Bé đã sinh ra rồi
bé đã sinh ra rồi
chân trời xôn xao dâng ánh sáng
hoa cỏ ơi sống dậy
núi rừng ơi sống dậy
thật đã qua rồi đêm tối hãi hùng
ánh sáng dồn
trên cánh bướm mong manh
hoa cải rực vàng
trên lối cũ.
cành mai ấy
ngày tôi về trước ngõ
có rưng rưng giọt ngọc nhìn tôi cười?
đất tái sinh
cho sắc hương đoàn tụ
cho nước non này
lại thành cẩm tú
hãy cho hết hai bàn tay anh
cơ hội muôn thuở một lần
níu sự sống trên vành nôi ươm biếc.
Bài này tác giả làm tại Vọng Các[1] ngày 24 tháng 9 năm 1973 sau khi nghe tin hiệp định Paris được ký kết và lệnh đình chiến được ban hành. Tôi nhớ trước đó cuộc chiến ác liệt quá và mỗi khi có được hai mươi tư giờ đình chiến vào các ngày lễ lớn như Phật đản, Giáng sinh, Tết dương lịch hay ba ngày đình chiến nhân dịp Tết Nguyên đán, tất cả chúng tôi đã mừng đến chảy nước mắt rồi. Cứ tưởng tượng hai mươi bốn giờ đồng hồ không có máy bay oanh tạc, không có bom nổ, không có nhà cháy, người chết, cỏ cây cũng dám vươn mình lên thở, chúng tôi thấy được hết tất cả sự quý giá của mỗi giờ đình chiến. Trong nước và ngoài nước vận động tranh đấu bao nhiêu tháng năm, nghe tin đình chiến ai mà không mừng vui, không hy vọng.
Buổi sáng đó, khi Laura Hassler tới (Laura là người bạn gái phụ tôi tại văn phòng về văn thư Anh ngữ), tôi ôm chầm lấy cô, cả hai chị em đều chảy nước mắt. Các bạn đánh điện tới văn phòng Phái đoàn Phật giáo tại số 11 rue de la Goutte d’or Paris mừng tới tấp. Lúc đó thầy Nhất Hạnh đang ở tại Vọng Các vì nơi đây có một cuộc gặp gỡ giữa Phật giáo quốc nội và phái đoàn quốc ngoại để điều hợp công việc. Thượng tọa Thiện Hoa, viện trưởng Viện Hóa Đạo mới viên tịch trước đó vài ba ngày. Người hướng dẫn phái đoàn quốc nội là thượng tọa Huyền Quang, tổng thư ký của Viện. Cuộc họp mặt đã đi đến nhiều quyết nghị quan trọng, trong đó có chương trình thành lập Ủy ban Tái thiết và Phát triển Xã hội của Giáo hội, bản hiệu triệu của Viện Hóa Đạo nhân dịp đình chiến và sự thành lập Ủy ban Phóng thích tù nhân chính trị do hai phía lâm chiến giam giữ. Tại Paris, tôi nhận được bài thơ này viết tay trên một tờ giấy vàng bạc (thứ giấy ngày xưa dùng làm tiền để đốt xuống cho người cõi âm dùng). Sau đó tác giả cho biết đã làm bài thơ trên tại một trạm bưu điện nhỏ ở thành phố Vọng Các, và ông đã chép tay mấy chục bản trên giấy vàng bạc mua được ở khu chợ bình dân gần đấy.
Trong sự mừng vui, người mà tác giả nghĩ tới đầu tiên là Nhất Chi Mai, người con gái đã đem thân làm đuốc ngày Phật đản 1967 để kêu gọi các phía lâm chiến thực hiện hòa bình. Chị Mai là bạn cùng tu của tôi. Chúng tôi cùng thọ giới năm 1966 tại chùa Pháp Vân. Tôi có viết một thiên hồi ký để kể lại những ngày chúng tôi cùng tu chung trong dòng Tiếp Hiện. Hồi ký này tên là Ngày tháng, đã được đăng trong văn tập Chim về trên không do Viện Hóa Đạo xuất bản năm 1971, vào ngày giỗ thứ tư của chị.
cành mai ấy, ngày tôi về trước ngõ
có rưng rưng giọt ngọc nhìn tôi cười?
Tôi nghĩ hình ảnh ấy rất đúng. Chị Mai mà thấy thầy Nhất Hạnh về khi đất nước Hòa Bình thì đúng là vừa cười vừa chảy nước mắt. Cười vì vui, chảy nước mắt là vì sung sướng. Thầy Nhất Hạnh biết trước là hòa bình sẽ mong manh lắm và hiệp ước Đình chiến rất khó tôn trọng cho nên đã xin quý thầy trong Giáo hội nỗ lực vận động quần chúng Phật tử tranh đấu bảo vệ Đình chiến và kêu gọi hai bên tôn trọng hiệp ước. Hiệu triệu của Viện Hóa Đạo ngày 2 tháng 12 năm 1973 do thượng tọa Thiện Minh ký phản chiếu được nỗ lực này. Bài thơ cũng nói lên ước vọng là cơ hội rất hiếm có, ai nấy đều phải góp phần vào việc nuôi dưỡng bảo vệ con chim hòa bình còn yếu đuối và trứng nước mà tác giả gọi là “bé”.
hãy cho biết hai bàn tay anh
cơ hội muôn thuở một lần
níu sự sống trên vành nôi ươm biếc.
[1] Tên gọi cũ của Bangkok.