Hãy gọi đúng tên tôi
đừng bảo ngày mai tôi đã ra đi
bởi vì chính hôm nay tôi vẫn còn đang tới
hãy ngắm tôi thoát hình trong từng phút từng giây
làm đọt lá trên cành xuân
làm con chim non cánh mềm chiêm chiếp vui mừng trong tổ mới
làm con sâu xanh trên cuống hoa hồng
làm gân viên ngọc trắng tượng hình trong lòng đá.
tôi còn tới để khóc để cười
để ước mong để lo sợ
sự xuất nhập của tôi là hơi thở
nhịp sinh diệt của tôi cũng là tiếng đập một lần của hàng triệu trái tim
tôi là con phù du thoát hình trên mặt nước
và là con chim sơn ca mùa xuân về trên sông đón bắt phù du
tôi là con ếch bơi trong hồ thu
và cũng là con rắn nước trườn đi tìm cách nuôi thân bằng thân ếch nhái
tôi là em bé nghèo Uganda, bao nhiêu xương sườn đều lộ ra, hai bàn chân bằng hai ống sậy
tôi cũng là người chế tạo bom đạn
để cung cấp kịp thời cho các dân tộc Á Phi
tôi là em bé mười hai bị làm nhục nhảy xuống biển sâu
tôi cũng là người hải tặc sinh ra với một trái tim chưa biết nhìn biết cảm
tôi là người đảng viên cao cấp, cầm quyền sinh sát trong tay
và cũng là kẻ bị coi là có nợ máu nhân dân đang chết dần mòn trong trại tập trung cải tạo
nỗi vui của tôi thanh thoát như trời xuân, ấm áp cỏ hoa muôn lối
niềm đau của tôi đọng thành nước mắt, ngập về bốn đại dương sâu
hãy nhớ gọi đúng tên tôi
cho tôi được nghe một lần tất cả những tiếng tôi khóc tôi cười
cho tôi thấy được nỗi đau và niềm vui là một
hãy nhớ gọi đúng tên tôi
cho tôi giật mình tỉnh thức
và để cho cánh cửa lòng tôi để ngỏ
cánh cửa xót thương.
“Đừng bảo ngày mai tôi đã ra đi”, câu này nghe như là tiếng vọng của câu “ngày mai tôi đã đi rồi” trong bài Khứ lai. Theo tôi, bài này diễn tả được cái nhìn siêu ngã, một cái nhìn có thể thiệt sự khơi mở được đại – bi – tâm, như Thầy đã diễn đạt trong Nẻo về của Ý.
Có lẽ bài này cho chúng ta thấy được thế nào là hành động trên lập trường Bát Nhã. Chia ra hai phía thù và bạn để mà tranh đấu, đó chưa phải thực sự là hành động phát xuất từ đại bi tâm. Chúng ta ai cũng có thể thương được con ếch, nhưng ít ai thương được con rắn nước. Con ếch bị con rắn nước nuốt, nhưng chính con ếch cũng không sống được nếu chính nó không nuốt những sinh vật khác nhỏ hơn. Hành động như thế nào để “không ghét cả những kẻ ác” như kinh Bát đại nhân giác dạy mới thật là hành động của người Bồ tát. Kẻ ác kia cũng cần được cứu độ, cũng nằm trong lĩnh vực hóa độ của Bồ tát.
Mỗi một cái tên chỉ nhốt được một mảnh vụn của sự sống. Gọi đúng tên tôi thì tất cả đều lên tiếng một lần. Chỉ có sự thức tỉnh mới mở được cánh cửa của đại bi tâm.