Đưa gia đình cùng tu học trực tuyến

Sư chú Chân Trời Thiện Khai

Chia sẻ kinh nghiệm từ khóa tu online dành cho gia đình (International Family Retreat Online), từ 28.7 đến 02.8.2020. Bài viết do thầy Pháp Lưu biên tập, và được BBT Lá thư Làng Mai chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Anh.

Kính dâng lên Thầy
Kính gửi Tăng thân yêu quý

Sức mạnh của tầm nhìn

Lần đầu khi hay tin mùa hè năm nay Làng Mai sẽ không thể có khóa tu gia đình vì đại dịch, con buồn cho thiền sinh đã đành, mà cũng buồn cho chúng xuất sĩ – những người nguyện sống vui đời phụng sự. Chương trình Trẻ em năm ngoái đã để lại trong con bao nhiêu kỷ niệm ấm áp, nên con muốn sẽ được tiếp tục. Nhưng chỉ ước mơ thôi thì không đủ. Con biết mình cần có thêm quyết tâm nữa. Nhờ quyết tâm mạnh mẽ mà Thầy đã thành tựu được những nguyện ước sâu xa. Tấm gương Thầy nêu rất sáng rõ. Ý thức điều này đã giúp con quay về tập trung tâm ý trở lại.

Con vẫn nhớ như in niềm vui sướng trào dâng trong lòng khi chia sẻ với các sư anh, sư chị về mong muốn chung là làm sao đưa các gia đình đến với nhau, và giúp thực hiện chương trình Trẻ em qua con đường trực tuyến. Con được biết trong các khóa tu gia đình tổ chức ở Làng Mai, luôn luôn không thể nào thiếu chương trình Trẻ em. Và từ năm 2010, Thầy cũng đã có tầm nhìn về việc lập một ngôi chùa điện tử: “Chỉ cần mở máy tính lên là ngay lập tức bạn thấy mình đang có mặt ở Làng Mai rồi”. Tinh thần như vậy đã rõ. Vâng, chúng ta hãy cùng đem phép lạ Làng Mai đi vào cuộc đời nào!

Với con, nơi khóa tu bắt đầu là từ chỗ đó.

 

                                                                             ( Tranh vẽ trong chương trình trẻ em )

 

Giữ cho đơn giản

Đối với chúng con, việc tổ chức khóa tu online hãy còn mới mẻ lắm. Đại chúng học kinh nghiệm từ những khóa tu online khác vừa mới diễn ra, chắc cũng được vài tuần trước khi bắt tay vào tổ chức khóa online này cho gia đình. Trong khóa tu về Duy biểu học – Tìm hiểu sự vận hành của tâm (Understanding Our Mind), khi bài pháp thoại cuối khóa tu kết thúc, ban quay phim vẫn để máy video phát trực tiếp cảnh đại chúng lao xao trong thiền đường, giống như không khí thường thấy ở Làng sau giờ pháp thoại, thời trước mùa dịch. Nhiều thiền sinh ngồi nán lại nên được tiếp tục thấy “cảnh hậu trường” tâm tình rằng trong hoàn cảnh phải cô lập ở nhà, chỉ cần được nhìn, nghe phần nào những biểu hiện của đời sống tăng thân không thôi, họ cũng thấy được an ủi. Người ta không cần trông mong người tu mình phải làm chi cho tuyệt hảo; họ chỉ mong tiếp xúc với những gì đơn giản, sát thực tế. Và ban tổ chức khóa tu chúng con cũng chỉ muốn tạo không gian cho khóa tu gia đình giống y như thế mà thôi.

Khóa tu dài sáu ngày mà chúng con chỉ có ba tuần để chuẩn bị. Chúng con cộng tác với nhau, mạo hiểm làm trong quỹ thời gian eo hẹp. Chúng con cũng chia sẻ với mọi người đây là công trình thử nghiệm. Nghĩ như thế mà hay, vì nó giúp huynh đệ thấy nhẹ nhàng, uyển chuyển, và thoải mái cảm nhận những điều… không thoải mái. Sau khóa tu, sư cô Thệ Nghiêm cảm kích nói: “Con thực sự được nuôi dưỡng nhiều lắm khi nhìn cách các sư em tổ chức khóa tu thật tự nhiên và tự tin với những sáng kiến của mình, với tinh thần ‘mình cứ thử xem sao’”.

 

                                                 Nhóm Sân chơi Trẻ em (Children’s Zone) với
                                     sư cô Thân Nghiêm & Mặc Nghiêm (Tu viện Bích Nham, Mỹ)

 

Bước đều cùng đồng sự

Ban tổ chức khóa tu gồm các thành viên chính là thầy Pháp Lưu và chị Orlaith O’Sullivan (Orla), người điều phối các chương trình Wake Up trong trường học ở Ireland (Ai-len). Bên cạnh đó còn có con và sư chú Trời Đức Niệm. Con may mắn được mời vào học hỏi và phụ giúp suốt quá trình từ khi bắt đầu đến khi kết thúc. Con nguyện với lòng phải làm việc cùng nhau sao cho càng hài hòa càng tốt. Thắp sáng được ý thức này đã giúp con rất nhiều. Mong ước hàng đầu của con là tập buông bỏ ý riêng, cho phép mình được người khác hướng dẫn. Nghĩa là con khởi tâm để đặt niềm tin vào những câu đáp “Dạ, vâng” vốn rất khó thực tập! Phép thực tập này soi sáng vào nhu yếu muốn được công nhận, cảm giác muốn mình là nhân vật quan trọng – những cái muốn như vậy ngăn cản, không cho con sẵn sàng cống hiến. Kỳ lạ thay, buông bỏ được những nhu yếu này lại giúp làm lớn mạnh tinh thần phấn đấu vì tập thể, nên cuối cùng rất xứng đáng được công nhận! Bây giờ con đã tâm phục khẩu phục rồi. Con thấy đâu cần có ban tổ chức cho đông, chỉ cần có niềm tin và sự nâng đỡ lẫn nhau. Theo tinh thần đó, ngay cả những thành viên rất trẻ và không có kinh nghiệm gì trong đại chúng cũng có thể đóng góp được. Cái thấy này động viên con đặt mình vào sự trải nghiệm mới mẻ đó xem sao. Tăng thân thật đúng là viên ngọc quý!

Cái nhìn tổng thể

Khóa tu online cho mình cơ hội mời quý thầy, quý sư cô từ các trung tâm ở Mỹ tham dự. Thầy Pháp Lưu, sư cô Đẳng Nghiêm, sư cô Bội Nghiêm, sư cô Kính Nghiêm, sư cô Thệ Nghiêm và thầy Pháp Dung cho pháp thoại từ năm địa điểm khác nhau. Hết thảy có 54 gia đình ghi danh, tổng số trẻ em là 91. Để cho đơn giản, ban tổ chức chỉ muốn khóa tu nói tiếng Anh và không hỗ trợ thông dịch. Có bảy gia đình đến từ Quần đảo Anh, 47 gia đình ở Bắc Hoa Kỳ, và một gia đình từ Brazil. Quý sư cô Thần Nghiêm, Ân Nghiêm, Hiển Nghiêm và quý thầy Mãn Tuệ, Trời Đại Đạo hướng dẫn bốn gia đình pháp đàm. Các em nhỏ được chia thành ba nhóm theo ba độ tuổi, mỗi nhóm có bốn vị xuất sĩ chăm sóc. Gần như một nửa số thiền sinh – 25 gia đình – chưa từng dự khóa tu theo pháp môn Làng Mai. Một điều rõ ràng là, nhờ không phải di chuyển mà nhiều gia đình có cơ hội được tham dự. Sư cô Đẳng Nghiêm, trong buổi họp sau khi khóa tu kết thúc, đã đề nghị mình nên tiếp tục hình thức tổ chức này cho dù sau này nạn dịch có hết để giúp những người không có đủ điều kiện và phương tiện đến các trung tâm của Làng.

Liệu khóa tu online có đem lại thành công?

Câu hỏi cấp thiết nhất có lẽ là: “Liệu mình có thể thổi hồn vào một khóa tu online không? Có tạo được sự kết nối thực sự không?”. Câu trả lời “Có” tràn ngập trong những ý kiến phản hồi nhận được từ các gia đình và thiền sinh tham dự khóa tu cũng như từ quý thầy, quý sư cô. Một thiền sinh nhận xét: “Khóa tu vô cùng thân thiện, giống như dành cho riêng mình. Tôi thấy rất được yểm trợ, và pháp môn thực sự đi được vào đời”. Một vị khác nói: “Con cũng khó mà tin làm sao mình có thể cảm nhận sự nâng đỡ sâu xa đến vậy dù chỉ kết nối qua ứng dụng Zoom”. Một cô thiền sinh khác lại viết: “Với con, tu học online mà tạo được tình liên kết không phải dễ. Vậy mà, trong khóa tu, con thấy mình đã làm được; thấy mình kết nối được với người khác, và cũng chia sẻ được nhiều. Trong lòng con vẫn còn giữ những kỷ niệm sâu sắc về gia đình pháp đàm online của mình”.

Vì muốn yểm trợ tinh thần cùng có mặt cho nhau, ban tổ chức sắp xếp phát trực tiếp các chương trình sinh hoạt càng nhiều càng tốt. Chúng con chỉ ghi hình, thu âm trước một số sinh hoạt, đưa ra lời giới thiệu, thông báo về các sinh hoạt thời khóa tiếp theo để giúp thiền sinh theo suốt được khóa tu. Các buổi lễ cũng được truyền qua mạng. Nói cách khác, chúng con đã cố gắng thiết kế và hỗ trợ sao cho giữ được càng nhiều càng tốt những gì cốt yếu nhất của một khóa tu thông thường, đồng thời trân trọng giữ gìn những gì thiền sinh trải nghiệm. Sư cô Đẳng Nghiêm đóng góp: “Có thể một số người thấy không thoải mái lắm với mô hình mới này, nhưng quan trọng là mình đã làm cho nó suôn sẻ và dễ dàng cho người tham dự”. Làm được điều này đòi hỏi phải có đội kỹ thuật tận tụy và phải có các thiết bị đàng hoàng. Kinh nghiệm cho thấy nếu ai đã giúp hướng dẫn tu học thì vị đó không nên lo thêm chuyện kỹ thuật máy móc. Chúng con cũng chia sẻ với nhau trong ban tổ chức, trong nhóm nhỏ chăm sóc chương trình thiếu niên và trẻ em là anh em phải đến với nhau bất cứ khi nào mình có thể. Ở xóm Thượng, anh em chúng con quây quần quanh cái phòng mới được đặt tên là “phòng hội thảo trên mạng” (webinar room). Thầy Pháp Lưu thậm chí còn treo cái võng trong đó, còn con thì cài đặt máy tính để làm chương trình Sân chơi Trẻ em ở ngoài trời, ngay cạnh phòng hội thảo, như thế mấy anh em có thể cảm nhận được sự có mặt cho nhau.

 

Nhóm Thế giới Teen với sư chú Chơn Tạng, Thiện Chí & Thiện Đức (Làng Mai, Pháp)

 

Chìa khóa chính là sự chuẩn bị

Những phần mềm công nghệ mà chúng con dùng để tổ chức khóa tu online là Zoom cho những thời khóa cần hình ảnh và âm thanh như video, Teachable để đăng tải và lưu trữ nội dung các thời khóa đã được thâu video cho thiền sinh có thể xem lại khi cần, và phần mềm BaseCamp là công cụ để quản lý dự án. Sư cô Thệ Nghiêm nhận xét: “Con rất thích hình thức quản lý do Basecamp cung cấp. Nhờ tính cởi mở, dễ sử dụng của phần mềm này, việc tổ chức, quản lý trở nên rõ ràng, dễ hiểu. Con cho rằng đây là lần đầu tiên trong truyền thống Làng Mai, chúng ta có thể nhìn thấy được những diễn tiến căn bản của quá trình tổ chức. Cực nhưng vui! Đó cũng là cách vừa làm vừa học”.

Tổ chức từ Pháp, chúng con yểm trợ các trung tâm Làng Mai ở Mỹ như Bích Nham, Lộc Uyển và Mộc Lan tham dự trong vai trò chính là hướng dẫn giảng dạy. Theo cách này, chúng con giúp các trung tâm đỡ vất vả, nhờ ở xóm Thượng có đặt các bộ phận kỹ thuật, bây giờ chỉ lo thêm phần thâu video, chuẩn bị tài liệu, và sử dụng lại những tài liệu đã có sẵn, nên công việc cũng dễ dàng hơn. Ban tổ chức cho ghi hình lại hết những thời khóa không cần bảo mật rồi đưa lên trang thông tin chính của khóa tu để thiền sinh có dịp xem lại sau khóa tu. Tuy thiền sinh có thể tìm học pháp môn Làng Mai qua rất nhiều sách của Thầy, nhưng có được phần thâu những bài giảng sinh động từ quý thầy, quý sư cô chẳng phải là điều đáng quý lắm sao!

Đưa pháp môn về nhà

Nhiều gia đình, sau khi dự khóa tu, phải chật vật lắm mới có thể tiếp tục tự thực tập. Trong khóa tu online này, chúng con gợi ý cho thiền sinh qua những câu hỏi như nếu Làng Mai đến thẳng phòng khách nhà bạn thì sẽ như thế nào nhỉ? Chúng con cũng đưa vào nội dung chương trình khóa tu những đề nghị giúp thiền sinh chuẩn bị không gian tu học ngay tại nhà: làm sao chuẩn bị thức ăn và thu xếp các sinh hoạt cá nhân xong trước khi dự khóa tu, làm sao truyền thông với người thân trong gia đình không dự khóa tu để họ thông cảm, và giúp tạo điều kiện cho mình được an tâm tu học. Chị Orla cẩn thận và khéo léo thiết kế đồ họa cho chủ đề khóa tu. Mẫu thiết kế của chị vừa tươi sáng vừa thân thiện, thể hiện thật hợp lý hợp tình tính cách của trẻ em: đơn giản và thích chơi đùa. Tình cảm chân thành của các gia đình làm con cảm động. Họ niềm nở và trân trọng “mời” mình vào nhà. Khóa tu thành công phần lớn là nhờ vào sự tham dự hết lòng của thiền sinh. Trong con tràn đầy niềm biết ơn khi được họ chia sẻ về đời sống gia đình vốn là điều họ thương quý nhất.

Chị Orla nhớ lại: “Sự khác biệt lớn nhất giữa khóa tu online và khóa tu ở tu viện là trẻ em không thể tự mình ứng phó khi dùng mạng nếu các cháu chỉ năm, sáu hay bảy tuổi. Thành ra, các cháu cần người lớn ở bên cạnh giúp tạo không gian để có thể tham dự chương trình của mình, chuẩn bị vật liệu như giấy, bút màu… cho các cháu. Thường thì ba mẹ hay khuyến khích con mình chia sẻ hoặc là hát”. Sau khóa tu, có dịp nhìn lại, chị còn thấy “có nhiều cảm tình với chương trình Trẻ em, cảm giác có một tình cảm gì đó vừa sâu vừa rất thực. Việc các cháu được tu học ngay ở nhà của mình thực sự mở ra nhiều khả năng và cơ hội mới”.

Sư cô Trăng Hoàng Yên, giúp chương trình Thiếu niên, cũng chia sẻ: “Con cho là các em thiếu niên vui vẻ cởi mở hơn bởi vì các em được ở trong môi trường của mình. Nhóm chúng con bắt đầu và kết thúc chương trình khá dễ dàng qua các sinh hoạt như: Hãy cho xem thú cưng của bạn nào! Hay hãy cho xem nhạc cụ ở nhà bạn (đàn ukulele hay tù và v.v.). Thật dễ thương!”.

Sư chú Trời Minh Dung lại nhận thấy “mấy ông bố bà mẹ phải chịu thử thách khi ráng động viên mấy cô cậu tuổi teen nhà mình tham dự chương trình trong khi các em đang ở tại nhà – một môi trường quá quen thuộc”. Ấy vậy mà phép lạ cũng xảy ra! Một em nói: “Con thấy cực kỳ hữu ích khi người ta chịu cởi mở để chia sẻ dù là nói trước màn hình. Và con nghĩ đó là nhờ quý thầy, quý sư cô hướng dẫn chương trình qua Zoom đã biết tạo được bầu không khí giúp chúng con mở lòng”.

Hiến tặng điều gì?

Thầy đã rèn luyện cho chúng ta cách giảng dạy tu tập chánh niệm sao cho sinh động, nhưng con thường quá bận lòng khi nghĩ đến phần trình bày nên cứ tự hỏi: “Mình muốn hiến tặng cái gì đây?”. Vì lo nên quên mất cái nhìn rộng lớn hơn. Những phản hồi tích cực về thời khóa ăn tối trên mạng với gia đình giúp con nhớ sức mạnh của phép thực tập căn bản. Thầy Mãn Tuệ cho rằng: “Mỗi ngày đều được ăn tối online cùng gia đình, hay lắm đó! Như thế, trong ngày mình có ít nhất một lần được ăn với nhau. Con có cảm giác, hình như, các gia đình chẳng bao giờ tạo cơ hội cho cả nhà cùng ngồi yên, ăn trong im lặng. Có gia đình còn kể họ thường xuyên cãi nhau trong bữa ăn. Ấy vậy mà trong thời khóa ăn tối chánh niệm, họ biết ngồi yên chờ đọc Năm lời quán niệm trước khi ăn. Điểm này thật đặc biệt”. Chỉ việc ngồi ăn cho có chánh niệm và yên lặng cùng nhau vậy cũng đủ rồi! Từ điều này con đã rút ra bài học không nên quá cố gắng, thay vào đó cần biết trân quý những gì bình thường, giản dị. Một thiền sinh viết: “Những bữa ăn thật tuyệt vời! Gia đình pháp đàm của mình được ăn tối với nhau trên mạng, có cảm giác như mọi người cùng ăn chung bàn và ăn cùng món. Thời gian sau bữa ăn là cơ hội rất quý để có mặt với nhau như những thành viên trong gia đình mà không phải đi theo thời khóa”.

Ý kiến phản hồi

Thầy Mãn Tuệ có cảm giác “khóa tu này cho mình năng lượng như thể các huynh đệ mình đi chuyến hoằng pháp US Tour chung với nhau vậy”. Có một vị thiền sinh nói: “Cảm giác thật tuyệt vời khi đem Làng Mai về nhà mình. Khóa tu được tổ chức khéo quá, các buổi pháp đàm cho mình cảm giác thân thiện thậm chí còn hơn cả khi mình ngồi đối diện với người khác. Xin quý thầy, quý sư cô tổ chức thêm nữa!”.

Sư cô Đẳng Nghiêm nhìn nhận: “Với riêng con, khi cho pháp thoại online, con đặt câu hỏi không biết mình có cảm nhận được sự kết nối giữa mình với người khác không, hay chỉ thấy toàn hình với ảnh trên màn hình thôi. Vậy mà dần dần, đặc biệt trong khóa tu này, con cảm nhận có tình nối kết. Thật sự là như thế! Con cảm nhận rõ sức sống tinh thần của khóa tu. Con chạm vào được tình thương, tâm phụng sự và tâm bồ đề – những lí do khiến anh chị em mình đi tu. Chúng ta đang đưa tăng thân đi vào một cuộc phiêu lưu rất kỳ thú, và con tin chắc Thầy trong mỗi chúng ta rất hạnh phúc”.

Một thiền sinh khác chia sẻ: “Cả đời con chưa từng gặp Thầy. Nhưng trong khóa tu con thường thấy Thầy. Con thấy Thầy qua những nụ cười dễ thương, qua ánh mắt thương yêu của quý thầy, quý sư cô. Con nhìn thấy tăng thân đang biểu hiện Thầy. Xin ghi nhận nơi con lòng biết ơn cho tất cả những gì con đã được trải nghiệm”.

 

Thiền trà với các gia đình bên châu Âu (nhóm Những Cây Sồi Lạc Quan “Optimistic Oaks”)