Lòng đất nở hoa trời

Sư cô Chân Trăng Giác Ân

Sư cô Trăng Giác Ân xuất gia năm 2017 trong gia đình cây Bạch Dương tại Làng Mai, Pháp. Sư cô người Singapore, trước đây sống và làm việc tại Hawaii. Hiện nay sư cô đang tu học ở xóm Hạ. Bài viết được BBT chuyển ngữ từ tiếng Anh.

Mùa thu là mùa con thích nhất trong năm. Đó là thời gian con có thể vào rừng hái nấm dại và khám phá ra biết bao mầu nhiệm trong lòng đất Mẹ. Con luôn luôn tâm đắc với câu “Tuệ giác chân thật chỉ có thể đạt được do sự thực tập quán chiếu và lắng nghe… Con nguyện suốt đời là một người đi tìm học và thường trực sử dụng chánh niệm để quán chiếu sự sống trong con và xung quanh con trong từng giây phút” trong giới thứ hai của mười bốn giới Tiếp hiện. Con tin rằng khi làm bất cứ điều gì, dù đó là khoa học, nấu ăn hay làm vườn,… nếu ta thật sự khám phá đến tận cùng của nó, ta sẽ tìm ra bản chất đích thực của sự sống đang tiềm ẩn bên trong. Dưới đây, con xin chia sẻ một vài điều mà con đã học được từ rừng cây và những tai nấm.

Cái gì thế?

Khi con gặp một con thú trong rừng, thí dụ như một con chim hay một con nai, cách hay nhất để ngắm nó là đứng thật yên, thư giãn và nhìn vẩn vơ đâu đó. Cuối cùng thì con thú sẽ thư giãn ra, yên tâm tiếp tục những gì mà nó đang làm. Khi đó con có thể ngắm nó một cách thật tận tường.

Con khám phá ra nguyên tắc này không chỉ có hiệu lực với những loài thú hoang, nó cũng có hiệu lực với những khổ đau đi lên khá thường xuyên trong con nữa. Những lúc như vậy, con không thấy vui, trong lòng phiền muộn mà không biết nguyên do, tâm ám ảnh bởi cái gì không thể gọi tên. Con chỉ có thể nói đó là một cái gì cũ kĩ, quen thuộc và có mùi không dễ chịu. 

Khi ấy, con chơi trò chơi kiên nhẫn chờ đợi và giữ ý thức là mình đang khổ. Con tìm cách để lắng yên, thư giãn và đồng thời vẫn để ý dõi theo nỗi khổ của mình. Tương tự như cách con quan sát một con thú trong rừng. Con không khơi gợi, cũng không đào bới nó mà cứ sống cuộc sống hàng ngày của mình một cách bình thường, cho đến khi nó nhúc nhích trong tâm thức và đột nhiên con thấy rõ ràng mặt mũi của nó. Thường thường chỉ cần biết nó là cái gì thì đã thấy khỏe hơn rồi. Bởi vì đi cùng với cái biết ấy là tình thương yêu hay sự ưu ái con dành cho chính bản thân mình. Và thường thì con cũng biết là mình cần phải làm gì tiếp sau đó.

 

 

Muốn tìm ra điều gì, bạn cần phải dừng suy nghĩ

Khi chúng con đang đứng trong rừng, bạn con đã hỏi cách tìm nấm dại. “Thường thường khi nhìn những cái khác thì mình hay tìm ra chúng”, con trả lời. “Ở trên đời, phần lớn các chuyện khác cũng đều tương tự như vậy, không đúng sao?”, bạn con đáp. Câu trả lời này của người bạn làm con kinh ngạc. Trước đây, là một nhà sinh vật học, phần lớn cuộc đời con đã được huấn luyện trong việc tìm kiếm các tiêu bản động thực vật. Hồi đó, con đã đi lùng trong thiên nhiên các loài dơi, chim, cá, bạch tuộc, cây cỏ, thậm chí đến cả lông chim nữa. Con đã phát hiện ra rằng cách tốt nhất để tìm ra mẫu vật là biết mình đang tìm cái gì, đặt ý định sẽ tìm ra nó, rồi chỉ đơn thuần bắt đầu bước đi và dừng lại mọi suy tư. Thế rồi đâu đó, từ nơi sâu thẳm trong tâm thức, khi có một cái gì đó giống như nấm xuất hiện, dường như có một tiếng chuông đang ngân lên trong tâm, bộ não của con thức tỉnh, và ngay khi ấy con nhìn thấy.

Như thế con có thể giữ cho đầu óc thư giãn trong khi tìm kiếm, và vẫn có thể thưởng thức sắc màu của thiên nhiên. Mỗi lần tìm ra một loại nấm ăn được cũng giống như tìm ra một kho tàng, thật là thích! Trong khi đó, nếu phải cố gắng quá nhiều, đầu óc căng thẳng, mắt tìm kiếm ngược xuôi, con rất dễ bị mệt và dễ cảm thấy thất vọng. Đến khi tìm ra được cái muốn tìm thì không hiểu sao con không còn thấy mừng vui gì nữa cả. “Không suy nghĩ” là một cách tìm kiếm “vô nguyện”. Cách này thật sự hay hơn nhiều so với cách cố công tìm kiếm.

“Không suy nghĩ” cũng là một phương cách giúp con rất nhiều trong các buổi họp. Nhất là khi chúng ta cần bàn thảo hay giải thích những điều phức tạp. Trước đây, con hay tính trước xem mình nên nói cái gì trước, cái gì sau để điều con muốn nói được rõ ràng. Con cũng muốn có ái ngữ nên cố gắng chuẩn bị trước những lời muốn nói và vì vậy nó dễ trở thành sáo ngữ. Ngoài ra cũng khó giữ những gì mình muốn nói trong đầu nếu đó là một chia sẻ dài. Cuối cùng, con khám phá ra mình chỉ cần tác ý là muốn dùng ái ngữ trong khi nói, muốn dễ thương với mọi người và biết rõ điều mình muốn truyền thông. Rồi con dừng lại tất cả mọi suy nghĩ và giao từ ngữ cho tàng thức làm việc. Cho đến bây giờ thì phần lớn các cuộc thảo luận đều diễn ra khá suôn sẻ và con không tự làm tâm mình căng thẳng nữa.

Bình thường là thiêng liêng

“Chỉ cần đi một vòng trong rừng là đã tìm được nhiều thứ để ăn. Điều đó chẳng phi thường hay sao?”. Trên đường về với một rổ đầy nấm trong tay, con chia sẻ điều này với bạn mình. “Đó có phải là thấy được sự thiêng liêng trong những khoảnh khắc bình thường không?”, người bạn thông thái của con trả lời. Thật vậy sao? Câu trả lời của người bạn làm con kinh ngạc. Tìm nấm không khác gì mấy so với việc đi ngang qua một cánh rừng từ tuần này sang tuần khác. Đó là một việc thật bình thường. Tuy nhiên, nhờ sự bình thường đó mà con đã có cơ hội thấy rằng khi một loại nấm ngưng mọc, nó được thay thế bởi những loại nấm khác. Có những loại mọc đầu mùa và có những loại mọc cuối mùa. Loại nào cũng rất ngon.

Đi ngang qua một khu rừng từ tuần này sang tuần khác, con bắt đầu cảm được “đây là chỗ tốt cho nấm mọc” và “đây là một chỗ không thuận lợi để nấm mọc”. Con không thể giải thích được sự khác biệt giữa một nơi rất tốt cho nấm mọc và một chỗ chưa tốt. Nhưng con biết là cái cảm ấy đến từ sự kết nối thật sâu của con với rừng và đất đai. Cứ như là đất đai bắt đầu trò chuyện thì thầm với mình, và một mối liên hệ riêng giữa mình với đất, với cây đã nảy sinh. Đồng thời, con cũng cảm thấy gần gũi và được hiểu.

Đột nhiên con cũng cảm nghe như mình có một liên hệ họ hàng thân thuộc với người Pháp qua nhiều thế hệ. Những người đã từng qua lại trong cánh rừng này, xách giỏ đi hái nấm. Khi con nhìn thấy một cặp vợ chồng người Pháp lớn tuổi, chống gậy và xách giỏ vào rừng, con có cảm giác như mình đã từng quen biết họ. Khi nghe các sư cô người Pháp kể lại là ba mươi, bốn mươi năm trước, lúc còn nhỏ, các sư cô đã theo cha mẹ vào rừng hái nấm, con thấy mình có thể dễ dàng hình dung ra được cảnh tượng đó. Con rất biết ơn tổ tiên đất đai và đất nước này đã cho phép con được sống ở đây.

 

 

Có chắc không?

Một bài viết về nấm không thể hoàn tất nếu không nhắc đến vô số các loại nấm không ăn được, nấm độc và những loại nấm đẹp trong rừng. Những loại này nhiều hơn loại nấm ăn được rất nhiều. Có những loại nhìn như có vẻ ăn được (nghĩa là chúng phù hợp với quan điểm của chúng ta về hình dáng của các loại nấm ăn được), trong khi những loại khác thì rất thơm, hoặc rất đẹp, nhưng phần lớn chúng là các loại nấm không ăn được.

Ta thường có khuynh hướng nghĩ rằng hoặc hầu như chắc chắn rằng “nấm này có thể ăn được”, nhất là khi ta gặp một ổ nấm lớn. Nhưng trước sự nguy hiểm của việc ngộ độc nấm (đôi khi có thể làm mất mạng), sự thực tập “Bạn có chắc không?” rất quan trọng. Nếu con không thể tự nói với mình một cách chắc chắn là: “Tôi biết rất rõ về loại nấm này”, thì con phải bước đi. Con không muốn chính mình hoặc các sư cô bị ngộ độc. Đôi khi con thu nhặt một vài tai nấm mẫu và nhờ những người có kinh nghiệm hơn xem xét giúp. Phần lớn câu trả lời con nhận được đều giống nhau: “Chúng là nấm không ăn được” hoặc “Chúng tôi không chắc lắm, nên tốt nhất là đừng nên ăn!”. Là những người đi tìm nấm, chúng ta cũng phải là những người thực tập giỏi câu “Bạn có chắc không?”.

 

 

Bài viết này dành tặng cho những người bạn kiên nhẫn của con, những người cùng phòng học, cùng làm việc trong văn phòng – là những người phải “chịu đựng” các tiêu bản nấm xuất hiện khắp nơi trên bàn làm việc hoặc bên ngoài phòng làm việc của con. Đồng thời cũng dành tặng cho những người bạn dũng cảm và đội luân phiên của con vì đã đủ can đảm ăn thử nấm cùng.