Bước ra để thấy

Sư cô Chân Trăng Khiêm Hạ

Huế vào những ngày mưa bão…

Con sinh ra và lớn lên trên vùng đất miền Trung, nhưng dường như con chưa bao giờ thực sự biết thế nào là lũ lụt, thế nào là ngập nhà và mất hết tất cả sau mưa lũ, gió bão. Cho đến những ngày này, khi tất cả quý thầy, quý sư cô ở Từ Hiếu và Diệu Trạm chúng con đặt hết tâm sức và thời gian đem tình thương đến khắp nơi trên mảnh đất miền Trung bé nhỏ (Huế, Quảng Trị, Quảng Nam…), con mới nhận ra sự thiếu sót của mình. Hai mươi lăm năm sống trên đất Huế, nhưng đây là lần đầu con cảm nhận được nỗi đau do lũ lụt và gió bão gây ra cho người dân quê mình. Và lần này con được bước ra, bước ra để thấy trước mắt mình là những ngôi nhà đang chìm trong biển nước mênh mông…

 

 

Người dân miền lũ những ngày này phải tập “sống chung với lũ”. Những con đường đi học ngày nào giờ đây là nước. Những cánh đồng lúa xanh um ngày nào giờ đây là biển cả. Bèo trôi, lúa trôi, động vật trôi và bao nhiêu là rác cũng đang bập bềnh trên mặt nước. Năm nay lụt to, mà chẳng ai nghĩ là lại to đến vậy nên hầu như chưa có sự chuẩn bị gì hết. Nên chi, mất mát nhiều hơn, đau thương cũng nhiều hơn…

Nhớ hồi còn đi học con được nghe các bạn kể về mùa mưa lũ. Nào là nhà các bạn đều bị ngập đến nửa căn, sách vở thì ướt sũng, phải đợi cái nắng đầu tiên ló dạng, mang ra phơi thì mới có sách vở để đi học trở lại. Gia súc, gia cầm của nhiều gia đình có thể chết hết. Với cái đầu non nớt, con đâu thể hình dung được những tổn thất lại lớn đến như vậy. Con chỉ thấy vui với những con nước, vui với những trò chơi mùa lụt. Con đâu nghĩ rằng chống chọi với lụt lại khó khăn, đau thương và mất mát quá nhiều như vậy. Con thật ngây thơ.

Cho đến năm nay, khi đã là một người xuất sĩ, con đã lớn hơn, đã yên hơn, được bước ra và nhìn rõ, con mới thấy những gì đang xảy ra quanh mình trong mùa nước lũ. Và con thấy mình may mắn quá. Con có đủ cơm ăn ba bữa, áo quần khô ráo, không phải lo lắng gì cả. Con thực sự thán phục ý chí và nghị lực của người dân quê. Phải tập sống chung an lạc với những gì thiên nhiên mang lại, năm này qua năm khác. Họ vẫn chấp nhận làm lại từ đầu với những gì còn lại sau cơn lũ, dù biết rằng những gì mình tích góp được trong cả năm qua bây giờ chẳng còn gì. Nhìn những con người nơi đây, con rất khâm phục sự kiên cường và mạnh mẽ của họ. Mất người thân, mất hoa màu, mất hết những gì họ đã dành dụm bao năm. Con người miền Trung là vậy. Họ luôn cố gắng đứng lên, gạt đi nỗi đau chồng chất trong tâm hồn lẫn thể xác để gầy dựng lại mọi thứ, gầy dựng lại cuộc sống cho ngày mai.

Sau những ngày mưa bão, con được làm vườn lại. Mảnh vườn xanh tươi ngày nào nay trơ ra sỏi đá. Rau bị dập nát và úng gần hết. Nhìn cảnh hoang tàn ấy con mới hiểu rằng thế nào là mưa thối đất, câu nói thường dùng của bao người dân miền Trung. Con tự hỏi: “Sao họ có thể chịu nổi khi mọi thứ lại trở về con số không như vậy?”. Mọi thứ mất hết chỉ sau những ngày mưa to gió lớn, bão lũ hoành hành.

 

 

Bước ra để thấy và để trân quý những gì mình đang có. Chỉ cần một ánh đèn nhỏ sáng lên cho những người dân vùng ngập lụt, hay chỉ một bát cơm nóng thôi đã là quý giá, đã đủ làm họ hạnh phúc rồi. Điện cúp, nước cúp, gói mì trên tay nhưng là để ăn sống, chắt chiu chút nước sạch hiếm hoi để mong chờ ngày nước rút. Nhưng đến bao giờ? Còn con, con đang có tất cả những nhu yếu phẩm cơ bản mà một con người đang cần.

Ra khỏi vùng nước nổi, xe chúng con đang thẳng tiến lên đồi để về lại chùa. Trời vẫn còn đang mưa, cây cối còn ngả nghiêng theo từng đợt gió, hai bên đường nhà cửa như vẫn còn đang ngủ. So với vùng nước lụt con vừa đi qua thì nơi đây vẫn còn khô ráo lắm. Con thấy hạnh phúc khi ít ra vẫn còn những nơi cao ráo để khi cần thiết mọi người có thể lên đây tránh lũ. Những ngày khó khăn như vầy mới thấy cái tình được biểu hiện rõ hơn, mới thấy thấm câu tục ngữ “lá lành đùm lá rách” là như thế nào.

Khi trở về, con lại được nghe thêm các câu chuyện về những nỗi đau mà người dân phải gánh chịu mỗi ngày được quý sư cô, sư chị, sư em kể lại từ các chuyến đi khác. Mọi người lại có thêm động lực để ngày mai tiếp tục nấu cơm cứu trợ, tiếp tục lên đường.

Chuyến đi hôm nay đã đem lại cho con thật nhiều ý nghĩa. Một ngày con không thể nào quên. Con đã cho mình cơ hội được làm điều mà con luôn ấp ủ trong trái tim: “Đi để thấy, để cảm nhận, để hiểu và thương thực sự”. Nhiệt huyết tuổi trẻ không cho con lùi bước. Chỉ có một con đường là đi tới.

Những trải nghiệm thực tế này cho con thấy rõ và vun bồi thêm niềm tin vào con đường mình đã chọn. Rằng đây là đạo Bụt dấn thân, đạo Bụt đi vào cuộc đời. Và cứ thế mỗi khi chuyến đi thực tế được ghi lên bảng thông tin là mọi người đều nhanh tay đăng ký.

Con cảm ơn Bụt, Tổ; cảm ơn quý thầy, quý sư cô đã cho chị em chúng con cơ hội được bước ra, được tiếp cận và thấy rõ hơn con đường của mình.

Bước ra để thấy, để cảm nhận, để trân quý hơn những gì mình đang có.