Tôi thấy em nơi sân nghèo cô nhi viện
hai mắt của em buồn
chứa đầy tủi hận
khi thấy tôi
em quay mặt nhìn nơi khác
bàn tay em vẽ những vòng tròn
loanh quanh trên mặt đất
tôi nào dám hỏi ba má em đâu
tôi nào dám khơi động nguồn mạch thương đau
tôi chỉ muốn chuyện trò chốc lát
cười nói đôi câu
ngồi với em một phút
cho em vơi chút u sầu
đất nước đau cùng số phận
em hãy mở miệng cười
để cho nhau hy vọng
thế hệ các em
chưa đầy năm tuổi trên đầu
đã thấy tan tành hoa mộng
cuộc đời xô về hung hãn cuồng bạo
khổ lụy vì đâu
thế hệ chúng tôi kém hèn gây nên nông nổi
lát nữa rồi tôi đi
để em ở lại sân nghèo cô nhi viện
hai mắt của em buồn
tôi đi
em trở về góc sân quen thuộc
và ngón tay em lại vẽ những vòng
thương đau trên mặt đất.
Mỗi khi đọc bài này tôi lại nhớ đến những năm 1957 – 1958 tôi hay đi thăm các em trong Cô nhi viện Thị Nghè. Tôi rất thương các em cô nhi nhưng không hiểu sao tôi cảm thấy như nghẹt thở mỗi khi đến cô nhi viện. Nếu một bà mẹ không thể nào thương yêu và chăm sóc chu đáo cho hai mươi đứa con của mình thì một nữ tu sĩ cũng khó mà có thể thương yêu chăm sóc bảy chục hay một trăm em cô nhi. Lần nào đi cô nhi viện về tôi cũng bâng khuâng buồn bã. Sau đó tôi bỏ cô nhi viện, đi làm việc tại các xóm ổ chuột tại thành phố, rồi đi làm Trường Thanh niên Phụng sự Xã hội. Mãi đến năm 1973, sau khi hòa ước được ký kết tại Paris tôi mới có nhiều thì giờ lo cho các em. Càng suy nghĩ nhiều về vấn đề cô nhi, tôi càng hiểu rõ vì sao tôi vẫn có cảm giác khó thở khi vào các cô nhi viện. Cô nhi viện chỉ là sản phẩm của người Tây phương. Ngày xưa Việt Nam không có cô nhi viện và con mồ côi vẫn sống bên ông bà hay cô chú của chúng. Nếu mỗi cô nhi có được một số tiền trợ cấp hằng tháng để không là gánh nặng cho gia đình người bà con nuôi em thì em sẽ hạnh phúc khi ở với ông bà cô chú hơn là sống trong cô nhi viện. Tôi soạn thảo một dự án tìm người bảo trợ cô nhi, chịu cấp dưỡng tiền hằng tháng cho gia đình nuôi các em mà quá nghèo. Sau khi bổ túc và chấp thuận, Phái đoàn Phật giáo tại hải ngoại đã gửi dự án này về trình lên Ủy ban Tái thiết và Phát triển của Giáo hội. Trong dự án này, ngoài việc tạo điều kiện giữ các em lại dưới mái gia đình êm ấm của ông bà hay cô dì các em, chúng tôi còn đề nghị chẻ những cô nhi viện quá đông trẻ em ra thành nhiều tiểu gia đình để các em sống lại không khí ấm cúng của một gia đình nhỏ. Chúng tôi lập tại mỗi nước một tiểu ban để lo cho chương trình này. Nhiều người bạn trẻ người ngoại quốc quen thân với phái đoàn được mời vào các tiểu ban này để kêu gọi sự ủng hộ của người địa phương nước ấy. Bài thơ Tôi thấy em nơi sân nghèo cô nhi viện vì vậy đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và được các tiểu ban nói trên ấn hành rộng rãi. Cứ nước nào vừa lập xong tiểu ban lo cho cô nhi Việt Nam thì bài thơ này lại được ấn hành hàng ngàn bản bằng tiếng nước đó để gửi đi kêu gọi. Vào tháng 6 năm 1973, chúng tôi chỉ mới tìm ra bốn mươi gia đình bảo trợ cho bốn mươi cô nhi tại gia Việt Nam; vậy mà đến tháng hai năm 1975 chúng tôi đã tìm được 9.670 người để bảo trợ cho 9.670 cô nhi. Các ca sĩ như Joan Baez, Nana Mouskouri đã nhiều lần tặng tiền cho dự án này. Tại Paris và các tỉnh lớn ở Pháp, chúng tôi thường mời các nhạc sĩ danh tiếng như Graeme Allwright, Maxime Le Forestier, Claude Nougaro, Dick Annegan,… đến hát. Lần nào Pierre cũng năn nỉ thầy Nhất Hạnh lên đọc dùm bài thơ này trước khi nhạc hội mở đầu. Tôi và Pierre vẫn thường hay đi dán bích chương cổ động các nhạc hội vào khoảng tám giờ tối đến hai giờ khuya. Đêm nào về, tay chân của hai chị em cũng lạnh cóng vì băng giá. Thầy có nhắc tới chuyện này trong một bài thơ trong đó có những câu:
thương bé bơ vơ mùa loạn lạc
Sen Vàng bướm gửi khắp trời Tây
tờ hoa nhạc hội bừng chiêng trống
xóm dưới thôn trên dán chật đầy
giăng mắc đường dây trăm xứ lạ
ân nghĩa bên trời mãi dựng xây
Sen Vàng tức là báo Le Lotus của Phái đoàn Phật giáo Việt Nam tại Paris ấn hành trên giấy màu vàng bằng Anh ngữ và Pháp ngữ. Tờ hoa đây là những tờ quảng cáo đại nhạc hội. Bé đây là các cô nhi.
Người trẻ làm việc cho chương trình này cũng khá đông. Pierre, Neige, Mobi, Hương và tôi làm việc toàn thời gian tại văn phòng phái đoàn. Thoa, Lội, Hoàng Anh, Hằng, Hải, Tính, Nga, anh Trương, anh Cao Thái giúp dịch hồ sơ tại nhà mỗi đêm vài giờ. Một số sinh viên khác đến giúp bất định kỳ, tùy theo khả năng. Huệ Châu và anh Hướng cũng lãnh về nhà hàng chồng hồ sơ cô nhi. Anh Hướng tuy là khoa học gia nhưng cũng là thi sĩ. Thơ anh đã được in thành hai tập từ hồi còn là sinh viên, và Lá Bối 1978 có ấn hành tập Ngày mẹ về của anh, ký tên là Hoài Việt. Điều mà tôi ghi mãi trong lòng về hai người bạn này là anh chị luôn đặt mình vào thế đứng tôn trọng sự sống của con người và chống đối những bất công từ bất cứ hướng nào. Trong những ngày mà tiếng nói của lập trường này bị bóp chẹt nhất, Hướng và Huệ Châu lúc nào cũng sẵn sàng nói: “Có chúng tôi đây!”