Thịt da và gạch ngói
máy bay thật đã bay đi
nắng im lìm
trưa xế, nao lòng đất cũ
và lửa cháy tàn rồi
mái chùa cong đổ nát
tượng Phật thếp vàng loang lổ ngồi kia, mỉm cười nhìn vôi gạch
chiều thêm im
tiếng sáo diều vi vu tiềm thức
đám mây bay
nát mái chùa làng chở che đàn bé thơ
tóc mướt học trò
những đứa bị thương đã về bịnh xá
những đứa tắt thở
sẽ được đem chôn sáng mai nghĩa địa cuối làng
âm thầm đất nước tôi
anh chị em tôi – hôm nay còn đang cắn răng chịu đựng
để đâu cho hết căm hờn thống khổ?
chị Năm làm gì với những thúng đạn
những trái đạn nổ tung, mấy mươi mảnh ghép ghim một thân người!
ơi thịt da ơi
và gạch ngói ơi
thế kỷ hai mươi gọi về quá khứ
có phải đứa bé nuôi bằng khoai sắn đất nghèo
sinh sau hiệp định Genève
cũng có thịt da, tư tưởng
nô đùa cười vang trên cánh đồng cỏ non mỗi khi tiếng chuông chiều xuống
có phải đã mất từ lâu quyền được làm người?
Trong tập Tiếng đập cánh loài chim lớn có nhiều bài thơ chống chiến tranh rất mãnh liệt như các bài Các anh còn tàn phá đến bao giờ, Bài thơ và niềm uất hận và Mặt trời tương lai, Chiếc lô cốt cô độc và Kẻ thù. Giọng điệu những bài này có khi giận dữ, có khi chua chát, cay đắng. Tôi hiểu tâm sự của Thầy bởi vì mãi đến năm 1968 dân Sài Gòn mới biết được sự tàn phá của chiến tranh cũng đã gây không biết bao nhiêu là thảm hại đau thương. Thời gian này tôi dạy Thực vật ở Đại học Khoa học Huế. Cứ mỗi tháng Viện Đại học Huế gửi vào Sài Gòn cho tôi một vé phi cơ khứ hồi để tôi bay ra Huế dạy mười hai giờ. Tôi thu xếp để dạy hai ngày liên tiếp, mỗi ngày luôn sáu giờ. Sau đó tôi ở thêm năm ngày ở miền Trung để đi cứu trợ nạn nhân chiến tranh ở các làng mạc xa tận Quảng Nam, Quảng Ngãi và Quảng Tín. Tại miền Nam, ngoài các giờ làm việc tại Đại học Sài Gòn, tôi cũng đã nhiều lần cùng đi công tác với anh em Thanh niên Phụng sự Xã hội tận Bình Long, An Lộc, đem thuốc, sữa và gạo cho nạn nhân chiến cuộc sau những trận đánh lớn. Chúng tôi đi xuyên qua những cánh đồng và những khu rừng thuộc chiến khu D thăm nhiều xóm làng xơ xác vì bom đạn. Chúng tôi đã khóc với một bà mẹ bên đứa con sáu tuổi bị bom xăng đặc đốt cháy, băng bó toàn thân, chỉ còn chừa hai con mắt. Chúng tôi cũng đã ôm trong tay những em bé cụt chân, gãy tay mới được băng bó sơ sài và hiểu được niềm vô vọng của đồng bào ở các miền chiến tranh này. Tại những địa điểm cứu trợ tôi ăn không được, ngủ cũng không được, trong khi tôi biết tại Sài Gòn, ít ai thấy được thảm trạng của người đồng bào mình trong vùng chiến nạn. Đi cứu trợ về, tôi nhận được bản thảo tập Tiếng đập cánh loài chim lớn. Đọc tập thơ này tôi thấy phải đem in. Thầy ở xa ngàn vạn dặm mà thấy được thảm trạng của người đồng hương rõ hơn những đứa trong chúng tôi lúc ấy sống tại quê hương:
có ai trong chúng ta
lại tàn nhẫn trao cho đứa bé đói khổ
một nắm gạch vụn
khi nó chìa tay run rẩy
xin nửa chén cơm?
các anh đã cho trẻ con chúng tôi
những viên đạn những quả bom
các anh đã dội trên đầu chúng
những trái bích kích
những trái napalm…
(Các anh còn tàn phá đến bao giờ)
Tôi chạy đi tìm nhà in. Nhà in anh Trần Thanh Hiệp ngày xưa đã chịu in Hoa sen trong biển lửa, không giấy phép, đến hai lần, bây giờ e rằng không dám in sách Nhất Hạnh nữa. Nhà in Công giáo mà cha Lan quen, đã từng in Đối thoại cánh cửa hòa bình, và nhà in thầy Lưu Phương từng in Đừng quên, xin đừng vội quên, cũng không dám nhận. (Hồi đó đã có lệnh cấm lưu hành Hoa sen trong biển lửa và Đừng quên xin đừng vội quên trong quân đội). Tôi mang bản thảo tới nhà in chùa Quan Thế Âm do thầy Thông Bửu làm giám đốc và thầy nhận in liền. Tiếng đập cánh loài chim lớn không được lưu truyền rộng rãi bởi vì cuộc tấn công Tết Mậu Thân đã thiêu hủy mất một trong những kho chứa sách.
Suốt thời gian tôi cho xuất bản và phát hành không có giấy phép các tác phẩm của Thầy, tôi không hề bị bắt. Một hôm chở mấy trăm cuốn Đừng quên xin đừng vội quên trên chiếc Mobylette từ nhà in về, tôi bị cảnh sát chặn lại xét ở ngay cầu Trương Minh Giảng. Tôi nghĩ thế nào tôi cũng sẽ bị bắt, và tôi thanh thản đứng niệm Phật Quan Âm trong khi ông cảnh sát khám xét. Ông mở sách ra đọc: “Em, ở đây mà tôi cũng nghe được tiếng hát của Trịnh Công Sơn…”. Ông cho đó là thơ tình; ông xếp lại và cho phép tôi đi. Thế là tôi thoát nạn. Có một lần từ Sài Gòn ra Huế dạy, tôi lại bị xét và trong giấy tờ tôi lúc đó có một tờ kiến nghị hòa bình do các giáo sư các trường Đại học Sài Gòn soạn thảo. Người cảnh sát trẻ ở Huế đã đọc tờ kiến nghị. Tay ông hơi run. Nhưng ông làm lơ để cho tôi qua. Lần đó tôi cũng thoát nạn. Ấy vậy mà tôi cũng bị bắt một lần trong khi tôi không có tài liệu gì về hòa bình trong người hết. Lần đó tôi cũng ra Huế dạy và trong va li tôi có một tập Hoa sen trong biển lửa của Thảo gửi ra Huế cho mẹ Thảo. Cuốn sách được gói trong giấy bông cẩn thận nhưng tôi nào biết trong đó có cuốn Hoa sen trong biển lửa. Tôi bị bắt một cách vô duyên như thế, bị giam tại Huế một tuần rồi giải về Sài Gòn. Tôi ở trong khám Tổng nha hai tuần, sau đó nhờ Viện Đại học Sài Gòn can thiệp, tôi được thả.