Chung một cội nguồn

Sư Ông Làng Mai

Kính thưa đại chúng,
Hôm nay là ngày 29 tháng 7 năm 2001, chúng ta đang ở chùa Cam Lộ, xóm Hạ thuộc đạo tràng Mai Thôn.

Cách đây chừng sáu năm, trong chuyến đi giảng dạy ở Ý, thầy có đi ngang qua một vùng đất trồng toàn cây ô liu. Ở Pháp hình như không có cây ô liu, hoặc có thể chỉ có một vài cây ở miền Nam, nhưng bên Ý thì có rất nhiều. Thầy nhận thấy những cây ô liu trong đám ruộng đó mọc rất ngộ nghĩnh, thay vì mọc từng cây riêng rẽ thì nó mọc một khóm ba bốn cây chụm lại với nhau. Những cây ô liu đó cũng còn trẻ thôi, khoảng chừng bảy đến tám tuổi. Khi hỏi lại, người ta cho biết trước đó bảy tám năm có một trận lạnh rất lớn và tất cả các cây ô liu trong vùng đó chết hết, người ta phải cắt sát gốc. Nhưng những cây ô liu đó chỉ chết phần trên thôi, phần gốc vẫn còn sống. Khi cây ô liu bị cắt sát gốc rồi thì từ một cây ô liu mẹ sanh ra ba đến bốn cây ô liu con. Cho nên, chín mười năm sau mình thấy những cây ô liu mọc lên từng khóm. Mình lầm tưởng, cứ nghĩ rằng có ba hay bốn cây ô liu riêng biệt, nhưng khi nhìn sâu thì mình thấy kỳ thực chúng cũng chỉ là một cây thôi, từ một gốc mà đi lên.

Giả dụ cây ô liu thứ nhất ganh tỵ với cây ô liu thứ hai. Cây ô liu thứ hai đánh lộn với cây ô liu thứ ba thì rất buồn cười. Như vậy là có sự phân biệt: “Tôi là cây ô liu khác, còn anh là cây ô liu khác”. Không biết các cây ô liu có ganh tỵ, có giận hờn nhau hay không. Nhưng có những em bé hay những người lớn, tuy phát xuất từ một gốc mà thỉnh thoảng họ vẫn ganh tỵ, giận hờn nhau. Họ làm giống như họ là những con người khác nhau, không dính líu gì tới nhau hết. Họ không biết rằng họ từ một gốc mà đi lên, họ bị sự phân biệt, kỳ thị làm cho chia rẽ. Chính sự phân biệt, kỳ thị đó làm cho chúng ta coi nhau như kẻ thù, không thương yêu nhau được dù là anh chị em trong một nhà. Cho nên, tu tập là nhìn sâu để thấy được rằng chúng ta từ một nguồn gốc mà phát hiện. Khi thấy được sự thật đó thì mình sẽ lấy đi được sự phân biệt kỳ thị, và sẽ đạt tới một loại trí tuệ rất đặc biệt gọi là vô phân biệt trí.

 

 

Trí vô phân biệt hay vô phân biệt trí, cụm từ này mình nên học thuộc vì trong trường học có thể không được học chữ này, tiếng Phạn là Nirvikalpa-jñāna. Chúng ta có cái trí giúp phân biệt được đây là bông hoa hướng dương, đây là cuốn sách. Bông hoa hướng dương khác cuốn sách. Chúng ta có thể phân biệt được đây là củ cà rốt, đây là trái cà chua. Cái phân biệt đó đôi khi cũng có ích, và trong sự phân biệt đó không có sự kỳ thị, theo phe. Đó gọi là trí phân biệt, nhiều khi rất cần. Nhưng nằm dưới tầng sâu hơn có một loại trí khác, đó là trí không phân biệt, không kỳ thị. Trí này rất quan trọng. Ở trường học, chúng ta chỉ được học nhiều về trí phân biệt thôi, nhưng là người thực tập, mình phải học thêm về trí không phân biệt. Trí không phân biệt tức là trí không có kỳ thị nhau. Mình không thể nói rằng mình không phải là người kia, người kia là da trắng, mình là da đen. Mình không thương người da trắng, mình chỉ thương người da đen thôi, hoặc là người kia là da đen mình là da trắng, mình chỉ thương người da trắng thôi, mình không thương người da đen. Cái đó gọi là phân biệt, kỳ thị. Mình nói người kia là Do Thái, mình không phải là người Do Thái, mình là người Palestine. Người Do Thái thì nói mình không phải là người Palestine, rồi hai bên kỳ thị và làm khổ cho nhau. Kỳ thực mình từ một nguồn gốc mà ra hết.

Trong Hồi giáo cũng như trong Do Thái giáo, chúng ta được học rằng tất cả đều do một gốc mà sinh ra. Tất cả đều do Allah, đều do Thượng đế mà phát sinh ra. Vậy mà mình coi nhau như kẻ thù, rồi có sự kỳ thị phân biệt, chống đối nhau và quyết một mất một còn với nhau. Sự kỳ thị phân biệt đó cần được lấy ra khỏi tâm mình bằng sự thực tập thiền quán để thấy được cái gọi là trí không phân biệt (The wisdom of non- discrimination).

Vô phân biệt trí là gì, mình có thể hiểu được, biết được, nó cũng dễ thôi. Ví dụ, nhìn vào bàn tay phải ta thấy có vô phân biệt trí ở trong bàn tay. Bàn tay này đã làm được rất nhiều việc, nó rất khéo léo tuy đôi khi cũng có một vài cái vụng về. Bàn tay này đã làm được hàng trăm, hàng ngàn bài thơ. Tất cả những bài thơ mà thầy viết xuống đều do bàn tay phải viết xuống hết, bàn tay trái này thì chưa bao giờ làm thơ. Chỉ có một lần, bữa đó thầy không có giấy, không có mực, không có viết nên phải bỏ cái bì thư vào trong máy đánh chữ và đánh máy bài thơ. Đó là bài Con nghé nhỏ đuổi chạy mặt trời. Chỉ có bài đó là hai bàn tay làm chung mà thôi, còn các bài khác thì thầy làm bằng bàn tay phải hết.

Bàn tay phải này còn làm được nhiều chuyện khác nữa. Ví dụ như mỗi khi muốn cầm cái búa thì nó cầm rất giỏi, bàn tay kia cầm dở lắm, đóng không được mạnh, đôi khi còn đóng trật. Bàn tay này đôi khi cũng có trật nhưng nó đóng khá hơn. Bàn tay này đã từng viết chữ, làm thơ, viết thư pháp và làm nhiều chuyện khác nữa nhưng bàn tay này không bao giờ kỳ thị, phân biệt hay chê trách bàn tay kia. Nó không nói rằng: “Này, bàn tay trái ơi, anh là đồ vô tích sự, anh chẳng làm được gì hết, không làm thơ được, không viết thư pháp được”. Bàn tay phải không bao giờ nghĩ như vậy. Trong bàn tay phải không có cái gọi là kỳ thị, phân biệt, không có cái mạn, là tôi hơn anh, tôi bằng anh hay tôi thua anh. Trong bàn tay này có trí tuệ gọi là vô phân biệt trí. Cho nên nó sống một cách rất hài hòa và an lạc với bàn tay trái. Bàn tay trái cũng không có mặc cảm, nó không nói: “Trời đất ơi, anh làm hết tất cả mọi cái, còn tôi chẳng làm được gì hết”. Hai bàn tay không mặc cảm, vì chúng nó biết rằng cả hai đều từ một gốc mà ra. Chúng là hai anh em, giữa hai anh em không có sự kỳ thị, phân biệt nên không có vấn đề với nhau.

Bây giờ chị gái mình với mình có cư xử được như hai bàn tay không? Em trai mình với mình có cư xử được như hai bàn tay không? Đôi khi còn đánh lộn nữa, đôi khi còn giận hờn, ganh tỵ, đủ thứ hết. Thành ra mình chưa có vô phân biệt trí nhiều như hai bàn tay của mình. Chúng ta thấy sự phân biệt tạo ra biết bao nhiêu khổ đau: người da trắng kỳ thị người da đen, người Hồi giáo kỳ thị người Ấn Độ giáo, người Ấn Độ giáo kỳ thị người Hồi giáo, người Do Thái kỳ thị người Palestine, người Palestine kỳ thị người Do Thái. Chúng ta không cư xử được với nhau như hai bàn tay của cùng một cơ thể tại vì trong chúng ta chưa có cái thấy sâu sắc của vô phân biệt trí. Ta nên biết rằng khi bàn tay này đau thì mình cũng đau, phải có cái thấy như vậy thì mới được.

Có một lần thầy dùng tay phải cầm cái búa, tay trái cầm cái đinh tính treo một bức thư pháp trên tường cho đẹp, ai dè thầy đóng làm sao mà đã không đóng trên cái đinh, lại đóng trên ngón tay khiến nó đau quá chừng. Lập tức tay phải bỏ cái búa xuống, nắm lấy cái tay đang bị đau và đi kiếm thuốc, kiếm băng để băng bó. Bàn tay phải của thầy làm một cách rất tự nhiên, không nói rằng ta là bàn tay phải, ta đang băng bó cho ngươi, ta đang chăm sóc cho ngươi, ngươi phải nhớ điều đó mà đừng vô ơn bạc nghĩa. Bàn tay phải không bao giờ suy nghĩ như vậy. Nó không có sự kỳ thị, phân biệt giữa ta và người vì trong nó có cái vô phân biệt trí rất hay. Cho nên hai bàn tay sống với nhau rất hài hòa. Khi hai bàn tay chắp lại thành búp sen thì rất đẹp. Khi ăn cơm, bàn tay trái cầm cái chén, bàn tay phải cầm đôi đũa. Tay trái không nói là tôi nâng cái chén mệt mỏi quá, còn tay phải cũng không nói là tôi phải và cơm vào miệng mệt quá. Không bao giờ chúng có sự kỳ thị, phân biệt hay than phiền như vậy. Cho nên, chúng ta biết rằng trí vô phân biệt là cái có thật mà mình có thể thấy được. Khi mình tu học thành Phật, thành Bồ tát hay La hán thì hoàn toàn mình được như vậy. Mình không còn có sự kỳ thị, phân biệt nữa.

Khi tới Làng Mai chúng ta thấy các thầy, các sư cô cũng đang cố gắng để làm như vậy. Ở xóm Hạ, mỗi sư cô đều giống như là ngón tay của một bàn tay, người thì làm việc này, người thì làm việc khác, làm một cách lặng lẽ, làm một cách âm thầm, không nói là tôi làm việc này quan trọng hơn sư chị, hoặc công việc của sư chị làm không quan trọng bằng công việc tôi đang làm. Không bao giờ quý sư cô có suy nghĩ như vậy. Tất cả đều cùng làm việc: người thì nấu ăn, người thì rửa chén, người thì đi chợ, người thì lái xe đi đón thiền sinh ở nhà ga, người thì quét dọn, người thì chùi cầu tiêu,… Không có người nào trách móc, than van, nói rằng những người kia không chịu làm, chỉ có một mình mình làm thôi. Vì sao? Vì trong họ đã có một ít trí tuệ gọi là trí tuệ vô phân biệt, tuy chưa hoàn toàn như Bụt, như các vị Bồ tát.

Các thầy trên xóm Thượng cũng vậy, công việc nhiều lắm, nhất là trong mùa hè thiền sinh tới rất đông. Nhiều người có niềm đau nỗi khổ và mình phải lắng nghe họ, chỉ cho họ cách đi thiền hành, cách thở, cách tu tập để cho họ bớt khổ, làm sao để cho họ có hạnh phúc. Đó là niềm vui của mình khi đi tu. Có người thì nói pháp thoại, có người thì hướng dẫn pháp đàm, có người chỉ đi chợ thôi, có người chỉ lái xe thôi nhưng người nào cũng hoan hỷ hết. Tại vì đi chợ cũng rất quan trọng. Người ta không có cơm ăn thì nghe pháp thoại đâu có nổi, đói quá làm sao nghe pháp thoại. Thành ra đi chợ, nấu cơm cũng quan trọng như hướng dẫn pháp đàm hay nói pháp thoại. Cho nên, người nào cũng rất vui khi được làm công việc của mình, không có sự kỳ thị. Đi chợ hay chùi cầu tiêu cũng thiêng liêng, cũng đẹp đẽ giống như hướng dẫn pháp đàm hay nói pháp thoại. Không ai có mặc cảm là mình hơn người khác, thua hay bằng người khác. Tất cả đều làm việc chung như năm ngón tay của một bàn tay, một cách rất hòa hợp, không có sự xô xát, giận hờn hay kỳ thị. Tại vì trong đó đã có chứa đựng phần nào cái thấy của vô phân biệt trí.

Có một bữa thầy Pháp Độ đi lên xóm Thượng hái rau. Ở xóm Trung mọi người thích ăn rau, nhất là rau Việt Nam, nên thầy Pháp Độ đã đi hết cả một buổi sáng hái rau ở xóm Thượng, buổi chiều còn đi xóm khác tiếp tục hái rau. Rồi có tin đồn rằng xóm Trung hết đồ ăn, sẽ nhịn đói ngày mai, ngày mốt. Khi nghe tin như vậy, xóm Thượng, xóm Hạ và xóm Mới liền đem đồ ăn xuống để viện trợ. Vì sao vậy? Vì xóm Thượng, xóm Hạ và xóm Mới đều thấy mình như là những ngón tay của một bàn tay. Khi thấy có một xóm thiếu thức ăn thì mình phải lo thôi, mình không thể nói tôi là xóm này nè, tôi đem thức ăn xuống cho quý vị đó, quý vị phải biết ơn tôi. Các xóm không bao giờ nghĩ như vậy. Trong thành ngữ Việt Nam có câu “chị ngã em nâng”. Khi người chị té xuống thì người em phải đỡ dậy và người em té xuống thì người chị đỡ dậy. Mình biết là mình từ một gốc mà ra nên mình chăm sóc nhau và không có sự kỳ thị lẫn nhau.

Trong Tâm kinh Bát nhã có câu: “Này Xá Lợi Phất, sắc chính thực là không, không chính thực là sắc, sắc chẳng khác gì không, không chẳng khác gì sắc”. Bây giờ mình đem cái đó áp dụng vào trong đời sống gia đình. Mình nói: “Này chị ơi, chị chẳng khác gì em, em chẳng khác gì chị, chị chính thực là em, em chính thực là chị, và còn ba còn má và ông nội, bà ngoại, tất cả đều như vậy hết”. “Sắc, thọ, tưởng, hành, thức diệc phục như thị”. Tức là chúng ta từ một gốc mà đi ra, chúng ta phải thấy rằng chúng ta đều là những ngón tay của một bàn tay. Vậy cho nên ngón tay cái là ngón tay trỏ, ngón tay trỏ là ngón tay cái, ngón tay cái chẳng khác ngón tay trỏ, ngón tay trỏ chẳng khác ngón tay cái. Ngoài ra ngón tay giữa, ngón tay áp út và ngón tay út cũng đều như vậy cả. Như vậy là tinh thần không kỳ thị.

Các cháu nhỏ cũng có thể hiểu được Tâm kinh Bát nhã rất sâu. Các cháu có thể đóng một vở kịch. Trong kịch có ba má, ông bà nội, ông bà ngoại và mấy đứa con. Ban đầu mấy đứa con không có trí vô phân biệt nên cãi lộn nhau, giành nhau. Bà ngoại kêu lại và nói: “Các con có biết rằng con chị tức là thằng em, thằng em tức là con chị, con chị chẳng khác gì thằng em, thằng em chẳng khác gì con chị, ngoài ra bà nội, bà ngoại, ông nội, ông ngoại, ba má cũng đều như vậy cả”. Tức là nói Tâm kinh Bát nhã đó, thành ra hai đứa nó cười hề hề, nó ôm nhau và không giận nhau nữa. Rồi ngày mai tự nhiên ba má hơi cãi lộn nhau, mình nói: “Này ba, ba chính là má, má chính là ba, ba chẳng khác gì má, má chẳng khác gì ba, ngoài ra ông nội, ông ngoại, bà nội, bà ngoại và tụi con cũng đều như vậy cả”. Đó là Tâm kinh mà mình có thể áp dụng được liền. Mỗi khi có sự kỳ thị, có sự giận hờn là phải đọc câu linh chú đó: “Thị đại thần chú, thị đại minh chú, thị vô thượng chú, thị vô đẳng đẳng chú, năng trừ tất cả những sự kỳ thị và phân biệt”.

 

 

Khi chúng ta đi vào những ngôi chùa như chùa Bút Tháp ở Bắc Ninh, chúng ta thấy có một tượng đức Bồ tát Quan Thế Âm. Tượng đó không phải chỉ có hai cánh tay mà có cả ngàn cánh tay. Chúng ta rất ngạc nhiên tại sao một người mà có thể có nhiều cánh tay như vậy. Đức Bồ tát Quan Thế Âm có tình thương rất lớn, Ngài có thể làm nhiều chuyện một lần. Khi nào mình có tình thương lớn, mình muốn làm nhiều chuyện một lần: rót nước cho người thương uống, dạy cho em học, đem sách ra đọc cho bà ngoại nghe, viết thư cho người bạn, đem cái hoa tặng ba hay má nhân ngày sinh nhật; mình muốn đúng giờ giấc để người khác cũng đi học đúng giờ, muốn đọc lá thư để chia sẻ cho những người bạn của mình, thu âm bài pháp thoại của Sư Ông cho người khác được nghe, muốn gởi cuốn sách này về cho má, đem sách này về dạy các em, hay đem sách kia đọc để ghi âm lại,… Khi mình có tình thương, mình muốn làm rất nhiều việc, nhưng mình chỉ có hai cánh tay thôi thì làm sao làm được. Cho nên đức Bồ tát có đến một ngàn cánh tay.

Bây giờ mình cứ tưởng tượng xóm Hạ, chùa Cam Lộ là một vị Bồ tát gọi là Bồ tát Xóm Hạ. Bồ tát Xóm Hạ có bao nhiêu tay? Có bao nhiêu sư cô, bao nhiêu cư sĩ thì có bấy nhiêu tay. Một tay thì làm phận sự trụ trì, một tay làm phận sự ban điều hành, một tay lo văn phòng, một tay làm tri xa, lo chở thiền sinh, và có biết bao nhiêu là tay. Mình cứ tưởng tượng Bồ tát Xóm Hạ có cả trăm cái tay. Chúng ta đừng coi xóm Hạ là nhiều người mà coi xóm Hạ chỉ như là một người. Khi chúng ta tới xóm Hạ, chúng ta thấy vị Bồ tát Xóm Hạ đưa ra cả trăm cánh tay để đón chào ta… Mỗi sư cô đóng vai trò là một cánh tay của Bồ tát. Tuy có nhiều cánh tay như vậy nhưng những cánh tay đó hoạt động một cách rất nhịp nhàng, không va chạm, không gây ra sự xích mích đổ vỡ. Cho nên chúng ta phải tập nhìn xóm Hạ như một vị Bồ tát có nhiều tay.

Chúng ta cũng phải tập nhìn xóm Thượng như một vị Bồ tát có nhiều tay. Mỗi thầy là một cánh tay của vị Bồ tát. Mình có thấy các thầy cãi lộn nhau và đánh nhau chưa? Mình có thấy các thầy kỳ thị nhau, làm khổ nhau chưa? Xóm Mới cũng vậy, cũng là một vị Bồ tát có rất nhiều tay. Mỗi sư cô, mỗi đạo hữu thường trú là một cánh tay. Mình có thấy các sư cô giận hờn, kỳ thị, chửi mắng nhau hay không? Tại vì các sư cô đang thực tập vô phân biệt trí. Tuy chưa hay bằng các vị Bồ tát lớn, tuy chưa hay bằng các đức Thế Tôn, nhưng trong mỗi sư cô, trong mỗi thầy đều có một ít cái thấy về vô phân biệt. Cho nên, họ có thể sống với nhau một cách hài hòa và hạnh phúc. Vì vậy, họ có thể tạo dựng hạnh phúc cho những người tới với họ. Tất cả đều đang làm công việc của Bồ tát để chăm sóc cho thiền sinh, làm cho thiền sinh lớn cũng như nhỏ đều được hạnh phúc trong thời gian sống ở Làng Mai. Nếu tinh thần hòa hợp, không kỳ thị đó càng lớn chừng nào thì hạnh phúc của thiền sinh càng lớn chừng đó.

 

 

Cách đây năm sáu năm, thầy có đi giảng dạy tại Hàn Quốc. Thầy được trường Đại học Phật giáo Đông Quốc ở Hán Thành mời giảng. Thầy đã giảng rằng trường Đại học phải là một vị Bồ tát, và mỗi giáo sư của trường Đại học là một cánh tay của vị Bồ tát, nếu không thì đâu phải là trường Đại học Phật giáo. Một trường Đại học Phật giáo phải được tổ chức như là một cơ thể của Bồ tát. Từ viện trưởng cho đến giáo sư, cho đến nhân viên đều phải làm những cánh tay của vị đại Bồ tát. Trường Đại học của mình sau này phải là trường của một vị Bồ tát, ai muốn làm trường Đại học Phật giáo thì phải nghĩ tới chuyện này. Trường Đại học mà chỉ cống hiến kiến thức thôi thì chưa đủ mà phải cống hiến cho sinh viên hai chất liệu trí tuệ và tình thương. Và trí tuệ này cần có chất liệu của trí vô phân biệt. Trí tuệ phân biệt thì nhiều trường Đại học cống hiến lắm nhưng ít trường cống hiến trí không phân biệt. Một Phật học viện, một tu viện hay một trường Đại học Phật giáo nếu nó đích thực là trong truyền thống Phật giáo thì nó phải cống hiến cái trí không phân biệt, chứ cống hiến trí phân biệt không thì chưa đủ. Kiến thức ngoài đời để làm bác sĩ, làm kỹ sư, làm tiến sĩ về khoa học, về văn chương thì chưa đủ. Phải có cách đào tạo phần này vì chính cái phần này là phần làm phát sinh ra hiểu biết và thương yêu, tức là lòng từ bi. Không có trí không phân biệt thì sẽ không có phần gọi là chấp nhận và thương yêu. Trường học ngoài đời người ta chỉ cung cấp cái kia thôi, trong trường học của đạo Bụt và của tu viện thì mình phải ráng để cung cấp cái này nữa. Khi cung cấp cái thứ hai rồi mới có cái thứ ba, thì lúc đó mới có hòa bình và an lạc, mới có hài hòa với nhau.

Vậy thì mình chỉ cần đưa bàn tay của mình lên nhìn cho kỹ là mình có thể học được rất nhiều từ bàn tay này. Bàn tay này chứa đựng trí không phân biệt. Bàn tay kia cũng vậy, nó hoàn toàn không có mặc cảm là tôi thua, tôi hơn hay tôi bằng. Cho nên chúng nó là hai anh em gương mẫu, hai chị em gương mẫu. Chúng ta có thể đưa hai bàn tay lên, nắm lấy nhau để cảm thấy đây là hai anh em rất hòa thuận, rất hạnh phúc. Tại vì trong mỗi bàn tay đều có trí vô phân biệt. Chúng ta, dù lớn hay nhỏ đều được mời lấy bàn tay phải nắm lấy bàn tay trái để cảm thấy rằng đây là hai anh em đích thực, hai chị em đích thực, sống với nhau hài hòa được là nhờ có cái trí vô phân biệt ở trong đó. Làm xong rồi thì thở ba hơi. Quý vị có thấy được cái trí vô phân biệt trong bàn tay mình không?

Bây giờ đưa bàn tay ra cầm bàn tay của người ngồi bên để coi thử có trí vô phân biệt trong cả hai bàn tay hay không? Người Pháp cầm tay của người Anh, người Anh cầm tay của người Đức, người Palestine cầm tay của người Do Thái, người Do Thái cầm tay của người Palestine. Chúng ta hãy cầm tay nhau để học bài học của trí vô phân biệt. Tôi chính là anh, anh chính là tôi, tôi chẳng khác gì anh, anh chẳng khác gì tôi. Đó là tinh thần của Bát nhã, đó là tinh thần của vô phân biệt trí. Đây là một bài giảng có ý nghĩa rất thâm thúy mà các cháu thiếu nhi cũng có thể hiểu được. Nếu các cháu tiếp tục học theo hướng này thì khi lớn lên sẽ có kiến thức và sự thực tập sâu sắc vững vàng về đạo Bụt.