Trái ý thức chín rồi
tuổi trẻ tôi
trái mơ xanh
vết răng của em
gây thành thương tích nhỏ
những chân răng rúng động
và nhớ hoài
nhớ hoài.
nhưng tự thuở yêu em
cánh cửa tôi mở rộng trước gió
thực tại kêu gào cách mạng
trái ý thức chín rồi
cánh cửa
không thể nào còn khép lại
lửa
lửa cháy tràn thế kỷ
loang lổ núi rừng hoang
gió thét ngang tai
bão tuyết bên trời quằn quại
vết thương mùa đông
vết thương mùa đông nằm nhớ lưỡi thép lạnh
bồn chồn, trăn trở
nhức nhối
thâu đêm.
Bài này chưa được in lần nào cả. Đây là một bài thơ thầy Nhất Hạnh viết để lại cho thầy Thanh Văn trước khi rời Việt Nam đi kêu gọi hòa bình. Đó là vào khoảng tháng 5 năm 1966, lúc cuộc chiến đã trở nên khốc liệt. Thầy Thanh Văn lúc đó đã nhận trách vụ giám đốc Trường Thanh niên Phụng sự Xã hội. Lần đầu phải gánh vác một trách vụ lớn như thế, thầy Thanh Văn tỏ vẻ ngần ngại nhưng sau đó thầy đã thi hành nhiệm vụ mình một cách xuất sắc. Bài thơ trên rất được thầy Thanh Văn ưa thích. Có lần thầy Thanh Văn nói với tôi đó là bài thơ thầy thích nhất trong thơ của thầy Nhất Hạnh. Nghe Tài nói Masako Yamanouchi (mà chúng tội quen gọi là Mai Sa), một cộng tác viên của Trường Thanh niên Phụng sự Xã hội, đã dịch ra tiếng Nhật. Bản dịch không còn.