy về gần cù lao Tiên An Môn
cầu cứu.
biển đêm
sóng vỗ mạn thuyền
trăng lặn lâu rồi
ánh sao soi đường cho bé vào đời
dưới kia nhấp nhô đầu sóng bạc.
một bà mẹ nằm trên boong tàu
chuẩn bị cho bé vào đời,
cả thuyền không có một phòng riêng:
người bác sĩ
cũng là giới lênh đênh bèo nước.
tiếng khóc chào đời của bé
bị át đi trong tiếng gió
người mẹ mỉm cười yếu ớt
bác sĩ đứng lên loan báo tin mừng
hai trăm tám mươi người vỗ tay.
vị thuyền trưởng hô to:
chúng ta đi về phương Nam
Dân số chúng ta trở thành hai trăm tám hai
xin mọi người cảm ơn trời Phật.
chiếc máy điện thoại nối liền
chuyển niềm vui lên lục địa
khuya nay trên đất liền có người hay tin
bé đã chào đời
bé Rolanda Nguyễn Thị
bé từ đâu tới nhỉ?
và bé đang đi về đâu?
tại sao lại chọn nơi ra đời giữa đại dương
trên chiếc thuyền lưu lạc?
bé không hỏi
nhưng chúng ta hãy trả lời
ai nỡ để bông sen nở nửa đêm
chìm sâu lòng đại dương
bạn ơi hãy trả lời cho chúng tôi
chúng ta phải đem bé đi về hướng nào?
tôi cần bàn tay bạn.
Bài này Thầy viết hồi còn làm Giám đốc Chương trình Cứu trợ người tị nạn trên biển, văn phòng đặt tại Singapore, sau khi nghe tin em bé Nguyễn Thị Rolanda vừa sinh trên chiếc tàu cứu trợ Roland. Ba má em đặt tên em là Nguyễn Thị Roland để đánh dấu sự kiện em sinh trên chiếc tàu này, trên biển khơi, nhưng Thầy đã đề nghị chữa lại thành Rolanda cho cái tên bớt có tính cách “nam nhi” đi một chút. Hồi đó ngoài chiếc Roland, chương trình Máu Chảy Ruột Mềm của tổ chức Tôn giáo Thế giới và Hòa bình (World Conference on Religion and Peace) do Thầy điều hành còn có các chiếc Sài Gòn 200 do Allan Crandon làm thuyền trưởng và chiếc Leapdaal do Vương Hồ điều khiển nữa. Chiếc Roland do Mc Mahon làm thuyền trưởng. Chiếc này chở hai trăm tám mươi mốt người tị nạn. Chiếc Leapdal chở trên ba trăm người. Còn chiếc Saigon 200 rất nhỏ, chạy mau, dùng để khám phá sự có mặt của những thuyền tị nạn. Chương trình bắt đầu tháng Chạp năm 1976 sau khi hội nghị Tôn giáo Á châu và Hòa bình bế mạc tại Singapore ngày 30 tháng 11 năm 1976. Tuy Thầy làm giám đốc điều hành của chương trình, chức vụ giám đốc quản trị lại do Giáo sư Yoshiaki Iisaka đứng và thủ quỹ là các ông Willie Tay Kim San và Mahaver Singh. Tôi được hội nghị đánh điện mời làm phụ tá điều hành cho Thầy. Ngoài ra, trong Ủy ban còn có bác sĩ Choy Leng, có Nancy Chug, Mobi Quynh Hoa, Luc Fogarty, Diễm Trang, Bob Allan, Vương Hồ, Kirsten Roep và anh Mừng.
Hồi đó trên thế giới chưa mấy ai nghe nói đến thuyền nhân (boat people). Các tàu bè qua lại vịnh Xiêm La không dám vớt người tị nạn bởi vì không có bến nào chịu cho người tị nạn lên. Ghe đánh cá vớt người tị nạn thì bị phạt và bị tù. Tàu nào vớt người tị nạn sẽ không được phép cập bến dỡ hàng, lấy dầu, lấy nước. Nếu tàu ấy cần ghé Singapore gấp để dỡ hàng, chủ tàu sẽ phải đóng tiền thế chân là mười ngàn Mỹ kim mỗi đầu người tị nạn. Tháng 12 năm 1976 có một tàu Nhật chở hàng hóa Yokohama – Singapore lỡ vớt 92 người tị nạn. Khi cần ghé Singapore ba ngày để bốc hàng, tòa Đại sứ Nhật đã phải đóng cho chính phủ Singapore một triệu Mỹ kim tiền thế chân, phòng khi dân tị nạn lên trốn vào xứ này, chính phủ Singapore sẽ có sẵn tiền bồi thường. Những người đã vào được trại tị nạn là những người đã khôn ngoan đục chìm thuyền của họ trước khi nhà chức trách địa phương bắt được họ. Các trại tị nạn hồi đó cực khổ hơn bây giờ nhiều. Chỗ cư trú có rắn rít rất nhiều; thực phẩm và thuốc men thiếu thốn; lính địa phương đánh đập và thỉnh thoảng cũng có hãm hiếp phụ nữ tị nạn mà không ai dám làm gì cả. Có trại đêm nào cũng phải cung cấp đàn bà cho cảnh sát địa phương, nếu không thì cả trại bị đối xử tàn tệ. Chúng tôi đã phái người đi điều tra về tất cả các trại hồi đó tại các nước Nam Dương, Mã Lai Á và Thái Lan. Có nhiều thuyền tị nạn chỉ được phép neo tại gần trại mà người không được lên bờ. Họ đợi đêm về để bơi lên, vào bờ, bán bớt vật dụng để mua thực phẩm. Hồi đó hải tặc chưa có, hoặc nếu có thì ít lắm.
Đại diện Cao ủy Tị nạn hồi đó làm việc lơ lửng lắm, chớ không như bây giờ. Chiếc Sài Gòn 200 khám phá ra được hai mươi người tị nạn trên đảo Pulau Tioman. Những người này tới đây hơn một tháng rồi mà Cao ủy Tị nạn chưa bao giờ tới thăm họ hoặc gửi cho họ một hạt gạo nào cả. Sau này họ được chiếc Roland đón. Ông Samtap Kumar đại diện Cao ủy Tị nạn bắt lỗi tại sao rước người tị nạn của Liên hợp quốc bảo trợ. Thầy mỉm cười nói “Các ông chưa từng tới thăm họ, cũng chưa từng đem thực phẩm tới cho họ, vậy ông bảo trợ nỗi gì?”. Ông Kumar đáp: “Chúng tôi có tên tuổi họ trong hồ sơ do Hồng thập tự Mã Lai cho”. Thầy nói: “Nếu ông có tên của tất cả các vì sao trên trời, thì ông là chủ sở hữu của tất cả các vì sao ấy sao?”
Ông Kumar chống đối chương trình Máu Chảy Ruột Mềm vì chương trình vạch rõ cho báo chí thấy sự làm việc bê bối của tổ chức ông. Chủ đích của thầy Nhất Hạnh là gây một tiếng vang lớn trên quốc tế về thảm trạng của người tị nạn đường biển, và do đó phương pháp của Thầy rất táo bạo: cho chở chừng vài ngàn thuyền nhân tị nạn đến Úc và đến đảo Guam, địa phận Hoa Kỳ, để đặt các nước Úc và Mỹ vào thế phải chấp nhận người tị nạn và để kích thích báo chí nói nhiều về số phận người tị nạn. Chương trình này táo bạo lắm và phải được thực hành một cách nghiêm mật. Theo chương trình, người tị nạn được ba chiếc Sài Gòn 200, Roland và Leapdal vớt lên sẽ được đón về chiếc Koojara cặp bến Perth thì mới cho báo chí quốc tế biết. Ai ngờ các văn phòng tại Tokyo và New York của tổ chức World Conference on Religion and Peace không chịu giữ bí mật chương trình này và đem cho báo chí biết trước. Ông Kumar và các tòa Đại sứ Úc và Mỹ tại Singapore bèn họp nhau lại để chống. Họ gây áp lực với Homer Jack, tổng thư ký của tổ chức Tôn giáo hòa bình. Ông Jack nghe theo lời của Kumar yêu cầu thầy Nhất Hạnh hủy bỏ chuyện chở người đi Úc và đi Mỹ và nếu cần thì trao trách nhiệm điều hành chương trình cho ông Jack. Nhưng toàn ban điều hành nhất định không chịu. Cuối cùng ông Jack và ông Samp-tap Kumar của Liên hợp quốc đã khéo léo vận động để chính quyền Singapore trục xuất Thầy ra khỏi xứ này. Một đêm lúc hai giờ khuya, cảnh sát Singapore tới văn phòng, tịch thu thông hành của Thầy và ra lệnh buộc Thầy phải rời khỏi Singapore trong vòng ba mươi sáu giờ. Họ báo ngày mốt tới phi trường, họ sẽ trao thông hành lại trước khi lên máy bay. Sau đó, nhờ ông Jacques Gasseau, đại sứ Pháp tại Singapore hết lòng can thiệp, họ mới nhượng bộ để Thầy ở thêm mười ngày. Thời gian ấy chỉ đủ để sắp xếp công việc để cho tôi thay Thầy điều hành trọn Ban Điều hành. Hôm rời Singapore, Thầy rất buồn nhưng vẫn còn yên tâm vì nghĩ tôi cũng tạm quen việc và có thể thay Thầy quán xuyến mọi thứ. Nhưng không ngờ, Thầy vừa lên phi cơ thì đến phiên tôi bị chính quyền Singapore yêu cầu rời khỏi nước này trong vòng ba ngày sau đó. Tôi đành phải trao quyền điều hành cho ông Jack. Ông này quả quyết là sở dĩ ông muốn giữ quyền điều hành chương trình là vì Liên hợp quốc hứa sẽ cấp chiếu khán cho tất cả gần sáu trăm người tị nạn trên hai chiếc tàu bay đi định cư trong vòng ba tuần lễ, khỏi phải đi bằng chiếc Koojara sang tận Úc cho vất vả! Giải thích cách nào, ông Jack cũng không tin đó là những lời hứa láo. Hoặc giả có biết trước là lời hứa láo ông cũng giả đò tin để có cơ đoạt quyền điều hành chương trình và làm vừa lòng Liên hợp quốc và hai tòa Đại sứ Úc và Hoa Kỳ.
Hôm tôi bị bắt buộc rời khỏi Singapore, quả thực như giây phút tôi sắp đắm tàu. Có lẽ tôi sẽ sung sướng nếu được ở luôn trên một trong hai chiếc tàu ấy để chia sẻ gian nguy với đồng bào nằm bềnh bồng trên biển mà tương lai không biết đi về đâu. Sau khi tôi bị buộc rời Singapore, bác sĩ Choy Leng, người nước này, mà cũng bị bắt buộc rời chiếc tàu Leapdal. Mobi và Vương Hồ điều khiển chiếc Leapdal cũng bị trục xuất trong vòng hai tuần sau. Chúng tôi đi rồi, ông Jack chỉ xin được chiếu khán cho 24 người đi Pháp, 6 người đi Áo, 3 người đi Tây Đức và 3 người đi Úc. Hơn 500 người bị giữ lênh đênh trên hai chiếc tàu gần bốn tháng mới được đưa vào trại và nằm chờ tại trại cả năm mới được đi định cư…
Sau đó về Paris, với sự hỗ trợ của hội International Boat People, trụ sở đặt tại Hòa Lan, Thầy tổ chức một chương trình cứu trợ nhỏ chỉ dùng một chiếc thuyền đánh cá Thái để ra biển, không mang biểu ngữ cứu trợ nhưng trên thuyền có đủ thực phẩm, nước ngọt, hải bàn, dầu và hải đồ để hướng dẫn ghe đồng bào đến gần các trại tị nạn hầu tránh việc bị đuổi xua. Chiếc thuyền này tên là Shantisuk. Chương trình đó tôi điều hành và anh Lục làm thuyền trưởng. Chúng tôi chỉ hoạt động được tám tháng. Sau đó vì hải tặc phát sinh nhiều quá, thấy nguy hiểm cho nhân viên cho nên Thầy ra lệnh chấm dứt chương trình.
Chương trình Máu Chảy Ruột Mềm không thành công ở chỗ chiếc Koojara không chở người tị nạn sang được tới Úc và tới Guam, nhưng đã gây khá nhiều chấn động trên quốc tế. Chương trình này được phát khởi bằng một bài thơ Thầy đọc ở hội nghị Tôn giáo Á châu và Hòa bình họp tại Singapore. Bài thơ này Thầy viết bằng Anh ngữ; sau khi nó được hội nghị chấp thuận, hãng thông tấn Agence France Presse đã đánh trọn nguyên văn bài thơ bằng Anh văn đi các nơi:
The Boat People
you stay up late tonight my brothers-this I know
because these boat people
on the high seas
never dare to go to sleep
I hear the cry of the winds
around me
total darkness
yesterday they threw the dead bodies
of their babies and children
in the water.
their tears once again fill up
the ocean of suffering.
in what direction are their boats drifting
at this moment?
you stay up very late tonight, brothers
because these boat people
on the high seas
are not certain at all that mankind exists
because their loneliness
is just immense.
the darkness has become one with the ocean
and the ocean, an immense desert
you stay up all night, brothers
and the whole universe
clings to your being awake.
Có điều buồn cười là AFP lại ghi rằng tác giả bài thơ là ông Isaka, người mà được Thầy trao cho bài thơ trước tiên.
Bé Rolanda năm nay (1979) đã hơn ba tuổi, không biết đã được định cư nước nào. Tôi có gặp ba má bé ở trên chiếc Roland, có trao tận tay anh chị bài thơ của Thầy và có chụp hình chung với bé và mẹ bé. Tấm hình đó tôi còn giữ. Bài Chúng ta hãy trả lời cũng viết bằng tiếng Anh để gửi cho các tổ chức từng ủng hộ chương trình Máu chảy ruột mềm. Bản tiếng Anh như sau:
a lotus just bloomed on the ocean
a baby is born
on the waves.
at mid-night of this January the 30th
two hundred and eighty one people onboard
(their eyes on the ocean)
silently prayed.
an eight member crew
directed the Roland towards the south
the water supplies are out
and the boat is heading to tioman island
hoping to refill the tank.
the tapping of the waves on the sides
punctuated their prayers
the moon had already disappeared
only the light of the stars
shone the way for you to come to life, little one.
down there, the waves were shaking their silvery heads.
the mother, lying on the bare deck,
did not have a private room
to welcome her new born
and the doctor
is also one of the wandering people on boats.
the cries of the baby entering life
were swept away by the winds.
the mother smiled faintly
and the doctor stood up to address the people
announcing the news that was good.
281 people clapped their hands,
the captain announced aloud:
“we are heading south.
our population is now 282
let us address our thanks to Buddha, to God”
the small radio linked the ship with the shore
and transmitted the good news to the continent
the human race is still there
tonight, on the solid land, they learned of the
coming into life
of Rolanda Nguyen Thi
where do you come from, little one,
and where are you heading to?
why did you choose to come to life
on this wandering boat?
she does not ask the questions
but we have to give the answers
who has the heart of letting the tiny lotus flower
blooming at mid-night on the waves
to perish in the depth of the ocean?
brother
sister
tell me
where should we bring her to
we need you to help.