Đuốc thơ còn cháy trên trang sử người
đêm này dù đã về ngôi
hồn thơ vẫn thấy luân hồi thế gian
bút hoa ngàn kiếp không tàn
đuốc thơ còn cháy trên trang sử người
có không mù mịt biển khơi
nẻo về đã rạng chân trời thênh thang
tỉnh say vẫn một cung đàn
lửa anh hào đốt cháy tan đêm sầu
thơ lên bay vút bồ câu
triều âm chấn động phương nào chẳng nghe?
giấc mơ hồ điệp đi về
biển đông sóng vỗ, kình nghê vẫn còn.
Bài thơ này Thầy viết để tưởng nhớ Vũ Hoàng Chương. Vũ Hoàng Chương là một người đã đem cả thân mạng và sự sống của mình mà tham dự vào cuộc đấu tranh bất bạo động để tranh thủ hòa bình và chống độc tài từ 1963 cho đến 1977. Ông đã từng bị tù tội nhiều lần trong thời gian đó. Đọc tác phẩm Bút nở hoa Đàm của ông, ta thấy được điều này. Ông đã tranh đấu bằng thơ của ông và biến cố lớn nào của cuộc tranh đấu cũng đều được đánh dấu bằng một bài thơ. Ông thật có tinh thần vô úy và phong độ anh hào. Trong bài Bút nở hoa Đàm, ông viết:
ai sẽ là ngươi trong tương lai
một sớm một chiều
vươn tay hái cành hoa thương yêu
làm bút viết?
Đọc tới những câu đó, thầy Nhất Hạnh nói với chúng tôi rằng: “Chính Vũ Hoàng Chương là người đã hái được cành hoa từ bi làm bút viết. Chính ông là người thi sĩ xứng đáng nhất của lịch sử tranh đấu bất bạo động cho hòa bình tại Việt Nam.”
Chỉ một hôm sau khi được chính quyền phóng thích thì thi sĩ mất. Ngày anh về, chị Vũ Hoàng Chương nấu được một nồi bún cho chồng nhưng anh chỉ lùa được vài cọng bún. Chị thuật lại rằng đầu năm 1976, ngày mà cán bộ và công an đến bắt, có tới năm sáu xe và một lực lượng vũ trang hùng hậu đến vây quanh nhà. Biết trước cơ sự, anh Vũ Hoàng Chương bảo chị yên lặng. Rồi anh ngồi lên trong tư thế kiết già trong khi cán bộ và công an làm ầm ĩ, đập cửa, lục soát không sót một ngõ ngách nào và quăng bừa bãi tất cả đồ đạc kéo từ các tủ ra. Suốt thời gian họ lục soát, anh vẫn ngồi bất động, không nói năng gì. Cuối cùng trước khi bắt anh, người chỉ huy tuyên đọc một bản cáo trạng. Vũ Hoàng Chương lắng nghe. Nghe xong anh chỉ khẽ nhún vai. Họ bắt anh từ đó và trong trại giam, sức khỏe của anh tàn lụi dần dần.
Có lẽ trong trại giam anh Vũ Hoàng Chương đã thiền tọa rất nhiều. Được tin anh mất, thầy Nhất Hạnh rất thương cảm. Thầy đã viết mấy dòng trên, trong đó có nhiều chữ đã lấy từ thơ của Vũ Hoàng Chương. Các bạn quen thuộc với thơ Vũ Hoàng Chương chắc nhận được tất cả những chữ đó.