Tuổi thơ nở nụ cười

Sư cô Trăng Mai Điền, người Nhật Bản, xuất gia ngày 14 tháng 12 năm 2016 tại Làng Mai, Pháp, trong gia đình cây Mai Vàng. Sư cô hiện đang sống và tu học tại xóm Mới. Bài viết được BBT chuyển ngữ từ tiếng Anh.

 

Mẹ kính thương,
Năm đó, vào Ngày của Mẹ, em gái con tự làm một cái ly bằng gốm để tặng mẹ. Trên ly, em con viết chữ Arigato (cảm ơn) mà em mới được học khi vào tiểu học. Bên cạnh hai chữ ấy, em vẽ hình ba đứa trẻ con và một người mẹ tươi cười với đôi tay dang rộng, xung quanh là các bông hoa đang xòe cánh dưới ánh nắng của một mặt trời thật to và sáng rực.

Mẹ quý cái ly đó lắm và mỗi ngày mẹ dùng nó để uống cà phê. Giờ thì cái ly đó không còn nữa nhưng kỷ niệm đó vẫn còn rất rõ ràng trong ký ức của con.

Con xa nhà để vào đại học và sau khi tốt nghiệp, con dọn đến Tokyo làm việc. Ngày Chủ nhật thứ nhì của tháng Năm là Ngày của Mẹ. Mẹ rất thích trồng hoa nên một vài năm đầu khi sống xa nhà, con thường hay gửi hạt giống hoa về làm quà cho mẹ trong Ngày của Mẹ. Nhưng dần dần vì bận việc nên con trở nên xao lãng, không còn nhớ Ngày của Mẹ nữa.

Con bắt đầu có thói quen uống cà phê. Đó là chuyện rất bình thường khi phải làm việc tới nửa đêm. Nhiều bạn đồng nghiệp của con cũng có thói quen đó. Sau này, khi con sang Làng Mai, các sư cô khuyên con không nên uống quá nhiều cà phê để giữ gìn sức khỏe. Con đã quán chiếu và nhận ra rằng con thích uống cà phê vì hương cà phê làm con nhớ lại cà phê mà mẹ đã từng uống trong mấy mươi năm, và nó cũng đem con trở về với một tuổi thơ hạnh phúc.

Con nhớ khi còn nhỏ, lúc thức dậy đưa tay dụi mắt, con đã thấy mẹ lúi húi làm thức ăn sáng và chuẩn bị các hộp thức ăn trưa cho cả nhà. Mùi bánh mì mới nướng sực nức trong nhà bếp thật mời gọi.

Vừa chăm sóc mấy đứa con nghịch ngợm, vừa chuẩn bị thức ăn trưa nên buổi sáng của mẹ thật tất bật. Không biết mẹ đã bỏ ăn sáng vì bận rộn chăm sóc chúng con trong bao nhiêu năm nữa. Hồi đó, chưa bao giờ con để tâm đến chuyện ấy.

Có những lần mẹ chỉ ngồi nhìn chúng con ăn sáng với một nụ cười trên môi và ly cà phê trên tay. Khoảnh khắc của kỷ niệm ngập tràn sự bình an và tình thương ấy đã bị chôn vùi thật sâu trong ký ức con. Rồi thật bất ngờ, kỷ niệm ấy trở lại với con vào một buổi sáng khi con nhận ra mình đang nhìn một sư cô cùng phòng với ánh mắt thật nhẹ nhàng.

Mẹ đã phải rất vất vả khi sinh con ra vì con vốn là một thai nhi trong tư thế thai ngược. Âu yếm ôm con trong tay, niềm vui của mẹ lúc ấy trộn lẫn với nỗi ân hận sâu xa, và lòng tiếc thương đối với bé trai đầu lòng bị sảy thai của mẹ. Mẹ đã làm một bàn thờ để cúng nước và thắp hương mỗi ngày cho đứa con trai nhỏ chưa bao giờ được ra đời đó. Hàng năm, trong những ngày kỷ niệm đặc biệt đều có các vị sư đến tụng kinh. Đó là ký ức đầu tiên của con khi còn là một cô bé mới chập chững biết đi.

Khi con đủ lớn để có thể hiểu được chuyện gì đang xảy ra chung quanh, mỗi lần thấy mẹ khóc trước bàn thờ, con hay trách: sao trời không để cho anh con sống mà lại để cho con sống. Con ước gì con không được sinh ra. Con ước gì con là con trai. Đó là những suy nghĩ rất tự nhiên của một đứa trẻ trong hoàn cảnh đó.

Con không thể nói cho mẹ biết là con đã phải cần bao nhiêu thời gian để chữa lành những vết thương thật sâu trong thân tâm con. Những vết thương mà con đã tiếp nhận được khi nằm trong bụng mẹ: đó là nỗi đau và sự sợ hãi của một thai nhi con trai khi không được sống, sự ân hận sâu sắc của một người mẹ không thể bảo vệ được mạng sống của đứa con yêu quý trong bụng của mình. Niềm đau nỗi khổ của thai nhi và của mẹ đã được truyền sang cho con.

Từ khi còn nhỏ, con đã luôn thắc mắc về mối liên hệ giữa sự sống không được biểu hiện của anh trai và sự sống được biểu hiện của con, về lý nhân duyên của vũ trụ. Câu hỏi lúc ban sơ này đã trở thành điểm khởi đầu cho một cuộc hành trình kéo dài suốt cuộc đời con trong việc tìm hiểu về bản chất của sinh diệt.

Con tiếp nhận từ mẹ một tình yêu thương sâu sắc dành cho con và cho cả bé trai đầu lòng của mẹ. Thế nhưng để cả mẹ và con đều được tự do, con đã cố gắng thực tập để có thể vượt ra khỏi khái niệm thông thường về quan hệ mẹ – con, bởi con không muốn quan hệ của mẹ con mình bị giới hạn bởi quan niệm hạn hẹp ấy. Dần dần con có thể thấy rất rõ ràng là mẹ và con liên hệ với nhau vì cuộc đời của mẹ và con là một. Bởi vì, chúng ta đều có một sự kết nối thật thâm sâu với đất Mẹ.

Mong rằng mẹ có thể buông bỏ tất cả các hối tiếc và khổ đau để tâm mẹ được bình an và thảnh thơi. Từ nơi xa, con sẽ tiếp tục thực tập con đường thương yêu và trị liệu này cho mẹ.

Con tin rằng sẽ có một ngày trên cuộc hành trình của chính mình, mẹ sẽ nhận ra rằng lúc nào mẹ cũng được Bồ tát Đại Bi ôm ấp, rằng mẹ chưa hề bị mất mát bất cứ một cái gì, thậm chí ngay cả lúc mẹ bị sảy thai.

 

 

Bài viết này con dâng lên mẹ, người bạn tâm linh vĩ đại nhất của con trên con đường của cuộc hành trình bất tận.

Xin gửi đến vô vàn những người mẹ và các bé, những người đi qua những trải nghiệm tương tự về nỗi đau của sự mất mát. Mong tất cả được ôm ấp bởi ánh sáng của trị liệu và từ bi.

Và đến tất cả những người cha, người mẹ đã tạo ra và nuôi dưỡng sự sống. Đến công trình vô lượng của vũ trụ.

Với lòng biết ơn và kính phục,

Con gái của mẹ