Lại mưa về nguồn

Sư chú Chân Trời Đức Định

                                                                                      Nước đi ra biển lại mưa về nguồn

                                                                                                      (Thề non nước – Tản Đà)

Sư chú Trời Đức Định là người Pháp, xuất gia năm 2016, tại Làng Mai, Pháp, trong gia đình cây Mai Vàng. Hiện sư chú đang sống và thực tập tại trung tâm Suối Tuệ, Paris. Bài viết được BBT chuyển ngữ từ tiếng Anh.

Dưới đây là bức thư con gửi đến các huynh đệ trong gia đình xuất gia cây Mai Vàng sau thời gian con về nhà chăm sóc cho cha. Từ lúc gia đình con biết cha bị ung thư cho đến khi cha qua đời chỉ có hai tháng rưỡi. Trong suốt thời gian ấy, con đã có mặt với gia đình. Ngày nào con và chị gái cũng dành thời gian kề cận, chăm sóc cho cha. Khi con trở lại tăng thân để tham gia khóa tu xuất sĩ tại Đức, các huynh đệ trong gia đình xuất gia đã rất ân cần và hết lòng yểm trợ con.

Bức thư này ghi lại một vài trải nghiệm rất riêng tư của con. Con mong rằng nó có thể phản ánh tinh thần tôn trọng sâu sắc sự sống, nhất là khi con vẫn còn đang đi qua quá trình trị liệu, hòa giải, học hỏi và chế tác bình an trên tất cả mọi phương diện.

Gia đình cây Mai Vàng thương quý,

Cho phép con được cảm ơn các sư anh, sư chị, sư em đã thương yêu và ôm ấp con, nhất là trong khóa tu xuất sĩ vừa qua. Con đã được nâng đỡ rất nhiều. Lúc thì một huynh đệ lắng nghe con, lúc khác thì cả gia đình có mặt, lắng nghe nhau, rất dễ thương. Có khi các sư chú đến phòng con, ngồi chờ con về cùng uống trà. Các sư cô cũng có mặt cho con hết lòng. Con cảm được sự quan tâm thầm lặng của huynh đệ, thấy mình thật sự được hiểu và yểm trợ. Nghĩ về những giây phút ấy, con rất cảm động. Con thấy mình thật may mắn và giàu có.

Từ khi con rời Làng lên trung tâm Suối Tuệ, mỗi lần huynh đệ có dịp gặp nhau, con cảm nhận sự hiểu biết và kết nối trở nên sâu sắc, tự nhiên hơn. Lần gặp nào cũng có phẩm chất. Con rất vui khi thấy sự trưởng thành của từng sư anh, sư chị, sư em trong gia đình; thấy chất liệu của tự do và vững chãi có mặt trong mỗi người.

Con sẽ tiếp tục học hỏi để chấp nhận chính mình và mở lòng hơn để có thể thật sự có mặt cho gia đình, có cơ hội kết nối tốt hơn với mọi người và có thể yểm trợ các huynh đệ khi cần thiết.

Con muốn chia sẻ một chút những trải nghiệm của con khi được chăm sóc cha. Với con, điều này giống như một bó hoa nhỏ gồm những bông hoa và những cành lá đủ kiểu, đủ màu mà con đã góp nhặt trên chặng đường đồng hành với cha khi cha ra đi.

Thiên nhiên quả là một phước lành. Thực tập với thiên nhiên đã giúp con rất nhiều. Những khi khổ đau đi lên, con ra ngoài đi dạo, nhìn ngắm cây cối, sông nước và những bờ cát. Rồi đột nhiên con có thể chạm được đến sự bình an và thấy khỏe hẳn ra. Có lần con nhìn thấy một thân cây có vẻ là thân cây chết. Nó lớn nhưng chỉ có một vài chồi xanh dưới gốc, cứ như một cố gắng sau cùng để níu lấy sự sống. Nó như nói với con rằng dù sự sống mang hình tướng cái cây đang đi đến hồi kết thúc thì sự sống mang những hình tướng khác đã bắt đầu rồi. Trong thân cây chết chứa đầy những hình thức khác của sự sống. Sự tiếc nuối khi thấy gốc cây chết chỉ là một ý niệm mà thôi. Tâm ý thông thoáng một chút là con đã có thể thấy được bao nhiêu nhiệm mầu ở xung quanh. Ngay cả chính nỗi buồn về cái cây cũng là một phần của sự mầu nhiệm. Bởi nó không chỉ được ôm ấp bởi tình thương của con, của cái cây mà còn của một cái gì đó lớn lao hơn.

 

 

Một ngày nọ con cùng với sư chú Đức Trí-đệ nhị thân đến để yểm trợ cho con – dắt con chó của cha đi dạo trên một bãi biển tuyệt đẹp. Một làn “gió trời” thổi tung lớp cát mỏng xung quanh lên cao khoảng 10cm. Thật là một cảnh tượng tuyệt vời! Một cảm giác mầu nhiệm, đầy ấn tượng đi lên trong con. Ngọn gió ấy đã chữa lành một cái gì đó sâu xa hơn những gì ý thức con có thể nắm bắt được.

Con quan sát gió thổi tung và đẩy cát đi dọc theo bãi biển, tạo thành những đụn cát mới. Có lúc nó đi qua những vùng cát ướt, nhìn giống như những thung lũng hoang vu hay sa mạc khô cằn nằm giữa những vách đá nhọn do gió khắc chạm. Trong khi quan sát, con thấy những khó khăn và khổ đau mà cha con và con đã đi qua. Con thấy cát phải rời khỏi nơi trú ngụ, bỏ lại sau lưng hình dạng cũ, đi qua những khó khăn để tạo nên những đụn cát mới, tròn, láng. Những mầu nhiệm mới – sự sống mới đã ra đời. Lòng con dâng lên một nỗi dịu dàng sâu lắng, giúp con nhìn vào hoàn cảnh gia đình và sự sống bằng con mắt không phân biệt. Trong khoảnh khắc ấy, bên trong và bên ngoài con giao hòa, dung thông. Niềm tin tưởng, sự cảm nhận ý nghĩa đời sống và tình thương cũng đồng thời có mặt .

Quá trình chữa lành tổn thương từ tận gốc rễ này đã diễn ra không theo sự điều khiển của ý chí, nhưng với sự hậu thuẫn rất lớn của thiên nhiên. Con đã có thể tiếp xúc và thấy rõ ràng hơn mặt mũi của những nỗi khổ niềm đau sâu kín trong con. Con biết điều này rất lợi lạc cho con và con cũng ước mong nó sẽ giúp con tập trung vào những gì thực sự quan trọng, giúp con chạm vào được sự quyết tâm, lòng can đảm và nuôi lớn năng lượng chánh niệm và hạnh phúc trong con.

Trong quá trình cha con từ giã sự sống, con đã có một vài cái thấy mà con muốn chia sẻ với huynh đệ, mong rằng mọi người có chút lợi lạc từ trải nghiệm của con. Khi thấy cha phải chịu khổ đau cả về thân lẫn tâm, con không chấp nhận được. Thật khó quá! Nó có vẻ bất bình thường và không thể chấp nhận được. Sau này nhìn lại, con thấy đó chỉ là một phần của sự sống mà ta phải trải qua, nó không phải là cái gì mà ta không thể chấp nhận. Hình hài của tất cả chúng ta, kể cả của con, đều có cùng bản chất, đều phải đi qua bệnh tật, tất cả các bộ phận trong cơ thể đều phải đi qua sự tàn hoại. Tâm của con cũng là đối tượng của những sự thay đổi. Hạnh phúc và khổ đau cũng vậy. Đó không phải là việc bất bình thường. Một khía cạnh quan trọng là ý niệm của ta làm trầm trọng thêm sự đau khổ, trong khi thực tế những khổ đau và khó khăn chính là nguồn gốc của tình yêu và lòng từ bi một khi chúng ta có thể nhìn rõ được mặt mũi của chúng

Chấp nhận thực tại đã khơi nguồn cho tình thương và từ bi hiển lộ, giúp con thay đổi cách mình đối diện với hoàn cảnh. Nếu trong những khoảnh khắc ấy con không bị lạc trong các ý tưởng đúng sai, có lẽ con đã có thể ôm ấp nỗi khổ của cha con như là người mẹ ôm ấp đứa con sơ sinh của mình. Cũng giống như khi con không đủ hiểu nhu cầu của cha khi người không còn khả năng diễn đạt nữa, thay vì dằn vặt bản thân ,lẽ ra con nên ôm ấp và gửi lòng từ bi đến cho chính mình. Dù đã không có khả năng làm như vậy ngay thời điểm đó, con vẫn còn cơ hội để làm ngay bây giờ. Con có thể chữa lành vết thương quá khứ qua hiện tại. Hiện giờ, con đã sẵn sàng hơn để học cách làm bạn với những đau đớn trong thân, có lẽ do con nghĩ mình cần chuẩn bị đối diện với những khó khăn lớn hơn. Con học nhìn những cơn đau nhỏ như là cơ hội để huấn luyện tâm mình, giữ bình an để không bắn vào mình mũi tên thứ hai. Nhờ đi qua quá trình đó với cha mà con biết mình có khả năng đi qua nó. Kinh nghiệm này mang lại cho con một sức mạnh nội tâm mới để có thể đối diện với nhiều hoàn cảnh khác nhau.

Đôi khi trong lòng con không an ổn chút nào khi nghĩ rằng cha chưa làm xong một vài điều trước khi ra đi. Thí dụ như hòa giải với người này, người kia, hay làm lành lại mối quan hệ giữa hai cha con ở một khía cạnh nào đó… Sâu kín trong lòng, con có cảm giác “dở dang”. Con nghĩ là vòng đời của cha chưa hoàn tất. Ý nghĩ này làm cho con đau khổ. Nhưng có những lúc con thấy không có cái gì được gọi là một cuộc đời hoàn tất, một vòng tròn khép kín như tâm con đã vẽ ra. Cây cỏ, thú vật và con người là những minh chứng cho điều đó. Có những cái phát triển thật to lớn, đến một mức độ trưởng thành tương đối, rồi chết đi sau một vòng đời. Con có khuynh hướng tiếp nhận tri giác này như là một tiêu chuẩn. Nhưng trên thực tế, trong cuộc sống, có những chúng sanh hoại diệt rất sớm, có loại khá nhỏ bé hoặc có hình dáng lạ lùng, một số bị tàn tật, thiên hình vạn trạng. Trong bất kỳ trường hợp nào, bao giờ cũng có những cái không hoàn hảo, không hoàn tất, cũng có cái “không bình thường”. Thậm chí trong những trường hợp được coi là bình thường, hoàn chỉnh, con nghĩ là bao giờ cũng có cái chưa được làm, chưa được nói. Bao giờ cũng có những trường hợp người ta đinh ninh rằng nếu như họ có thể sống thêm vài ngày, vài tháng thì họ đã có thể làm lành, chữa lành thương tích trước khi ra đi. Trên thực tế, cuộc sống vẫn tiếp diễn và có sự tiếp nối. Vậy thì tại sao con lại muốn hoàn tất cái này hay cái khác? Bởi vì mọi cái phải dựa vào nhau để biểu hiện và tồn tại, và vì mọi cái trở thành cái khác khi chúng tàn hoại. Tại sao con lại muốn cuộc đời của cha, của con, hay bất cứ cái gì khác phải hoàn hảo?

 

Đôi khi con cũng nhận ra những cái mà con cho là cha chưa hoàn thành đang nằm trong tay con ở hiện tại. Con có cơ hội để tiếp tục những gì mà cha đã nỗ lực hoàn thiện, bằng chính con người và tâm tư của con. Ngay từ nơi con đang đứng, con có thể tiếp tục làm cho cha. Con hiểu rằng, tại thời điểm này, ngoài tình thương yêu và sự hiểu biết, tất cả những gì hời hợt mà chúng ta đang đầu tư vào: những đề án, ước muốn được công nhận, những vẻ bề ngoài của phẩm cách, tất cả những giá trị và ý tưởng về cuộc sống mà ta bám víu vào,…Tất cả những cái đó chúng ta cần phải buông bỏ hết.

Cha con đã thương yêu, chăm sóc người khác bằng những cách rất cụ thể. Và cha cũng nhận lại những tình cảm đó qua sự có mặt và chăm sóc từ hai chị em con cũng như từ bạn bè, đồng nghiệp khi họ bày tỏ sự cảm kích đối với cha. Cha con là người khó bày tỏ suy nghĩ của mình, ít khi công nhận những cái đẹp của bản thân và của con cái. Khó khăn này đã đi lên trong những giây phút cha ra đi. May mắn thay hai chị em con đã sẵn sàng chào đón nó, đã bày tỏ tình thương yêu với cha cũng như nói cho cha nghe những điều tốt đẹp.

Nhờ ơn Tam Bảo mà con đã thấy rằng sự tiếp nối của tất cả mọi thứ đang xảy ra ngay bây giờ. Con là sự tiếp nối của tất cả các phẩm chất tốt đẹp và cả những khó khăn mà con đang học hỏi để chuyển hóa. Con làm việc này, ngay trong giây phút hiện tại, với tư cách của một người đại diện, một đại sứ của dòng chảy tâm linh và huyết thống không gián đoạn. Con làm cho chính con, cho cha, và cho tất cả. Như vậy đó, thưa cha. Cha con mình hãy để cho điều đó diễn ra nhé! Con dừng lại, thở một chút cho tâm lắng dịu, cho những ý niệm được giải phóng, cho bức tường ngăn cách giữa mọi thứ trở nên trong suốt, thông thoáng. Lúc ấy sự truyền thông đích thực có thể xảy ra.

Con thường đi dạo dọc theo dòng suối bắt nguồn từ một ngọn núi nhỏ. Dòng nước mát trong này đã luôn chảy ngang qua khung cảnh tuổi thơ con. Đây là vùng đất nơi con lớn lên. Con thích đi dạo ở đó và có thể buông xuống nhiều cảm xúc tiêu cực. Con có cảm giác mình được gột sạch và chữa trị. Trong những lần con đến đó, bài thơ nhỏ này đi lên trong con. Đó không hẳn là một bài thơ mà là một trải nghiệm. Con cảm được nước, ý thức được dòng chảy của nó, của sự đồng nhất trong dòng nước đang chảy tới, như một cuộn băng vô tận liên tục mở ra.

Cá từng đàn bơi lội

Không một bóng trên sông

Ta thưởng thức trọn lòng

Con biết có những chú cá dưới sông dù con chưa nhìn thấy chúng. Nhưng con có thể thấy cách chúng cùng bơi với nhau, ngược dòng, trong một điệu múa tự do nhưng có thứ tự, như những cá nhân, nhưng đồng thời cũng như một gia đình. Con biết đó là những con cá, nhưng chúng cũng là dòng sông, liên tục tương tác với môi trường xung quanh. Ý niệm của con về sự tách biệt giữa con cá này với những con cá khác và với chính dòng sông đã được hóa giải bởi ý thức về sự tương duyên miên mật này.

Trải nghiệm của con về những con cá và dòng sông thật rõ ràng, sống động. Một niềm hạnh phúc lớn lao dâng lên trong lòng con. Sau đó từng chữ của bài thơ nhỏ này đã đi lên trong con. Khi câu thơ thứ ba ngân lên, con tiếp xúc được với sự có mặt của mình trong tăng thân. Tương tự như một đàn cá, chúng ta hạnh phúc được là chính mình, đồng thời chúng ta cũng là một cơ thể đồng nhất, là một dòng sông không ngừng trôi chảy.

Xin cảm ơn các sư anh ,sư chị ,sư em đã lắng nghe con.

Con rất hạnh phúc có tăng thân và có tất cả các đệ huynh.