Ngồi yên trên sóng

Sư cô Chân Hội Nghiêm

Tôi muốn kể cho em nghe những câu chuyện về biển cả. Biển đẹp và bao la quá nên tôi không biết phải bắt đầu từ đâu và như thế nào, nhưng cứ mỗi lần nghĩ về biển là tôi thấy thích thú, thấy lòng tràn đầy không gian. Tôi cũng không biết mình thích biển từ lúc nào. Chỉ nhớ khi còn đi học, thỉnh thoảng chúng tôi được thầy cô giáo cho đi biển vào những dịp hè, để được tung tăng nhảy sóng và bơi lội. Lúc còn học ở Nha Trang, mỗi sáng Chủ nhật, tôi và một người em họ thường rủ nhau đi tắm biển, ai cũng thích ngắm biển từ sớm nhưng lúc nào đến nơi thì mặt trời cũng đã lên cao. Rồi có lần tôi đi biển vào một buổi chiều, ngồi ngắm những hòn đảo xa xa đang từ từ chìm vào bóng đêm yên tĩnh. Hình ảnh đối lập của những ánh đèn đang sáng rực của phố xá nhộn nhịp sau lưng và những hòn đảo im lìm đang từ từ chìm vào bóng đêm yên tĩnh với ánh trăng tròn treo lơ lửng trước mặt làm tôi ấn tượng và nhớ hoài. 

Đứng trước cái bao la của biển cả, tự nhiên hai cánh tay của mình cũng muốn dang rộng ra để ôm lấy tất cả mọi người, mọi loài và vũ trụ. Tôi nhớ trong chuyến đi hoằng hóa ở Mỹ năm 2001, đại chúng có tổ chức một khóa tu ở gần biển. Hôm ấy, Thầy rủ vài anh chị em đi biển cùng Thầy. Được đi biển với Thầy tôi hạnh phúc như một đứa trẻ mới lên ba và lòng rộn ràng những niềm vui không sao giấu giếm được. Có lẽ vì vui quá nên tôi nói hơi nhiều, Thầy bảo: “Lắng nghe âm ba của biển đi con”. Tôi im lặng lắng nghe. Lắng nghe biển, lắng nghe tiếng sóng vỗ bờ. Từ đó tôi biết ngắm biển và thích nghe biển. Tôi có thể ngồi trước biển hàng giờ không chán. Càng ngồi càng thấy thích, càng thấy yên bình và hạnh phúc. Đôi khi tôi thích ngồi thật lâu, hít thở thật sâu, để cho tất cả những tế bào trong cơ thể mình ướp đầy không gian bao la, đầy lòng bao dung độ lượng, đầy vẻ uy hùng tĩnh lặng, đầy nét đẹp đẽ thanh cao, đầy màu xanh trong vắt và đầy vị mặn của biển. Để rồi, sau đó, dù có đang ngồi ở đâu, chỉ cần nhắm mắt lại và nghĩ về biển là tôi cũng cảm nhận được nét trong xanh xinh đẹp và sự tĩnh lặng bao la của biển đang từ từ đi vào lòng mình. Cảm nghe như mình đang ngồi trước biển thực sự vậy.

Tôi thích ngồi uống trà trên biển, ngắm bình minh đang lên hay hoàng hôn buông xuống, đặc biệt là những khi biển vắng người, không có những tiếng cười nói ồn ào, mà chỉ có tiếng thầm thì của biển và tiếng ầm ào của sóng. Trời, mây và biển cả biến hiện đủ sắc màu kỳ ảo. Những đàn chim bay lượn, những tàu thuyền đánh cá ngoài khơi, tất cả đều sinh động và đẹp đến tuyệt hảo. “Không có buổi sáng nào giống buổi sáng nào”, không có bờ biển nào giống bờ biển nào, mà biển nào cũng xinh, sáng nào cũng đẹp. Những buổi sáng như thế làm tâm hồn mình yên lắng. Thiên nhiên mới thật kỳ vĩ làm sao! Ở Pháp không khí lạnh hơn quê hương mình nhiều lắm, tháng Hai, tháng Ba khí trời vẫn còn khá lạnh mà mấy chị em vẫn rủ nhau đi biển. Ngồi yên ngắm biển, ngắm mình, sưởi ấm lòng bàn tay bằng ly trà nóng, hương thơm và hơi ấm bốc lên nghi ngút, thật là thi vị.

Những lần có cơ hội về thăm nhà vào dịp hè, sáng nào mấy anh chị em tôi cũng rủ nhau đi biển. Bốn giờ sáng mọi người đã thức dậy nấu nước rồi mang trà ra biển ngồi uống với nhau, cùng ngắm mặt trời lên. Thật là thanh bình. Sau những giây phút uống trà mọi người chơi thể thao, đi bộ hay chạy ào xuống biển, nhảy sóng, bơi lội hoặc nằm buông thư trên mặt nước, ngắm nhìn trời xanh mây trắng và nghe những lao xao của biển. Bao nhiêu mệt mỏi căng thẳng đều tan biến hết. Sau một chuyến đi biển, tâm hồn ai cũng sảng khoái, vui tươi. Biển là một bệnh viện xanh thiên nhiên dành cho tất cả mọi người. Có nhiều người ra biển để ngồi yên, ngắm cảnh, để vui chơi, để ngâm mình và cũng có những người ra biển để được thiên nhiên trị liệu. Ở Việt Nam người ta thân thiện và thoải mái, nên nhiều khi có những câu chuyện được bắt đầu trên biển. Mọi người có thể dễ dàng nhìn nhau mỉm cười, rồi bắt chuyện với nhau rất cởi mở, chân tình, vừa ngâm mình trong nước vừa chuyện trò. Quê hương mình thật dễ thương làm sao!

Có những nơi, nước biển xanh trong vắt, ngồi trên những ghềnh đá ngắm nhìn những dòng nước trong xanh ấy, tự nhiên tôi thấy lòng mình cũng trong và đẹp ra. Cái đẹp đi vào lòng mình làm cho mình cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thoát, khoáng đạt và bao dung. Những lao xao, lo lắng, bận rộn, rối ren nhờ thế mà lắng xuống, lòng mình theo đó cũng sâu lắng và tĩnh lặng hơn. Giữa đời sống hối hả bận rộn, sự yên tĩnh và cái đẹp làm cho cuộc sống quân bình.

Tôi cũng thích những lần được đi tàu trên biển, ra tít ngoài khơi, được ngắm nhìn cái mênh mông và sâu thẳm của đại dương, ngắm nhìn những con sóng vỗ vào mạn thuyền, đưa tay khoát nước, đùa sóng hay ngồi yên đón gió. Tôi nhớ có lần, từ biển Nha Trang, mấy anh chị em có dịp đi tàu ra thăm các hòn đảo lân cận. Đến đảo San Hô, mọi người được lặn xuống đáy biển xem san hô và cá. Ở đảo có rất nhiều loại san hô và nhiều loại cá, chúng sống thành những quần thể, đầy màu sắc, phong phú và sinh động. Đôi khi tôi cũng mơ mình làm một người thủy thủ lái thuyền rất uy hùng, an nhiên tự tại giữa không gian mênh mông bát ngát của biển, trời. Mỗi giây phút trên biển là một giây phút hạnh phúc, có khi yên lắng, có khi vui nhộn nhưng tất cả đều lưu lại trong tôi những kỷ niệm đẹp mà mỗi lần nghĩ về tôi như được đi biển, được sống với biển thêm một lần nữa.

Lại có những bãi biển trải dài với bờ cát trắng mịn màng, phẳng lặng. Tôi thường thích đi dạo trên những bờ biển ấy và cứ muốn đi hoài như thế, không cần phải dừng lại. Bình an lạ! Những lúc trong lòng có tâm sự, tôi sẽ thả những bước chân dọc theo bãi biển, dần dần những nỗi buồn cũng được thả xuống theo. Thật lắng dịu và an yên. Có những bãi biển có rất nhiều sỏi đẹp, có biển lại có những vỏ sò rất xinh. Đi nhặt những viên sỏi, những chiếc vỏ sò trên bãi biển cũng là một điều thú vị. Tôi nhớ có lần đi biển Bretagne ở Pháp, mấy chị em rủ nhau đi nhặt rong biển về nấu canh chua, chế mì gói và phơi khô để đem về Làng ăn dần. Ở đây có nhiều loại rong biển, trong đó có một loại rất giòn mà ai cũng thích. Biển là một bà mẹ đầy tình thương yêu, có khả năng dung chứa được tất cả các loài sinh vật biển và cũng có khả năng dung chứa được mọi tâm hồn. Tôi về với biển như người con trở về với mẹ, tận hưởng tình thương, tận hưởng vẻ đẹp và lòng bao dung của mẹ. Có khi đứng trước biển tôi lại hát cho biển nghe, hay cất giọng xướng lên một bài kệ. Có khi tôi ngồi tâm sự với biển. Và có khi là gửi vào lòng biển một lời cầu nguyện. Ngắm biển, ngồi yên với biển, nghe biển, chơi với biển, để đến một lúc nào đó thấy mình cũng là biển cả bao la.

 

 

Nói đến biển là phải nói đến những con sóng. Tôi thích biển, thích ngắm nhìn màu xanh, thích sự tĩnh lặng, bao la, uy hùng của biển mà cũng thích nghe và ngắm nhìn những con sóng, có khi êm đềm có khi dữ dội. Có những con sóng tung mình lên cao rồi rơi xuống thành những bọt sóng trắng xóa rất đẹp. Tôi thích chơi với sóng, nhảy cùng con sóng và thích ngắm nhìn những người lướt sóng. Họ có thể đứng yên và giữ thăng bằng trên những con sóng lớn. Con sóng càng lớn càng đưa họ lên cao và con sóng càng cao thì lại càng đẹp. Cũng có khi con sóng đánh úp họ, nhưng họ không hề sợ hãi, vẫn tiếp tục lên ván và lướt sóng. Tôi thích nhìn hình ảnh những em bé Tây phương mới sáu, bảy tuổi, trong bộ đồ nhái, trên tay cầm một tấm ván lướt sóng ra biển, được các huấn luyện viên chỉ dạy kỹ càng. Dễ thương làm sao! Các em được học kỹ lưỡng từ bé, thảo nào khi lớn lên các em rất bình thản, tự tin vui chơi với sóng, không hề biết sợ là gì.

Trong cuộc đời, có khi mình cũng phải đi qua nhiều con sóng, như ganh tỵ, thị phi, thương ghét, giận hờn, vui buồn, khen chê… Tôi cũng tập học hỏi để đón nhận, xử lý và vui chơi với tất cả những con sóng ấy. Có những con sóng lao xao, mình chỉ cần ngồi yên ngắm nhìn nó, thì nó cũng nhìn mình mỉm cười và lắng xuống. Nhưng cũng có những con sóng lớn đến bất ngờ làm mình trở tay không kịp. Đôi khi chúng lại đến như những con sóng ngầm, có thể cuốn trôi mình hồi nào không hay. Những lúc như thế tôi phải trở về an trú thật vững vàng nơi hải đảo tự thân, tự neo thuyền thật chặt bằng hơi thở ý thức để giữ cho chiếc thuyền của mình được yên ổn.

Cuộc đời không thể tránh khỏi những con sóng. Vấn đề là mình phải học hỏi, rèn luyện như thế nào để có thể ngắm nhìn nó, bình thản đi qua nó mà không hề sợ hãi. Làm sao để vẫn có thể lướt sóng, nắm tay nhau nhảy sóng và tiếp tục làm một chàng thủy thủ lái thuyền rất uy hùng giữa đại dương mênh mông. Đôi khi tôi thấy mình cũng là một chàng thủy thủ, đang tận hưởng không gian bao la của biển cả, lúc nào có sóng thì lướt qua, còn lúc có bão, gặp sóng to gió lớn thì tạm trú vào một hòn đảo nào đó để tránh bão, tránh sóng. Có lúc chỉ cần ngồi yên để giữ vững cho con thuyền của mình không bị lật là quý lắm rồi, bởi vì đôi khi càng cố gắng thì lại càng làm cho chiếc thuyền chông chênh. Cố nhiên, con sóng nào lên cao rồi thì cũng phải có lúc hạ xuống, và sau cùng, sóng sẽ yên, biển sẽ lặng. Nhưng cũng chính nhờ những con sóng ấy mà một phần tập khí trong mình được bào mòn và giúp mình cẩn trọng hơn.

 

 

Tăng thân mình cũng đã từng đi qua những con sóng lớn như những con sóng thần. Mọi người phải đối diện với những bất an, lo lắng. Tôi nhớ, lúc mình bị đánh văng ra khỏi Bát Nhã, không ít anh chị em đã rất hoang mang và sợ hãi. Có em đã đặt ra nhiều câu hỏi: Không biết mình có tương lai không? Tương lai mình sẽ như thế nào và sẽ đi về đâu?Lúc đó, tôi trả lời với các sư em rằng: Bây giờ là tương lai của mình bốn năm về trước. Sao lúc trước mình thấy tương lai mình xán lạn, còn bây giờ thì lại thấy bấp bênh và không có tương lai? Tương lai của mình nằm nơi ý chí tu học và bồ đề tâm của mình. Nếu mỗi ngày chúng ta đều chế tác niệm và định, nuôi lớn bồ đề tâm thì chúng ta sẽ có bình an, vững chãi. Còn con đường, còn bồ đề tâm, còn tăng thân là còn tất cả. Chúng ta hãy nương vào hơi thở ý thức, vào bước chân chánh niệm, vào những pháp môn căn bản và vào tăng thân. Đó là tương lai của mình. “Tương lai đã có rồi chỉ vì mình không thấy đó thôi”. Chúng ta đã đối diện với con sóng lớn ấy, học được rất nhiều bài học từ đó, một trong những bài học quý giá mà tôi học được là bài học của tình huynh đệ, bài học nhẫn nhịn và biết chế tác niềm vui trong mọi hoàn cảnh. Con sóng ấy đã đánh mình văng ra khỏi Bát Nhã nhưng lại đưa anh chị em mình lên cao và đi rất xa. Bây giờ ngồi kể lại là cả một kho tàng, biết bao nhiêu kỷ niệm đẹp đẽ, bao nhiêu niềm vui được cất giữ từ trong ấy.

Thầy bệnh cũng là một con sóng lớn khác. Con sóng này làm cho nhiều người chao đảo bất an, sợ mất đi người thương yêu nhất của mình. Nhiều người bàng hoàng, lo lắng và sợ hãi. Bao nhiêu câu hỏi được đặt ra: Thầy mất đi rồi tăng thân Làng Mai còn tồn tại không? Ai là người thay Thầy lãnh đạo tăng đoàn? v.v và v.v. Trong khi đó, Thầy bệnh thì bao nhiêu tuệ giác của các sư anh, sư chị từ từ có cơ hội biểu hiện. Khóa tu mùa hè đầu tiên sau khi Thầy bệnh, thiền sinh về rất đông, quý sư anh, sư chị cho pháp thoại rất hay, rất phong phú và đa dạng. Đại chúng ai cũng hết lòng thực tập để cầu nguyện cho Thầy. Mọi người đều mang theo Thầy trong lòng và nguyện thực tập vì Thầy. Mỗi người đều là một tiếp nối đẹp của Thầy bằng cách này hay cách khác. Và cho đến lúc này, tăng thân vẫn tiếp tục lớn mạnh.

Mặc dù khi đi qua những con sóng lớn ấy, chiếc thuyền tăng thân có lúc cũng tròng trành, và cá nhân ít nhiều cũng bị suy sút, hao gầy. Nhưng rồi con sóng ấy đã rèn luyện nên những chiến sĩ dạn dày sương gió và học được những bài học kinh nghiệm quý giá. Tôi thấy được tấm lòng nhẫn nại bao dung của quý thầy, quý sư cô đang thương yêu chăm sóc Thầy hết mực; tấm lòng của những người anh, người chị chịu thương chịu khó vì đại chúng; tấm lòng của những người em hết lòng tin tưởng vào tăng thân và vào con đường của mình. Qua những biến cố ấy ta thấy rõ một điều là cùng với tăng thân, ta có thể nắm tay nhau nhảy qua được tất cả những con sóng lớn.

Rồi con sóng dịch bệnh Covid-19 đã cuốn mất nhiều mạng sống của con người. Ở châu Âu và châu Mỹ số người chết tăng lên rất nhanh. Nhiều người đã không nhìn được mặt người thân của mình trước lúc ra đi. Ba, mẹ, người thân mất cũng không về được. Những bất an, lo lắng, căng thẳng của xã hội cũng ảnh hưởng đến đời sống tăng thân. Tôi nhớ lúc có một thầy được bác sĩ chẩn đoán là bị covid, đại chúng cũng đã căng thẳng lên rất nhiều. Em nào mới bị sốt một tí là phải đi cách ly ngay để bảo vệ an toàn cho đại chúng. Tuy nhiên, chưa bao giờ chúng ta lại thấy trân quý người thân, trân quý hơi thở của mình như giai đoạn đó. Đại chúng đêm nào cũng ngồi thiền cầu nguyện và gửi năng lượng lành đến cho thầy ấy và cho tất cả mọi người.

 

 

Những lúc có sóng lớn lại là những lúc mình tu tập nhiều và miên mật nhất. Tôi nhớ hồi ở Bát Nhã khi sự kiện xảy ra, các chị em cũng ngồi thiền cầu nguyện và gửi năng lượng thương yêu đến những người đã hại mình, có khi ngồi một lần đến sáu, bảy tiếng đồng hồ. Ngồi quên cả ăn. Tôi không hiểu năng lượng đâu để cho mình làm được điều ấy, mặc dù đại chúng lúc đó còn rất trẻ, có em chỉ mới tu một vài năm thôi. Lúc Thầy mới bệnh cũng vậy, mọi người ai cũng thực tập miên mật, hết lòng và nguyện chuyển hóa một tập khí cụ thể nào đó của mình để gửi năng lượng thương yêu, hòa thuận đến cho Thầy.

Giáng sinh năm nay tôi không gói quà tặng cho mọi người mà dành phần đó tặng cho đồng bào bão lụt. Bên cạnh đó, tôi đọc kinh và thu thanh lại, để gửi tặng cho ba mẹ, người thân và cho tất cả những ai cần đến. Hễ rảnh mười lăm, hai mươi phút hay nửa giờ là tôi đi thu thanh. Thật kỳ lạ, tôi thấy mình khỏe khoắn ra, trong lòng thì vui tươi và tràn đầy năng lượng. Tôi thấy mình có nhiều không gian hơn, thảnh thơi và thư thái hơn. Mặc dù những công việc, dự án vẫn còn đó mà lòng thì thấy nhẹ nhàng, rỗng lặng. Không hiểu vì sao tinh thần tôi lại phấn chấn như thế. Tôi thấy rõ là không phải vì lời kinh đánh động tôi, mà có lẽ là có một nguồn năng lượng tâm linh nào đó của Bụt, Tổ yểm trợ tôi, cho tôi nguồn năng lượng tinh thần này. Một món quà cho đi là được nhận lại ngay, xứng đáng và giá trị hơn cả món quà mình hiến tặng. Mùa Noel qua rồi mà tôi vẫn còn tiếp tục đọc kinh và thu thanh. Có lẽ không phải để tặng cho ai khác mà là để tặng cho chính mình.

Mặc dù con sóng dịch bệnh bây giờ vẫn còn đang dâng cao ở các nước châu Âu nhưng anh chị em có thể mỉm cười đón nhận mà không còn sợ hãi nữa. Đi cùng với con sóng dịch bệnh, nhu yếu được đến với nhau, được tu học cùng nhau của mọi người cũng lên cao vì Làng đóng cửa không nhận khách gần cả năm nay. Để đáp ứng những nhu yếu đó, đại chúng cũng đã tổ chức những khóa tu online cho thiền sinh. Ban đầu cũng khá căng thẳng vì đây là một lĩnh vực mới mà mọi người chưa có nhiều kinh nghiệm, đặc biệt là về vấn đề kỹ thuật. Tuy nhiên, ai cũng hết lòng dấn thân, cùng nhau học hỏi, xử lý căng thẳng, xử lý lo lắng, để rồi sau nhiều khóa tu online suốt năm qua, cuối năm 2020 và đầu năm 2021 này, đại chúng đã tổ chức thêm được một khóa tu online trong năm ngày cho hơn 1200 thiền sinh. Thiền sinh khắp nơi ai cũng an vui và hạnh phúc, không kém gì khóa tu xảy ra tại Làng. Điều này cũng làm cho quý thầy, quý sư cô phấn chấn vì thấy rằng mình có khả năng đem đến hạnh phúc cho rất nhiều người. Niềm vui và lòng biết ơn lại thêm một lần nữa tràn dâng. Nếu chúng ta không biết ngồi yên trên những con sóng ấy thì chắc chắn cũng sẽ không tổ chức được một khóa tu như thế. Các anh chị em bây giờ lại có thêm nhiều niềm vui và tự tin hơn để mở những khóa tu online khác. Tuy đi qua những con sóng đó, có khi thật vất vả, khó khăn và hao gầy, nhưng trong lòng mỗi người, ai cũng có được những kinh nghiệm quý giá, những kỷ niệm và thành quả tốt đẹp cho mình. Những con sóng lớn ấy đã lưu lại những dấu ấn lịch sử rất đẹp cho tăng thân.

Tuy nhiên, cuộc đời không phải chỉ là những con sóng. Cuộc đời còn là biển cả bao la. Sau những đợt sóng cuồn cuộn, biển lúc nào cũng trở lại bình yên để hiến tặng những tinh hoa cho cuộc đời, để cho những chàng thủy thủ tiếp tục lái thuyền ra khơi và tận hưởng sự mênh mông của biển cả. Biển muôn đời vẫn thế, luôn dạt dào yêu thương.