Nội gánh nắng mưa

Sư cô Chân Trăng Vô Ưu

Nội kính thương,
Đêm đã buông xuống, mọi âm thanh thường nhật dường như cũng lắng vào không gian, chỉ còn lại tiếng côn trùng gần xa hòa cùng nhịp thở của đất trời. Trong nhịp sống ở tu viện, cứ đến những khoảng giờ thực tập im lặng hùng tráng là con có cảm hứng và thấy thích thú lắm. Sự vắng mặt của bao thanh âm sinh hoạt hằng ngày, của tiếng nói cười giúp cho con dễ dàng trở về và ý thức rõ hơn mình đang là một người tu, là một sư cô được may mắn sống trong một nếp chùa bình an, bao dung và đầy hiểu biết. Im lặng là một sự có mặt đàng hoàng cho chính tự thân, giúp con khám phá thêm những ngõ ngách bên trong mình hay chuyển hóa những thiếu sót trong sự thực tập, hoặc đơn giản chỉ là lúc con buông mình trên chiếc đơn cho cơ thể được thư giãn với từng hơi thở vào ra rồi tâm tư con nhờ đó mà trở nên nhẹ nhàng bình lặng. Cái yên đang về nơi góc nhỏ ấm cúng của con, con chợt nhớ đến nội lạ. Khi nhớ nghĩ đến một ai đó hay một điều gì đó, con có thói quen lấy giấy bút ra rồi tâm sự hết nỗi lòng vào từng câu chữ. Con thích chia sẻ bằng ngôn ngữ hơn nhưng sao con vẫn còn tính hay mắc cỡ nên con cũng ít thực hiện được điều này. Nội thấy con có tếu không? Chỉ có nói nhớ nội thôi mà con cũng làm không được nữa. Không biết dạo này nội ra sao rồi? Sức khỏe của nội vẫn tốt chứ ạ? Mỗi lần nghĩ tới nội không hiểu sao con lại thấy nhớ ba con. Mà khi nói chuyện điện thoại với ba, con lại thấy hình ảnh của nội. Từ ngày con đi tu, con ít có cơ hội truyền thông với nội hơn.

 

 

Nội không xài điện thoại, lại không sống cùng nhà với ba con nên nhiều lúc con chỉ hỏi thăm được nội qua ba con mà thôi. Thế nhưng con chưa một lần cảm thấy tình bà cháu xa cách, sợi dây gắn kết tình nội vẫn luôn có đó trong con. Con nhớ hồi con còn nhỏ, con thường ở với ông bà ngoại, phần nhiều vì ba mẹ con bận đi dạy không tiện chăm sóc con. Ông bà ngoại lúc nào cũng thương con cả, có của ngon hay áo quần đẹp cũng đều để dành cho con vì con là đứa cháu đầu tiên của ông bà ngoại mà. Nhưng cũng không phải vì đứa cháu đầu mà ông bà ngoại cưng chiều con đâu. Tuy còn bé và được nhận bao nhiêu là tình thương nhưng mỗi lần con làm gì chưa hay, hoặc không vâng lời, ông bà ngoại vẫn thường dạy bảo con rất nghiêm khắc. Có khi con bướng bỉnh, tỏ ra thái độ không chấp nhận mình hư, thế là con càng bị la thêm nữa. Mỗi lần bị la rầy, con đều nghĩ đến nội và thường nói với ông bà ngoại rằng: “Con không ở với ông bà ngoại nữa. Bà nội thương con hơn, cho con đi chơi mà không cần ngủ trưa, không bao giờ la con. Con thương bà nội hơn ông bà ngoại”. Những lời nói vô tư ấy của con phát ra một cách ngây ngô, không sợ làm ông bà ngoại buồn. Nhưng không phải chỉ vì giận mà con lại nói thế. Thật sự con thấy nội như một trận mưa rào xuất hiện khi trời đang nóng bức, có khả năng tưới mát và xoa dịu những cơn khó chịu trong lòng. Con nít dường như chỉ thích những gì ngọt ngào và được dỗ dành thì phải? Con nhớ hoài những kỉ niệm hồi nhỏ ấy của con. Mỗi lần được ba chở lên nhà nội chơi, lúc nào con cũng gọi nội từ ngoài ngõ: “Nội ơi, nội mô rồi? Có xoài ngoéo chưa nội?”. Con thích xoài ngoéo nhà nội lắm, trái vừa xanh vừa giòn lại vừa ngọt nữa. Có thêm chén muối ớt được giã thật cay với bột ngọt là ăn ngon tuyệt vời luôn. Nội hay nhìn con ăn rồi cười và bảo: “Coi cái miệng hắn ăn ngon chưa tề”. Nội thích nghe con kể chuyện lắm, con không nhớ rõ mình kể chuyện gì vì hồi bé thì có bao nhiêu là thứ để huyên thuyên, duy chỉ có một điều con luôn nhớ mãi đó là nụ cười hiền từ và ánh mắt thương yêu vô bờ mà nội dành cho con.

Nội biết không, những ngày qua thời tiết ở Thái có nhiều thay đổi bất thường lắm. Lúc thì trời trở lạnh nửa đêm, lạnh đến thấu xương nhưng kéo dài đến trưa hôm sau, khi mặt trời lên hết mực chiếu soi muôn triệu tia nắng, thì lại hanh nóng. Đang bắt nhịp lại với khí hậu nóng rồi thì cái lạnh ở đâu từ từ lan về khiến ai cũng phải xuýt xoa: “Ui, lạnh nữa rồi!”. Vậy mà thoáng đâu đó, lòng con nghĩ đến nội giữa những phút chốc giao thời ấy. Tính cách của nội như có nét gì hao hao với sự bền bỉ thầm lặng mà vô cùng mạnh mẽ của thiên nhiên. Con thấy không phải là thiên nhiên biến chuyển mau chóng mà dường như nó còn đang phải xoay sở mong tìm cho được một bến đỗ yên ổn, định tĩnh nào đó để dừng lại nhưng nhất quyết sẽ luôn kiên trì và không bao giờ từ bỏ. Thường thì tâm lý con người sẽ ít thấy hạnh phúc bởi những thay đổi mau chóng xung quanh hoặc đôi lúc sẽ có cảm giác chán chường, mệt mỏi khi những khó khăn này chưa xong thì cái khác lại tới. Nếu nhìn cho kỹ và nhìn thật sâu mình sẽ tìm thấy được những cái đẹp, cái giá trị mầu nhiệm chứa trong đó. Nhờ đi tu mà nhiều lúc ngắm nhìn thiên nhiên, con học được rất nhiều bài học và có khi lại liên tưởng đến hình ảnh những người thân thương của mình.

Nội của con một đời vất vả, dù nắng hay mưa lúc nào cũng tảo tần gánh hai rổ rau đi bán ở chợ mỗi ngày để nuôi sáu người con trong khi ông nội mất rất sớm trong thời chiến tranh. Nội dồn hết tình thương, hy vọng và sức sống của mình vào tâm hồn của những người con. Trái tim nội chứa đầy ý chí dũng mãnh và bền bỉ để vượt qua bao nhiêu khổ cực của cuộc đời mà bước tiếp chặng đường phía trước. Nội không cần đến ai hay nương vào ai khác cả. Nội rất tự chủ trong đời sống của mình. Ngay cả khi các con của nội lớn lên, có nghề nghiệp và lập gia đình, nội vẫn có thể tự chăm sóc bản thân mình dù tuổi nội ngày càng pha màu sương khói. Con như muốn khóc mỗi khi nhìn thấy nội đạp xe đạp lên nhà con chơi rồi kể là nội mới đạp xe đi khám bệnh từ thị trấn về. Con hỏi: “Sao nội không nhờ ba con hay chú bác nào chở nội đi, nội đã bệnh mà còn tự đạp xe đi nữa, lỡ có chuyện gì thì sao?”. Nội trả lời con sao mà nghe khỏe nhẹ như không có chuyện gì cả: “Thôi nội đạp xe còn được, nội tự lo được chớ không lại phiền hà ba con hay các chú”. Đoạn đường từ nhà nội lên bệnh viện thị trấn không phải là ngắn, gần hai mươi cây số lận. Nội con lúc nào cũng vậy đó, lớn tuổi rồi vậy mà vẫn còn thương con, sợ làm liên lụy tới công việc của con mình mà không dám nhờ ai giúp cả. Nội vẫn luôn âm thầm và lặng lẽ chịu đựng như vậy dù con có khuyên nội bao nhiêu thì nội vẫn không bao giờ thay đổi ý chí trong nội cả. Đó là nội còn khỏe đủ để đạp xe, dần dà thân nội trở nên yếu đi, nội vẫn kiên quyết không nhờ đến con cái. Nội chỉ cần một cái mũ bảo hiểm thôi, rồi đứng sẵn ở một góc đường và chờ quá giang khi thấy ai đó lái xe máy đi về hướng thị trấn.

Nội trong con lúc nào cũng như người nữ anh hùng vậy. Con muốn giống như nội lắm. Sau này con lớn, đi học xa nhà, tuổi của nội thêm cao, những lần về thăm nội, con thường mua một món quà nào đó để tặng nội. Làm điều gì khiến nội vui là con thấy hạnh phúc lắm. Nội thường thích những thứ con mua về cho nội và thường hay cất chúng vào tủ để dành, chờ dịp đặc biệt nào đó mới đem ra xài. Nhìn cách nội trân quý cái kẹp tóc, túi xách, áo quần hay dây chuỗi, dây cườm con tặng, lòng con rất đỗi hạnh phúc và xúc động. Ở nhà, con thương ba con lắm. Khi nào con cũng thấy hình ảnh mưa nắng lấm lem trên vai nội trong ba con, mỗi khi ba làm điều gì cho con với một tình thương dịu dàng, chở che. Ba không biết là con gái ba cũng biết xúc động đến thế nào vì con giỏi giấu cảm xúc lắm nên ba chỉ thấy mỗi nụ cười hạnh phúc của con thôi. Con thương ba nên con cũng thương nội nhiều, con có ba hôm nay tất cả đều nhờ tình thương yêu sâu rộng vô bờ của nội. Mỗi lần nghĩ đến đó thôi là con thấy biết ơn và hạnh phúc nhiều lắm.

Trên bước đường tu học của con, khi khó khăn hay những nhân duyên bất như ý xuất hiện, nhiều lần con muốn buông xuôi vì quá mệt, vì cố gắng hoài mà không thấy mình tiến bộ gì cả. Con thường nhớ đến lời Thầy con dạy: “Ngồi yên đi, mọi chuyện cũng sẽ qua”. Nhưng có phải nghĩ qua là qua được đâu, tính con thì cứ vội vàng, cái gì cũng muốn làm cho xong cho mau, nên có lúc con dùng phương pháp thay chốt. Con tìm về gia đình huyết thống của mình để nương thêm nguồn lực từ tổ tiên. Thầy con dạy cách trở về tiếp xúc với dòng chảy huyết thống đang lưu nhuận bên trong để giúp mình thêm niềm tin và động lực mà đi qua khó khăn. Nghe lời Thầy nên con cũng thực tập theo. Gặp khó khăn ở đâu thì con tiếp xúc với mỗi người thương trong gia đình mình ở đó. Có khi con mời ông ngoại trong con đi lên với một tâm trí đầy hiểu biết xuất phát từ một trái tim dung chứa nhiều tình thương, kiên nhẫn và độ lượng, để làm niềm tin cho con tiếp tục xây dựng những phẩm chất thiện lành mà mình cần vun bồi. Có lúc con mời bà ngoại với những đức hạnh vị tha, rộng lượng và hiền từ trong con biểu hiện để ôm ấp và nâng đỡ những vụng về của con. Nhưng khi con đối diện với những gập ghềnh sóng gió, đòi hỏi con phải nhẫn nại, bền bỉ, quyết tâm không từ bỏ thì con liền nghĩ đến nội với những đức tính kiên trì, chịu thương chịu khó. Dù khó khăn đã vội ập đến bên dáng dấp gầy gò của người phụ nữ tuổi còn thanh xuân ấy nhưng chẳng gì có thể ngăn được ý chí sống của nội cả. Con thấy lòng mình được an ủi, được hiểu và được nội đặt kỳ vọng nơi con. Chỉ cần nghĩ đến đó thôi là mắt con đã nghe cay cay mà lòng lại chạnh đi vì hổ thẹn về bản thân mình.

Nhờ ơn Thầy sinh con ra trong một ngôi nhà tâm linh mà con biết trân quý dòng máu tổ tiên huyết thống vẫn còn đang luân chuyển trong con. Không những con nương vào những đức hạnh và lối sống của ông bà để chuyển hóa nỗi khổ mình đang mang mà còn tưới tẩm những hạt giống thiện lành cho vườn tâm của con nữa. Những gì con được trao truyền hôm nay đều là những phước phần mà con được thừa hưởng từ những thế hệ tổ tiên nhiều đời nhiều kiếp trước. “Làm ăn” có đàng hoàng hay không là tùy thuộc nơi lòng biết ơn dày sâu hay vơi cạn trong con. Con thấy sự sống của con trở nên có ý nghĩa hơn chính là khi con tìm ra đâu là mình, mình là ai và mình không phải được ba mẹ sinh ra, nuôi nấng nên người để rồi tồn tại một cách riêng biệt như vậy. Những cái hay cái đẹp của ông bà, ba mẹ tự lúc nào đi vào con và làm thành những khả năng mà con có thể đóng góp và cống hiến cho đại chúng. Mỗi khi con được quý sư cô khen ngợi làm cái gì đó giỏi, hay được ai đó tưới hoa con có đôi bàn tay khéo, hoặc khi quý sư cô mời con vào tổ chức chung một hoạt động nào đó,… con thấy lòng biết ơn trong con đối với tổ tiên tràn dâng. Tâm con không mang một niềm tự hào nào ngoài việc nhớ nghĩ đến ông bà, ba mẹ, Thầy và cả tăng thân của con nữa. Điều đó làm con cảm thấy hạnh phúc nhiều lắm. Nó nuôi từng tế bào cơ thể con trở nên khỏe mạnh lạ kỳ và con cũng tận hưởng được những bông hoa đang nở rộ một cách rực rỡ, xinh tươi nơi mảnh vườn tâm của mình. Hạnh phúc có tác dụng kì diệu như linh dược vậy đó nội à!

Nội thương, nhờ đi tu mà con chạm được những giá trị sâu sắc nằm ẩn mình trong tàng thức của con. Có lẽ vì tuổi trẻ, vì còn ưa thích những thứ bên ngoài mình, và vì sợ đối diện với khổ đau mà con vô tình bị chúng dẫn lối. Cho đến khi con nếm trải được vị mặn của gian nan, con đường về nhà, về với nguồn năng lượng của tổ tiên, lúc nào cũng có mặt đó, thủy chung chờ đợi mà không bao giờ đòi hỏi, trách than con cả. Con nuôi lại tình thương của gia đình huyết thống, con làm ấm lại niềm tin của Thầy và con vững vàng đứng vững trên đôi chân mình hơn. Cứ vậy, mỗi giây phút hiện tại đang mài dũa và điêu khắc nên con bằng những niềm vui giản đơn hằng ngày như: đi thiền hành có phẩm chất, ngồi thiền lắng yên được tâm ý hay được học hỏi kinh nghiệm quý báu của các sư cha, sư mẹ qua đời sống tu học và tiếp nối lý tưởng của Thầy, hoặc nhìn thấy nụ cười của sư em tỏa sáng trong đôi mắt khi sư em thực tập có niềm vui,… Những niềm vui tưởng chừng đơn sơ và dung dị ấy có khi cũng không thể nào tìm thấy được nếu mình vẫn chưa thật sự sống hết lòng.

Con tìm thấy một trái tim đã đập và đã sống hết lòng một cuộc đời đáng sống từ nội của con. Trái tim ấy tuy thiếu thốn nhiều thứ nhưng lại giàu có tình thương và “kiên nhẫn là dấu ấn của tình thương” đó. Viết đến đây tự dưng con nghe mình xúc động nội ạ, tự dưng hình ảnh mộc mạc của nội đi lên trong con. Mà tại sao lại tự dưng được nội nhỉ? Con không biết phải lý giải như thế nào nữa. Tự dưng con nhớ nội, thế thôi! Có người nói: “Tức cảnh sinh tình”, có lẽ mấy hôm nay nhân duyên bên ngoài biểu hiện nên làm con nghĩ đến nội nhiều. Mưa nắng làm nên cái khắc nghiệt nhưng mưa nắng cũng mang đầy mầu nhiệm lung linh. Con biết ơn nội thật nhiều. Nội đã biểu hiện tròn đầy nơi sự sống của nội. Nghĩ về nội con nguyện bước đi thật hạnh phúc và an vui trên con đường này, để mãi là món quà xứng đáng với tình thương mà nội dành cho con.