Cùng nhau ra biển lớn

Sư cô Chân Trăng Lộc Uyển

Sư cô Trăng Lộc Uyển, xuất gia năm 2010 trong gia đình cây Trúc Vàng, hiện đang là một vị giáo thọ tập sự trẻ năng động của xóm Hạ, Làng Mai, Pháp. Sư cô phát nguyện cùng những sư cô khác làm thị giả chăm sóc sư cô Lan Nghiêm (người Hà Lan) trong thời gian sư cô Lan Nghiêm bệnh nặng cho tới lúc xả báo thân. Bài viết này là những trải nghiệm tâm linh trong thời gian thị giả.

 

 

Nhân duyên

Đó là một buổi chiều tháng Bảy khi con mới tới xóm Hạ. Sư chị trong cây dẫn con đi chào quý sư cô. Có một sư cô chào con rất thân mật, hỏi con có biết nói tiếng Anh không. Con thì thầm trong bụng: “Trời đất ơi, sao trên đời lại có người to cao thế nhỉ?”. Đó là sư cô Lan Nghiêm.

Nhân duyên đưa đẩy, con được ở chung phòng với sư cô nhiều lần – phòng của những người, vốn rất ít ỏi ở xóm Hạ, thích không khí mát lạnh và mở cửa vào mùa đông.

Ngày sư cô về lại chúng sau sáu tháng nghỉ ngơi và phát hiện bị ung thư, con đang làm văn phòng cho các khóa tu online. Dù rất muốn, nhưng công việc liên tục, thật khó tìm ra giờ để đến chơi với sư cô. Con áy náy lắm. Quyết định làm thị giả cho sư cô là cách hay nhất để bộc lộ tình thương đến người bạn “trẻ” của con mấy năm nay. Chuyến hành trình bắt đầu.

Làm quen

Lúc mới hóa trị lần một, sư cô còn khoẻ và kể đủ thứ chuyện cho con nghe. Nào là chuyện hồi sư cô còn nhỏ, đi thuyền với ba, cho tới chuyện sư cô mua nhà mới ở Amsterdam (Hà Lan) rồi bỏ hết mọi thứ để qua Pháp, sống với cộng đồng nuôi bò làm cheese (phô mai)…

Bao nhiêu năm ở với sư cô, con cứ ngỡ khả năng lắng nghe những câu chuyện không hồi kết của sư cô trong con đã rất vững chãi. Vậy mà sau một, hai tuần làm thị giả, con trở nên sợ hãi. Sợ hãi vì bất cứ lúc nào con cũng nghe thấy giọng nói của sư cô. Khi con nhắm mắt ngồi thiền hay trước khi ngủ con cũng chỉ thấy sư cô với những hành động và cử chỉ. Sợ hãi vì trong con mang nhiều năng lượng của sư cô và con có cảm giác như con không còn là mình. Con là bản sao của sư cô.

Cho đến khi, trong một buổi ngồi thiền, con thấy rõ: đúng rồi, làm sao con không giống sư cô được. Bất cứ ai, khi gần gũi như thế cũng bị ảnh hưởng lẫn nhau. Tất cả đều đi vào tâm thức hết cho dù mình muốn hay không. Tự dưng, những tâm trạng sợ hãi khi thấy mình đón nhận rất nhiều năng lượng từ người mình chăm sóc làm con nghĩ tới các y tá ở bệnh viện hay những người chăm sóc người già. Con chăm sư cô nhưng con được ở trong chúng, môi trường rất tốt, được ngồi thiền và thiền hành… mà còn có những khó khăn này thì những y tá, điều dưỡng ở bệnh viện sẽ ra sao? Ý thức này giúp con có động lực để nhìn sâu vào phương pháp thực tập và chăm sóc mình trong khi thị giả. Vào một buổi sáng, con thấy rất rõ sự liên hệ mật thiết giữa mình và mọi thứ xung quanh. Con thấy mình còn khỏe và là người gián tiếp đón nhận sự sợ hãi, khó chịu từ sư cô mà còn bị lên xuống như vậy, huống hồ là sư cô, người đang phải đối diện trực tiếp với những cơn đau nhức từng giờ, cộng thêm sự sợ hãi hoang mang khó tránh khỏi khi phải đối diện với dấu hiệu của cái chết đang đến gần, một sự thật mà phải công phu dày dặn mới vượt thoát được. Cái thấy này giúp con có thêm động lực thực tập. Con nói thầm trong tâm: “Sư cô chịu đau cho con và con thực tập cho sư cô”. Con tiếp nhận sự thật về tương tức. Thay vì sợ hãi và chối từ những năng lượng đó, con chấp nhận nó như một loại bùn quý hiếm để tạo động lực nhìn sâu vào nỗi sợ chết vẫn thường âm ỉ trong chiều sâu tâm thức con.

Mỗi buổi ngồi thiền, nhất là trước khi ngủ con đều đặt mình vào hoàn cảnh là người đang hấp hối và thực tập bài Thân này không phải là tôi…

Mỗi khi gần gũi chăm sóc sư cô, con luôn nhắc nhở mình cảnh tỉnh: Tôi thế nào cũng phải như thế, thế nào cũng già, cũng bệnh, cũng sợ hãi cái chết, sợ hãi không biết sẽ đi về đâu.

Thực tập như vậy, con thấy niềm biết ơn tràn dâng. Với con, sư cô là một vị Bồ tát hiện thân, chấp nhận sự đau nhức, khổ sở của thân thể trước mặt con để giúp con tỉnh giấc: đừng nghĩ là mình còn trẻ. Cái bệnh, cái chết có thể tới bất cứ lúc nào và không trừ một ai. Phải tinh chuyên tu học để nếm được tuệ giác vô sinh bất diệt. Con nói với mạt na: “Em không đủ sức để đánh lừa ta nữa đâu. Cái chết có thể tới bất cứ lúc nào. Ta có thể chết bất cứ lúc nào”.

Con đã trực tiếp cảm ơn sư cô vì sư cô chấp nhận về chúng để được chúng chăm sóc. Điều này ý nghĩa vô cùng với đại chúng: Thật yên lòng khi được bệnh trong chúng. Có rất nhiều người, khi biết mình bị bệnh thì không dám ở trong chúng vì sợ làm phiền chúng. Sư cô là sư cô Tây phương đầu tiên bị bệnh nặng và ở lại trong chúng để đại chúng chăm sóc suốt thời gian điều trị cho đến khi qua đời. Con biết chăm sóc sư cô cũng là chăm sóc cho tương lai của con và của đại chúng. Những biểu hiện bệnh của sư cô như tiếng chuông cho đại chúng xóm Hạ trở về tự thân để thực tập quán già, bệnh, chết và trân quý lẫn nhau.

 

 

Trong khu rừng của sợ hãi, hoang mang

Đó là buổi sáng trước khi sư cô đi hóa trị lần hai. Bốn giờ sáng, một sư em thức con dậy, báo là sư cô đang rên la trong phòng và gọi con. Khi con đến, sư cô khóc và nói: “Lộc Uyển, giúp sư chị. Sư chị không biết sư chị đang ở đâu. Tại sao cái giường lại di chuyển thế này?”. Sư cô khóc sướt mướt như một em bé đầy sợ hãi, hoang mang. Sư cô không hiểu tại sao lại thấy mình đang ở trên tàu lửa để đi tới Ý. Nhờ kinh nghiệm làm thị giả trước đây nên con biết cách mát xa để đưa máu về tim và làm mềm các cơ bắp ở cổ, đầu. Con tiếp tục một tay xoa tai để sư cô được buông thư, tay còn lại đặt trực tiếp lên bụng để truyền hơi ấm cho sư cô. Con bắt đầu làm thiền hướng dẫn. Con hỏi sư cô có cảm nhận được bàn tay con đang đặt lên bụng sư cô không? Sư cô trả lời có. Rồi sư cô lại hỏi con, tại sao sư cô ở trên tàu lửa và tàu lại đi tới Ý. Con không trả lời mà tiếp tục hướng tâm sư cô tới bàn tay ấm của con bằng cách vừa hướng dẫn vừa hỏi sư cô về cảm nhận bàn tay ấm và sự phồng lên, xẹp xuống của bụng.

Được vài phút, sư cô hỏi, tại sao sư chị lại bị như vậy? Câu hỏi được lặp lại nhiều lần. Con tiếp tục giữ sự hướng dẫn. Gần hai tiếng đồng hồ như vậy. Trong thời gian đó, sư cô rất sợ ở một mình và không cho con đi đâu hết. Con còn nhớ, sư cô nói rất mạnh: “Xin đừng để sư chị ở một mình, xin đừng để sư chị ở một mình”.

Con tiếp tục làm thiền hướng dẫn. Sư cô từ từ trở về với hơi thở rồi ngủ lúc nào không hay. Con cũng vậy, một tay vẫn đặt lên bụng sư cô, tay kia vịn vào cái giường rồi vừa ngồi vừa ngủ lúc nào không hay.

Nửa tiếng sau sư cô tỉnh dậy. Sư cô nhìn con: “Hơ, bây giờ sư chị về rồi”. Bây giờ sư cô đã trở lại bình thường, sư cô biết mình đang ở đâu.

Ngồi yên nhìn lại, con nghĩ là sư cô đã rất hoang mang trước khi đi hóa trị lần hai. Vì thế các cơ bắp co cứng lại, máu không về được tim và lên não nên sư cô rơi vào sự hoảng loạn. Chuyến tàu đi Ý đó là chuyến tàu tới gặp bác sĩ hóa trị vì cô bác sĩ ấy là người Ý.

Một thời gian sau đó, sư cô phải nhập viện một tuần để truyền máu và potassium. Về xóm, sư cô trở nên khó tính đến kỳ lạ, dễ cáu gắt và muốn làm chủ tất cả mọi thứ, nhưng lại hay quên. Chúng con hơi cảm thấy bất lực. Con quyết định thử nghiệm một cách khác. Con cũng biết tính sư cô nên mới dám làm như vậy. Sư cô cáu gắt với con sau khi con chuẩn bị thuốc (lần đầu tiên sư cô khó chịu với con vậy), con thở sâu một lúc rồi tâm sự: “Thưa sư cô, chúng con rất thương và tình nguyện chăm sóc sư cô với tất cả tấm lòng. Nhưng chúng con cũng có những yếu kém và hạn chế, nhất là kiến thức về thuốc ở xứ Tây này. Nếu sư cô thấy chúng con không giúp được gì, sư cô cứ nói với sư cô Thủy Nghiêm để thay thị giả. Chúng con không muốn làm cho sư cô mệt”. Nói xong, con chuẩn bị tâm lý để đón nhận hậu quả. Nhưng sư cô yên lại hẳn, giọng nói trở nên mềm hơn, nhưng buồn hơn. Con cũng lo lắm. Con hỏi sư cô cần gì thêm không trước khi con rời đi. Sư cô nói sư cô làm được với giọng hơi buồn. Sáng hôm sau, một sư em thị giả cho con biết là sư cô đã trở nên ngọt ngào hẳn, làm gì sư cô cũng cảm ơn hết. Ôi, hú hồn! Vậy là thành công. Từ đó, sư cô hoàn toàn tin tưởng chúng con, và tin tưởng sư cô Đào Nghiêm, người giúp về thuốc thang và liên lạc bác sĩ.

Ung thư bắt đầu di căn lên não. Sư cô từ từ không hiểu nhiều vấn đề và không biết mình đang ở đâu. Có nhiều khi sư cô hỏi mấy câu hỏi mà con nửa muốn khóc, nửa muốn cười: “Tại sao người ta lại làm đồng hồ? Tại sao sư chị lại ở đây? Làm sao mà người ta phát hiện ra chị bị ung thư ?”.

Cơ thể yếu dần, nhưng tâm thức thì có thể chưa thực sự chấp nhận sự thật ung thư, nói gì là cái chết. Nếu sư cô ra đi trong trạng thái như vậy thì không hay một chút nào. Cả chúng ai cũng biết như thế nhưng chưa biết tìm cách nào để giúp. Con còn nhớ, thời gian đó, hôm nào con cũng niệm Bồ tát Quán Thế Âm, mong sao năng lượng từ bi trong con cũng được thức tỉnh để con có thể làm gì đó giúp sư cô.

Sức mạnh của tăng thân

Một thời gian sau, cả đại chúng mới biết là sư cô bị ung thư giai đoạn cuối. Hai lần hóa trị sau, người ta chỉ bơm hóa chất vào để sư cô không bị lở loét thôi chứ không thể cho đúng liều như người thường được. Không thể giúp sư cô phục hồi. Bây giờ là giai đoạn giúp sư cô đi qua được sự trầm cảm và chấp nhận sự thật rằng mình sẽ chết trong một thời gian ngắn nữa. Chị em thị giả bắt đầu hát nhiều bài về tuệ giác không sinh, không diệt. Đại chúng cũng bắt đầu có lễ cầu an hai lần mỗi tuần.

Có một buổi tối, sư cô trở mình thức dậy, con hỏi: “Cơ thể của sư cô thế nào?”.

Sư cô trả lời: “Ờ, sư chị cảm thấy vui và dễ chịu”.

Nghe được câu nói đó con vui quá chừng. Không biết đã bao lâu rồi cơ thể của sư cô mới cho sư cô được một sự bình an, dễ chịu như vậy. Con nói: “Sư cô có biết tại sao sư cô lại thấy vui không? Bởi vì đại chúng đang gửi năng lượng bình an cho sư cô đó”.

Nghe vậy sư cô nói: “Ồ! Vậy hả, cảm ơn đại chúng”.

Có một hôm, sau buổi thiền tọa, con thấy để sư cô có thể chấp nhận sự thật sống chết phải nhờ tới sư cô Chân Đức. Sáng đó sư cô Chân Đức sang thăm, con đã chia sẻ với sư cô về tình trạng hiện tại của sư cô Lan Nghiêm. Sư cô Chân Đức đến ngồi bên cạnh sư cô Lan Nghiêm. Sau khi hát một hai bài, sư cô bắt đầu bỏ mũ ra và con biết, bài pháp thoại bắt đầu. Sư cô chia sẻ hạnh phúc khi được làm đệ tử của Sư Ông, được biết tới sự thực tập chánh niệm và được sống với quý sư chị, sư em dễ thương. Rồi sư cô hỏi sư cô Lan Nghiêm có biết bài pháp thoại mà ngài Xá Lợi Phất chia sẻ với ngài Cấp Cô Độc trước khi ông ấy lâm chung không? Không đợi trả lời, sư cô tiếp tục:

Con mắt này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào con mắt này.

Cái tai này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào cái tai này.

Thân thể này không phải là tôi, tôi không bị

kẹt vào thân thể này.

(Kinh Độ người hấp hối – Nhật tụng Thiền môn)

Càng lúc, giọng nói của sư cô càng mạnh và càng đầy định lực. Con còn nhớ như in ánh mắt của sư cô Lan Nghiêm khi nằm yên lắng nghe, không nhúc nhích như một em bé đang được bố mẹ chỉ dạy những điều quan trọng nhất.

Sau khi khai thị xong, sư cô Chân Đức hát thêm mấy bài nữa rồi chào ra về. Cơn đau kéo tới dồn dập nơi sư cô Lan Nghiêm ngay sau đó. Chúng con xoa bóp cho sư cô cả giờ vẫn không thuyên giảm. Con ý thức rằng đây là một cơn đau giá trị. Sư cô đã bắt đầu tỉnh thức trước sự thật mà không tránh né nữa. Mạt na đã phải quay đầu nhìn lại.

Chấp nhận được bùn thì sen nở

Mười ngày trước khi buông bỏ cơ thể, sư cô đau hơn mọi hôm. Con thưa: “Sư cô ơi, sư cô biết chúng con thương và không ngại khi chăm sư cô. Nhưng con thấy ung thư đang lan nhanh. Nếu lúc nào đó sư cô chịu không nổi thì sư cô cứ buông bỏ cái thân này đi nhé. Đại chúng luôn có mặt để hộ niệm cho sư cô”.

Sư cô trả lời: “Sư chị đang nghĩ tới chuyện đó. Tình hình càng trở nên khó khăn hơn”.

Con vui quá khi nghe vậy. Những câu nói đó chứng tỏ dấu hiệu của sự chấp nhận nơi sư cô – chấp nhận sự thật.

Tự tin hơn, con hỏi:“Thế sư cô nghĩ sư cô có thể tiếp tục như vậy trong bao lâu?”. Sư cô chưa chịu trả lời. Biết tính sư cô, con mở lời: “Vài tháng, vài tuần hay vài ngày?”. Sư cô nói: “Sư chị nghĩ có thể tiếp tục khoảng hai tuần”.

Không tin chắc vào những gì mình nghe, con hỏi lại: “Ý sư cô là hai ngày hay hai tuần ạ?”. Sư cô nói: “Sư chị nghĩ có thể tiếp tục khoảng hai tuần”.

“Sư cô có muốn con làm gì cho sư cô không? Có điều gì sư cô còn hối hận hay hối tiếc không?”. “Không!”, sư cô trả lời.

Con tiếp tục: “Vậy sư cô có muốn quý thầy, quý sư cô tới hát cho sư cô nghe không?”. Sư cô gật đầu.

Từ hôm đó, căn phòng lại tràn đầy tiếng ca hát và lời chia sẻ về những kỷ niệm đẹp từ các thiên thần áo nâu.

Hai ngày sau đó là phiên trực đêm của con. Trước khi ngủ, con hát bài Đã về đã tới. Ngạc nhiên thay, sư cô hát cùng con. Lúc này, lưỡi của sư cô đã thụt vào rồi nên giọng không còn nghe rõ. Tuy nhiên tới đoạn cửa vô sinh mở rồi thì sư cô hát với rất nhiều quyết tâm. Con cảm nhận là sư cô đang có một quyết tâm lớn muốn thấy tuệ giác không sinh không diệt. Con thưa: “Con được biết mục đích cao nhất của người tu là thấy được tuệ giác không sinh, không diệt. Tuy còn trẻ nhưng con cũng muốn thấy được tuệ giác này”. Sư cô liền trả lời: “Sư chị cũng vậy”.

Nghe được câu này, con sung sướng vô cùng. Lấy lại mấy hơi thở sâu, con tiếp tục: “Hiện tại, sư cô đang thực chứng già, bệnh và có thể cả cái chết trước con, nên có thể sư cô sẽ thấy tuệ giác này trước con. Nếu sư cô thấy, sư cô chia sẻ cho con với nhé”. Lúc đó, sư cô nói giọng ngọng ngọng mà cho tới giờ phút này, mỗi lần nghĩ tới là con không cầm được nước mắt và sẽ không bao giờ quên: “Sư chị nhất định sẽ nói cho sư em biết trước khi sư chị lên đường. Sư chị nhất định sẽ nói cho sư em biết trước khi sư chị lên đường”. Sau đó, con mở bài pháp thoại Sư Ông giảng về tuệ giác vượt thoát sinh diệt, đến đi. Nụ cười nở trên môi sư cô. Nụ cười đó còn mãi cho tới sáng hôm sau, và cho tới giờ phút sư cô buông bỏ thân thể.

 

 

Hai người em gái của sư cô cho biết, ngay sau ngày sư cô nghe pháp thoại, đang nằm, tự dưng sư cô nói lên hai lần: “Tôi thấy rồi, tôi thấy rồi”.

Con vui quá. Từ hôm đó trở đi, năng lượng của sư cô khác hẳn. Từ sự sợ hãi lo lắng và nằm ngủ để quên sự thật thì sư cô trở nên bình an lạ thường và nghỉ ngơi rất sâu. Cơn đau thì càng ngày càng tăng nhưng tâm thức càng lúc càng nhẹ nhàng. Những hôm đó trở đi, mỗi tối con ngồi thiền ở phòng sư cô với một sự bình an đến lạ kỳ. Có khi con có cảm giác đang được ngồi với Sư Ông như trước đây con được thị giả Sư Ông.

Rồi sư cô không chịu để y tá lấy máu hay truyền thức ăn nữa. Cơ thể sư cô càng ngày càng yếu, nhưng năng lượng tỏa ra thì bình an vô cùng. Con để ý, nếu như trước đây mỗi khi đau đầu, bàn tay trái của sư cô sẽ ôm và bóp đầu thì sau này, sư cô chỉ bắt ấn cát tường và để trên đầu thôi.

Tối Chủ nhật ngày 29 tháng 11, sư cô trở nên khó thở. Nhớ lại lời hứa cách đây một tuần, con thưa: “Sư cô thương, tuy sư cô không chia sẻ bằng lời với con nhưng qua biểu hiện, con biết sư cô đã nếm được tuệ giác không sinh, không diệt. Con cảm nhận rất rõ rằng sư cô đã thấy, đã biết sư cô sẽ đi về đâu và không còn sợ hãi nữa”. Sư cô Đào Nghiêm thấy và cho con biết là sư cô đã nhíu mày để trả lời con.

Hôm sau, hơi thở sư cô yếu lắm, nhẹ lắm, phải nhìn bụng mới biết sư cô còn thở. Tối thứ Hai, ba chị em thị giả, sư cô Đào Nghiêm và hai người em gái của sư cô ngủ lại phòng sư cô. Năm giờ sáng, cả nhà ngồi lại uống trà. Con pha trà đen, loại sư cô thích, để mọi người cùng uống. Chúng con chia sẻ bao nhiêu kỉ niệm đẹp về sư cô. Buổi sáng đó thật huyền thoại và linh thiêng đối với con.

Hai tiếng sau đó, con đi rửa bình trà trở vào, thấy sư cô Đào Nghiêm ngồi sát giường, tay đặt trên bụng sư cô. Sư cô đã đi rồi. Con đặt tay lên bụng sư cô. Cơ thể đã yên nghỉ. Một sự bình yên vô tận của cơ thể và tâm thức. Tất cả trở nên tĩnh lặng.

Con tới thiền đường Hội Ngàn Sao báo tin. Lúc đó, đại chúng vừa kết thúc buổi lễ. Sư cô đã chờ đại chúng tụng giới xong mới ra đi. Sư cô đi lúc 7 giờ 15 phút sáng ngày 1 tháng 12 năm 2020.

 

 

Người đã đi, thế còn người ở lại?

Đã 49 ngày từ lúc sư cô buông bỏ sắc thân, nhưng lâu lâu, câu nói mà sư cô đã nói khi có một nhóm quý thầy tới thăm, cứ vang vọng trong con: “Tôi nghĩ tôi thông minh nhưng bây giờ nó không có ích gì nữa”.

Đúng vậy, chứng kiến những gì xảy ra cho sư cô, con thấy rõ ràng rằng tài năng, trí thông minh không giúp ích gì khi mình nằm trên giường bệnh và khi mình sắp chết. Chính tình thương yêu, săn sóc của những người sư chị, sư em xung quanh, chính sự nương tựa hết lòng nơi tăng thân của mình mới giúp mình đi qua giai đoạn khó khăn đó. Con tự hỏi, vậy mình phải tu học như thế nào, phụng sự ra sao để mình không bị kéo đi bởi công việc, bởi thích thú phát triển tài năng mà quên đi giá trị của tình huynh đệ và mục đích cao cả của người xuất gia?